ĐỜI CÁT, ĐỜI SEN – MA TRẬN CỦA SỰ THINH LẶNG ĐỜI MẸ

Ngày đăng: 28/08/2020 06:10:50 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Hiếm khi tôi đọc một quyển sách ngay khi được tặng. Tối hôm ấy, nhận sách về, tôi mở xem, bỗng nhận ra đây là quyển truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Thị Liên Tâm được xuất bản, chẳng phải một thi phẩm. Nguyễn Thị Liên Tâm vốn được biết là một nhà thơ với 6 tập thơ, một họa sĩ với nhiều tác phẩm, nhưng với việc viết truyện ngắn chỉ là khi lòng đã trào dâng.

Buổi sáng, tôi bắt đầu đọc, bằng truyện ngắn “Đời cát đời Sen”, một cuộc đời của một người mẹ chín mươi tuổi đời gắn bó, tần tảo quanh quẩn cùng đồi cát, cùng bàu sen, nơi đó cha và chồng mưu sinh bằng nghề đánh cá và bà là người thu gom thành quả để đắp đổi mưu sinh qua mười cây số đường cát từ xóm Lương Tây, đỉnh Dốc Hầm, Bàu Trắng từ sáng tinh mơ.

“Mỗi buổi sáng trong lành, khi vài giọt sương từ mấy nhánh bằng lăng treo lủng lẳng những chùm hoa tím rơi lộp bộp trên mái tole thì Bé Con đã lủn củn đi sau cha men theo con đường đất nhỏ, vượt qua những đám rẫy mì, rẫy bắp, rẫy mè, rẫy dưa của xóm Lương Tây. Vượt qua không biết bao nhiêu cát là cát. Hằng hà sa số cát. Không biết cát ở đâu mà giăng giăng đồi đồi, bãi bãi”(NTLT, Đời cát đời sen)

Nhịp tồn sinh của người mẹ đều đặn gói gọn trong khoảng cách mười cây số đi, mười cây số về suốt vòng đời mình. Nhịp gõ đều của khắc nghiệt thời gian, và không gian gió lộng, cát bay, cơn lạnh tinh sương đã biến người mẹ thảnh một người mẹ nghiện ngập, từng chút một, từng chút một tiệm tiến dần lên.

“Đến một ngày, Bé Con không còn là bé con nữa. Mỗi sáng sớm mùa đông, đi trên những đồi cát lạnh, tửu lượng Bé Con tăng dần. Lúc đầu chỉ là vài ngụm cùng chồng để ấm bụng lúc hừng đông. Dần dà vài ngụm trong nhiều lần của một ngày, nên đã uống thành cả xị… Khoảng mười năm sau, tăng lên hai xị, vị chi là nửa lít rượu mỗi ngày. ”(NTLT, Đời cát đời sen)

Toàn thể câu chuyện nằm trong một trạng thái tiếp diễn, liên tục như một vòng đời. Đồi cát biến đổi từng khoảnh khắc theo cơn gió cuốn. Mệnh người cuồng xoay theo khắc nghiệt thời gian. Và người mẹ trong vòng xoáy ấy từ non trẻ già theo dòng đời một cách đơn điệu, buồn thiu:

“Cả đời đi về con đường dốc và cát đủ màu này, trừ mấy ngày Tết và giỗ chạp, sinh nở; tính lại mẹ đã đi về trên ba mươi ngàn cây số – ba phần tư chu vi trái đất. Quanh quẩn ở vùng đất này nên hiểu đất rõ biết bao nhiêu. Mỗi ngày uống nửa lít rượu. Cả đời uống khoảng 1.500 lít. Nhiều như thế nên hiểu cuộc đời sâu hơn, vui buồn cũng nhiều hơn.”(NTLT, , Đời cát đời sen)

Cơn nghiện ngập hàng ngày, hai lần say sau cái chết người chồng, sau lần đứa con bị chôn sống trong động cát, hình ảnh người mẹ say lang thang gào rú bi thương trong đêm khuya đã được tác giả chấm phá như nét phác họa trên tranh, nhòe nhạt như chính mệnh đời không có gì vui của một bà mẹ cả đời gõ hoài nhịp chân trên mười cây số đi về

“Năm mẹ Sen ngoài bốn mươi, có cái hang độc ác đã dấu thằng con trai yêu quý của mẹ vào lòng đất như chôn sống. Lúc ấy, mẹ nghe như ai bóp nghẹt trái tim. Và mẹ nghiệm ra, con mẹ bị cái án của đời cát lưu truyền. Cũng chính cái đêm hôm ấy, mẹ say lần thứ hai trong đời. Lần thứ nhất là khi ba lũ trẻ bỏ mẹ mà đi không một lời trăng trối. Mẹ đã uống cả hai xị cùng một lúc rồi vật vưởng, lang thang, gào rú một mình trên đỉnh dốc Hầm, lòng chết điếng vì mất con”(NTLT, Đời cát đời sen).

Cái nhòe nhạt ấy đã làm lao xao lòng tôi. Hình ảnh một mảnh đời không chút hoài vọng ấy đại diện cho một sống đông người mẹ tần tảo Việt Nam, cả đời chỉ biết phơi mình cùng sương gió dành giật từng bát cơm manh áo cho chồng con. Họ xem đó là thiên chức mà không hề nghĩ đó là sự hy sinh. Cái cò vẫn ngày ngày lặn lội trên đồi phi sa ấy nào có nghĩ gì cao xa.

“Chóng vánh. Bé Con của chín mươi năm trước giờ lưng còng, tóc bạc, da mồi mỏng như tờ giấy quyến.”

…. “Mẹ vượt cát, lên đồi vì nhớ một thói quen đã làm suốt gần chín mươi năm. Lên đồi cát, ra bàu Trắng để nhớ cái bóng ngày xưa của Ba, của ông chồng bỏ mẹ ra đi trước. Con cháu nói mẹ già lẩm cẩm, cứ nhớ chi chuyện cũ gần một trăm năm rồi” (NTLT, Đời cát đời sen)

Câu chuyện mẹ sắp đến hồi chung cuộc, dường như chớm khơi nguồn cho một chuyển tiếp khởi sinh sợ cô độc cho kẻ truyền thừa. May mắn thay, nhưng cũng chua xót thay, lại là đứa cháu ngoại khuyết tật không biết nói không biết nghe. Nó chỉ nghe bằng mắt những lời thầm thì của những ngọn đồi phi sa ấy. Những cơn lộng cát sắc màu như hun cháy cơn mê đắm của nó. Nhìn những sắc màu cát trắng, đò, hồng, xám, đen….của những vạt đồi cát nó âm thầm nuôi lớn ước mơ:

“Cát quê nhà sẽ mãi ở quê nhà nếu không cho nó có cơ hội đi xa, thâm nhập vào những cuộc đời mới. Phải biết cách làm cho cát có cuộc đời của cát, cho cát đi xa hơn nơi nó đã sinh ra. Cái thằng cháu khuyết tật không thèm nói, không thèm nghe của bà thật khéo tay. Con gái bà nói nó đi học vẽ, học làm tranh cát từ một nghệ nhân ở thành phố, nhưng lại là dâu con của vùng cát này. Rồi nó về quê, lặn lội tìm cát đủ màu ở đồi Hồng, đồi Trắng, đồi Bà Tiên, đồi Đất đỏ…. Rồi tỉ mỉ, tẩn mẩn từng chút một, với những lọ cát nho nhỏ, những cái muỗng nho nhỏ, các bạn khuyết tật nho nhỏ… để làm tranh cát. Mẹ thấy nó làm ra cảnh vật nơi này, nơi khác; hình ông nọ, bà kia. Nhưng nó chẳng thèm làm cho bà một bức.” (NTLT, Đời cát đời sen)

Nó đâu biết rằng hình tượng còm cõi nhăn nheo của người bà dãi nắng dầm mưa đã từng bao lần rơi vào ống kính của những nhiếp ảnh gia săn ảnh trên đồi cát. Và bao giải thưởng đã được trao tặng cho những nhiếp ảnh gia ấy. Chỉ có điều cái đẹp của nghệ thuật chỉ là cảm nhận của sự phù phiếm đời, chẳng đổi thay nếp nghèo nếp khổ của cuộc sống mẹ. Bà còng vẫn mười cây số đường cát đi về.

“Nó đâu biết rằng, những dấu chân mẹ tăm tắp trên đồi cát trắng đã được mấy tay chụp hình chụp lấy chụp để. Nó đâu biết rằng, khuôn mặt nhăn nheo của mẹ cũng được các họa sĩ vẽ và gửi đi dự thi rồi đoạt giải lớn.

Dấu chân gầy trên cát và khuôn mặt già nua đầy vết nhăn của mẹ cũng còn có ích lắm.” (NTLT, Đời cát đời sen)

@

Có một cao trào duy nhất của truyện, kể lại lần đối mặt với cọp thời còn hoang sơ của ông nội và cha của Sen. Một trạng thái lóe lên chưa kịp chuẩn bị hồi hộp đã sớm tắt ngấm không như phim ảnh. Như một viên sỏi ném xuống bàu sen chỉ gợn lên một con sóng đồng tâm, loang dần rồi biến mất trả lại mặt êm ả bàu sen

“tiếng gầm của cọp vang lên như tiếng xe của bà Thêu (người có xe tải đầu tiên của vùng này) rú lên đỉnh dốc Hầm. Hai cha con mất cả hồn vía, run như cầy sấy, nghĩ rằng phen này thân thể sẽ chẳng còn. Nhớ lời ông nội dặn, khi con cọp vằn vện có lẽ còn ít tuổi lừ lừ xuất hiện, Ba chống cây rựa trước mắt, nó nhìn một lát rồi bỏ đi. Lần đó hú vía, y như được sinh ra trên đời lần thứ hai; về nhà nội cúng giải hạn, lạy như tế sao.”(NTLT, Đời cát đời sen)

Một trạng thái rất thực với người khai hoang. Tôi cũng đã từng đối mặt với chú heo rừng độc chiếc trong khu rừng núi Sơn Thành, Tuy Hòa. Chỉ một chiếc rựa trên tay trong trạng thái bình tĩnh đối đầu. Con heo dừng một chút ngần ngừ rồi mất hút. Nào cần chi một cao trào bi đát lâm ly.

Nét đẹp của một đời mẹ với khuôn mặt mộc, đó là điều tác giả đã làm được. Dù mẹ có nghiện ngập vẫn nhớ con đường mười cây số đi về trên cát. Mẹ vẫn lầm lũi đi cho tròn vẹn kiếp người . Dẫu cơn gió đời có xóa nhòa những vết chân trên cát, mẹ vẫn kiên tâm vẽ lại từng ngày, từng ngày. Mẹ không son không phấn, đời mẹ chỉ dài mười cây số đi về nhưng nghe ra viễn đại muôn trùng. Hãy lặng im ta sẽ nghe ra những điều thâm diệu của nhân gian. Xin gởi một đóa sen cho người mẹ phi thường nhưng rất bình thường.

ĐẶNG CHÂU LONG

27-08-2020

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác