Phụ nữ trong cộng đồng các tu sĩ Phật giáo

Ngày đăng: 9/03/2020 09:33:25 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Nhân ngày 8/3, GS Nguyễn Vĩnh Thượng, nhà nghiên cứu Phật học ở Canada đã gửi trang nhà bài Phụ nữ trong Phật giáo. Trong đó gồm 2 phần: Phụ nữ trong cộng đồng các tu sĩ Phật giáo và Phụ nữ trong cộng đồng các cư sĩ Phật giáo. Hôm nay xin được trình bày phần 1 (LM)

Phụ nữ trong cộng đồng các tu sĩ Phật giáo

Theo truyền thuyết, Thái tử Siddhartha được sanh ra từ bên hông phải của Hoàng hậu Maya để tránh khỏi sự dơ bẩn của con đường sanh sản thông thường. Hoàng hậu Maya từ trần sau khi sanh Thái tử Siddhartha có 7 ngày. Thái tử được bà Prajapati, em gái của Hoàng hậu Maya, trông nôm nuôi nấng.

Sau khi Đức Phật lịch sử đắc đạo khoảng 5 năm, bà Prajapati (có tên đầy đủ là Maha-Prajapati Gotami) cùng với một nhóm phụ nữ tháp tùng theo bà đã đến gặp Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và thỉnh cầu cho họ được xuất gia để làm nữ tu sĩ/Sư cô. Thoạt tiên Đức Phật đã từ chối lời thỉnh cầu này. Bà Prajapati vẫn kiên nhẫn tiếp tục thỉnh cầu lần thứ hai rồi đến lần thứ ba . . . Đức Phật vẫn từ chối lời thỉnh cầu của bà Dì, chính là mẹ nuôi của mình. Nhưng sau đó, Ngài Ananda, một đệ tử thân cận Đức Phật, nhân danh bà Prajapati đã nhiều lần trình và thỉnh cầu Đức Phật để nữ giới được xuất gia.  Cuối cùng, Đức Phật đã chấp thuận thỉnh cầu này. Bà Prajapati là phụ nữ đầu tiên được vào Tăng đoàn Phật giáo. Sự do dự của Đức Phật có lẽ vì phong tục xã hội Ấn độ lúc bấy giờ không chấp nhận người thanh niên sống đời sống độc thân, nhất là người phụ nữ độc thân.

Đức Phật dạy rằng: “Phụ nữ thì bình đẳng với đàn ông trong khả năng giác ngộ”. Như vậy “sự giác ngộ” không liên hệ gì đến giới tính của người tu tập. Từ đây phụ nữ Ấn độ được phép rời bỏ cuộc sống bình thường để xuất gia và trở thành thành viên của cộng đồng tu sĩ Phật giáo. Đã có 500 phụ nữ xuất gia theo bà Prajapati, trong số đó có bà Yasodhara là vợ của Thái tử Siddhartha trước khi Ngài xuất gia.

Về phương diện giới luật của Phật giáo thì Sa-diSa-di-ni (người nam và nữ dưới 20 tuổi xuất gia) có 10 giới. Còn trên 20 tuổi xuất gia thì Tì-kheo Nam có 250 giới, Tì-kheo Nữ có 348 giới. Tuy nhiên, Tì-kheo Ni còn phải tuân thủ thêm 8 giới để được chấp nhận vào cộng đồng tu sĩ Phật giáo. Đó là “Bát Kỉnh Giới” hay “Bát Trọng giới”. “Tám Trọng Giới” này bắt buộc nữ tu sĩ / Tì-kheo ni phải cung kính tôn trọng nam tu sĩ/ Tì-kheo Nam suốt đời. “Tám Giới Cung Kính” rõ ràng cho biết địa vị thấp hơn của Nữ tu sĩ đối với Nam tu sĩ trong cộng đồng tu sĩ Phật giáo và sự lệ thuộc của Nữ tu sĩ đối với Nam cư sĩ , bởi thế cho nên đã có nhiều cuộc tranh luận về sự không bình đẳng của 8 điều giới luật này. Thí dụ: giới thứ nhất: “Vị tì-kheo Ni dù tu được một trăm năm vẫn phải cung kính vái chào vị Tì-kheo Nam mới tu dù chỉ có một ngày.”.

Nhiều học giả Phật học đã luận bàn về “Bát Kỉnh Giới” như sau:

1.-Tám giới này không phải là lời dạy của Đức Phật trong lịch sử, tức là Đức Phật không bao giờ nói ra.

2.-Còn nếu Đức Phật có nói ra thì mục đích là để xoa diụ những qui tắc xã hội quá cứng rắn về sự bất bình đẳng giữa nam gìới và nữ giới.

3.Có học giả đưa ra giả thuyết rằng có thể các nam đại sư sau này đã đặt thêm “Tám Trọng Giới” này để bắt các Tì-kheo ni phải cung kính Tì-kheo nam, tức là phải cung kính chính mình.

4.-Có học giả cho rằng trong thời đại ngày nay, nam – nữ bình quyền, giới Nữ tu sĩ không cần phải chấp hành “8 Trọng Giới” này và các giới luật bất bình đẳng này cần được thảo luận nhiều hơn nữa để thay đổi.

Trong nhiều sách có ghi xã hội Ấn độ cổ xưa quan niệm rằng: “Thật là có những khó khăn để Nam tu sĩ chấp nhận phụ nữ như là một thành viên của đời sống trong tu viện. Vì “họ diễn tả rằng phụ nữ là người quyến rũ, hấp dẫn và là sinh vật không được sạch sẽ .Sự kinh thường thân xác đàn bà là một điều chúng ta không thể chấp nhận được trong xã hội ngày nay.

Qua lịch sử, chúng ta chứng kiến “phụ nữ” vẫn tiếp tục tranh đấu cho vai trò và địa vị của mình trong Phật giáo cũng như trong các tôn giáo khác. Việc vận động sự bình đẳng về giới tính và địa vị phụ nữ trong Phật giáo không những còn tiếp diễn ở Á Châu mà còn ở các xứ Âu Mỹ nữa. Nhiều tham luận đã duyệt xét lại địa vị của phụ nữ với những khuyến khích phụ nữ cần phải chia sẻ đầy đủ các kinh nghiệm trong Phật giáo, họ đưa ra nhiều cơ hội để phụ nữ có thể cống hiến cuộc đời mình vào đời sống của Tăng đoàn. Thí dụ: Fo Guang Shan, một tu viện Phật giáo lớn nhất ở Đài Loan, đã cung cấp nhiều cơ hội bình đẳng cho Nam tu sĩ và Nữ tu sĩ về giáo dục và thực hành giáo quyền trong việc  lãnh đạo, điều hành tu viện. Hòa Thượng T.S Yifa đã nhận xét:

“Tại Đài Loan, các Sư Cô Đại thừa Phật giáo đã tiếp thu sự giáo dục cao hơn (bậc Đại học),  lập chùa, thuyết Pháp, tiến hành nghiên cứu, truyền giới luật Phật giáo, quản trị kinh tế của chùa cũng như điều hành và tham gia các chương trình từ thiện khác như chăm sóc y tế miễn phí, chăm sóc trẻ em và cung cấp các dịch vụ giúp người cao tuổi. Các Sư Cô này không những  cải cách hệ thống điều hành tu viện Phật giáo theo truyền thống cũ, mà còn chứng tỏ họ ngang hàng với các nam tu sĩ Phật giáo. Do đó, ngoài việc nhận lãnh trọng trách trong hàng giáo phẩm, các Sư Cô này đã có nhiều đóng góp về tôn giáo, giáo dục và công tác xã hội. Vì vậy, họ đã thúc đẩy Phật giáo đi vào cuộc sống hằng ngày, và từ đó làm trong sạch xã hội Đài Loan”.

(Venerable Dr. Yifa, The Woman’s Sangha in Taiwan in Mitchell and Wiseman, Edis., Gethsemani Encounter, p. 108).

Một trong nhiều vấn nạn chính ở các Tăng đoàn Phật giáo Á Châu là khi nào mới có thể thiết lập “sự thụ giới hoàn toàn cho Ni chúng”? – Tất cả các xứ Phật giáo đều chấp nhận “người Nam” được thụ giới  hoàn toàn để trở thành Tì-kheo  nhưng chỉ có một ít tông phái  Phật giáo chấp nhận cho “người Nữ” cơ hội “thụ giới  hoàn toàn” để trở thành Tì-kheo-ni như trong truyền thống Đại thừa Phật giáo ở Trung Hoa, Đại Hàn, Đài Loan, Hồng Kông  và Việt Nam. Ở Nhật Bản, đàn ông và phụ nữ đều được thụ giới tu sĩ; theo truyền thống tân Tăng thì hầu hết Nam tu sĩ đều cưới vợ, nhưng hầu hết Nữ tu sĩ thì sống đời sống độc thân. Còn ở các xứ khác như Tây Tạng, Mông cổ, Bhutan, Nepal, Indian Himalaya thì phụ nữ chỉ được “thụ giới bán phần hay thụ giới tập sự”. Phụ nữ ở Laos, Myanmar và Thailand thì không thể trở thành Sư Cô Phật giáo bởi vì các nước này không những không chấp nhận sự “thụ giới bán phần” cũng như “sự thụ giới hoàn toàn” cho phụ nữ. Ở Sri Lanka thì phụ nữ không được vào Tăng đoàn Phật giáo nhưng các nữ tu sĩ cũng tự sống đời sống độc thân, xuống tóc, mặc áo tu sĩ, tự thành lập và điều hành những tu viện riêng cho họ.

Vào cuối thập niên 1975, song song với cuộc tị nạn của người dân Việt Nam, Miên, Lào, Phật giáo đã du nhập một số lượng rất lớn Phật tử vào Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Đức . . . Nhiều Niệm Phật Đường, Thiền Viện, Chùa chiền được thành lập. Có nhiều Sư Cô đã vận động quyên góp tiền cúng dường để xây nhiều chùa  hoành tráng từ hai bàn tay trắng. Các Sư Cô đã thành công về việc quản trị kinh tế tài chánh, thuyết pháp . . . mỹ mãn.

Ngày nay, ở Tây phương, số tỷ lệ rất cao phụ nữ đã thọ giới hòan toàn để làm sư cô. Nhiều nữ tu sĩ  đã giảng Phật Pháp một cách sâu sắc. Thí dụ: Jetsunna Tenzin Palmo (born 1943 –   ) là một trong các phụ nữ Tây phương được “truyền giới hoàn toàn” để trở thành Sư Cô Phật. Bà là tác giả của những bài khảo luận Phật học sâu sắc, là giảng sư Phật học. Bà là Hội trưởng của “The Sakyadhika International Association of Buddhist Women”, sáng lập viên của “The Dongyu Gatsal Ling Nunnery” ở Ấn độ.

Vào thập niên 1960, 1970, nhiều người Tây phương đã theo đạo Phật, số Phật tử gia tăng. Việc này đưa đến một sự khủng hoảng về lãnh đạo ở các Thiền Viện mà trong hệ thống giáo phẩm được ngự trị bởi giới nam tu sĩ Á Châu tại một xã hội không phải là Á Châu. Thí dụ: để phản ứng lại cuộc khủng hoảng về lãnh đạo này, “San Francisco Zen Center” đã thiết lập một cấu trúc hành chánh dân chủ để điều hành Thiền Viện này, và lập ra các cẩm nang về sự liên hệ giữa Thiền Sư và Thiền sinh. Tại Thiền viện này các thành viên bầu Ban Quản Trị và Viện trưởng ( Trụ Trì) trong một nhiệm kỳ là 4 năm. Tiếp theo đó nhiều Hội Đoàn Phật giáo khác đã phỏng theo tổ chức này. Ngày nay ở Tây phương, trong nhiều cộng đồng Phật giáo, các Sư Thầy, Sư Cô chia sẻ với các Cư sĩ quyền quản trị Ban Điều Hành. Các học giả Phật coi việc thay đổi tận gốc rể này như là một sự bình đẳng trong cấu trúc hành chánh để điều hành Thiền Viện của cộng đồng Phật giáo như là “ một sự dân chủ hoá Phật giáo”. Trong việc dân chủ hoá này, còn có cố gắng để tiến tới Nam tu sĩ và Nữ tu sĩ có giáo quyền như nhau trong Tăng-đoàn Phật giáo.  Như trường hợp Zoketsu Norman Fisher và Zenkai Blanche Hartman đã chia sẻ quyền lãnh đạo “San Francisco Zen Center”.

Trong khi đó, các tu viện Phật giáo ở Á Châu vẫn tiếp tục theo truyền thống cũ có nghĩa là vẫn kính trọng thâm niên tu học của các vị Sư Thầy trong việc giảng đạo, giữ vai trò cố vấn và thuyết giảng tín đồ. Như vậy, không có một đòi hỏi nào về thẩm quyền trong hàng giáo phẩm của các tu viện Phật giáo ở Á Châu.

Bà Grace Schireson là một Giảng sư Phật học trong dòng thiền “Suzuki Roshi” đã nói lên những câu chuyện chưa bao giờ được nói ra trong Thiền tông ở trong quyển sách do bà viết: “Zen Women: Beyond Tea Ladies, Iron Maidens and Macho Masters” . Theo bà, một sự thật không may mắn trong lịch sử Phật giáo là Nam tu sĩ và Nữ tu sĩ không ngang hàng với nhau.

Thật ra thì ở trong các tôn giáo khác, nam giới và nữ giới cũng chưa được bình đẳng.
Trong một “Hội nghị của phái Thiền Bắc Mỹ”, bà Grace Schireson đã đặt một câu hỏi cho một vị Nam Thiền Sư rằng có bao nhiêu Thiền sư Nữ ở trong Hội nghị này? –  Vị Nam Thiền Sư này trả lời : “Tất cả đều là phụ nữ, tất cả đều là đàn ông”. Ý nghĩa của câu trả lời này là muốn nói tới sự bình đẳng hay đồng nhất giữa Nam giới và Nữ giới.

Ngày nay, Phật giáo đã được toàn cầu hoá, nhưng việc tranh đấu cho sự bình đẳng giữa Nữ giới và Nam giới trong Tăng đoàn Phật giáo vẫn còn nhiều thử thách. Tuy rằng có nhiều nhà lãnh đạo các tu viện Phật giáo đã chấp nhận “Sư Cô Phật giáo được thụ giới hoàn toàn“.

Năm 2007, tại Hamburg, German, Đức Dalai Lama thứ 14 đã tổ chức một Hội nghị thảo luận  về “sự thọ giới hoàn toàn cho các Sư Cô”. Đã có rất nhiều Nam tu sĩ , Nữ tu sĩ đến từ các nước Á Châu, họ đã có nhiều bài tham luận vững chắc về vấn đề này; cũng có nhiều Nữ tu, Nam tu và các học giả, giáo sư từ Âu Châu, Mỹ Châu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu về vấn đề này. Trong ngày cuối cùng của Hội nghị, Đức Dalai Lama đã xác nhận rằng Ngài ủng hộ việc thọ giới Ni-cô , đồng thời Ngài cũng khuyến nghị rằng cần phải có nhiều cuộc thảo luận vững chắc và nghiên cứu sâu sắc hơn nữa về việc thọ giới hoàn toàn cho Ni chúng Tây Tạng.

Tóm lại, cộng đồng các Sư Cô trong Tăng đoàn Phật giáo đã trải qua nhiều thử thách lớn kể từ khi Mẹ nuôi của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là bà Prajapati được thâu nhận vào Tăng đoàn. Ngày nay, các Sư Cô đã có nhiều đóng góp lớn về mọi mặt cho Tăng đoàn, rồi đây họ sẽ đạt được sự bình đẳng với Nam tu sĩ, tuy rằng ngày tốt đẹp ấy chưa đến ngay bây giờ mà phải còn đòi hỏi một thời gian nữa.

GS Nguyễn Vĩnh Thượng

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác