Giáp Cốt Văn là hình tượng của con chuột và 3 hạt thóc, sang qua Đại Triện, Tiểu Triện là hình con chuột ngồi nhe hai hàm răng chơm chởm với cái mình và 4 chân bên dưới, cuối cùng là cái đuôi từ phải cong sang trái. Nên, THỬ 鼠 là Chuột.
Chuột là giống gậm nhấm phá phách, từ nông phẩm, thực phẩm, đến đồ gia dụng không từ thứ nào cả, nên còn được gọi là HAO TỬ 耗子 ( con vật làm Hư Hao đồ đạc ), và vì tính nào tật nấy, cứ thế phá phách, nên lại được gọi là LÃO THỬ 老鼠 = đồng âm với LÃO THỬ 老此, có nghĩa là LÃO THỊ NHƯ THỬ 老是如此 : Cứ vẫn như thế ! (Vẫn cứ phá phách như thế mãi !).
Trong 12 con giáp, có 2 con được gọi là LÃO :
1, Con Chuột : LÃO THỬ 老鼠. Như đã nói ở trên.
2, Con Cọp : LÃO HỔ 老虎. Giới bình dân của ta gọi là “Ông Cọp”.
Ta thường nói : Nhát như thỏ đế ! Nhưng người Hoa lại nói : ĐÃM TIỂU NHƯ THỬ 膽小如鼠 : là Mật nhỏ như chuột, nên gọi những người nhát gan là THỬ ĐÃM 鼠膽 : Mật chuột. “Thứ cái đồ Mật Chuột” có nghĩa như là “Thứ cái đồ chết nhát” của ta vậy !
Chuột lại là con vật bị xem thường xem khinh, như ta mắng những kẻ tiểu nhân, những tên đầu trộm đuôi cướp là : Đồ chuột nhắt ! Tương đương với từ THỬ BỐI 鼠輩 : là Lũ chuột. Người ta ghét chuột, nên hễ thấy chuột là đuổi, đánh, ném, chọi, vì thế ta lại có thành ngữ :
ĐẦU THỬ KỴ KHÍ 投鼠忌器 : Ta nói là ” Ném chuột sợ vỡ đồ “. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ Hán Thư, Giả Nghị Truyện, như sau :
Xưa có người thích sưu tập đồ cổ ngoạn. Ông ta tìm mua được một chiếc bình cổ thật đẹp, đặt trên bàn trong phòng khách, suốt ngày ngắm nghía trầm trồ. Một hôm, vừa từ nhà trong bước ra, ông ta thấy một con chuột đang định nhảy lên trên chiếc bình. Quýnh qúa, ông ta bèn tháo một chiếc guốc đang mang ném con chuột. Không ngờ, con chuột thì chạy mất, nhưng chiếc bình bị guốc ném trúng, rớt xuống đất vỡ tan. Ông ta vô cùng hối hận cho sự nóng nảy thiếu suy nghĩ của mình.
Giả Nghị, một Thừa Tướng giỏi đời Hán, đã dùng câu truyện ngụ ngôn trên để khuyên ngăn Hán Văn Đế không nên dùng cực hình đối với giai cấp Đại phu Qúy tộc, sẽ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nhà vua … Nên,
Câu ” Đầu Thử Kỵ Khí ” có nghĩa làm việc gì đó mà không dám làm thẳng tay, vì còn nghi ngại sẽ ảnh hưởng đến những việc khác có liên quan. Giống như tình trạng diệt tham nhũng hiện nay ở Việt Nam vậy, chỉ làm chiếu lệ, không dám làm thẳng tay, vì … Ném chuột còn sợ bị ” bể ” đồ ! Và như cố Phó Tổng Thống Trần Văn Hương của nền Đệ nhị Cộng Hòa ngày trước đã nói :” …Diệt hết tham nhũng rồi, tôi làm việc với ai đây ?!…”.
Đâu thử kỵ khí : Ném chuột sợ vỡ đồ.
MIÊU KHỐC LÃO THỬ 猫哭老鼠 : là Mèo khóc Chuột, ý muốn nói : Chỉ làm bộ thương xót mà thôi ! Cả câu là ” Miêu khốc lão thử giả từ bi 猫哭老鼠假慈悲 ” : Mèo khóc chuột là lòng từ bi giả dối, để che mắt thiên hạ nhằm muốn đạt được một mục đích nào đó.
Thành ngữ MIÊU KHỐC LÃO THỬ 猫哭老鼠 có xuất xứ từ truyện Thuyết Đường, hồi thứ 62. Đây là câu nói mĩa mai của tướng Trình Giảo Kim nói với Tần Vương Lý Thế Dân, khi Tần Vương đến điếu tang tiểu tướng La Thành vừa mới bị Ân Tề nhị vương hại chết. Trình Giảo Kim cho là Tần Vương chỉ giả bộ thương xót để cho các tướng khác cảm động mà liều mình bán mạng để giúp nhà Đường tạo dựng nên cơ nghiệp mà thôi, chớ chẳng phải thương xót thật tình. Nên câu …
Mèo khóc Chuột có nghĩa tương đương như là câu ” Nước mắt cá sấu ” của ta vậy.
Trong truyện THẤT HIỆP NGŨ NGHĨA 七俠五義 là 7 người Hiệp sĩ và 5 người Nghĩa sĩ đời Tống, thì NGŨ NGHĨA có ngoại hiệu là 5 con chuột theo thứ tự như sau :
1. TOẢN THIÊN THỬ : Lư Phương 鑽天鼠 盧方, là Lão Đại : Chuột chui lên trời, rất giỏi về khinh công.
2. TRIỆT ĐỊA THỬ : Hàn Chương 徹地鼠 韓彰, là Lão Nhị : Chuột chui xuống đất, giỏi về đào hầm chôn thuốc nổ.
3. XUYÊN SƠN THỬ : Từ Khánh 穿山鼠 徐慶, là Lão Tam : Chuột xuyên qua núi, người to lớn có sức mạnh vô song.
4. PHIÊN GIANG THỬ :Tưởng Bình 翻江鼠 蔣平, là Lão Tứ : Chuột vượt qua sông, giỏi thủy tánh, cơ trí hơn người.
5. CẨM MAO THỬ : Bạch Ngọc Đường 錦毛鼠 白玉堂, là Lão Ngũ : Chuột lông gấm, trẻ và đẹp trai nhất trong 5 con chuột, mặc dù hành hiệp trượng nghĩa, nhưng thủ đoạn cũng khá tàn độc, rất đố kỵ với ngoại hiệu Ngự Miêu 御貓 ( Mèo của vua ) của Nam Hiệp Triển Chiêu.
Đó là những con chuột Tàu…
Ngoài ra, nói đến chuột thì không thể thiếu con chuột Mickey của Mỹ mà trẻ em của cả thế giới đều thích. Người Hoa dịch âm Mickey là MỄ KỲ 米奇, và gọi nó là MỄ LÃO THỬ 米老鼠 : Chuột Mickey, một trong những con vật tiêu biểu của Disney world, Disneyland. Và một con chuột không thể thiếu nữa trong đời sống điện toán hiện nay, đó là : Con Chuột của Computer 電腦鼠標 là ĐIỆN NÃO THỬ TIÊU.
Chuột Computer và Chuột Mickey
Còn 3 con vật có tên CHUỘT là THỬ, nhưng trông đẹp hơn chuột nhiều, đó là :
* TÙNG THỬ 松鼠 : là Chuột trên cây tùng, cây thông. Ta gọi là Con Sóc.
* VỊ THỬ 蝟鼠 : là loại chuột to, trên mình có lông mọc thành những mũi gai nhọn chơm chởm. Ta không gọi là chuột mà gọi là Con Nhím.
* ĐẠI THỬ 袋鼠 : là con Chuột Túi, Kangaroo, biểu tượng của nước Úc, là một con thú hẵn hoi, không giống … con chuột tí nào cả !
Chuột có bốn chân, nhưng trong câu đố vui lại hỏi là : Chuột nào có hai chân ? Đáp là ngoài Chuột Túi (Kangaroo) ra, ta còn có con Chuột Mickey đi bằng hai chân. Thế còn con chuột nào chỉ có một chân ? Thưa, đó chính là con Chuột computer! Cuối cùng, câu hỏi hóc búa nhất là : Chuột nào chạy có ba chân ? Câu trả lời khá dí dõm và mĩa mai là : “Con chuột trong Ký Túc Xá sinh viên; vì các cô cậu sinh viên ăn uống bừa bãi, thức ăn rơi vải, rác rưởi, quần áo, đồ dùng vứt bề bộn đầy phòng, tạo nên mùi hôi khó chịu, nên các chú chuột ở đây chỉ chạy bằng ba chân… còn một chân trước dùng để …bịt mũi lại cho đỡ hôi !.
Năm 2020 là năm CANH TÝ 庚子. CANH là ngôi thứ 7 của Thiên Can. Kể về âm dương ngũ hành thì Canh Tân thuộc Kim là Vàng; còn Tý thuộc Thử 鼠 là con Chuột. Nên CANH TÝ là con Chuột Vàng. Nhắc đến con chuột bằng vàng lại nhớ đến chuyện cổ tích dân gian của ta :”Ông quan tuổi Tý và con chuột bằng vàng” như sau :
Ngày xưa, có ông quan nọ nổi tiếng là thanh liêm, xử lý việc công tư đâu đó phân minh, công bình chính trực, không tham ô hối lộ, mặc dù có rất nhiều người đến biếu xén qùa cáp để đền ơn đáp nghĩa, ông đều một mực chối từ. Cho đến lúc về hưu, làng xã dân chúng mới từ miệng bà quan, vợ của ông biết ông tuổi tý, nên mới chung nhau đúc một con chuột bằng vàng đem đến biếu cho bà để làm kỷ vật.
Vì làm quan thanh liêm, nên mấy năm sau, khi gia đình túng quẩn, ông lại ngã bệnh, không tiền thuốc men. Cực chẳng đã, bà mới đem con chuột vàng ra bán để có tiền chi dụng và điều trị bệnh cho ông. Bỗng dưng nhà có nhiều tiền để xây xài, ông ngạc nhiên hỏi bà, bà mới tỏ thiệt cho ông biết về con chuột vàng có được vì tuổi con chuột của ông. Bỗng ông buột miệng tiếc rẻ :”Phải chi lúc đó bà bảo là tôi tuổi con trâu, thì chẳng phải bây giờ nhà mình giàu sụ rồi sao !?”
Quả là một câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc và thâm thúy đáng cho người ta phải suy gẫm !