VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC “ĐƯỜNG VỀ QUÁN VĂN” CỦA NHÀ BÁO LƯƠNG MINH
Tập truyện “Đường Về Quán Văn” của nhà báo Lương Minh đã phát hành gần một tháng nay. Quyển sách đã được nhiều bạn đọc, nhiều nhà văn, nhà báo giới thiệu và viết lời bình. Nay tôi lại nói về tác giả và tác phẩm này, liệu có muộn màng chăng? Nhưng khi cầm quyển sách trên tay với hình thức tuyệt đẹp và nội dung vô cùng phong phú, đã thôi thúc tôi nói lên vài cảm nhận của mình, dù có muộn.
Tôi quen biết anh Lương Minh vào đầu năm 2015, khi vào sinh hoạt với trang nhà Tống Phước Hiệp. Lúc ấy anh là phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam. Anh đi nhiều, biết rộng; tính tình giản dị, hòa đồng, được nhiều người quý mến.
Đọc qua một số bài viết của tác giả, tôi được biết con đường vào nghề nhà báo của anh không bằng phẳng như những người có kinh qua trường lớp chính quy. Mà anh đã đi lên từ không đến có, từ sự nổ lực không ngừng, vừa làm vừa học. Các bạn có thể tìm hiểu thêm ở Phần 1: “Nghề báo và tôi” trong “Đường Về Quán Văn” sẽ rõ.
Tôi thích nhất là nội dung tập truyện được chia ra nhiều phần rõ rệt, giúp chúng ta dễ dàng tìm đọc và tham khảo. Chẳng hạn như Phần 2 của sách nói về một số “Nhân vật” và sự kiện. Trong đó, tác giả có viết về nhà văn Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê với những mẫu chuyện thực tế đầy thú vị. Họa sĩ Lâm Chiêu Đồng với dòng tranh xé dán độc đáo ở Vĩnh Long…và nhiều nhân vật khác.
Tôi nhận thấy tác giả rất “mặn mòi” về mảng “Du lịch và Chợ”. Được thể hiện trong Phần 3, 4 của tập truyện. Có lần tôi đi Côn Đảo, anh đã căn dặn tôi: “Nhớ tìm hiểu chợ Côn Đảo về viết bài nhé!” Khi về tôi cũng có viết nhưng thật tình mà nói, ít ai viết về chợ bằng anh Lương Minh. Thật vậy, anh đã có sự quan sát tinh tế và nhận định sâu sắc về từng khu chợ, qua từng thời kỳ… Du lịch cũng thế, đi đến đâu anh cũng ghi lại hình ảnh rồi giới thiệu với mọi người những nét đặc trưng, độc đáo mà đôi khi chúng ta không chú ý đến.
Phần cuối quyển sách nói về vấn đề “Đi Chùa” và “Chơi cũng kiếm ra tiền”. Ở đây, tác giả đã có cái nhìn thấu đáo về việc đi chùa, đi hành hương và chuyện ẩm thực ở các ngôi chùa mà anh đã đi qua. Cũng như chơi kiểng, chơi tranh…thế nào để kiếm ra tiền? Thật là những kinh nghiệm đáng học hỏi.
Với văn phong bình dị, chân tình, không dùng mỹ từ sáo rổng, “Đường Về Quán Văn” của nhà báo Lương Minh đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin bổ ích, nhiều tư liệu quý báu, thiết thực cho cuộc sống đời thường.
Chỉ trong vài giờ ngắn ngủi tiếp cận với “Đường Về Quán Văn”, tôi như người “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa nắm được đầy đủ nội dung, tinh thần của tác phẩm. Xin mời các bạn tìm hiểu, khám phá thêm khi có trong tay quyển sách này.
Cảm ơn anh Lương Minh đã tặng sách quý. Chúc anh luôn vui khỏe và có nhiều tác phẩm mới.
6/9/2020
My Nguyễn
H