LỜI THƯA QUÝ THÂN HỮU
Một cái mốc đáng nhớ của tôi, cá nhân mình có một ấp ủ ước mong cùng thân hữu sẽ thực hiện tuyển tập: “Gặp nhau bên động hoa vàng –Cùng thơ đi giữa đời thường”. Bằng niềm tin mãnh liệt cho một mùa xuân hy vọng, chia sẻ, kết nối với quý thân hữu từ bốn phương góp ý đồng tình hùn chữ – hùn giấy mực, viết bài cộng tác cùng chung tay vỗ nên kêu chia sẻ thật thú vị:
“Nếu anh em mình thương ảnh thì làm cho anh Phạm Thiên Thư một tập sách, rồi tổ chức ra mắt. Một phần ký gửi các hiệu sách và trên mạng. Không in nhiều. Vấn đề muôn thuở là tài chính. Nhưng phải có anh Lê Viết Yên đứng ra lo mới được. Nhờ thêm Tuệ Lãng, trẻ trung nhanh nhạy. Khỏi cần thư ngỏ anh ơi?… (Nguyễn Phú Yên) “Mỗi lần anh đưa anh Phạm Thiên Thư họp mặt cùng thân hữu tôi rất quý cả hai anh.
Nhiều khi không nói ra nhưng tôi quý tấm lòng. Anh Phạm Thiên Thư phải được đàn em quý trọng mới đúng, về tư cách và tài năng. Lớp trẻ tài năng không bao nhiêu mà đôi khi hơi kênh kiệu!”
“…Chuyện đời anh ơi. Nói biết mấy cho vừa!”
“…Hồi trước tôi gặp anh Phạm Thiên Thư, tình cờ chứ đâu dám làm bạn. Tôi thực sự không viết được, tôi ngưỡng mộ anh ấy nên có được một tập sách về anh ấy thì rất mừng. Đó là ước mong chứ không phải kế hoạch gì đâu. Một cá nhân không thể làm được mà phải có một tập thể có nhiều điều kiện mới thực hiện được. Đi vào thực tế thì thấy khó! Tương tự như trước đây, mấy anh em Bình Thuận muốn viết cuốn Văn nghệ sĩ Bình Thuận mà rồi cũng thua… Thôi để lúc nào có điều kiện chín muồi!”
Và khi chúng ta cùng nhau lên tiếng, mang nặng chất đời thì lời văn thơ ai cũng vậy, là một lời tâm tình, đi từ những trái tim yêu quý anh Phạm Thiên Thư, thực tại mà chúng ta góp mặt trần gian đẹp quá! Những bài viết cảm nhận, biên khảo, những vần thơ tự tình dành tặng anh nói dùm tất cả bạn đọc, những ngập ngừng, những niềm vui mở ra những bài viết sà cánh xuống với những người bạn văn, những phận người trong cuộc sống này, để chúng ta gặp Phạm Thiên Thư cô đơn bao giờ cũng bắt đầu từ tâm trạng cá nhân nhưng ở đây nó tiêu biểu cho cả thân phận làm người qua một loạt ẩn dụ liên kết trong những bài viết. Ở đây là niềm cô đơn của con người trước cái vô thường, xã hội và nghệ thuật buồn thường xuất hiện trong chúng ta những cuộc rong chơi, ai biết cho rằng thơ ca Phạm Thiên Thư thấm đẫm thiền vị, trầm luân trong bi kịch của đời trong những thế hệ 4x,5x,6x? Chúng ta viết để nói rằng chúng ta cô đơn tận cùng như cột cờ. Xin cùng nhau lắng nghe những vần thơ :
Chắp tay hoa – Phạm Thiên Thư – Đạo ca 9
Chắp tay lạy Người, cho xin nụ cười
Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi
Chắp tay lạy Ðất, cho mầm cây tươi
Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi
Chắp tay lạy nữa
Tôi lạy mây bay cho trời cao rộng
Tôi lạy sông trôi cho sạch sầu đời
Tôi lạy tất cả hiện hữu diệu vời
Ðâu không là Phật?
Ðâu chẳng là Trời?
Dù bông hoa cỏ, dù hạt bụi rơi
Như suối suôi non, như mây lên ngàn7
Như sông vượt trùng, như ánh trăng vàng
Xin mở lòng ra cho trời đất hiện.
Tâm là đảo quý giữa biển luân hồi
Thần thánh đi rồi, chỉ có lòng thôi
Hiện hữu đây rồi, không ý không lời
Tôi không là Tôi,
Người không là Người
Mười phương mây nổi như cánh hoa trôi
Như sóng ra khơi, như hơi gió thổi
Như mây xa vời, như bóng hạc trời
Tôi không là Tôi,
Người không là Người
Chắp tay lạy Người, xin cho nụ cười
Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi
Chắp tay lạy Ðất, cho mầm cây tươi
Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời
Chắp tay lạy Người, chắp tay lạy Trời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi
Lạy mãi không thôi! Lạy mãi không thôi!
“Chắp tay lạy người cho xin nụ cười”
Tất cả những điều mình có trong đời sống này đều là tạm bợ. Nếu được hạnh thông, hãy vui hưởng, vì nó sẽ chóng qua. Nếu không thuận lợi, cũng đừng lo lắng, vì nó cũng sẽ không kéo dài. Hãy trân trọng những gì ta đang có để nó được kéo dài mãi bên ta, muôn sự trên đời nầy như mây, như khói rồi trôi đi, bay qua. Buồn phiền là những nhát dao tàn khốc khắc lên những nếp nhăn trên khuôn mặt người ta. Thà vứt bỏ buồn phiền, đi tìm tiếng cười, đi tìm nguồn vui tiếng ca hát còn hơn tìm trăm phương ngàn kế để làm đẹp, để hóa trang, để cứu vãn hồng nhan đã mất. Chính những bài viết của chúng ta về Gặp nhau bên động hoa vàng – Cùng thơ đi giữa đời thường như một chia sẻ kết nối giữa anh Phạm Thiên Thư và bạn đọc. Sau cùng cảm ơn tất cả quý anh chị em việc chúng ta làm cho nhà thơ Phạm Thiên Thư. Thật xúc động và đáng khâm phục. Phải chăng đó cũng chính là niềm hạnh phúc vô biên của Cho và Nhận ?
Lê Viết Yên