Phật giáo trong thời đại Internet:

Ngày đăng: 24/03/2020 05:12:35 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

   Từ cuối năm 2019 sang năm 2020, dịch bệnh Corona virus chủng mới đã và đang phát tán, lây lan trên thế giới khiến rất nhiều người bị lây bệnh, nhiều người bệnh đã chết vì dịch bệnh này. Do đó, các cơ quan y tế và chính quyền  các nước trên thế giới đều khuyến cáo hay ra lệnh cho mọi người dân tránh tụ tập đông người và nên ở nhà, mọi người phải xa cách xã hội ; hay xa cách vật lý giữa 2 người phải xa cách một khoảng không gian khoảng 1,50 mét. Chùa ảo rất thích hợp trong giai đoạn này, vì chùa ảo giúp tránh tụ tập đông đảo như chùa thật. Phật tử ở nhà, viếng chùa ảo, lễ Phật trên Internet để thực hiện xa cách xã hội. Đây là một trong những cách để giảm sự lây lan của dịch bệnh Corona virus đang bùng phát.

1.-Các trang mạng Phật giáo, các thư viện Phật giáo, các tăng đoàn mạng và việc quảng bá “Ban từ thiện xã hội” của nhà chùa:

                     Như đã trình bày, trong lịch sử nhân loại kể từ hậu bán thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, sự phát triển như vũ bảo của Internet đã ảnh hưởng trong mọi lĩnh vực: nghiên cứu, giáo dục, chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội. Tiềm năng của Internet sẽ khai thác thêm nhiều ứng dụng cho các lãnh vực này. Một cách tổng quát Internet đang ảnh hưởng đến các tôn giáo, Phật giáo không ngoại lệ. Vậy chúng ta sẽ tìm hiểu Internet đang ảnh hưởng Phật giáo như thế nào?

-Với những khả năng của “World Wide Web”, nhiều Website Phật học được thành lập. Các Website này giúp ích người đọc có thể tiếp cận với Phật giáo và Phật học một cách dễ dàng, cho phép các buổi Pháp thoại, và nhiều đề tài đặc biệt được khám phá ra. Hầu hết các chùa chiền đều có các trang Web riêng, các Hội đoàn Phật giáo cũng đều có những trang Web riêng, các nhà nghiên cứu Phật học đều có trang Web riêng, thậm chí người bình thường cũng có thể có lời nhận xét của mình sau các bài giảng và các bài viết  để trao đổi quan điểm nhiều chiều.

-Ngày nay, Google Search (Google tìm kiếm) đang giúp cho các nhà nghiên cứu Phật học và các Phật tử rất nhiều. Một trử lượng đồ sộ về Tam Tạng Kinh điển Phật giáo và các luận văn về Phật học đã chứa đựng trong kho tài liệu của Internet. Khi cần tìm hiểu một vấn đề gì hoặc về kinh điển nào của Phật giáo, chúng ta chỉ cần vài cái nhắp “con chuột” và đánh máy một số chữ trên bàn phím thì sẽ tìm được lời giải thích ngay, có thể tìm hiểu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau  như Việt Nam, Anh, Pháp, Đức, Trung Hoa . . .

Những công nghệ thông tin đã tạo nên “tăng đoàn toàn cầu” và càng ngày “tăng đoàn mạng” hay “tăng đoàn ảo” (Cyber Sangha) càng lớn mạnh. Người Phật tử không còn phải chờ đợi bên ngoài Thiền Viện trong nhiều ngày dưới cảnh nắng mưa để tìm gặp một thiền sư để hỏi về đạo Pháp; Phật tử có thể vô Internet ngay tức thì và tìm hiểu Phật Pháp với nhiều bài thuyết giảng đa diện, đa chiều.

Nhờ Internet, Phật tử có thể tìm kiếm những vị thầy Phật giáo, chùa chiền, văn hoá Phật giáo và những người nghiên cứu Phật học hay các người tu tập khác. Chúng ta có thể nghe cách giảng giải khác nhau của các Giảng sư khác nhau với quan điểm khác nhau qua các nhận thức khác nhau. Nhiều vị học giả có những kiến thức Phật học uyên bác, tuyệt vời và các kinh nghiệm quý báu.

Chúng ta còn có những ngôi chùa ảo hay ngôi chùa mạng  ở trên Internet. Điều này giúp các Phật tử ở những vùng không có chùa chiền, hoặc sau giờ làm việc mệt mõi Phật tử không thể đến chùa được. Lại có những Tăng đoàn ảo hay Tăng đoàn mạng (Cyber Sanghas) giúp hành giả tiếp xúc với các vị Sư trên Internet mà trong thực tế không dễ gì tiếp cận được quý vị Thầy tu này ngay tức thì. Như vậy, không gian ảo (Cyber Space) đã thu ngắn được khoảng không gian vật lý rất nhiều. “Ngôi chùa ảo”cũng không đòi hỏi một khoảng không gian vật lý rộng lớn, và chi phí xây dựng rất tốn kém. Như một món quà bổ sung có giá trị, Tăng đoàn ảo là một cộng đồng giúp con người một con đường đi đến giải thoát tâm linh. Tăng đoàn mạng có khả năng giao tiếp ngay lập tức mà không cần quan tâm đến sự gần gủi địa lý với hành giả.

Như đã kể trên, từ cuối năm 2019 sang năm 2020, dịch bệnh Corona virus chủng mới đã và đang phát tán, lây lan trên thế giới khiến rất nhiều người bị lây bệnh, nhiều người bệnh đã chết vì dịch bệnh này. Do đó, các cơ quan y tế và chính quyền của các nước trên thế giới đều khuyến cáo hay ra lệnh cho mọi người dân tránh tụ tập đông người và nên ở nhà, mọi người phải xa cách xã hội (social distancing); hay xa cách vật lý (physical distancing) giữa 2 người phải xa cách một khoảng không gian khoảng 1,50 mét. Chùa ảo rất thích hợp trong giai đoạn này, vì chùa ảo giúp tránh tụ tập đông đảo như chùa thật. Phật tử ở nhà, viếng chùa ảo, lễ Phật trên Internet để thực hiện xa cách xã hội. Xa cách xã hội được chứng minh là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm sự lây lan của bệnh tật trong khi dịch bệnh Corona virus đang bùng phát.

Nhiều thư viện Phật học điện tử được thành lập với số lượng tài liệu đồ sộ gồm Tam Tạng Kinh điển Phật giáo, các bài  khảo cứu và luận văn Phật học có giá trị. Rất nhiều thư viện Phật học điện tử được dùng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Trung Hoa,Việt Nam …Thí dụ: các thư viện Phật giáo tiếng Việt nỗi tiếng như Tuệ Quang Wisdom Light Foundation, Thư Viện Hoa Sen, Trang Nhà Quảng Đức, BuddhaSasana . . . Nhiều vị tu sĩ Phật giáo còn thực hiện các Video Clip trên Youtube để thuyết Pháp.

Internet đã giúp nhiều cơ quan, hội đoàn quảng bá dịch vụ và sản phẩm của họ. Nhà chùa cũng không ngoài ngoại lệ. Nhờ sự quảng bá này mà “Ban Từ Thiện Xã Hội” của nhà chùa được các nhà hảo tâm biết đến rất nhiều, các nhà hảo tâm đã cúng dường nhiều tài vật để duy trì và phát triển công việc từ thiện này. Tuy nhiên, chúng ta thấy có nhiều hạn chế chưa khắc phục được là có những kẻ, những Sư giả đã lợi dụng lòng tốt của nhiều người để quyên tiền cúng dường và chi tiêu tiền này không đúng mục tiêu từ thiện.

Việc phổ biến giáo lý của Đức Phật đã truyền bá khắp năm Châu một cách nhanh chóng qua Internet. Ngày xưa, giáo lý của Đức Phật lịch sử đã truyền bá một cách chậm chạp, Phật giáo đã mất 500 năm để truyền bá từ Ấn độ sang Trung Hoa. Thật vậy, các công nghệ thông tin hiện đại đã và đang tạo nên rất nhiều cơ hội để truyền bá Phật Pháp một cách dễ dàng.

2.- Giáo dục Phật giáo điện tử:

                       Việc giáo dục triết lý Phật giáo cũng như việc giáo dục các lãnh vực khác đều có thể sử dụng việc học điện tử (E-learning/ Electronic learning), đây là một hình thức học tập mới rất ích lợi cho mọi người. Nhiều thắc mắc, nhu cầu hiểu biết về một điều gì, chúng ta còn có thể “tra Google”, cũng như vậy, Phật giáo không là ngoại lệ.

Như đã biết có nhiều vị Sư, chùa chiền lập nên các website cho chính mình để phổ biến Phật học và Phật giáo. Thí dụ như Thượng Toạ Pannyavaro  là một tu sĩ Phật giáo Tây phương đã từ Thiền Viện ở Miến điện đi về Sydney, Úc-đại-lợi, thành lập “Buddha Dharma Education Association” vào năm 1992. Ngài đã thành lập tại Úc-đại-lợi một Website Phật giáo đầu tiên là WWW.buddhanet.net mỗi ngày Website này có khoảng 50,000 lượt vào xem, có rất nhiều độc giả sử dụng Website này không phải là Phật tử.

Buddhanet chỉ là một trong hàng ngàn Website Phật giáo. Ngày nay, các Website Phật học có số lượng vô số kể ở Mỹ, Úc, Đức, Canada, Pháp, Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, Việt Nam . . . với nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Trung Hoa, Việt Nam . . .

GS . Nguyễn Vĩnh Thượng

LTS: Bài này được trích trong cuốn sách của thầy Thượng, do điều kiện trang nhà không thể tải hết. Anh chị nào cần, chúng tôi sẽ chuyển qua email. các bạn vui  lòng cho biết địa chỉ . Nếu số lượng nhu cầu từ 10 quyển trở lên, trang nhà in ấn và tặng miễn phí.

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác