BIỂN THU VẪN HÁT CHO NGƯỜI

Ngày đăng: 11/05/2020 07:51:10 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Những thế hệ đàn em như chúng tôi, đúng ra là thế hệ con cháu, hân hạnh được biết nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (NS), tác giả của tuyệt phẩm ‘Thu, hát cho người’, thông qua thầy Michel Nguyễn Hạnh, mà chúng tôi thường gọi thân mật là anh Hạnh. Rất biết ơn anh Hạnh vì sự kết nối tuyệt vời này. Đó là: sáng Chủ nhật trời trong, ngày 26/06/2011…Xin nhắc lại một chút kỷ niệm cách đây 9 năm về trước. Vào năm 2011, bỗng dưng chúng tôi nổi hứng yêu thích âm nhạc trở lại sau một khoảng thời gian khá dài miệt mài mưu kế sinh nhai. Vào thời điểm đó, thỉnh thoảng có dịp được giới thiệu với một số văn nghệ sĩ thuộc thế hệ tiền bối. Thế là máu văn nghệ được thổi bùng lên với nguồn năng lượng yêu thương nồng ấm trong miền giai điệu tuyệt diệu mà không yểu điệu.

[1.] Cơ duyên gặp tác giả

Một hôm trong dịp ngồi uống café cuối tuần với nhau, anh Hạnh cho biết mình đang thực hiện một số việc với anh Sao Biển (anh Hạnh thường gọi NS Vũ Đức Sao Biển như vậy), và sắp tới sẽ còn nhiều buổi gặp gỡ như vậy nữa. Không biết tới lúc đó mấy anh em có chút thời gian ghé thăm NS không, có gì rủ nhau đi chung cho vui.

  • Dạ, thăm tác giả ‘Thu, hát cho người’ hả anh?”, tôi hỏi.
  • Đúng rồi em”, anh Hạnh đáp.
  • Thế thì ‘Allez, allez, allez, allez’ sớm đi anh, mà ở đâu vậy anh?”.
  • Hơi xa đó nha, ở quận 12, gần cầu Tham Lương”.

Ý nghĩ về việc sắp sửa được ghé thăm nói chuyện trực tiếp với tác giả ‘Thu, hát cho người’ tại tư gia làm cho chúng tôi cảm thấy háo hức trong lòng. NS Vũ Đức Sao Biển vốn có nhiều ca khúc nổi tiếng, nhưng có lẽ ‘Thu, hát cho người’ được nhắc tới nhiều nhất, gắn liền với cuộc đời âm nhạc của ông.

Xét về trục thời gian thì tác phẩm này lớn tuổi hơn tôi. Khi ‘Thu, hát cho người’ được trình làng vào năm 1968, lúc đó bản thân tôi vẫn chưa chào đời bằng tiếng khóc hài nhi. Chúng tôi tạm đoán mò rằng có thể vào giây phút đó thần thức mình vẫn còn lang thang phiêu bạt ở một cảnh trung gian xa xăm huyền bí nào đó, vẫn còn hoang mang trôi dạt ở một cõi trung ấm (bardo) xa xôi huyền vi nào đấy hoặc đang được “dẫn dắt” tìm cơ hội thích hợp chờ tiếng chuông reo “khớp lệnh” chào đời phù hợp với hoàn cảnh và tâm cảnh riêng biệt.

[2.] Buổi gặp gỡ đầu tiên

Chúng tôi nhẩm tính đoạn đường đi từ nhà mình đến tư gia NS Vũ Đức Sao Biển quả đúng là xa thật, nhưng không sao hôm ấy là ngày nghỉ Chủ nhật, khá thoải mái về thời gian, vả lại được gặp trực tiếp người mình mến mộ nữa.

Trong tất cả những lần hẹn đến nhà NS, anh Hạnh luôn là người đến sớm nhất, chờ các anh em khác thư thái thong thả đến sau với một phong cách không thể nghệ sĩ hơn. Khi tập họp đầy đủ quân số rồi, mọi người cứ chạy theo sau anh Hạnh là chắc cú nhất. Điểm tập kết luôn là cầu Tham Lương.

Quả thật, từ ngoài cầu Tham Lương đến tư gia NS Vũ Đức Sao Biển, phải quen đường quen lối như anh Hạnh mới tìm nhà nhanh được, mặc dù đã lưu trước địa chỉ: số 22/7, đường Tân Thới Nhất 18, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM.  Chúng tôi đã đến nơi đó hơn hai lần, tức cũng tạm gọi là số nhiều rồi đó, vậy mà vẫn cứ bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một tên đường. Tuy là nhà trong hẻm, nhưng con hẻm khá rộng, có khi rộng bằng đường chính ở nơi khác, một dấu hiệu của quy hoạch đô thị, với đường trải nhựa mới, taxi ra vào thoải mái.

Nếu bên ngoài cầu Tham Lương thì lúc nào cũng thấy dòng xe cộ tấp nập với tiếng ồn ào và khói bụi, chưa kể thỉnh thoảng nghe tiếng phi cơ gầm rú trên bầu trời, thì vào sâu bên trong đây ta cảm nhận được sự yên tĩnh với không khí trong lành. Như được sống chậm lại với kỷ niệm thân quen, như được lắng đọng lại với hiện tại an nhiên.

Buổi gặp đầu tiên tại tư gia NS Vũ Đức Sao Biển có anh Hạnh, nhà báo Xuân Sơn, một anh bên nhà sách Đức Trí và tôi. Sau nhiều cú rẽ trái, rẽ phải đan xen lẫn nhau, cuối cùng chúng tôi cũng đến đúng địa chỉ của điểm hẹn.

Chúng tôi bấm chuông cửa và đứng chờ chủ nhà ngoài cổng chính. Phía trước sân nhà NS có trồng nhiều chậu hoa xanh tươi khoe sắc dưới ánh sáng mặt trời. Chỉ một lát sau, chủ nhân bước ra mở cổng vui vẻ đón tiếp anh Hạnh cùng với một số gương mặt không thân quen đáng tuổi con cháu đến thăm mình.

Thật vậy, về mặt tuổi tác trừ anh Hạnh là vai em của NS Vũ Đức Sao Biển (sinh năm 1948), còn lại đều nhỏ tuổi hết. NS bằng tuổi với mẹ tôi, xem như chúng tôi thuộc hàng con cháu rồi. Trong lúc giới thiệu, các anh đề nghị xưng hô anh em với nhau, khỏi phải bác cháu khách sáo làm gì, cứ gọi anh em trong tâm tình giao lưu văn nghệ bình đẳng cho vui, mà anh cũng là cha anh rồi.

NS Vũ Đức Sao Biển rất cởi mở trong việc xưng hô. Dù vậy, khi nói chuyện, viết e-mail hay nhắn tin trong nhóm với nhau, chúng tôi đều tự nhủ trong lòng rằng mình đang nói chuyện với bậc cha chú, chứ không phải bạn bè ngang hàng phải lứa.

Buổi gặp gỡ hôm đó chủ yếu xoay quanh một số công việc riêng giữa NS Vũ Đức Sao Biển và anh Hạnh. Chúng tôi chỉ ngồi đấy uống trà nghe ngóng câu chuyện, tuy nhiên lâu lâu cũng phụ họa vài câu vừa đúng ngữ cảnh, vừa đúng hoàn cảnh, có thể xem như “bè phụ có tỉnh thức”.

Bàn hết mọi đề tài về báo chí, sách vở, văn chương chán chê, các anh chuyển sang phần kiếm hiệp Kim Dung. Đề tài này với ai trong giới văn nghệ sĩ thì chúng tôi không biết, nhưng với NS Vũ Đức Sao Biển thì đúng là một trong những bậc thầy chuyên viết giới thiệu tủ sách Kim Dung cho độc giả. Không biết đáng tiếc hay đáng thương, tới phần Kim Dung kiếm hiệp thì chúng tôi ú ớ đến á khẩu luôn, không tham gia vào đề tài này.

Thấy mọi người nói chuyện hồi lâu thấm mệt, tôi bèn cầm cây guitar thùng rải một vài hợp âm lả lướt, nhưng không hề sướt mướt. Lúc đó cũng không có ai nảy sinh ý tưởng mời NS Vũ Đức Sao Biển ca hát gì hết, có thể do mới gặp lần đầu chưa quen nên còn e ngại. Vả lại trong lúc nói chuyện, có nhiều cuộc điện thoại gọi NS để bàn công việc.

Ngồi vài tiếng đồng hồ tới gần giờ trưa, chúng tôi xin phép cáo từ chủ nhân ra về. Hỏi NS có tiện ra quán gần nhà với mấy anh em chút xíu không, thì chủ nhân lắc đầu cảm ơn, nói về đây rồi ít khi ra quán bên ngoài, rồi chúc mọi người buổi trưa vui vẻ. Chúng tôi chào tạm biệt anh, rồi rủ nhau ra quán cóc ở gần bờ kè để tận hưởng gió nóng mùa hè.

[3.] Tác giả hát tác phẩm

Thời gian trôi qua rất nhanh, người nào việc nấy, hai năm sau đó chúng tôi mới có dịp quay lại ngôi nhà đó. Lần gặp gỡ thứ hai diễn ra vào ngày Chủ nhật 05/05/2013, có anh Hạnh, nhà báo Lương Minh và tôi. Theo thường lệ, anh Hạnh là người dẫn đường và điểm tập kết vẫn là cầu Tham Lương.

Phong cách người miền Tây cởi mở như anh Lương Minh chắc hẳn sẽ rất hứng thú với những câu chuyện về tiếu ngạo giang hồ, võ lâm kiếm hiệp, mà được nói chuyện với NS Vũ Đức Sao Biển nữa chứ. Khi bước vào nhà lần này, chúng tôi để ý thấy không còn cây piano màu gỗ như lần trước, mà thế vào chỗ đó là một cây piano khác, màu đen tuyền, hiệu Schweizerstein khá lạ đối với riêng chúng tôi.

Đợi mọi người nói chuyện xong xuôi, chúng tôi thử chuyển qua đề tài âm nhạc.

  • Lần này để em đàn cho anh Sao Biển hát nha?”, tôi đánh bạo.
  • Đồng ý, nhất trí!”, dường như ai cũng hào hứng chờ đợi dịp này.
  • Chờ tôi lấy chìa khóa”, chủ nhân nói.

NS Vũ Đức Sao Biển lấy chìa khóa mở đàn piano, làm chúng tôi sực nhớ ra hầu như mọi cây piano cơ đều có trang bị chìa khóa riêng. Như đọc được suy nghĩ trong đầu tôi, NS nói nhà có con cháu nhỏ nên khóa cẩn thận vậy thôi. Thú thật, giờ đây chính tôi cũng không biết chìa khóa piano nhà mình đang nằm ở đâu.

  • Chơi bài tủ luôn nha anh?”, tôi gợi ý.
  • NS gật đầu như thay lời muốn nói”.
  • Mình chọn tông (tone) nào vậy anh?”.
  • Cung Re thứ (D minor) như bản gốc”.

Nghe NS Vũ Đức Sao Biển nhắc chơi bản ‘Thu, hát cho người’ theo đúng tone gốc Re thứ mà trong lòng gã thợ đệm piano mừng thầm, bởi vì tối hôm trước đã dành khoảng một tiếng tập lại bài quen này cho chắc ăn rồi.

Khi xem bản quay video cá nhân này, bạn bè thân hữu của chúng tôi đều ủng hộ, nói rất thích được nghe tiếng hát của chính tác giả Vũ Đức Sao Biển, và còn khuyến khích nên có nhiều buổi gặp gỡ với các nghệ sĩ tiền bối như vậy. Rất cảm ơn anh Lương Minh đã giúp ghi hình kỷ niệm tuyệt vời này.

Tuy nhiên, cũng có người phê bình người đệm đàn piano chói tai lấn át tiếng hát của NS. Thú thật, chúng tôi chưa tự cho mình có khả năng đệm hay hoặc êm tai bao giờ cả. Chúng tôi cũng nhớ cây piano Schweizerstein của chủ nhân có dải âm bổng rất trong veo và vang dội.

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận nhất đó là mọi chuyện diễn ra tại tư gia NS Vũ Đức Sao Biển đều rất tự nhiên và chân tình. Tôi đàn cho anh hát, có xen lẫn tiếng trẻ em, có xen lẫn tiếng nói chuyện, có xen lẫn tiếng điện thoại, nhưng có sao đâu, hai anh em vẫn đàn hát, thoải mái vô tư, vui vẻ yêu đời.

Sau đó, chúng tôi có gửi email chia sẻ đường link Youtube của bài hát cho mọi người trong nhóm biết để nghe lại. Anh Hạnh phản hồi liền: “Khanh ơi, buổi sáng mà “ép” anh Sao Biển hát nên nghe chưa “đã”. Khi nào có dịp, ghi hình vào buổi chiều thì chắc nghe hay hơn”.

THU HÁT CHO NGƯỜI
www.youtube.com/watch?v=x6h00_H_0eQ

Khoảng gần một tuần sau đó, thật bất ngờ khi NS Vũ Đức Sao Biển viết e-mail trả lời với một tâm trạng vô cùng hoan hỉ: “Tôi mới đi miền Trung về, mua được trầm rất thơm. Các anh lên nhà chơi; tôi đốt trầm chào mừng. Ha ha”.

Chúng tôi có thoáng nghĩ đến chuyện nghe nhạc trong mùi hương trầm quý bay nghi ngút tỏa ngát không gian thì đời này còn gì bằng nữa. Tuy vậy, câu chuyện sắp xếp ghé tư gia NS Vũ Đức Sao Biển vào buổi chiều tối không xảy ra, dù sau đó thỉnh thoảng chúng tôi có ghé thăm anh, chủ yếu là vào buổi sáng ngày cuối tuần.

Trở lại cuối đoạn video, chúng ta sẽ thấy rõ niềm vui của NS khi hát xong nhạc phẩm, vốn là đứa con tinh thần của mình. Nên lưu ý bài ‘Thu, hát cho người’ viết trên cung Re thứ dành cho giọng nam với cao trào note Fa cao ngất ngưỡng được sắp xếp rơi vào chữ “hát” ở cuối bài, như muốn gửi gắm lời ca tiếng hát tâm tình đó sẽ bay cao vượt qua mọi rào cản để “truyền thần” đến giai nhân trong lòng tác giả.

Ca khúc ‘Thu, hát cho người’ được sáng tác vào năm 1968, lúc tác giả mới bước vào tuổi 20 đầy sức sống của một thanh niên trai tráng, nên sẽ dễ dàng hát ở note Fa cao trào trên cung Re thứ. Thế nhưng, vào năm 2011 tức sau hơn bốn thập niên ở độ tuổi 63 mà tác giả vẫn cố gắng hoàn thành tác phẩm của mình như thuở ban đầu, chứng tỏ ý chí và sự quyết tâm của ông rất mãnh liệt.

Việc dịch giọng xuống tone thấp hơn là điều quá dễ đối với tất cả những người yêu nhạc và đam mê luyện tập một loại nhạc cụ nào đó, nhưng tác giả vẫn trung thành với đứa con tinh thần của mình, tức trung tín với tình yêu ban sơ của mình, và thông qua đó dường như tác giả muốn thử thách với chính mình, vượt qua những rào cản về tuổi tác, sức khỏe, bệnh tật.

  • Sáng hát hông nổi note Fá đâu. Được rồi!”, tác giả hài lòng khi kết thúc tác phẩm.

Dẫu cho tiếng đệm đàn piano của chúng tôi có ra sao đi chăng nữa, nhưng tình cảm của chúng tôi dành riêng cho cá nhân anh, một nghệ sĩ tài hoa, cũng như dành cho gia đình anh luôn luôn lễ độ, chân thành và không bao giờ chói tai trong tâm tình văn nghệ đó.

Từ sau dạo đó, NS Vũ Đức Sao Biển có nói với mấy anh em khác: Lâu lâu có Mộc Quốc Khanh đến nhà chơi đàn là mãn nguyện rồi. Lời tâm sự chân tình làm cho chúng tôi cảm thấy rất xúc động. Rõ ràng, được đệm piano cho NS Vũ Đức Sao Biển hát tại tư gia là một trong những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tự nhủ kiềm chế cảm xúc, vì hiểu rằng cũng có khá nhiều người khác được gần gũi với NS bằng cách này hay cách khác.

Mới đó thôi mà bản quay video đã trôi qua bảy năm rồi. Điều làm chúng tôi cảm thấy tự hào nhất đó là thông qua anh dù chỉ là những lần gặp gỡ ngắn ngủi chúng tôi có dịp được quan sát, học hỏi và nhìn lại phong cách sống tử tế của thế hệ cha anh, một sự tử tế vốn dĩ là tự nhiên và hồn nhiên như ít thở không khí vậy.

Sự tử tế hồn nhiên đó cũng là điều mà chúng tôi luôn tìm thấy ở những thế hệ ông bà, bố mẹ. Giờ đây, sự tử tế cũng có chứ không phải là không có, nhưng ít nhiều gì nó cũng bị pha lẫn tạp chất, nên cần thêm thời gian thanh luyện mới thành tinh chất được.

[4.] Thu vẫn hát cho người

Đối với riêng chúng tôi, lần gặp gỡ cuối cùng tại tư NS Vũ Đức Sao Biển là vào sáng thứ Bảy, 26/10/2019 sau khi ông trở về nhà từ bệnh viện Nguyễn Tri Phương. NS nói ghé nhà vui vẻ và thoải mái hơn, chứ trong bệnh viện đông người, chật chội và sinh hoạt bất tiện.

Theo thường lệ, anh Hạnh là người chỉ đường và điểm tập kết vẫn là cầu Tham Lương. Được biết, NS Vũ Đức Sao Biển mắc bệnh ung thư vòm họng từ năm 2018, cho đến khoảng tháng 5/2019 di căn sang phổi và điều trị ung thư phổi cho đến khi tạ thế.

Lúc gặp ông lần cuối tại tư gia, về bề ngoài trông ông vẫn khỏe mạnh, đi lại như bình thường, nhưng gần như bị mất tiếng. Ông cố gắng nói thành lời cho anh Hạnh nghe, nhưng hầu như chỉ là những làn hơi khó nhọc thoát ra ngoài miệng.

  • Thôi anh nghỉ ngơi, hạn chế nói chuyện, có gì viết giấy, nhắn tin hoặc gửi mail cho em. Chuyện xuất bản tập sách của anh cứ để em lo, anh yên tâm nhé”, anh Hạnh dặn dò chủ nhân.

Để tạo bầu không khí thoải mái, tôi nói hay là để em hòa tấu vài bản nhạc phục vụ cho các anh nghe thư giãn tí xíu nha, các anh liền đồng ý. Mở đầu vẫn là tuyệt phẩm ‘Thu, hát cho người’, và đây cũng là cách giúp hạn chế cuộc nói chuyện.

Lần gặp gỡ này diễn ra ngắn hơn, vì NS Vũ Đức Sao Biển cần nghỉ ngơi, nói gặp được như vậy là quý rồi. Sau khi chào tạm biệt ông, tôi mời anh Hạnh ghé quán café ở ngoài đường chính để tiếp tục hỏi thêm kiến thức sâu rộng của anh về Thần học.

Sau đó anh Hạnh vẫn có dịp ghé thăm NS Vũ Đức Sao Biển để hoàn tất công việc, còn riêng tôi gặp lại anh Hạnh khoảng giữa tháng 01/2020 ngoài trung tâm Sài Gòn. Kể từ đó, đại dịch Coronavirus/ Covid-19 làm gián đoạn, thậm chí đảo lộn tất cả mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta.

Cho đến một ngày đầu tháng 05/2020, chúng tôi hay tin về NS Vũ Đức Sao Biển…

Anh Hạnh và tôi gọi điện hẹn nhau đi viếng người nhạc sĩ tài hoa vừa mới ra đi.

Cũng như thường lệ, anh Hạnh là người chỉ lối và điểm tập kết vẫn là cầu Tham Lương cho một cuộc hẹn đi vào hồi kết: lúc 08h00 sáng thứ Sáu, 08/05/2020, đây là lần đầu tiên đến điểm hẹn quen thuộc không rơi vào ngày cuối tuần như những lần trước đó.

Không ai bảo ai, hai anh em chúng tôi đều có mặt tại điểm hẹn đúng 07h30 sáng, sớm hơn giờ hẹn nửa tiếng. Hôm đó, thời tiết cũng ưu ái cho chúng tôi, vì bầu trời mát rượi, không một chút nắng, đáng cảm thán cho những ngày đầu tháng 05/2020 đổ lửa ở Sài Gòn.

Và chúng tôi đã đến nơi ấy…

Có một vài người đến sớm hơn…

Con trai NS Vũ Đức Sao Biển tiếp chuyện chúng tôi. Anh Hạnh dặn dò tất cả các tài liệu, tư liệu của ba đều được lưu trữ đầy đủ và cẩn thận. Xong hậu sự sẽ chuyển lại hết cho gia đình.

Quý vị nào muốn tìm hiểu tư liệu và những sáng tác của NS Vũ Đức Sao Biển, có lẽ nên liên lạc với anh Hạnh, vì anh chép nhạc cho NS Vũ Đức Sao Biển rất nhiều.

Với nén hương trên tay, chúng tôi lần lượt bước vào cúi đầu bái biệt anh, vì biết rằng:

Biển thu vẫn hát cho người./Nghìn thu vẫn hát cho đời!

Sài Gòn, 09/05/2020

mộc.quốckhanh

 

 

—–
mộc.quốckhanh
(Kingsley Truman Tran)

gìn Nàng giữ Nhạc  |  gìn Lộc giữ Lời  |  gìn Đời giữ Đạo 

https://mocquockhanh.blogspot.com/2020/05/bien-thu-van-hat-cho-nguoi.html 

https://www.facebook.com/mocquockhanh/posts/3531696726843931?notif_id=1589038259300514&notif_t=feedback_reaction_generic&ref=notif

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác