CHIỀU CUỐI NĂM
Tôi ngồi trên cây cầu cây gie ra bến nước, lòng bồi hồi nhớ mẹ.
Dáng mẹ gầy và khô đét, che bởi tấm áo vải thô vá đùm, vá đụp.
Tóc mẹ, sợi đau sợi cực.
Đầu mẹ, đội nón lá chằm đã tưa rách, phai màu.
Bên hông, mẹ đeo cái giỏ đụt.
Chưn mẹ, bước dò từng bước, lách qua những khe buội dừa nước mọc sum suê trên những dải đất bùn ven sông.
Mẹ tôi, nhẫn nại thò tay vô từng bộng dừa, mò bắt từng con cá bống…
Mười năm.
Mười năm rồi, ít ỏi gì!
Mười năm, tôi xa nhà
Mười năm.
Mẹ tôi, lóng ngóng chờ tin, đợi gặp mặt con.
Đêm châu thổ miền Tây.
Bóng tối đan khói sương chằng chịt sông rạch.
Hàng hàng lớp lớp những tàu lá dừa nước bảo vệ và che chắn cái chết cho những đứa con ra đi vì đất nước.
Thuở đó, lứa tuổi như tôi thừa ngây thơ, lắm ước mơ.
Mỗi lần thương nhớ mẹ, tôi không thể nào không thương nhớ cá bống dừa quê.
Và, cũng không thể nào quên câu hò của người em gái nhà bên, khi đi cùng tôi câu cá bống dừa vào những đêm tràn con nước lớn:
Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra, bậu lấy ông câu
Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu
Kho tiêu, kho mỡ, kho hành
Kho ba lạng thịt (bậu) để dành, bậu ăn!’
(ca dao)
Tiếng hò của em vang xa tràn khắp mặt nước sông đêm
Ở quê tôi, mùa nào cũng có cá bống.
Và, chẳng phải một mình cá bống dừa, có rất nhiều loại cá bống khác, như: bống sao, bống trứng, bống xệ, bống mật, bống cát, bống mú, bống bọt…
Nhưng, không có bống nào thịt ngon bằng bống dừa; không có bống nào yêu thương con và thủy chung với cội nguồn hơn nó.
Khi tiết trời cuối hạ đầu thu, bống dừa cái vào mùa chịu đực. Nó nhả ra mùi dục tình lan theo dòng nước và từng bầy bống dừa đực bơi ngược theo làn nước đó, tìm gặp và giao phối.
Một bụi dừa nước có nhiều bập dừa, mỗi bập dừa có lõm kẹt dừa, lõm kẹt dừa là khoảng cách giữa bập và bắp dừa, tạo thành cái vũng nước, khi nước ròng cạn nước mé sông. Đây chính là tổ ái ân, nơi đẻ trứng, nở con trong cuộc tồn sinh nòi giống.
Mùa trứng nở rộ, cá bống dừa con nhỏ li ti, cơ man nào đếm xuể, nó đeo bám từng bẹ bập dừa đen hị chẳng khác chi đám bù mắc bu cắn ngứa ngái, nổi mận đỏ sần mình!
Mùa trăng trung thu chuyển về đêm 21. Nghĩa là, đêm 21 vào nửa đêm trăng mới mọc, thì bầy cá bống con trưởng thành, nó xa mẹ, xa quê… nó bơi vào cõi tự do, đất rộng sông dài, đến xứ người lập nghiệp. Nó không phải đi ‘’tha phương cầu thực’’ mà nó đi dựng giang sơn mới.
Nói nghe thì dễ như vậy, chớ thiệt ra cũng lắm đoạn trường và chết chóc. Kẻ thù trực tiếp của nó là, bọn cá lóc. Kẻ thù tiềm tàng và lâu dài là, lũ cá trê.
Cá lóc táp, thường săn mồi trên mặt nước.
Cá trê gậm nhấm, săn mồi dưới đáy nước.
Cá lóc đi ăn vào ban mai, đầu hôm.
Cá trê đi ăn vào lúc hoàng hôn, chạng vạng tối.
Hình như, bống dừa nắm vững quy luật, đặc tính kẻ thù; nó có thói quen đi ăn giữa trưa và xế bóng! Nó bơi lưng chừng dòng nước, nghêu ngao nơi ‘’góc chết’’ giữa đôi bờ sinh tử. Kẻ thù dù ngó thấy, cũng chẳng thể mần được gì. Bởi, cá lóc bắt con mồi bằng động tác ‘’táp’’ trong trạng thái ‘’động’’của con mồi; cá trê bắt mồi bằng động tác ‘’gậm’’ trong trạng thái ‘’tĩnh’’ của con mồi. Cá bống dừa không có sức mạnh, nanh vuốt để ngăn chặn hay đánh trả kẻ thù. Nó, khôn cũng không; dại cũng chẳng có. Chỉ là, nó ‘’biết’’ để giữ bổn mạng và bảo tồn nòi giống.
Thương những con bống dừa rời quê mẹ đến đất khách, lập nghiệp không thành. Nó không có tập quán quay lại cố hương dù rằng, tận đáy tâm hồn nó không quên cố thổ. Nó chấp nhận cuộc sống ‘’lang bạt kỳ hồ’’ ở nang tàu mo cau mục, miếng ván bể, miểng gáo dừa khô hoặc chà cây nơi ngọn rạch, hốc vàm…làm chốn dung thân.
Sống trong môi trường mới, buộc nó phải thích nghi và vì thích nghi, lần hồi nó thay đổi chất bống dừa: thịt không còn dẻo và ngọt; dáng dấp, màu sắc không còn lưng đen đũi, lườn trăng trắng, mùa thụ thai bụng mang trứng ốc nốc như thời bống đương sống rừng dừa nước. Nhiều khi, nó xa lạ với chính nó, đau khổ biết chừng nào!
Đời mẹ tôi chưa hề có được cục đất chọi chim, nói chi đến ruộng công ruộng mẫu.
Vì, không có đất nên mẹ phải làm nghề hạ bạc để sinh nhai; dẫu rằng cái nghề nầy người ta không coi trọng.
Mình mẩy, áo quần, chài lưới còn lấm bùn đất, còn ướt chèm nhẹp thì còn tiền; khô ráo, sạch sẽ thì, tiền sạch trơn. Mẹ mong có dịp đổi nghề nhưng làm gì có dịp để mẹ tôi đổi nghề trong cái xã hội kim tiền đầy rẫy bất công ‘’kẻ ăn không hết, người lần không ra!’’.
Ngày đó, tôi non nớt lắm, thiệt thà hỏi mẹ:
– Sao mẹ muốn bỏ nghề bám sông nước chài lưới?
Mẹ nói, từ ngày ba con bỏ đi, một mình mẹ không cam nổi tay lưới, mái chèo. Vả lại, hồi ông ngoại còn sống, ông ngoại thường dặn:
– Mần cái nghề hạ bạc, bắt cá sống bán cá chết, nghèo mạt lút đầu. Giàu một đời chẳng có, nói chi giàu đến ba đời.
Sau nầy, tôi sống sông hồ thời loạn, nhiều đêm ăn bụi ngủ bờ, tôi hiểu ra điều mẹ nói và hiểu thêm vì sao người đời bảo: ‘’Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá!’’.
Tôi mỗi ngày một lớn, mẹ mỗi ngày một già. Khi tôi lên mười, sức mẹ yếu dần, buông nghề chài lưới và chuyển sang bắt cá bống dừa bằng tay hoặc bằng đặt lọp.
Tôi ngây ngô, hỏi mẹ:
– Mẹ! Có bao giờ mẹ thấy hà bá không, mẹ?
– Hà bá, hà bạ…gì con! Mấy tay có chữ, tự xưng ‘’nho sĩ, sĩ phu’’ chi chi đó, lấy điển tích Tàu bày vẽ hù dọa dân nghèo dốt chữ cúng bái, thờ phượng. Có thiệt đâu mà thấy! Chẳng qua là tích Phùng Di, một tay có tài trị thủy. Bởi sinh nghề tử nghiệp, ông ta chết chìm dưới sông khi thuyền lật úp. Trời thương, phong chức Hà Bá giữ sông.
Tôi ngây thơ hỏi:
– Vậy Phùng Di là thần sông hả mẹ?
Mẹ gật đầu cười, nét cười của mẹ tôi ngày ấy trông thật bình yên.
Cá bống dừa ngửi mùi thúi bỏ đi, ngửi mùi tanh thì, nửa đi nửa ở. Cái mùi tanh tanh nó như vừa muốn xua đuổi, vừa muốn níu kéo. Và rồi, mùi tanh đó quyến rũ con cá bống dừa bất kể chết sống cũng chui vô.
Biết vậy, nước ròng mẹ chặn ngách kẹt bập dừa, thò tay bắt cá bống. Nước lớn, mẹ gài lọp ven mé dừa nước để bắt bống dừa.
Chẻ thân cây sống lá dừa nước phơi một nắng, cắt thành từng khúc dài độ 3 đến 4 tấc, dùng dây lạt dừa bền tròn đường kính khoảng 1 tấc đến 1 tấc 2, sao cho vừa nửa cái gáo dừa khô, khoét lỗ tròn lớn bằng ngón chưn cái hoặc nhỉnh hơn một chút, ngay giữa mặt gáo. Hai đầu lọp, đặt hom phía trong, phía ngoài cài ngược hai đầu gáo dừa mần nắp đậy lợp. Bống chui vô lọt tót, chạy ra kẹt hom.
Mẹ tách đôi cua đồng dùng làm mồi, treo bên trong giữa thân lọp. Mùi tanh là mùi quyến rủ bống dừa. Từng con thong thả chui vô lọp, sóng nước miên man êm ả, vỗ về!
Cuối đời mẹ sống nhờ bống kèo.
Tôi vô tích sự, mãi miết chạy theo mộng, bỏ thực của đạo làm con. Ngày tôi về, mẹ tôi đã ra người thiên cổ!
Chiều nay, một buổi chiều cuối năm, buồn cạn nước sông quê. Tôi ngột ngạt như bống dừa kẹt hom lọp.
Mười năm!
Mười năm, vật đổi sao dời, rừng dừa nước ngày xưa từng là: ‘’Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù’’, nay bị chặt rụng đầu chết sạch bởi, lòng tham vô tận của con người: lấn sông, lấp rạch mần dự án ‘’phân lô, bán nền’’!
Rừng dừa nước biến mất, cá bống dừa bị hủy diệt.
Giờ thì, bống dừa nhân tạo thay bống dừa thiên nhiên. Và, biết đâu bống dừa nhân tạo chính là mầm chết thuộc về con người được báo trước qua căn bịnh ung thư, cũng có thể lắm chớ!
Tôi sợ tôi biến chất như bống dừa sống ‘’lang bạt kỳ hồ’’.
Tôi run sợ, tôi mất gốc, ngay trên gốc của mình. Một con bống dừa không có tập quán quay lại cố hương!
Tôi ngồi trên cây cầu cây gie ra bến nước. Buổi chiều trôi chầm chậm, kéo lê từng sợi nắng trải dài bên kia sông.
Bỗng dưng, tôi chạnh lòng nhớ mẹ.
Tôi bật khóc, sụt sùi!
Tôi khóc mẹ tôi
Tôi khóc tôi
Hay, tôi khóc cho tàn kiếp bống dừa quê!?
Trần Bảo Định
Cá bống kho tiêu ăn với cháo trắng hơi đặc là nhất ,,Đọc bài này buồn làm sao ! Cảm ơn tác giả bài viết đầy nghị lực ,,về hình ảnh người mẹ ,,về thời sự khiến người đọc đau lòng lắm
Mong thêm bài viết hay cho người đọc nhé
Hoành Châu ~Châu Lãng Uyển * Gia đình C )