NHỚ THƯƠNG CÔ GIÁO VÀ NHỮNG BÀI VĂN

Ngày đăng: 10/04/2020 05:59:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Hôm rồi gặp lại người bạn học thời trung học, dưới mái trường Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), anh Đoàn Cao Văn, giảng viên trường Cao Đẳng cộng đồng Đồng Tháp, vừa nghĩ hưu, hai đứa lai rai tâm sự, ôn lại những kỹ niệm xa xưa ….

Đoàn Cao Văn hỏi, mầy còn nhớ cô Hồ Trường Ngọc Diệp, dạy môn Văn, năm Đệ Lục C không ? – Nhớ chứ !

Văn kể, Năm ấy, môn Văn tao học khá, nhất là các bài Luận văn, thường được cô chọn và đứng lên đọc cho cả lớp nghe. Lần nọ, bài Luận chưa kịp làm, dự định khi vào lớp, khi cô đang giảng bài thì cố gắng làm ngay, không ngờ ngay đầu tiết học, cô gọi ngay lên đọc bài Luận. Xé vội 2 tờ giấy ở ruột quyển tập còn trắng, cũng bước lên, cầm giấy đọc bài Luận, dù hơi ngập ngừng ….. Bài Luận nầy chắc chắn là không đạt rồi, xong cô bảo đưa bài cho cô xem và cho điểm, đưa cho cô 2 tờ giấy trắng, cô cười cười chấm cho 14/20 điểm , mấy mươi năm từng đứng trên bục giảng….. Đối với mình đây là kỹ niệm không phai …

.Tôi cho Văn biết, hôm rồi Trương Quang Thưởng ở Mỹ về thăm nhà, có họp mặt bạn bè, hôm đó có thầy Đặng Trung Thành, cô Lương Phi Phụng… cô Phụng (dạy môn Sử – Địa năm đệ Lục) cho biết cô Hồ Trường Ngọc Diệp giờ sống ở Cần Thơ, cuộc sống hình như khó khăn, mỗi khi Trường trung học Thoại Ngọc Hầu có các lễ kỷ niệm, họp mặt truyền thống đều có mời, nhưng không thấy cô về dự ……

Với tôi, cô Hồ Trường Ngọc Diệp cũng là ấn tượng không phai…. Môn Văn thời ấy chia ra : Kim văn, Cổ văn, Luận văn và Hán Việt , hôm học tiết Hán Việt, vào lớp cô hỏi : “Hôm nay học môn gì hở các em ? “ . Cả lớp nhao nhao : Hán cô, Hán cô…. Cô lắc đầu, cười… thật là nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò mà !

Tiết Kim văn cô cho học 2 truyện ngắn : Lỡ quá ga của Khái Hưng và Câu chuyện trên tàu thuỷ của Thế Lữ.

Lỡ quá ga : lược kể : Trên chuyến xe lửa, toa xe còn trống chổ, có 2 mẹ con nhà quê ngồi bệt xuống sàn toa, mặc dù các khách đi chung bảo lên trên mà ngồi. Xe lửa chạy , rồi ghé lại ở các ga… nhưng khi xe vừa chạy khỏi ga Cầu guột, thì người đàn bà hỏi và hốt hoảng cho biết là lỡ ga rồi, một hai đòi nhảy xuống. Các hành khách xúm lại nắm không cho nhảy… Thầy soát vé đến nghe chuyện mắng mỏ thêm một chập, rồi bảo “ Thôi vào trong kia mà ngồi, rồi đến ga Đồng Văn, chờ chuyến xe ngược, người ta sẽ cho về Cầu guột lại .

Đến ga Đồng Văn, thầy soát vé thân dắt người đàn bà xuống ga. Một lát sau, thầy lên toa bảo mọi người : “Mụ ta không chờ chuyến xe ngược, đòi ra đón ô tô hàng …

Trên xe lửa bắt đầu bàn tán về chuyện nầy, nhiều người cho là người đàn bà nầy thật dai dột, suýt nữa thì chết….

Một người đàn ông vận quần áo nâu, từ nãy vẫn ngồi im bỗng nói chen vào : “Bác ấy chả dại đâu các bà ạ ! Lần nầy là lần thứ ba Sở xe lửa mắc mưu bác ấy. Bác ấy đi đến ga Đồng văn, nhưng chỉ lấy vé đến ga Cầu guột thôi, để đỡ tốn 1 hào tiền tàu !

Ai nấy ngơ ngác nhìn nhau, rồi một người hỏi : “Sao bác biết ? “

Người kia ung dung đáp : “Bác ấy người làng tôi, chỉ cách ga Đồng Văn có một quảng đường.

Câu chuyên trên tàu thuỷ lược kể : Hai Nhiêu quê Ninh Bình ,là một kẻ cắp rất giỏi, thông minh, thiệp nhã lại ‘quân tử” nữa, đặc biệt không lấy cắp của người nghèo. Ăn cắp đối với Hai Nhiêu không phải là nghề kiếm cơm, đó chỉ là một cách giải trí của tay chơi, hay có thể nói là một “nghệ thuật”, bởi việc lấy cắp càng khó, càng nguy hiểm Hai Nhiêu càng thích, bác ta khi đã “nhắm” món nào, thì món ấy phải lắm tiền, mà đã cố ý lấy tất không bao giờ hụt……

Lần ấy, đang lúc lập mưu để ăn to, bỗng có tin báo vợ Hai Nhiêu ốm nặng phải về ngay. Hai Nhiêu đành đi vay tạm dăm đồng để thuốc thang cho vợ. Hai Nhiêu xuống tàu thuỷ xuôi Nam, khi xuống tàu là đi xem xét mọi nơi trên tàu, xem có thể ăn được hàng kiếm thêm ít tiền chăng, nhưng trên tàu hành khách thì đông phần nhiều là buôn bán nhỏ, những phu mỏ ốm trở về… Hai Nhiêu tìm chổ ngã lưng và ngủ … Bỗng tiếng ồn ào nổi lên làm Hai Nhiêu phải mở mắt thì là người mại bản (người soát vé tàu) xỉa xói 1 người nhà quê thiếu 1 hào tiền tàu, và nhất định đuổi người nhà quê nầy xuống, dù hết mực năn nỉ là đến bến sẽ mượn tiền trả. Hai Nhiêu cằn nhằn : Đến bến thì người ta trả, không thì giữ lấy hành lý, người ta chuộc lại chứ gì ! Tên Khách lườm :”Cái nị không có piết ! Hằng lý nó có cái lày thì lấy làm gì ?” Rõ là người nhà quê chỉ có cái lồng gà rỗng, với trong đó một gói mo chừng đựng cơm nắm, hai cái nồi đất mới, miệng bưng bằng giấy nhật trình.

Người nhà quê năn nỉ tên Khách không được, đâm qua cầu cứu Hai Nhiêu, bực mình và thấy mình cũng là anh hùng kẻ cả, anh gạt anh Khách ra, rút một tờ giấy bạc quăng vào mặt nó, hách dịch nói :” Bán 1 vé về Nam Định, giữ lấy 1 hào của người nầy nữa, rồi thối lại tiền .

Xong, người nhà quê đon đả cám ơn, đi xin trầu của mấy bà mời Hai Nhiêu ăn, mượn điếu cày mang lại mời Hai Nhiêu hút …Rồi người nhà quê đem cái lồng gà đến để bên như ý gởi Hai Nhiêu coi hộ và đi ra đằng sau lái tàu… Sau đó đảo mắt tìm thì thấy người ấy nằm kế đấy và đã ngủ một giấc bình yên .

Sáng hôm sau, tàu cập bến, chuyện hôm qua Hai Nhiêu cũng quên, nhưng khi vừa lên bến thì người nhà quê tay xách lòng gà rỗng đứng chờ và mời bác lên xơi với hắn một chén nước để cám ơn. – Đến đây thì chúng tôi đã có nhiều người quen, chúng tôi sẽ trả lại số tiền ông cho giật hôm qua, với lại xin ông để chúng tôi đền đáp lại ông một chút .

Hai Nhiêu nóng lòng về Ninh Bình ngay, nhưng từ chối thế nào người nhà quê cũng không nghe…. Cứ thế câu lễ phép đi, câu lễ phép hơn đáp lại, khi hai người bước đến cửa hàng cơm, thì người nhà quê : “Bà hàng đâu, bà dọn cho tôi một mâm rượu thực tươm tất ấy nhé, mà làm mau lên, ông quý khách của tôi vội.

Hai Nhiêu ngạc nhiên, bụng bảo dạ : Có lẽ nào một người đi tàu thiếu tiền mà lại dám tiêu rộng rãi đến thế, hay là họ định nhờ khéo mình thêm một bữa cơm nữa đây ? Nhưng thấy bà hàng cơm ra chiều quen thuộc, Hai Nhiêu cũng yên bụng, bỗng anh ta gọi một người nhà quê khác đứng chờ đó, đưa cho hắn cái lồng gà đựng gói mo cau và hai cái nồi đất bảo : “Chú Ba về làng trước, đưa cái nầy cho bu nó cất đi, tôi còn bận một chút , xong về ngay…. Cơm rượu xong, người nhà quê mở hầu bao ra chi tiền tiền cơm, Hai Nhiêu không hiểu ra sao, toan hỏi nhưng sợ bất tiện, đến lúc đưa chân ra Ga, người kia nhất định nài lấy vé cho mình, Hai Nhiêu càng kinh ngạc.

Người nhà quê thấy vậy mĩm cười và thong thả nói : Thưa ông, ông lấy làm lạ cũng phải, nhưng việc thiếu tiền hôm qua, chỉ là một mẹo đấy thôi. Tàu Chấn Dinh nầy có tiếng là lắm kẻ cắp, chúng tôi có tiền mang theo mà không làm thế, thì giữ sao được của mình ?

– Vâng, nhưng tôi thấy ông mang có hai, ba đồng bạc thì tội gì phải làm thế ?

– Nếu hai, ba đồng thì cất đâu chả được, đây tôi lại dồn một số tiền lớn về để mua cái phó lý cho tôi, lo cưới vợ cho thằng cháu, lo khao, lo vọng …

– Ờ, thế ra là …

– Vâng, tôi về chuyến nầy mang ngót 500 bạc, mà để kẻ cắp biết thì tôi có khi cũng không về được tới nhà.

– Nhưng … ông giắt trong mình thì ….

— Chết, giắt trong mình nguy hiểm lắm, tôi bỏ vào một cái nồi đất trong cái lồng chú nó đem về ban nãy đó . Rồi vừa cười, người nhà quê vừa tiếp : Cái lồng gà với mấy cái nồi đất của một anh nhà quê không có lấy một hào để trả tiền tàu… ông tính còn kẻ cắp nào để ý đến nữa, nếu tôi không nghĩ đến kế ấy thì ngủ yên sao được… mà không thế thì làm sao tôi gặp được người quí hoá như ông .

Xe lửa về đến ga , Hai Nhiêu vẫn còn choáng người vì tiếc của, bác ta tìm hết tiếng độc địa để rủa cái trí khôn ngu ngốc của mình và tự hứa lần sau đi tàu, không nên coi thường những cái lồng gà trong có đựng hai cái nồi đất.

Hai bài văn hay, Cô giảng dạy đặc điểm của 2 bài văn nầy là : Câu chuyện diễn tiến bình thường, nhưng kết cục lại bất ngờ…. Sau đó cô cho làm Luận văn : Em hãy kể lại một câu chuyện diễn biến bình thường, kết cục bất ngờ …….

Tôi lại nhớ câu chuyện mua bán tắc kè thời thập niên 1940 -1950, mẹ tôi có kể , tôi nghe lỏm và tôi làm bài Luận văn với câu chuyện nầy .

Trong làng, một hôm có người đến đặt hàng mua tắc kè với một ít người khá giả nhất trong làng, giá tắc kè bình thường là 5 cắc /con, các người nầy đặt mua 7 cắc /con, số lượng lần đầu là vài ba trăm con, thế là lần giao nhận hàng đầu tiên thanh toán sòng phẳng, vui vẽ. Người mua hàng đặt hàng lần kế với số lương lớn vài ba ngàn con. Các người bán vừa thu lợi dễ dàng, nhưng lần nầy thì số tắc kè mua gom lại khó đủ số….. gần đến ngày giao hàng, thì có mấy người đến chào bán tắc kè số lượng lớn, thế là chủ hàng nhập hàng ngay….. nhưng người mua hàng không trở lại. Số tắc kè không biết phải làm gì, chúng đói cắn với nhau rồi chết dần, sau cùng phải thả chúng …

Nộp bài cho cô, cô bảo chuyện nầy cô cũng có nghe nói và nội dung bài Luận văn là được, hợp đề, diễn biến bình thường, kết cục bất ngờ …. Tôi về kể lại cho mẹ tôi nghe nhờ câu chuyện mua bán tắc kè mà con làm được bài Luận văn và được cô khen …. Đến nay, đã 50 năm tôi vẫn nhớ gương mặt của cô ngày nào…. Kỹ niệm không phai .

TRỊNH KIM THUẤN

chú thích ảnh: Tác giả và cô giáo Hồ Trường Ngọc Điệp (ảnh chụp tại nhà cô ở Cần Thơ)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác