Nhận thức luận Phật giáo trong thời kỳ Phật giáo nguyên thủy (bài 2)

Ngày đăng: 25/12/2019 10:24:23 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

 Tinh thần của các nhà tư tưởng Phật giáo là muốn diệt bỏ “sự bất hài lòng”/ “sự khổ đau” (Av. Dissatisfaction/ Suffering) để đạt được hạnh phúc (Av. Happiness), để đạt được giải thoát (Av. Liberation). Để đạt được mục đích này, con người phải diệt bỏ vô minh (Srt. Avidya, Av. Ignorance). Vô minh là nguyên nhân chính tạo ra sự khổ đau. Để diệt trừ vô minh con người phải diệt trừ quan niệm đề cao bản ngã của mình, do đó các nhà triết học Phật giáo nhấn mạnh rằng con người phải nhìn các sự vật, các sự kiên như là chính nó hiện hữu : “Chúng ta nhìn cái cây như là một cái cây (Av. We see the tree as a tree), “Chúng ta nhìn cái núi như là cái núi” (Av. We see the mountain as a mountain). Như vậy , nhận thức đúng về sự vật, sự kiện là một sự cần thiết. Đây là mối quan tâm về nhận thức luận trong tư tưởng Phật giáo.

Nhận thức luận Phật giáo ở Ấn độ đã tiến triển qua ba giai đoạn:

1.-Nhận thức luận trong tư tưởng Phật giáo nguyên thuỷ và tư tưởng các trường phái Phật giáo nguyên thủy: đây là giai đoạn từ lúc Đức Phật lịch sử còn tại thế đến sau ngày Đức Phật lịch sử nhập niết-bàn khoảng 500 năm. Nhận thức luận được giảng giải qua các bài thuyết pháp của Đức Phật về Ngũ Uẩn, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên . . .

2.-Nhận thức luận trong tư tưởng triết học Bát-nhã, thuộc giai đoạn Phật giáo Phát triển/ Phật giáo Đại thừa, khoảng 500 năm sau ngày Đức Phật lịch sử nhập niết bàn. Đại sư Nagarjuna (khoảng 600 CN – 650 CN) [ trong tiếng Sanskrit: Naga = con rồng, Arjuna= màu trắng , nghĩa bóng là thanh tịnh; Tàu dịch: Long Thọ  龍樹, Long = con rồng, Thọ=loài cây, Long Thọ là loài cây của con Rồng)] quan niệm các Pháp đều không, các Pháp là do nhân duyên, tương hợp, tương tức, tương liên, nên các Pháp không có tự tánh. Đó là triết lý Tánh Không.

3.-Nhận thức luận trong tư tưởng của trường phái Yogacarin (Tàu dịch là Du-già hành tông), còn gọi là Vijnatimatravadin (Tàu dịch là Duy thức tông) thuộc Phật giáo Phát triển, sau ngày Đức Phật nhập niết bàn khoảng một ngàn năm. Theo tư tưởng Duy thức tông thì “chỉ có thức mà thôi” , không có đối tượng/ cảnh/ trần.

Mặc dầu Phật giáo Nguyên thủy (Av. Early Buddhism) đã khơi nguồn cho nhận thức luận nhưng việc đào sâu về lãnh vực này chỉ được phát triển vào thế kỷ thứ 1 CN bởi các triết gia ở phiá nam Châu Á. Vasubandhu (khoảng 316 CN– 396 CN), Tàu dịch là Thế Thân 世親 , là triết gia Phật giáo đã phát triển môn nhận thức luận. Rồi được ngài Dignaga (khoảng 480 CN – khoảng 540 CN), Tàu dịch là Trần-Na 陳那 , khai triển thêm với nhiều luận đề đã giúp cho các nhà nhận thức luận Phật giáo (Buddhist Epistomologists) sau này. Cuối cùng là Dharmakirti ( khoảng 600 – khoảng 650), Tàu dịch là Pháp-Xứng  法稱 , đã quãng diễn và phát triển tư tưởng “luận lý học” trong các tác phẩm của Dignaga.

Vasubandhu (Thế Thân), Dignaga (Trần Na), Dharmakirti ( Pháp Xứng) và các đại sư kế thừa sau này đều căn cứ vào nhận thức luận của trường phái Nyaya (trường phái Chính Lý, Av. Nyaya school). Các Ngài này đã chỉnh sửa và phát triển môn nhân Minh Học/ Luận Lý Học của trường phái Nyaya; và rồi các Ngài đã tạo nên một hệ thống luận lý học độc đáo trong tư tưởng Phật giáo mà các nhà Phật học đều gọi là Nhận thức luận Phật giáo (Buddhist Epistomology), thường gọi là Luận Lý học Phật giáo (Buddhist Logic).

  1. Nhận thức luận Phật giáo trong thời kỳ Phật giáo nguyên thủy:

                       Thái tử Siddhartha Gotama (khoảng 563 BCE đến khoảng 483 BCE), Tàu phiên âm là Tất-đạt-đa Cù-đàm, đã đi tìm chân lý để giải tthoát sự khổ đau trong cuộc đời. Ngài đã tầm sư học đạo, từ vị thầy này đến vị thầy khác. Ngài đã học hỏi bất cứ điều gì mà Ngài có thể học được. Ngài đã thực hành qua nhiều triết thuyết cũng như đã thử thực hành các tôn giáo vào thời bấy giờ. Hồi ấy ở thung lũng sông Ganges (sông Hằng) rất phổ biến nếp sống văn hoá khổ hạnh, nên Ngài cũng đã tu theo phái khổ hạnh.

Ngài cũng đã tu tập thiền định (Av. Yogic meditation). Hai vị Thầy cuối cùng của Ngài đã dạy cho Ngài nhiều cách thực nghiệm tâm linh, đã dạy cho Ngài những kỹ thuật của thiền định hay sự trầm tư mặc tưởng trước khi Ngài đắc đạo. Trong khi thực hành thiền định, Ngài cũng đã nhận thấy về các sức ngoại cảm (Av. extra-sensory powers) được phát triển do những phương cách này. Thái tử Siddharta Gotama đã nhận thấy những giới hạn của cảm giác nhận thức (Av. sense perception) như là nguồn của nhận thức. Sau khi đắc đạo,  Ngài đã cố gắng làm sáng tỏ nhiều nguồn của tri thức, chỉ ra những giới hạn của tri thức cũng như những hiệu lực của nó.

(Xem thêm: Cuộc đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni  của NVT, Nguồn: như đã dẫn)

 

Trong Trung Bộ Kinh (Srt. Majjhima Nikaya), Đức Phật lịch sử đã quả quyết rằng các triết thuyết dựa vào truyền thống có thể hoặc là đúng hoặc là sai. Bởi vì không có gì bảo đảm rằng các triết thuyết này là đúng hay sai, nên không nên tùy thuộc vào các triết thuyết này như là một phương cách chắc chắn cho tri thức. Cũng trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật lịch sử đã cho rằng một người đang lý luận và suy đoán một điều gì thì lý luận của anh ta có thể tốt hay có thể xấu, có thể đúng hay có thể sai. Do đó, theo Ngài thì sự đúng hay sai của một triết thuyết dựa theo những sự kiện có được thì cũng không có thể phán quyết được tính chắc chắn của lý luận ấy. Có những lý thuyết có lý luận thấy vững chắc nhưng lại sai lầm khi đem ra áp dụng; ngược lại có những lý thuyết có lý luận đơn sơ nhưng lại là chân lý.

Theo Đức Phật lịch sử, tri thức được người đời thích và có thể không thích sẽ dẫn đến tất cả hình thức của giáo điều, và nó ngăn chặn con người nhìn thấy các sự kiện như là nó hiện hữu, và nó ngăn chặn sự đạt được giải thoát hoàn toàn qua sự không bám víu. Nhưng khi những nhận thức trực tiếp mà không bị trở ngại bởi sự thích hay không thích để giúp con người có thể thấu thị bản tính của sự vật nhờ đó con người có thể đạt được sự giải thoát toàn diện.

Đức Phật lịch sử không phải là siêu nhân, Ngài là một người bình thường trước khi Ngài giác ngộ, Đức Phật đã nhận thấy những sự giới hạn của tất cả các nguồn của tri thức. Nhờ sự nhận thức được sự giới hạn này, nên Ngài đã từ chối sự toàn trí mà các vị tiền bối của Ngài đã tự nhận cho mình là toàn trí.

Từ những yếu tố trên, Đức Phật lịch sử đã có suy tư về vấn đề nhận thức. Ngài cho rằng có 3 nhóm nhận thức, gồm có: 1.-Nhận thức hồi tố (Av. Retro-cognition); 2.-Trí sáng suốt/ trí thấu thị (Av. Clairvoyance); 3.-Nhận thức về sự phá hủy những động lực hắc ám (Av. Knowledge of the destruction of defiling impulses).

Khi nhấn mạnh đến sự giới hạn của nhận thức, Ngài có ý muốn ngăn ngừa con người tránh khỏi mạng lưới của các lý thuyết suy đoán những gì không hiện hữu (Av. non existent) thành hiện hữu (Av. existent). Con người phải nhận thức sự vật như là chính nó hiện hữu; tương tự con người phải nhận thức những gì hiện hữu như là nó hiện hữu, và những gì không hiện hữu như là nó không hiện hữu.

Đức Phật cũng nhận thức rằng thái độ của chủ thể nhận thức như thích hoặc không thích, bám víu vào điều gì, ghen ghét, mơ hồ, sợ hải cũng ngăn chận con người khỏi sự nhận biết các sự vật như là nó hiện hữu. Sự diệt bỏ những thành kiến chủ quan và một số tập quán của suy nghĩ  được coi như là điều thuận lợi để thấu hiểu các sự vật-như-là-chính-nó.

Đức Phật cũng nhận rằng chính lý ngôn ngữ (Av. testimony) như là bước khởi đầu để tiến tới nhận thức. Chính lý ngôn ngữ cũng có thể đúng hay cũng có thể sai. Chính lý ngôn ngữ hay lời tuyên bố của người khác cũng đem đến ánh sáng kinh nghiệm của chính người tuyên bố. Vì vậy, Đức Phật nhận rằng kinh nghiệm suy luận căn cứ vào kinh nghiệm như là những nguồn của nhận thức. Trong Bát Chánh Đạo, Chánh Kiến (Av. Right Knowledge) là nhận thức đúng đắn. Chánh kiến giúp ta nhận thức đúng đắn rằng cuộc đời là vô thường, khổ/ sự bất hài lòng, và vô ngã. Mọi hiện tượng, mọi sự kiện đều do nhân duyên sanh nên giả tạm, phù du. Nhờ chánh kiến, ta nhận thức đúng đắn về cuộc đời, điều này giúp chúng ta sống an nhiên tự tại trước cuộc đời  phù du đầy khổ đau. Con đường diệt khổ của Bát Chánh Đạo giúp chúng ta đạt được hạnh phúc và tiến tới cứu cánh niết-bàn. Chánh kiến, một nhận thức đúng đắn, giúp chúng ta sống cuộc sống đạo đức trong cuộc đời bình thường.

Phật giáo sơ kỳ (Av. Early Buddhism) đã quan niệm rằng những giác quan (căn) của con người đều có những đối tượng (cảnh/ trần) tương ứng. Khi căn và cảnh tiếp xúc với nhau thì sẽ tạo ra thức. Tất cả có 6 căn, 6 cảnh/trần, 6 thức. Tổng cộng là 18 giới vực (Av. Eighteen constituents), tiếng Hán Việt gọi là Thập bát giới.  Đây là 18 lãnh vực tâm-sinh-vật lý. Tuy chúng có tương quan mật thiết với nhau, nhưng mỗi phần đều có công năng riêng biệt, và hoạt động chỉ trong lãnh vực của nó mà thôi, tức là mỗi phần hoạt động trong phạm vi riêng biệt, không có sự lẫn lộn nào cả. 18 giới vực là cơ sở giao tiếp toàn diện của con người với thế giới thực tại khách quan, gồm có:

1.- Sáu căn (Six sense Organs) là 6 giác quan: Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và ý. [Mắt, tai, mũi, lưỡi, (da & khớp xương), và ý; Av. eye, ear, nose, tongue, (body: skin & joint), mental sense/ sense- mind].

5 giác quan đầu thuộc về sinh lý là những cơ quan bên ngoài (Av. external organs). Giác quan thứ sáu(Av. Sixth sense organ) là Ý căn, là một bộ phận rất tinh tế thuộc cơ quan bên trong (Av.internal organ), là thần kinh não bộ, trung khu điều hành của tất cả thần kinh hệ.
Chúng ta nhận thức được thế giới bên ngoài nhờ các cơ quan bên ngoài, và do Ý căn chúng ta nhận thức được những tình trạng bên trong như sung sướng, đau khổ, buồn rầu . . .Mỗi một cơ quan bên ngoài có đối tượng tương ứng với nó.

2.-Sáu cảnh, còn gọi là 6 trần (Av. Six Objects) là 6 đối tượng: Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp [(màu sắc& hình thể), âm thanh, hương thơm, mùi vị, vật tiếp xúc (cứng mền, nóng,  lạnh . . .),và mọi hiện tượng/ sự vật; Av. (forms &colors), sounds, odors, tastes, tangible objects, and phenomena]. 6 cảnh/ trần là đối tượng của 6 căn. Thí dụ: –Sắc trần: sông, núi, cỏ cây, nhà cửa, màu đỏ, màu trắng . . . là đối tượng của con mắt. –Thanh trần là đối tượng của lỗ tai: âm thanh lớn nhỏ, êm dịu, giọng nói . . . –Hương trần là đối tượng của mũi: mùi thơm, thúi . . . .-Vị trần là đối tượng của lưỡi: vị chua, ngọt, đắng, cay. –Xúc trần là đối tượng của thân (da, khớp xương): lạnh, nóng, mền, cứng. –Pháp trần là hình bóng của sự vật, của hiện tượng còn lưu lại nơi tiềm thức và vô thức (tức là Ý căn).

3.- Sáu thức (Av. Six consciousnesses): Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.[nhận biết của mắt, của lỗ tai, của lỗ mũi, của lưởi, của thân (da & khớp xuơng), và của ý thức;

Mỗi căn tiếp xúc với một trần tương ứng thì sinh ra một thức. Thí dụMắt (nhãn căn) tiếp xúc với sắc trần (hình thể, màu sắc …) sinh ra nhãn thức, giúp chúng ta nhận biết được hình dáng của sự vật rồi phân biệt cao thấp, đẹp xấu, to nhỏ. Tai (nhĩ căn) tiếp xúc với thanh trần (âm thanh) sinh ra nhĩ thức, giúp ta phân biệt tiếng nói, tiếng hát rồi sanh ra ưa thích hay khó chịu . . . Năm căn đầu (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) tiếp xúc với năm trần tương ứng (sắc, thanh hương, vị và xúc) có hình dáng cụ thể. Riêng pháp trần là những hình bóng được chứa trong tiềm thức và vô thức, khi có cơ hội thì được gợi lên: khi ý căn tiếp xúc với pháp trần thì ý thức phát sinh. Ý thứcsự chủ ý, là động cơ tạo nên các nghiệp thiện hoặc ác hoặc vô ký (không thiện, không ác).

               III.-Phần bổ xung: Đặc tính của các cảm giác quan, và sự liên hệ giữa cảm giác quan với các đối tượng tương ứng.

                           Gương mặt của chúng ta là phần đặc biệt nhất của chúng ta. Hình dáng và kích thước của đôi mắt, đôi tai, cái mũi và cái miệng là những nét đặc trưng để bạn trông có dáng vẽ khác người khác.Những bộ phận ở trên khuôn mặt chúng ta giúp cho chúng ta cảm nhận thế giới bên ngoài. Đôi mắt chúng ta nhìn nó, đôi tai nghe nó, lỗ mũi ngửi nó, miệng nếm vị nó và cùng với vài cảm giác khác đã giúp chúng ta nhận thức những gì chúng ta có về thế giới, và khám phá thế giới bên ngoài. Mỗi giác quan trong các giác quan của chúng ta nhận những kích thước đặc biệt tương ứng với giác quan đó. Những chủng loại khác nhau có độ nhạy cảm khác nhau vì các chủng loại khác nhau có những nhu cầu sanh tồn khác nhau. Thí dụ: con chó thì có độ nhạy cảm về mùi hương hơn chúng ta bởi vì nhờ mùi hương giúp chó tìm thực phẩm, giúp nó nhận ra huyết thống: con chó con, vợ chồng, nhận dấu vết của đường đi (cảnh sát huấn luyện chó đi tìm vật và người muốn tìm) …

Cảm giác (sensations) là những trải nghiệm bởi những kích thích đơn giản, còn nhận thức (perceptions) là những sự phối hợp các cảm giác này. Chúng ta có 6 cảm giác thuộc lãnh vực của ý thức như sau:

1.Thị giác / cảm giác của mắt (Av. visual sense/ vision).

2.-Thính giác / cảm giác của tai(Av. auditory sense).

3.-Khứu giác / cảm giác hương vị (Av. sense of smell).

4.- Vị giác /cảm giác mùi vị (Av.sense of taste).

5.-Xúc giác/ Những cảm giác của da (Av. skin senses) và những cảm giác của thân thể

  1. Cảm giác của ý thức (Av. mind consciousness / sense mind); còn gọi là cảm giác thứ sáu .

Ba cảm giác đầu có thể cảm nhận được đối tượng từ đàng xa cơ thể, ba cảm giác sau phải có sự tiếp xúc trực tiếp với cơ thể của con người.

1.- Thị giác:      Thị giác là phương tiện chính để nhận thức những cảnh vật xung quanh. Ánh sáng là kích thích vật lý vào mắt để tạo nên thị giác / nhãn thức.

Ánh sáng là bức xạ điện tử (Av.electromagnetic radiation) phát ra liên tục trong không gian như tia sáng vũ trụ (Av. cosmic rays), tia X (Av. X rays), tia cực tím (Av. ultra violet), tia hồng ngoại (Av. infrared rays) và những làn sóng của vô tuyến truyền hình (Av. television waves). Tia bức xạ điện tử di chuyển dưới dạng các làn sóng (waves) với những độ dài sóng là khoảng cách của một đỉnh  (Av. crest) sóng này đến một đỉnh sóng kế tiếp. Độ dài sóng ngắn nhất của tia sáng vũ trụ là 4 lần tỉ tỉ tỉ của một cm (Av. 4 trillionths of a centimetre); độ dài sóng dài nhất của luồng sóng vô tuyến (Av. radio waves) là vào khoảng vài Kilometre. Con mắt chúng ta chỉ nhạy cảm đối với tia sáng có độ dài sóng khoảng 400 đến 700 phần triệu của millimetre (Av. a millionth of a millimetre = nanometer). Bức xạ mà chúng ta có thể thấy được gọi là ánh sáng, chúng ta không thể thấy những bức xạ có độ dài sóng khác với ánh sáng.

Hệ thống thị giác bao gồm hai con mắt, nhiều phần của não bộ và các dây thần kinh nối liền các bộ phận này. Độ dài sóng khác nhau sẽ kích thích màu sắc khác nhau. Có 4 màu căn bản cho thị giác: đỏ (Av. red), vàng (Av. yellow), xanh lá cây (Av. green) và xanh dương (Av. blue). Sự pha trộn các màu này sẽ làm thị giác cảm nhận được những màu khác nhau.

2.-Thính giác:   Cùng với thị giác, thính giác cũng là một phương tiện chính để nhận thức được những thông tin của hoàn cảnh xung quanh.

Tùy theo áp suất của âm thanh đi vào màng nhĩ ở trong lỗ tai mà con người nhận được cường độ của âm thanh khác nhau. Âm thanh phát ra từ sự rung động của đối tượng, như khi gió thổi qua những cành cây, chúng ta thấy không khí cũng bị sức đẩy, những cành cây rung động tới lui. Nhờ đó sức ép của làn song âm thanh (Av. sound wave) được chuyển vào không gian. Làn sóng âm thanh tương tự như những gợn sóng nổi lên khi chúng ta ném một hòn đá vào ao hồ. Biểu đồ của làn song âm thanh được vẻ ra như là đợt “sóng hình sine” (sine wave) trong lượng giác học. Âm thanh thì thay đổi tương ứng với sự thay đổi những “đợt sóng hình sine”.

Hệ thống thính giác bao gồm hai lỗ tai, những phần của bộ óc và các dây thần kinh nối liền chúng.

Sự thấy và nghe là những cảm giác quan trọng có mức độ cao hơn các cảm giác khác: ngôn ngữ viết được con người nhìn thấy; ngôn ngữ nó được con người nghe. Những cảm giác khác cũng có phần quan trọng không kém trong cuộc sống của con người.

3.-Khứu giác :    Mũi là giác quan để cảm nhận hương vị. Mùi hương ở xung quanh kích thích những dây thần kinh đi trực tiếp vào não bộ hơn các giác quan khác.

Đối với con người, khứu giác không phải là cảm giác chính yếu, nhưng đối với nhiều loài vật khác khứu giác là cảm giác chính yếu để giúp chủng loại sanh tồn. Thí dụ: loài chó có cảm giác hương vị rất nhạy bén, đối với con chó và nhiều loài vật khác, hương vị được coi như là phương tiện chính để truyền đạt. Có nhiều côn trùng có thể đánh mùi về “sự chết” cũng như “sự yêu đương”:  như sau khi một con kiến chết thì nhiều chất hóa học tỏa ra từ cơ thể nó làm kích thích các con kiến khác để biết xác chết của con kiến, và chúng khiên xác chết này ra khỏi hang ổ của chúng. Ngay cả con người cũng có thể cảm giác mùi và có thể phân biệt giữa mình với người khác, hoặc do đánh mùi có thể phân biệt đàn ông và đàn bà.

Hệ thống khứu giác bao gồm những bộ phận nhận mùi qua lỗ mũi, bộ phận ở bộ não và các dây thần kinh nối liền chúng. Hệ thống khứu giác giúp con người cảm nhận được những mùi hương khác nhau.

4.-Vị giác :  Cảm giác mùi vị căn cứ vào những kinh nghiệm và tập quán của mỗi con người. Thí dụ: có người cảm thấy vị đắng của cà-phê nhưng có người khác thì không cảm nhận thấy có vị đắng này.

Hệ thống vị giác gồm có những bộ phận thu nhận mùi vị ở cái lưỡi, một phần của bộ óc, và các dây thần kinh liên hệ. Cảm nhận về mùi vị thì có những vị trí kích thích khác nhau ở trên cái lưỡi. Mùi vị thường được diễn tả là một hay nhiều sự phối hợp của các vị như: ngọt, chua, mặn, đắng.

5.-Xúc giác: về xúc giác, chúng ta có thể phân tích ra làm 2 loại:

a.- Cảm giác của da (Av. skin senses) có thể phân chia ra làm 3 loại:

Sự đè nén vào một phần của da trên cơ thể sẽ được dây thần kinh truyền lên não bộ để được cảm nhận.

Nhiệt độ   kích thích trên cơ thể sẽ được dây thần kinh truyền lên não bộ: -cảm nhận nóng làm gia tăng nhiệt độ của da, cảm nhận lạnh làm giảm nhiệt độ của da. Điều rất quan trọng là chúng ta phải giữ nhiệt độ của cơ thể cho điều hòa để được sanh tồn.

Sự đau đớn: khi có sự tổn thương ở da thì sẽ có sự kích thích về não bộ, con người cảm thấy đau đớn.

b.-Cảm giác của thân thể (Av. body senses): khi chúng ta cử động cái cổ hoặc cử động tứ chi thì chúng ta cảm nhận các bộ phận ấy liên hệ với toàn thân. Các bộ phận thần kinh cảm nhận được bắp thịt, các khớp xương, da. Các dây thần kinh nối liền một bộ phận của não bộ đến các bắp thịt, các khớp xương, da và ngược lại.

6.-Cảm giác về các hiện tượng vật chất và tinh thần (Av. mind consciousness/ mental & physical phenomena consciousness): đây là cảm nhận về 5 tri giác nói trên, cảm nhận này được các dây thần kinh đưa vào một bộ phận của não bộ (Av. mental awareness of these perceptions by the mind).

Như đã trình bày, các nhà tâm lý siêu hình còn gọi đây là giác quan thứ sáu (Av. sixth sense) hay là một siêu tri giác (Av. extra sensory perception) có thể giúp cho một cá nhân đặc biệt biết trước một điều gì, một hiện tượng gì sẽ xảy ra, thường gọi là linh tính; hoặc siêu tri giác do một sự luyện tập bằng cách thực hành thiền định.

  • *     –

Đến đây chúng tôi đã trình bày các điểm chính yếu về nhận thức luận Phật giáo trong thời kỳ Phật giáo nguyên thủy,   trong phần IV chúng tôi sẽ trình bày Nhận thức luận Phật giáo trong thời kỳ Phật giáo Phát triển.

(còn nữa)

                       GS Nguyễn Vĩnh Thương

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác