ĂN TẾT Ở CHỢ LỚN
Năm Bính tý, tôi mới lên Sài Gòn viết báo, các báo đặt tôi viết báo xuân, tôi viết về những con chuột kiểng bằng cây tắc ở Cái Mơn xuất khẩu sang Singapore, chuyện làng mai Thủ Đức… Xong định về quê ăn tết. Anh họ Tăng, bạn tôi ở Chợ Lớn khuyên tôi, năm nào ông cũng ăn Tết ở quê, năm nay khoan về, ăn tết ở Chợ Lớn một lần xem sao, có thú vị chi không , ít ra ông cũng có tư liệu viết bài cho các năm tới. Thế là bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp là tôi bắt đầu lang thang trên các ngỏ đường ở quận 5 và quận 6.
Những ngày giáp Tết, nhộn nhịp nhất là khu đường Tháp Mười, các tiệm hai bên phố bán nhiều hoa giấy, đồ hàng mã , nhất là vật dụng thờ cúng ông táo, cá chép, bao lì xì , giấy hồng đơn (giấy đỏ) để lót hoặc viết chữ cho bàn thờ trong nhà.
Tiệm nào cũng có bán những đôi liễn treo trong nhà loại in sẳn trên nền giấy đỏ hồng in chữ nhủ vàng. Từ khi công nghệ in ấn phát triển loại giấy thư pháp như chữ Phúc, chữ Lộc đều được in và bán rẻ. Người tiêu dùng mua mỗi thứ cả chục tấm để về dán trên quả dưa hấu, trái bưởi hay dán trên tường. Những tấm kim bài có xỏ xâu cứ bốn miếng có bốn chữ Ngủ Phúc Lâm Môn, Khai Trương Tấn Phát được mua về trang trí trong nhà , treo trên cây mai, bụi tắc, tấm nhỏ hơn thì treo
trên xe du lịch cho có nét xuân, cũng là ăn Tết.
Bên cạnh đường Tháp Mười có bán nhiều thư pháp in sẳn thì đường Phùng Hưng có nhiều ông đồ viết thư pháp, nhiều người khắc mộc. Cứ nghĩ với các câu chữ in sẳn đẹp , giá rẻ thì các ông đồ sẽ hết đường sống nào ngờ vẫn có người thuê những ông đồ này viết chữ. Họ viết những câu do gia chủ nghĩ ra, lạ và trình bày theo ý khách, hoặc các bảng thông báo khai trương quán đầu năm của các nhà hàng, lịch làm việc của các công ty. Thực ra, các thông báo này họ đã viết bằng
chữ Việt, nhưng cũng phải có bảng chữ Hoa dành cho khách nước ngoài. Các thợ khắc mộc cho biết, tuy không có nhiều khách hàng như ngày xưa, nhưng vẫn có khách làm mộc (bằng cây) để in trên bánh bao, bánh tổ, khắc mộc bản in “bài vị” táo quân, chữ bùa cho giấy tiền vàng bạc . . .Nhớ cách đó mấy năm, các nhà thơ chạy theo phong trào làm mộc in trên các tập thơ, sách, họ phải ra đây nhờ các ông thợ khắc tên họ bằng chữ Hán, kiểu chữ âm dương, cổ tự. Các loại mộc chữ
này chỉ có ở đây làm, phố khắc chữ ở Lê Lai , Nam Quốc Cang (quận 1), không làm được.
Tết thì có trống, lân , ông địa mới rộn rịp. Đi trên đường phố Chợ Lớn lúc này là thấy người đẩy xe ba bánh đánh trống, đánh chập chả bày bán đầu lân, ông địa trên xe cho trẻ con, còn nơi sản xuất và bán sản phẩm này nằm trên đường Triệu Quang Phục. Các đội lân ở Bình Dương, Thủ Đức hay các tỉnh đều đến đây để đặt hàng, lớn nhỏ đều có. Vô tiệm làm vảng trên đường này , thấy nhân công trong tiệm đang làm đèn lồng bằng giấy rất đẹp, không màu mè như đèn lồng Hội An
mà to lớn có hình tròn trên đó có vẽ chữ. Hỏi chủ nhân thì được biết, làm nhiều đèn này để bán cho các chùa ông Bổn, chùa Bà Thiên hậu của người Hoa. Năm nào , các hội này cũng cúng lễ từ mùng 1 đến rằm, có múa lân , có đấu giá thutiền làm quỹ Hội của mỗi bang, ai đấu giá cao thì được đèn đem về treo. Các lồng đều có ghi các câu Thuận buồm xuôi gió, Kim ngọc mãn đường, Vạn sự thắng ý, Mua may bán đắt, Tứ quý hưng long, Thánh mẫu ban phước, Tài nguyên quảng
đường, Hợp gia bình an, Ngũ phước lâm môn. Tuy câu chữ có khác nhưng tựu trung đều mang những điều tốt lành cho người sở hữu. Theo tín ngưỡng thì đấu giá, người thắng lấy đèn về treo trước cổng sẽ làm ăn khá, mặt khác vì danh dự của cá nhân mà người mua không ngại hao tốn. Giá khởi điểm để đấu là mười triệu đồng, có năm đèn được đấu tới hai tỷ đồng. Tôi nghĩ đây là cách để thu cho ngân quỹ cho chùa một cách hiệu quả !
Năm đó, lệnh cấm đốt pháo mới vừa thực hiện, ngày mùng một tết, Chợ Lớn không pháo, chỉ còn pháo điện le que ở vài điểm trên phố. Năm này, người Hoa đã bắt đầu đi du lịch ở xa như Thái Lan, Hong Kong, Trung Quốc. . . Khu vực Chợ Lớn nhìn chung vắng vẻ, các chùa được khách địa phương và du khách đến viếng.
Tôi cũng đi chùa để nhìn người qua lại, các tín đồ cũng xin xăm và nhận được những lá xăm in bằng chữ Hoa. Ông thầy hay ông từ trông coi chùa được khách nhờ giải xăm giùm. Những người Hoa thì đọc được lá xăm khỏi phải nhờ giải, nhưng người Việt hay người Hoa mất gốc không đọc được thì nhờ giải thích nhiều hơn. Công lao phiên dịch tùy lòng hảo tâm của thí chủ, nhưng ngày xuân, ngày tết thì không ai bủn xỉn với thầy cả.
Du xuân cả ngày, trưa muốn ăn nhưng lượng nhà hàng bán giảm hơn phân nửa, bởi nhân viên cũng về nhà ăn Tết, thuê giá cao , nhà hàng cũng không lời. Quan niệm của họ làm cả năm phải nghỉ đôi ngày để xả hơi. Tiệm nào có mở cửa đón khách thì cũng là người nhà bán, vừa bán vừa chơi, còn phần nhiều để ngày mùng 7 hay mùng 9 khai trương. Tiệm bán đồ ăn đông người vào nhưng chất lượng phục vụ kém, phần lớn thực khách là người ở xa đến Chợ Lớn vui chơi chiều về. Mùng 2, anh Tăng kéo tôi về nhà ăn cơm và nhậu với hai ông họa sĩ người Hoa. Ngày mùng 2 là ngày quan trọng nhất vì đó là ngày khai niên, nhà cùng gà luộc tuy nhiên anh cũng mua lạp vịt và chuẩn bị mấy món cho ngày tết. Trên đường Nguyễn Trãi có chỗ bán lạp vịt, tức vịt khô và thịt heo khô. Ban đầu tôi cứ tưởng những món đó ăn không hết phơi khô, nào ngờ các thịt đó có tẩm gia vị và phơi khô, ăn có vị lạ và ngon . Cải khô cũng vậy, chất lượng bổ dưỡng so với cải tươi không bằng nhưng hương vị của canh cải khô thì khác và tuyệt vời không kém.
Vào bàn là tôi thấy dĩa hột vịt bắc thảo với củ kiệu. Hột vịt muối thì người ở quê cũng làm được, nhưng hột vịt bắc thảo thì chưa thấy ai làm vì thời gian chế biến lâu và ngâm nhiều nguyên liệu lại qua nhiều công đoạn. Có món bánh tổ hình con cá mới hấp lại nhưng tôi không dùng được, tôi nghĩ món này chỉ có ý nghĩa trong ngày tết, chứ không phải là món ngon.Ngồi trong bàn có hai họa sỹ, tôi hỏi chuyện tranh chuyện thư pháp. Họa sỹ Trần cho biết, người Hồng Kong rất chuộng thư pháp của người Hoa tại Việt Nam, ranh thủy mặc của Trương Hán Minh, Lý Tùng Niên, Trương Lộ . . .Anh hỏi tôi thích thư pháp không, dẫn tôi đến xưởng của Trương Lộ xem nét bút của ông này,
tôi đồng ý , thế là có cuộc tham quan nhà của Trương họa sỹ và tôi được tặng cho bức thư pháp, sau khi tác giả giải thích ý nghĩa những lời văn trong đó.
Mùng mười, tôi đi ngang Trung tâm Văn Hóa quận 5 (khu Đại thế giới ) thấy mọi người chuẩn bị sân khấu, trang trí tranh ảnh để đón ngày Tết Nguyên Tiêu. Họa sỹ Trần Hải, CLB thư Pháp quận 5 hướng dẫn cho xem những tác phẩm của các họa sỹ trong câu lạc bộ, anh có bức họa dài nhất trong buổi triển lãm, nhìn là thấy nét họa của Trung Hoa.
Chiều 14 tháng giêng, cả khu vực Chợ lớn vui tết Nguyên Tiêu, từng đoàn xe hoa, kiệu hoa có các thiếu nữ đóng vai tiên đồng ngọc nữ, các nghệ nhân đóng vai “bát tiên” đi cà kheo trên phố, nhiều đoàn lân sư rồng múa diễn hành trên đường phố Trần Hưng Đạo, Hải Thương lãn ông, Châu văn Liêm, Lão Tử, Nguyễn Trãi. . .Trong các đơn vị biểu diễn cũng có nhóm đóng vai Tề Thiên đại thánh múa thiết bảng , họ cũng có những bao lì xì để tặng khách đi đường. Phải nói là chiều này có nhiều người xem vì diễn viên đường phố đóng nhiều vai và tham gia diễu hành được ban tổ chức cho biết là có đến cả ngàn người !
Các tụ điểm ca nhạc cũng trình diễn ba đêm từ 13 tháng giêng đến ngày rằm. Chuyện ăn nhậu thì khỏi nói, nhà hàng nào cũng chật ních. Anh Tăng nói, Tết Nguyên Tiêu là tục lệ hàng năm mọi người đều biết, thế nên dân chơi chọn giao thừa, mùng 1 thì ra Sài Gòn (Quận 1) chơi, nhưng Nguyên Tiêu thì vào Chợ Lớn, tôi may mắn ăn tết được cả hai nơi nên vui vẻ cả năm .
Lương Minh
H1
H2
H3