JOHN MARIN 1870 – 1953

Ngày đăng: 4/04/2020 09:07:55 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Khi John Marin được 37 tuổi, ông đã đi từ Paris đến Venice để hỏi xin tiền cha ông. Cha ông đáp: ”Anh đã gần bốn chục tuổi đầu. Anh làm được những gì trong từng ấy năm?”. Marin trả lời: ”Thưa cha, không nhiều lắm”.

Ông không có tiền, không có việc làm, cũng không có gia đình riêng. Hầu như ông không bao giờ giữ được một công việc gì quá vài tháng. Nếu xét theo những tiêu chuẩn bình thường thì ông là một kẻ thất bại. Nhưng ông lại có những tiêu chuẩn của riêng mình. Ông chẳng quan tâm gì đến tiền bạc, địa vị, hoặc những tiện nghi đơn giản nhất. Ông chỉ quan tâm duy nhất đến một điều là hội họa.

Tác phẩm của ông phần lớn là những bức tranh màu nước, một loại hình nghệ thuật vẫn không được coi trọng như tranh sơn dầu. Chính Marin, một trong những họa sĩ hiện đại hàng đầu đầu tiên của Mỹ, là người đã làm cho tranh màu nước có một giá trị ngang hàng với tranh sơn dầu.

John Chéri Marin III, con trai duy nhất của John Chéri Marin II và bà Louis Currey Marin, sinh ra ở Rutherford, New Jersey, vào ngày 23.12.1870. Mẹ ông mất chỉ chín ngày sau khi sinh ra ông, cha ông đã giao đứa con trai mình lại cho bà mẹ vợ ở Weehawken chăm nuôi. Cậu bé John tội nghiệp nhanh chónh trở thành trung tâm cưng chiều của bà ngoại, cậu Richard, và hai dì Jenny và Lelia. Tất cả những người ấy cùng nuôi dạy John – một đứa trẻ mà chiếc mũi dài và làn da xanh xao chứng tỏ đích thị là một người dòng họ Currey. Cha John bận bôn ba làm ăn nên có rất ít thời gian dành cho con trai mình.

John theo học ở một trường địa phương. Cậu học hành chẳng giỏi giang gì, nên nhà trường chẳng mấy chú ý. Cậu thích đi dạo, câu cá và vẽ vời hơn. Vào những ngày mùa hè ấm áp, cậu đặc biệt thích thú khi được lẽ đẽo theo cậu Richard đi săn. Trong khi ông cậu săn thỏ thì John ngồi hí hoáy vẽ những bức tranh về những con vật đang chạy.

Sau khi tốt nghiệp trung học, John ghi tên vào trường cơ khí. Cậu đánh vật với năm đầu một cách khó khăn và cuối cùng phải chấm dứt khi hiểu ra những công việc máy móc không phải dành cho cậụ.

Hai dì Jenny và Lelia giờ đây phải trông nom căn nhà đơn sơ sau khi bà cậu qua đời. Họ tuyên bố cậu cần phải đi kiếm một việc làm để tự kiếm sống. John đi New York, và sau đó quay về báo cho hai dì biết là cậu đã được thuê làm việc ở một văn phòng thương mãi thuộc khu hạ Broadway trước sự vui mừng lẫn ngạc nhiên của họ. Nhưng niềm vui kéo dài không được bao lâu. Trong thương mãi, John cũng chẳng có chút kiến thức nào nhiều hơn trong công việc máy móc. Cậu lẫn lộn những đơn đặt hàng, gởi hàng sai địa chỉ và không thể tiếp thu được những hướng dẫn đơn giản nhất. Và thế là mất việc.

Bốn năm kế tiếp, John làm việc cho một số người làm dịch vụ thiết kế nhà cửa. Đến năm 1893, chàng quyết định mở một văn phòng riêng. Cậu thiết kế và xây dựng được 6 căn nhà, trong số đó có một căn cho hai bà dì ở thành phố Union, bang New Jersey. Không thể nói rằng chàng đã thành công rực rỡ trong công việc xây dựng này, nhưng ít ra hai bà dì cũng hiểu rằng chàng đang cố gắng để làm một cái gì đó.

Một buổi tối nọ, John tuyên bố bỏ nghề, mặc cho hai dì cố khuyên nhủ. Cuối cùng tình yêu cháu đã khiến cho họ mềm lòng. John lại được tự do đi theo con đường của mình.

Trong suốt thời kỳ này, John vẫn vẽ. Khi rãnh rỗi, nhất là vào các buổi tối mùa hè hoặc ngày chủ nhật, chàng thường đi ra ngoài để vẽ phong cảnh thiên nhiên. Giờ đây, một nửa thời gian chàng dùng để vẽ và nửa còn lại chẳng để làm gì cả.

Nhưng chính trong lúc hai bà dì thất vọng vì sự lười biếng của cháu mình thì John đang bắt đầu phát triển một phong cách rất riêng trong nghệ thuật của mình, một phong cách khác thường đến độ nhìn từ xa người ta đã dễ dàng nhận ra tranh của Marin!

Khi Marin được 28 tuổi, hai dì thuyết phục cha chàng cho chàng theo học một trường hội họa. Cha John mới tục huyền và dù phải nuôi thêm một bà vợ, ông cũng đồng ý trả học phí cho chàng theo học tại Trường Mỹ thuật Pensylvania.

Ngay từ ngay đầu, Marin đã không thích nhà trường lẫn sinh viên và cả phương pháp giảng dạy. Hai năm sau, chàng bỏ trường quya về nhà. Cái mà chàng chú tâm đến là ”thế giới” và chàng ”muốn đặt nó vào tranh của mình, tất cả những gì thuộc về nó”. Chàng lại quay về với việc đi lang thang để tìm đề tài. Chàng vẽ phong cảnh bất kể thời tiết nào. Chàng vẽ vội vàng như thể ghi nhận lại những gì diễn ra trước mắt mình trước khi nó kịp biến mất.

Hai dì Jenny và Lelia của John vẫn đang còn thất vọng vì đứa cháu yêu quý của mình có vẻ như sống không có mục đích. Họ nói với Charles Bittinger, con trai bà mẹ kế của John về tình yêu hội họa của chàng. Lúc ấy, Bittinger đang chuẩn bị sang châu Âu và đã hào phóng đề nghị đưa chàng đi cùng vì cho rằng việc nghiên cứu hội họa châu Âu có thể có lợi cho John. Cha John cuối cùng cũng đồng ý gởi chàng sang Paris một thời gian ”để sống cùng bọn nhàn rỗi bên ấy”.

Thế là mùa hè 1905, John xuống tàu sang châu Âu. Bittinger đã giới thiệu với John cuộc sống của các họa sĩ ở Paris và sắp xếp cho chàng học hành.

Nhưng bổn cũ soạn lại, chẳng bao lâu sau đó, John không thích các giáo viên cùng cách giảng dạy của họ và chàng thường xuyên đổi trường cho tới khi nhận ra rằng Paris cũng không khác gì Philadelphia hoặc New York.

Một trong những biến cố quan trọng của thời kỳ này là John khám phá ra tranh khắc. Ông cho ra lò một loạt tranh khắc đường nét thật sắc sảo, rõ ràng và cố bán chúng để kiếm tiền. Nhưng người ta lại thích mua loại tranh khắc có đường nét mềm mại của Whitsler hơn. Mặc dù ông vẫn tiếp tục khắc tranh và thỉnh thoảng lại vẽ một bức màu nước nhưng phần lớn thời gian của ông đã trôi qua một cách hoang phí.

Năm 1907, sau hai năm tiêu phí thời gian ”với đám người nhàn rỗi” ở Paris, Marin du lịch sang Venice để xin tiền cha. Có tiền, Marin quay trở lại Paris để tiếp tục thêm sống thêm năm năm nữa.

Đây là một trong những thời kỳ lý thú nhất của lịch sử hội họa hiện đại. Ở Paris, nơi mà hội họa không phải chỉ dành riêng cho giới họa sĩ mà còn là của quần chúng, đã có rất nhiều những thông cáo chung, những diễn văn, tranh luận và đấu đá giữa các trường mỹ thuật. Vậy mà Marin, sống ngay chính giữa trung tâm của giới hội họa, lại có vẻ như không hề biết những gì đang xảy ra.

Edward Steichen, lúc này đang ở châu Âu, trông thấy một số tranh màu nước của Marin tại Câu lạc bộ Mỹ, tỏ ra rất thán phục những sáng tác ấy của Marin. Ông đề nghị Marin gửi một số tranh sang Mỹ để tham dự cuộc triển lãm ở New York do ông kết hợp với Alfred Stieglitz tổ chức. Steichen và Stieglitz rất sẵn lòng triển lãm những sáng tác của những họa sĩ Mỹ cũng như châu Âu chưa được biết đến nhưng đầy triển vọng. Chính sự đề nghị của Steichen đã dẫn đến bước ngoặt trong cuộc đời của Marin. Nó đã tạo ra một quan hệ lâu dài và tình bạn tri kỷ giữa Marin và Alfred Stieglitz, người được xem là gương mặt quan trọng duy nhất trong sự phát triển nền hội họa hiện đại ở Mỹ. Ông đã giúp cho Marin trở thành một trong những họa sĩ sáng giá nhất của thời đại ông.

Mùa xuân năm 1910, Marin trở về quê nhà. Một thời gian ngắn sau đó, ông gặp Stieglitz lần đầu tiên. Stieglitz mời ông gia nhập nhóm họa sĩ mới của mình gồm có Arthur Dove, Alfred Maurer, Marsden Hartley và Max Weber, và Marin đã hăng hái nhận lời. Con người vốn xưa nay lười nhác giờ đây lại trở thành một họa sĩ nghiêm túc, tận dụng tất cả thời giờ và sức lực cho công việc.

Stieglitz tìm nhiều cách giúp Marin. Không những cho ông mượn tiền mà còn hướng dẫn ông về những phong cách mới của nền hội họa Pháp.

Vào lúc này, Marin ”khám phá” ra New York như một sức mạnh quan trọng. Tất cả những tiếng ồn ào, những chuyển động, những tòa cao ốc, như mới trông thấy chúng lần đầu tiên. Trong cơn cuồng say, ông đã vẽ một loạt tranh màu nước. Những tòa cao ốc trong tranh ông như đang xô đẩy, chen lấn nhau. Tranh ông không phải là một sự tái tạo lại quang cảnh thành phố mà là sự diễn tả cái cảm xúc đang trào dâng trong ông chỉ qua vài nét cọ.

Tháng 12-1914, Marin kết hôn với Marie Jane Hughes. Họ cùng đi Washington, D. C., và khi trở về, họ sống chung với chị gái của Marie ở Brooklyn. Marin tiếp tục chăm chỉ làm việc. Cuộc triển lãm Armory năm 1913 đã tạo cho Marin một mục đích, một ”sự quan hệ”. Ông không còn cảm thấy lẻ loi như trước kia nữa.

Cũng như lúc ”khám phá” ra New York, mùa hè năm 1914, Marin khám phá ra Maine. Giống như Winslow Homer, Marin thực sự cảm thấy mình như một phần không thể tách rời khỏi thiên nhiên ở đó. Từ ấy cho đến cuối đời, ông luôn luôn trải qua mùa hè ở Maine. Ông chuyển từ nơi này sang nơi khác và bao giờ cũng theo một hướng cố định: tiến về phía biển.

Trong niềm ao ước tái tạo lại những cảm giác thật về thiên nhiên, Marin phát minh ra những ”biểu tượng” hay chỉ dấu để mô tả những điều mà ông nhìn thấy. Chẳng hạn như những chấm màu xanh có hình thù như lá cây, những hình khối nho nhỏ là nhà cửa, những đường cong là sóng biển, vòng tròn là đá. Một yếu tố quan trọng trong tranh của ông là sự chuyển động được mô tả bằng những nhát cọ thẳng hoặc cong đưa cái nhìn của ta từ mặt phẳng này sang mặt phẳng khác. Càng lớn tuổi nét vẽ của Marin càng đi xa hiện thực, mặc dù vậy, ”vẫn chưa bao giờ thấy được cái tươi mát của thiên nhiên” như ông nói. Qua những cuộc triển lãm do Steiglitz tổ chức, Marin đã tập hợp được một nhóm nhỏ những người hâm mộ, nhưng chỉ có một số ít người mua tranh của ông. Trước đó, Steiglitz đã buộc lòng phải đóng cửa nhà kho chứa tranh của các họa sĩ vì thiếu tiền và thiếu người mua tranh. Mặc dầu hội họa hiện đại đã tạo một ấn tượng lâu dài cho các họa sĩ nhưng phần lớn công chúng vẫn còn cho rằng những tác phẩm mới mẻ ấy là sản phẩm của những kẻ điên!

Thiếu sự hỗ trợ của Steiglitz, gia đình Marin chẳng biết phải làm gì. Để tiết kiệm chi phí, họ ở lại Maine cho đến khi những cơn gió rét của mùa đông buộc họ phải quay về New York. Để có tiền nuôi sống gia đình, Marin đã bán một phần tranh khắc cho khách sạn Biltmore ở Maine với giá mỗi bức một đô la!

Năm kế tiếp, họ buộc phải ở lại Maine cho đến tháng 12. Khi trở về, họ sung sướng nhận lời mời của dì Lelia đến ở tại nhà bà. Dì Jenny đã qua đời ba năm trước và giờ đây dì Lelia sẵn sàng chào đón họ. Gia đình Marin dọn tới Cliffside, bang New Jersey và Marin đã ở đây cho đến cuối đời trừ những mùa hè đi Maine.

Trong suốt bốn năm tiếp theo, nhờ những nỗ lực của Stieglitz, người không bao giờ mất lòng tin vào tài năng của Marin, ông đã bán được 32 bức tranh màu nước. Nhờ thế kinh tến gia đình có phần đỡ hơn đôi chút nhưng ông vẫn còn quá nghéo.

Một thời gian ngắn sau, Marin bắt đầu sử dụng những đường nét mạnh mẽ, linh hoạt làm ”cái sườn” cho những chủ đề của mình. ”Cái sườn” này có tác dụng tập trung toàn bộ bức tranh lại với nhau theo một cách đặc biệt. Các nhà buôn nghệ thuật bắt đầu quan tâm tới những tác phẩm mới mẻ này, và lần đầu tiên trong đời, Marin đã có đủ tiền để sống. Anh chàng ”lười biếng” ngày xưa giờ đây phải làm việc luôn tay.

Năm 1925, Stieglitz mở một phòng trưng bày tranh mới, và cuộc triển lãm đầu tiên của ông dành cho những tác phẩm mới sáng tác của Marin. Lần này thì Marin đã được xem là người đi đầu trong lãnh vực hội họa Mỹ hiện đại. Có người lại còn quá đà cho rằng Marin là ”một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của thế giới”. Kết quả của những lời ca tụng ấy là số lượng tranh được bán và giá tranh của Marin tăng vọt lên.

Những năm tiếp theo sau đó, khi tên tuổi họa sĩ Marin vang dội, ông lại cảm thấy thất vọng cho con đường nghệ thuật của mình. Suốt thập niên 1940, ông quay về với tranh sơn dầu và cố gắng áp dụng những nguyên tắc mà ông đã dùng với tranh màu nước, nhưng tranh sơn dầu của ông không được công chúng đón nhận. Các nhà phê bình cho rằng tranh sơn dầu của ông thiếu vẻ đẹp và nét duyên dáng như ông đã từng thể hiện trong những bức màu nước.

Vinh quang cuối cùng đã đến với Marin khi ông được 63 tuổi: một cuộc triển lãm có tên ”hai mươi lăm năm của Marin” được thực hiện, gồm tất cả những tác phẩm của ông kể từ những bức tranh màu nước đầu tiên ở Paris cho đến những tác phẩm mới nhất của ông. Cuộc triển lãm thành công vang dội. Ba năm sau, Nhà Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại đã dành riêng hai tầng lầu để trưng bày toàn bộ tác phẩm của Marin trong cuộc triển lãm khổng lồ. Đây là một vinh dự lớn dành cho một họa sĩ đương thời.

Trong cuốm sách nhỏ mô tả cuộc triển lãm có hơn hai trăm tác phẩm này, tác giả Marsden Hartley, cũng là một họa sĩ tiếng tăm, đã viết: ”Các bạn sẽ không bao giờ thấy lại được những bức tranh màu nước đẹp như những tác phẩm của Marin, vì vậy hãy đến thưởng ngoạn để nhớ một phong cách, trong trường hợp này, là của một con người say mê cuộc sống, say mê công việc và say mê thiên nhiên.”

Càng về già phong cách của Marin càng mang tính trừu tượng hơn. Không giống những hoạ sĩ trừu tượng khác, ông luôn luôn sáng tác từ một chủ đề, đặc biệt là chủ đề thiên nhiên. Ông nói: ”Biển mà tôi vẽ, không phải là một đại dương cụ thể nào, nhưng nó là biển chứ không phải là một cái gì trừu tượng”.

Vợ ông, bà Marie Marin qua đời vào ngày 1-3-1945. Cái chết của bà đã để lại trong lòng ông một khoảng trống to lớn không gì thay thế được. Bà là người từng chia sẻ cuộc đời cùng ông cả thuở hàn vi cũng như khi thành đạt, lo cho ông từng miếng ăn giấc ngủ, bà còn là người đóng góp ý kiến cho những tác phẩm của ông. Dù bà thú nhận rằng mình không hoàn toàn hiểu hết những gì ông muốn điễn đạt, nhưng bà lại có một cặp mắt tinh tường về sự cân đối. Mỗi khi bà phát biểu: ”Em thấy dường như bức tranh không được cân đối cho lắm, John ạ”, thì hầu như luôn luôn bà có lý.

Một năm sau, Alfred Stieglitz cũng ra đi, và một thời gian ngắn sau đó, Marin bị cơn đau tim nặng. Ông hồi phục được nhờ sự trở về của đứa con trai sau chiến tranh. Những năm còn lại, hai cha con Marin đã có được mối quan hệ gắn bó ấm áp lạ thường. Con trai Marin rất quan tâm đến sức khỏe của cha đến độ anh đã mang John theo trong tuần trăng mật của mình khi anh lấy vợ vào mùa hè năm 1948.

Marin tiếp tục nghỉ đông trong ngôi nhà của mình ở Cliffside và nghỉ hè ở Vịnh Split, bang Maine. Không mấy ai trong số những người láng giềng của Marin ở Maine biết rằng ông lão thanh nhã thường cùng họ đi câu hoặc vẽ những bức tranh mà họ không hiểu được bao nhiêu là một họa sĩ nổi tiếng thế giới. Họ chỉ biết đơn giản ông là một người láng giềng tốt, một ông già hơi bất thường, nhỏ nhắn và tinh tế, ăn mặc những bộ quần áo lỗi thời kỳ lạ.

Từ lâu trước khi ông qua đời vào ngày 1-10-1953, Marin đã được xem là một người đã mang đến cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn và không thể thay đổi được về đồi núi, đồng bằng, về đá và biển cả, cũng như về những thành phố nhộn nhịp của Mỹ…

Chàng sinh viên khốn khổ, con người không thể kiếm được một chỗ làm, kẻ nhàn rỗi – chính con người đã quyết định phải trở thành một họa sĩ lớn ấy – cuối cùng cũng đã đạt được ước mơ trước mắt toàn thể thế giới.

(Sưu tầm và dịch)

Lê Ký Thương

H1

H2

H3

H4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác