NI GIỚI VÀ THỜI ĐẠI
Hôm nay , cư sĩ Minh Mẫn đã gửi đến trang nhà bài ni giới và thời đại. Gần đây , chúng ta được GS Nguyễn Vĩnh Thượng giới thiệu Nhận thức luận Phật giáo, nay được đọc bài Ni giới và thời đại, âu đó cũng là cái duyên cho những ai muốn tìm hiểu Phật Giáo. Bạn bè chúng ta có chị Kiều Trinh 12C( Nk71) đã quy y, do vậy biết thêm về ni giới không phải là điều vô bổ. Bài này dài 13 trang, đã bỏ bớt 9 trang nói về ni giới các nước trên thế giới. Nếu anh chị em nào cần, sẽ đăng tiếp hoặc gửi riêng cho từng người (LM)
NI giới từ thời Phật
Ni giới là một giáo đoàn xuất hiện khá sớm trên 25 thế kỷ tại một đất nước nặng về giai cấp phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa người với người qua 4 giai cấp, giữa nam và nữ trong quan hệ xã hội và gia đình. Phật giáo đã can đảm san bằng mọi bất công đó, tạo một ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội Ấn độ lúc bấy giờ, dĩ nhiên đó là điều mà Bà La Môn giáo không thể chấp nhận.
***
Như đã biết, qua kinh sử, Giáo hội ni giới được thành lập rất sớm tại Ấn, vào thời Phật hiện tiền, trong khi, các cộng đoàn tu sĩ của Bà La Môn và các hệ phái đương thời hạn chế sự hiện diện của nữ giới, ngoại trừ Kỳ Na giáo; đôi khi, nữ giới còn bị kỳ thị gắt gao.
Việc Đức Phật chấp nhận cho nữ giới xuất gia là một cuộc cách mạng phổ biến chấn động tập quán tôn giáo, tín ngưỡng đương thời như đã từng có cuộc cách mạng san bằng giai cấp trong cộng đồng tu sĩ và cận sự Nam cận sự nữ trong tứ chúng của đức Phật.(sở dĩ nói là cuộc cách mạng phổ biến chấn động là vì nữ tu lúc bấy giờ khá hạn chế trong cộng đồng Ấn giáo, duy chỉ số ít có mặt nữ tu trong hệ phái Kỳ Na .Ni đoàn của Kỳ-na-giáo đã được Nigantha Nàtaputta (Mahàvìra) thành lập khá lâu trước khi ni đoàn được đức Phật thành lập).
Qua ba lần từ chối lời cầu thỉnh của Di Mẫu Kiều Đàm Di xin xuất gia, Đức Thế Tôn vẫn không chấp nhận. Sau đó, Thế Tôn cùng Tăng chúng rời Ca Tỳ La vệ tiếp tục bộ hành đến Tỳ Xá Ly. Di Mẫu quyết tâm rời bỏ cung vàng điện ngọc, cùng năm trăm Thích nữ hoàng tộc, tự xuống tóc, theo chân Phật, Di mẫu đi suốt nhiều ngày một quảng đường xa,chân rớm máu, thân mệt mỏi, trước tình cảnh đầy cảm động, đức Anan bạch Phật nói lên công lao nuôi dưỡng Thái tử khi hoàng hậu Ma Gia viên tịch; Từ đó, đức Thế Tôn ra các điều kiện, Di Mẫu hoan hỷ chấp nhận ngay.
“Ngay sau khi thọ nhận Bát kỉnh pháp (theo truyền sử), Đức Thế Tôn cho phép Tôn giả Đại Ái Đạo cùng 500 nữ nhân dòng họ Thích thọ Đại giới, trở thành những vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên trong giáo đoàn của Đức Phật. Thế Tôn xác nhận Đại Ái Đạo là nữ Tôn giả kinh nghiệm đệ nhất, chứng đắc quả vị A-la-hán..Cũng từ đó, Ni đoàn được thành lập dưới sự lãnh đạo của Tôn giả Đại Ái Đạo, tuân theo sự lãnh đạo của Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của chư Tăng.”
Giáo đoàn ni giới đầu tiên được thành lập, cũng là giáo đoàn ni giới tạo một Thánh hạnh rực rỡ trong thời kỳ Phật còn tại thế. Ngoài giáo đoàn của Thánh Ni Đại Ái Đạo, còn có nhiều ngoại nhân thuộc giai cấp thấp trong xã hội như Liên Hoa Sắc…
. Chuyện kể một lần tôn giả A Nan xin nước của một cô gái thuộc giai cấp cùng đinh đã khiến cô gái hoảng hốt chạy xa, tôn giả đã gọi cô gái lại và ôn tồn bảo: “Hãy cho tôi nước uống. Tôi xin nước, chứ không xin giai cấp”. Cử chỉ và lời nói ôn tồn, trân trọng của tôn giả đã khiến cô gái xúc động và thức tỉnh. Sau đó, cô gái đến xin xuất gia với Tôn ni Ma Ha Ba Xà Ba Ðề, và đắc Thánh quả.
NI GIỚI VIỆT NAM
… “ Ni giới Việt Nam xuất hiện khá sớm hơn so với Ni giới Trung Quốc, như sự xuất hiện của Bát Nàn Công Chúa xuất gia làm Ni, Trong đó có Bát Nàn Phu Nhân. Thiều Hoa, Ni sư Từ Quán, danh tiếng về đạo hạnh của Ni sư đã được vua Trần Nghệ Tông ban hiệu là “Tuệ Thông Đại sư.ni sư Vĩnh Huy, ni sư Phương Dung ”
Việt Nam có truyền thống ni giới lâu dài. Tuy vậy, một thời gian dài lặng lẽ trong chốn Già Lam. Khi ba dòng Thiền xuất hiện – Tỳ ni Đa Lưu Chi, năm 580, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, suốt 800 năm biến thành Trúc Lâm Thiền phái đã cho ra đời một hiện tượng danh ni sở đắc Diệu Nhân.
Cận bán thế kỷ 19 -20, nhiều danh Ni đã có công đóng góp cho sự hưng khởi phong trào tu tập như sư bà Diệu Không, ni sư Diệu Ngọc (1885-1952), ni sư Diệu Tịnh (1910-1942). Sư bà Bảo An Sa Đéc, ni trưởng Như Thanh (1911-1999). ni trưởng Huỳnh Liên, ni trưởng Bạch Liên … Hay ni trưởng Giác Nhẫn (1919 – 2003), ni trưởng Trí Hải (1938 – 2003), và ni sư Như Như ,Ni sư Như Đức Long Thành, Ni trưởng Linh Phong, quý NT. ở Giác Thiên như NT. Tâm Nhàn, NT. Giác Nhẫn ,Ni trưởng Huệ Giác là một trong những cây tùng của Ni bộ Việt Nam thời hiện đại, Liên tông Tịnh độ Non Bồng (LTTĐNB).
Thật ra, giáo đoàn Ni giới còn rất nhiều cá nhân xuất sắc hiện nay. Ni bộ có mặt từ khi Phật giáo đăng ký tổ chức lần thứ 11 của Sakyadhita tại chùa Phổ Quang ngày 22/12/2009. Từ đó, Hiến chương có thêm Phân ban Ni giới mà những nhiệm kỳ trước chưa chính thức được công nhận.
Sau ngày đất nước mở cửa, Tăng ni xuất dương du học, trong đó chư Ni hầu như số đông, đã gánh vác khá nhiều phật sự mà trước 1975 chỉ có ni sư Trí Hải duy nhất là ngôi sao Ni giới có đủ kiến thức, học vị tại Viện đại học Vạn Hạnh lúc bấy giờ.
Đối diện hiện thực của Ni giới.
Chư Ni trên thế giới, như Đài Loan, đã thể hiện bản lãnh, khả năng và trí tuệ tạo uy danh cho Phật giáo.Tại Trung Quốc, hiện đại Tỳ kheo ni có rất nhiều vị trứ danh, như pháp sư Thông Nguyện sau khi tốt nghiệp trường đại học Bắc kinh liền xuất gia, trở thành vị trì Luật danh tiếng, tại ÐàiLoan có Tỳ kheo ni Diệu Nhiên, Viên Dung, trong giới đàn từng là Giáo thọ sư; Tỳ kheo ni Như Học xây dựng phật học viện, pháp sư Từ Trang vì Trung Quốc Phật giáo khai mở con đường quốc tế xây dựng nhiêu chùa chiền và Phật học viện, vai gánh nặng trách nhiệm giáo dục, văn hoá; pháp sư Từ Huệ là người sáng lập Phật Quang Sơn,chùa Nam Hoa, chùaTây Lai, chùa Nam Thiên, sáng lập 4 trường đại học, hoằng pháp khắp nơi ; pháp sư Từ Dung nhiệt tâm trong công tác từ thiện xã hội, tổ chức công tác Phật Quang quốc tế uỷ viên hội, trên thế giới hiện nay có hơn 100 Phật Quang hiệp hội; Pháp sư Từ Di chủ biên Phật Quang Ðại Từ Ðiển; Pháp sư Hiểu Vân sáng lập trường đại học Hoa Phạm; ngoài ra còn có một số vị Tiến sĩ trường đại học Yale( Hoa kỳ); pháp sư Hằng Thanh giáo thọ trường đại học Ðài Loan, pháp sư Huệ Nghiêm giáo thọ trương đại học Trung Hưng (Ðài Loan); Tiến sĩ Ðạt Hoà trường đại học Câu Trạch (Nhật bản); tiến sĩ Y Không Trường đại học Sư phạm Ðài Loan, tiến sĩ Y Dục trường đại học Ái Tri(Nhật bản); tiến sĩ Vĩnh Hữu trường đại học Oxford( Anh), pháp sư Ngộ Nhân sáng lập Hương Quang Ni chúng ni đoàn(Ðài Loan), Pháp sư Chứng Nghiêm sáng lập Bệnh viện Từ Tế và Từ Tế Công Ðức Hội có văn phòng đại diện khắp thế giới; Pháp sư Chiếu Huệ hộ pháp vệ giáo nhiệt tâm, những vị Tỳ kheo ni kể trên đều có học vị Thạc sĩ trở lên.
Ngoài ra, trên thế giới còn có những vị Ni kiệt xuất như pháp sư Ða Kiết – Tây Tạng, địa vị không thua kém ngài Ban Thiền Tây Tạng; tu nữ Bạch y Ðảm Khổng Na Ung khai sáng chùa Pháp thân- Thái Lan, nhà giáo dục kiệt xuất Thang Mã Xai cũng tại chùa Pháp Thân; Tô Ðạt Ma Ca Lợi được xem là ánh sáng của Nữ Tính tại Sri Lanka, năm 1017 Phật giáo tại đây bị giáo nạn và bị tiêu diêt, do sự nổ lực của cô mà sau đó Ni giới được khôi phục nhưng chỉ được thọ giới Sa di ni, nay thì từ từ khôi phục, nguyên nhân chính là do có Tỳ kheo ni ngoại quốc đến tu học, nên ảnh hưởng phần nào. Tại Singapore có Phật học Viện Quảng Bình. Ni chúng Philippine xây dựng phòng khám miễn phí cho dân chúng. Ni chúng Hàn Quốc có Quang Vũ là bộ trưởng giáo dục của Ni chúng. Hoa Kỳ có Ven. Karma Lekshe Tsomo người sáng lập Hội Phụ nữ Phật giáo Quốc Tế. Ven.Thubten Chodron hoằng pháp ở Mỹ và Canada . Tại Ðức có Ayakema dạy thiền ở Âu Châu. Tại Nhật có Tỳ kheo ni Ðại Thạch Thuận Giáo;
Nói tóm lại, Từ khi có giáo đoàn Tỳ kheo Ni, xuất hiện nhiều vị Tỳ kheo Ni trứ danh, mỗi người mang lại cho giáo đoàn một khía cạnh khác nhau, Tất cả những việc làm đó làm cho ngôi nhà Ni giới ngày được hoàn mỹ hơn, sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh ngày rực rỡ. (Pháp sư Từ Dung phát biểu tại Hội Nghị Quốc Tế Phật Quang Sơn do Hoà Thượng Tinh Vân chỉ đạo).
***
Ni giới trên thế giới đã thể hiện khả năng linh hoạt và trí tuệ, vượt qua rào cản truyền thống Nam truyền, đóng góp cho xã hội không nhỏ. Riêng Ni giới Việt Nam, trong lãnh vực giáo dục, từ thiện, hoằng pháp khá phổ biến, lãnh vực dịch thuật kinh tạng, hành chánh, kỷ thuật tin học vẫn còn hạn chế. Những bộ môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, báo chí, kiến trúc xây dựng bị xem là không cần thiết cho tu sĩ, nhưng “thế gian pháp tức phật pháp” tu sĩ vào đời bằng mọi hướng hẳn nhiên đạo Phật sẽ có mặt trong xã hội;, y học, dược học, văn học, nhân chủng học…chư Ni đang cần phải chung tay khi nhu cầu hiện nay của xã hội không còn hạn chế sau “lũy tre làng”.
Thách thức trong cuộc sống đòi hỏi lượng số chư Ni đã được trang bị kiến thức và học vị, cần dang tay đón nhận những lãnh vực được xem là mới đối với tu sĩ Phật giáo VN, những lãnh vực mang tính khoa học ứng dụng hầu như tu sĩ tôn giáo bạn đã chung tay từ lâu, có những Hồng y, giám mục từng là nhà khoa học Thiên văn, một số tu sĩ Tây Tạng cũng từng là y sĩ, khoa học gia…Chư Ni Việt Nam đang có chiều hướng vượt trội cả lượng lẫn chất trong cộng đồng tu sĩ hiện nay, hy vọng sẽ có những bước đột phá khác với bước đột phá chư Ni Đài Loan, Trung Quốc, để làm nên trang sử Ni giới trong thời hiện đại.Một thách thức đang chờ đón.
MINH MẪN
27/12/2019