KÝ GIẢ SÀI GÒN
Đọc ĐƯỜNG VỀ QUÁN VĂN của Lương Minh, tự dưng trong tôi bật lên mấy chữ “ký giả” và “Sài Gòn”. Bởi vì, tập sách này là câu chuyện của một nhà báo làm việc như kiểu xưa (trước 1975) và cái chất ký giả của miền Nam, của Sài Gòn hiện lên rất rõ nét.
Ký giả Sài Gòn là sự nhanh nhạy, đơn giản, không màu mè, dễ thích nghi, chịu áp lực công việc cao, rất thiết thực và không kém phần tài tử. Ký giả Sài Gòn là lao vào lĩnh vực thị trường chứng khoán và phải bắt kịp thông tin, trong khi phải mày mò vừa làm vừa học.
Ký giả Sài Gòn là một lúc có thể viết tin cho cả 4-5 tờ báo dù bận rộn kiểu gì. Ký giả Sài Gòn là viết thật ngắn theo kiểu “điện tín”, trọng thông tin và tinh giản chất văn chương đến tối đa. Ký giả Sài Gòn là dành một số tiền kha khá cho việc sưu tập sách, để rồi sau khi nghỉ chạy đua với tin bài, sẽ quay về với văn chương…
Là cuốn sách của một ký giả thứ thiệt, Đường Về Quán Văn cho người đọc nhiều thông tin và tư liệu, đặc biệt là về văn hóa của vùng đất Nam Bộ, của Sài Gòn thứ thiệt. Lịch sử, con người, cảnh quan, đời sống, phong tục, dân tình hiện lên sinh động qua ngòi bút giản dị, hồn hậu, chân chất đến mức “cục vắt hòn” của tác giả Lương Minh.
Cuốn sách là sự đúc kết chuyện “một thời liều mạng” thử, theo và yêu nghề làm báo của tác giả, nhưng đồng thời, đó cũng là chuyện đất nước trong những tháng năm có nhiều biến động về kinh tế và văn hóa. Cuốn sách cũng tái hiện sinh động về cuộc hồi sinh của báo chí thị trường thập niên 1980-1990 với sự ra đời của thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Vì vậy, có thể gọi cuốn sách này là ngoại sử của báo chí Việt bên cạnh các chính sử khác. Thiết nghĩ, sinh viên khoa báo chí nên đọc cuốn sách này..
(Lẽ ra, tác giả nên lấy nhan đề cuốn sách là “Một thời liều mạng” thì phù hợp hơn với nội dung. Và, cái chữ ở bìa sách cũng không đạt cho lắm)
TS Nguyễn Thị Tịnh Thy
GV Khoa Ngữ văn ĐH Huế
*****
(Đường về Quán văn, Lương Minh, Nxb. Hội nhà văn, 2020)
h3