EM ĐỪNG RỦ NHỚ ĐI XA

Ngày đăng: 2/10/2020 07:58:20 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tập thơ “Em đừng rủ nhớ đi xa” của nhà thơ Phạm Đức Mạnh vừa ra mắt đã gây nhiều tiếng vang trên thi đàn, nhiều nhà phê bình cũng đã nhận xét. Đây là bài cảm nhận của Tiến sỹ Hoàng Thị Thu Thủy – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế về tập thơ này. Xin giới thiệu với bạn đọc để thấy thêm cái nhìn khác về tập thơ.(LM)

Em đừng rủ nhớ rong chơi/ bữa nay bão quét ngoài khơi đổ về/ Triều cường ngấp ngó vai đê/ sông thương tủi giận hồn quê ngập sầu/ Trời chùng nhủng nhẳng mưa ngầu/ đồng không mông quạnh trắng mầu khổ rơi/ Bường qua đói rách tả tơi/ kiếp nghèo chèo chống sóng đời phong ba/ Em đừng/ rủ nhớ đi xa/ mưa giông gió giật quở ta nát lòng…”.

Trong những ngày bão Noul đổ bộ vào thành phố Huế, quét gãy đổ nhiều cây xanh của thành phố có thương hiệu “thành phố xanh bên dòng sông xanh”, tôi đã đọc những dòng thơ trên trang bìa của tập thơ “Em đừng rủ nhớ đi xa” của nhà thơ Phạm Đức Mạnh như để tìm thêm sự đồng cảm, tập thơ dày dặn với 108 bài thơ vừa xuất bản vào tháng 7/2020.

Nhà thơ đã lấy điểm tựa ở sự bộc lộ thế giới nội cảm của nhà thơ trước cuộc đời, thế giới nghệ thuật trong thơ anh nghiêng về cảm nhận những đổi thay của thiên nhiên, hay là mượn cớ đổi thay của thiên nhiên để gửi gắm cảm xúc cùng em – đối tượng trữ tình và nhân vật trữ tình… chung quy vẫn là “cái tôi” trữ tình của thi nhân; từ chuyện “Vay nắng”, “Phận gió”, “Mặt trời vẫn hát”, “Mặt trời tình yêu”, “Chiều tàn”, “Ghẹo mưa”, “Gió ơi”… đến chuyện “Thổi tắt hoàng hôn”, “Tắm trăng”, “Mưa thầm”, “Nhường xuân”…

Đối tượng để nhà thơ gửi gắm tình cảm, là nguyên nhân trực tiếp khơi dậy nguồn tình cảm của tác giả là “em”, hình bóng “em” xuất hiện trong toàn tập thơ: “Sao hè/ đổ nắng ra phơi/ Để em bỏng dáng giữa trời lửa thiêu/ Ước mây/ chở ngập tình yêu/ Mùa tim rừng rực cháy chiều vì em” (Ước). Là em, vì em, em là cái cớ để anh mộng mơ, có vẻ như nhà thơ chỉ ước về em nhè nhẹ thế thôi, không bạo liệt dữ dội như kiểu “Em có mùa thu/ anh có em” (Đi tới mùa thu – Phan Thanh Bình). Dù có lúc anh viết: “Yêu em/ yêu rã cả hồn/ Nhớ em/ cháy cả/ hoàng hôn mỗi chiều/… Cho dù/ trái đất vỡ toang/ Xác tan/ về cõi điêu tàn/ vẫn yêu” (Vẫn yêu), thì tôi vẫn có cảm giác là nhà thơ đang tự trấn an mình, chứ chưa thể bộc lộ cùng “em”. Mộng mơ cũng thành thi tứ, nên nhà thơ cũng có những vần thơ mơ mộng cùng em: “Đêm say/ trăng cũng ngủ rồi/ chỉ còn ta với gió ngồi/ khấn sông/ Đỏ lòng/ trắng nước mênh mông/ Không em sóng nhớ bềnh bồng/ trầm tư” (Ngồi với gió). Có những vần thơ có cái nhìn đa tình của thi nhân: “Vô tình nút cấm quên cài/ Để ai lúng liếng ngực ai trăng tròn/ Mắt vương trên đỉnh đồi non/ Quẩn quanh khe núi hương còn đang bay/ Trái tim thất lạc vì say/ Đất trời đổ sập – đang ngày hóa đêm/ Vô duyên khát hắt hủi thèm/ Một cơn gió thoảng làm em giật mình” (Vô tình). Cái nhìn của thi nhân thì đa tình, nhưng ngôn từ thì vẫn tinh tế, ẩn giấu cảm xúc như ca dao thuở nào, đó cũng là nét riêng của nhà thơ. Dường như trong anh những câu ca, lời ru thuở nào vẫn còn ám ảnh, nên tứ thơ vừa quen vừa mới: “Ta về/ rủ bướm đi chơi/ rủ mây lễ hội, rủ đời đi say/ Mời làng/ ăn miếng trầu cay/ đón em ôm cả tháng ngày sang sông/ Vườn mong/ gió lẻ bỏ không/ Có em hương nhớ lại mênh mông tình” (Rủ). Cảm nhận về em, bày tỏ cảm xúc về em đủ các cung bậc từ nhớ thương, kỉ niệm, đến lo lắng, giận hờn… dù ở trạng thái cảm xúc nào thì giọng thơ của anh cũng nhẹ nhàng, nhẫn nại, ý tứ; dường như cái nhìn của anh khá điềm đạm, chứa đựng những ước mơ thật gần gũi, yêu thương, không quá xa vời … chỉ lắng đọng cùng không gian và nhịp thời gian. Do vậy, không gian trong thơ anh là trăng, mây, sông, nước… nơi chứa đựng cảm xúc trữ tình của trái tim yêu nhưng không dám bạo liệt: “Bên ấy/ em đứng tuốt mưa/ Bên này/ anh ngồi vuốt nắng/ tương tư rắc vào trống vắng/ Những hạt gió trầm…” (Về bến tình); “Vây chiều mưa ngúng nguẩy/ Gió ghẹo em giữa trời/ Em trốn vào mái nhớ/ Mưa thất tình buông lơi” (Mưa); “Cứ 1/1.000 giây lại nhớ em…/ Cứ 1/1.000 giây nhớ lại thèm…/ Cứ 1/1.000 giây lại nhớ nhung…” (Nhớ) – đọc bài thơ này tôi có cảm giác như đang gặp lại một vài thi tứ của Thơ mới với cái tôi rụt rè, e ngại vì yêu.

Thể loại thơ được anh sử dụng khá quen thuộc: thơ lục bát; thơ 4 chữ; thơ 5 chữ; thơ tự do – viết theo thể tự do, ý tứ mới mẻ hơn (Đổi nắng cho em, Đời va hoài gió, Tại…, Ác mộng, Vọng trưa, Ru mình…); có đôi bài thể nghiệm theo lối thơ văn xuôi (Mặt trời vẫn hát, Thổi tắt hoàng hôn) – đó cũng là cách mà nhà thơ đang tự làm mới mình trong hành trình sáng tạo.

Đọc thơ anh, tôi hình dung chân dung thi sĩ, bởi cái giọng thơ hiền hòa, nhẹ nhàng, không lên gân, không chua xót, dù có những cảm nhận về nhân sinh thế sự thì cũng nhè nhẹ một nỗi buồn: “… Kẻ nghèo/ thấp thểnh bước chân/ Người giàu bảnh chọe/ áo quần, xe sang…” (Màu lặng im); “Long đong đời trộn long đong/ Phận nghèo sao mãi đeo vòng kim cô” (Nốt trầm tương tư). Phải chăng sau những trang báo mang tính thời sự, ký sự (anh công tác tại Báo Pháp luật Việt Nam, Thời báo Tài chính Việt Nam…) anh đã dành riêng cho mình một không gian thơ nhẹ nhàng, sâu lắng gửi gắm cảm xúc trong sáng tạo thi ca của mình. Với vai trò tiên phong của nhà báo, với sự bộn bề công việc mà anh đã xuất bản liên tiếp 7 tập thơ từ năm 2013 đến nay thì thật trân quý. Nàng thơ vốn “đỏng đảnh”, đến với thơ dường như nhà thơ đang bước vào miền “hoang vu” trong niềm “hoan lạc” để trở về với cái tôi thi nhân đích thực của chính mình, dù anh viết cho anh, nhưng khi trình làng cũng là cách chia sẻ và tìm tri âm cùng bạn bè thương mến, đó là tình cảm thân thương của thi nhân.

Huế ngày 25/9/2020                                      

  1. TS.Hoàng Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác