Phật giáo (Bài 2)

Ngày đăng: 22/11/2019 07:35:22 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

Trong bài này, tác giả Nguyễn Vĩnh Thượng đề cập đến nhiều vấn đề của con người trong đó có tính dục, giải thich thêm về từ bi hỷ xả, về 3 cái độc trong con người, về quan hệ xã hội theo tình thần Phật Giáo. Đây là bài viết rất hay dành cho cư sỹ không có thời giờ đến chùa thường xuyên (LM)

Sigmund Freud (Đức, 1856 – 1939) là nhà khai sáng môn Phân Tâm Học (the founder of Psycho-analysis). Ông đã đặt ra thuật ngữ “libido”, và diễn tả libido như là một ham muốn căn bản cho tình dục (the basic desire for sex). Freud dùng thuật ngữ libido để đặc biệt diễn tả sự ham muốn tình dục (the sex drive), và còn diễn tả libido như là một ham muốn nhân tính để tạo ra người nối dõi (the human desire to create). Hầu hết mọi người khi nói về libido đều có ý nói về sự ham muốn tình dục .

Theo Phân Tâm Học, sự ham muốn về tình dục là cái gì hiện hữu quanh năm nơi con người, nhưng đối với nhiều loài sinh vật khác thì chúng có mùa ham muốn tình dục (a seasonal sex drive). Thí dụ: giống chó có mùa ham muốn tình dục vào tháng thứ 7 của năm.

Nhiều nhà tâm phân học nghĩ rằng “đòi hỏi căn bản tình dục” (the basic drive for sex) là hoàn toàn do thể xác, nhưng thực tế thì những điều hấp dẫn, kích thích con người còn chịu ảnh hưởng của văn hoá, của thẩm mỹ của thời đại nhất là ở vào tuổi thanh xuân.

Tuổi đời là nguyên nhân phổ biến nhất làm giảm đòi hỏi tình dục (sex drive), nhưng cũng có nhiều lý do khác như ảnh hưởng của bịnh hoạn hay bị phản ứng phụ của thuốc men.

Nói tóm lại, theo Phân tâm Học, libido là một bản năng mà chúng sanh nào cũng có. Trong 5 giới luật cho cư sĩ, Phật giáo không cấm cản ham muốn tình dục, chỉ cấm tà dâm tức là tình dục xâm phạm đến lễ giáo.

Trong 8 giới và 10 giới cho người cư sĩ và cho hàng Sadi thì tình dục (sex) bị cấm hẳn. Dĩ nhiên trong giới luật cho các Tì-kheo và Tì-kheo Ni thì tình dục cũng bị cấm hẳn.

Nói chung, để sống một đời sống đạo đức, con người cần phải ức chế, phải kiểm soát libido. Nói riêng, để hành trì các giới luật của Phật giáo, các cư sĩ và tu sĩ cần phải ức chế và kiểm soát libido. Dĩ nhiên, trong đời sống độc thân của tu sĩ, cần phải ức chế và kiểm soát libido để tuân thủ và hành trì đứng đắn giới cấm: Không dâm dục.

Trong rất nhiều năm, hầu hết truyền thống trong tu viện Phật giáo thì các Sư (monks) và Ni (nuns) đều sống đời sống độc thân (celibacy). Lý tưởng của hàng A-la-hán (Arhat) đặt nền tảng trên đời sống độc thân và sự thành tâm để thực hành giáo lý của Đạo Phật. Từ bỏ đời sống tình dục (a sexual life) sẽ giúp cho hành giả giữ được nhiều năng lực, năng lực này sẽ giúp hành giả thành tâm thực hành đạo pháp.

Tuy nhiên, thời gian và không gian thay đổi đã làm đổi thay truyền thống độc thân ở tu viện. Tại Nhật, trường phái Tân Tăng cho phép Nam tăng sĩ cưới vợ. Ngày nay truyền thống độc thân có biến đổi ở Tây phương và nhiều nơi khác. Vào cuối thập niên 1960, nhiều phong trào Phật giáo có những bài giảng đã đề cập tới sự cách mạng về tình dục (the sexual revolution). Tuy nhiên họ cũng chưa đưa ra được những tiêu chuẩn cho các hành vi tình dục để tất cả Phật tử có thể đồng ý noi theo. Ở Hoa Kỳ có nhiều Thiền sư (Zen Masters) thường lập gia đình như các vị Mục sư của Đạo Tin lành có thể lập gia đình. Nhiều nhà Sư Tây -tạng chọn đời sống độc thân nhưng cũng có nhiều nhà Sư Tây tạng khác đã chọn thực hành tình dục Mật tông (Tantric Sex).

Tantra (Mật tông), tiếng Sanskrit, có nghĩa là đan kết lẫn nhau (woven together/ weaving together). Mật tông tiến tới chỗ cho rằng những thiền giả (meditation practitioners) thực hành sự đan kết thể xác và tinh thần với nhau trong khi làm tình (sexual intercourse) để thống nhất đòi hỏi dục tính (sexual union). Mật tông cho rằng hành giả không những không chống đối thể xác và những đòi hỏi của thể xác, nhưng còn đan kết những điều này để tiến tới con đường giác ngộ (the road to enlightenment). Từ đó, Mật tông cho rằng sự liên hệ dục tính (sexual relations) sẽ trở nên linh thiêng (sacred). Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào chi tiết của các hành vi dục tính (sexual activities) của Mật giáo. Quý độc giả có thể tự tìm hiểu những bí mật của tình dục Mật giáo (the secrets of Tantric sex) qua nhiều sách vở khác nhau ở các Thư viện, hoặc ở các nhà sách, hoặc trên Internet hay Google.

Phái Mật giáo kết hợp với phái Sakta của Ấn độ giáo. Phái Sakta sùng bái nữ thần Durga, Mật giáo có nhiều nghi thức bí mật, có nhiều trò ma thuật, và có nhiều hình thức làm tình Mật giáo trong nghi quỷ. Mật tông lấy chủ nghĩa khoái lạc, dục vọng tình dục làm lý tưởng. Cố Hoà Thượng TS Thích Thanh Kiểm, Cựu GS Phật học tại Phân Khoa Phật học và Triết học Đông phương, ĐH Vạn Hạnh, Saigon đã nhận định:

…phái Kim Cương Thừa dần dần rơi vào vòng tà đạo, và cũng là nguyên nhân đọa lạc của Mật giáo”.

(Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn độ, Saigon: Lê Thanh Thư Xả, 1963, tr. 232).

VI.- Tứ Vô Lượng Tâm:

         Tứ Vô lượng tâm (Srt. Brahma Viharas, Av. Four Immeasurable Minds) là 4 tấm lòng rộng lớn không thể đo lường được: Từ, Bi, Hỷ và Xả.

Trong tiếng Sanskrit, Brahma = Đấng Tối Cao / Thượng Đế (God); Viharas = nơi ở (dwelling/abode).Người Bà-la-môn ước muốn khi chết trở về với Thượngđế/ Đấng Tối cao; muốn trở về với Đấng Tối Cao thì phải thực hành “Tứ Vô Lượng Tâm” (Srt. Brahma Viharas, Av. Four Immeasurable Minds).

1.-Từ (Srt. Maitri, Pa. metta, Av. loving kindness): là lòng thương yêu, là thái độ đem đến niềm vui và lợi ích cho tất cả chúng sanh kể cả chính mình. Như vậy, lòng từ không chỉ là tình thương giữa người với người mà còn gồm cả loài thú vật, vì chúng cũng cần đến tình thương và sự giúp đở chúng.

Lòng từ giúp chúng ta dập tắt được lòng sân hận, oán thù.

2.-Bi (Srt.&Pa. Karuna, Av. Compassion) là lòng thương xót nỗi khổ đau của kẻ khác, và ý muốn giúp kẻ khác thoát khỏi cảnh khổ đau. Lòng bi hướng tới nỗi khổ đau của kẻ nghèo, túng thiếu, đau đớn, cô đơn, kẻ tội lỗi để giúp đở họ thoát khỏi cảnh khổ đau này.

Lòng từ và lòng bi thường đi chung với nhau gọi là lòng từ bi. Lòng từ bi là tình thương người khác cũng như chính mình, là lòng bác ái, nhờ tình thương này mà hận thù sẽ tiêu tan trên cõi đời này.

           3.-Hỷ (Srt. & Pa. mudita, Av. Joy) là lòng vui mừng khi thấy sự thành công và hạnh phúc của người khác. Lòng vui mừng (hỷ) làm tiêu tan lòng ganh tị đối với kẻ khác.

4.-Xả (Srt. upeksa, Pa. upekkha, Av. equanimity/ non-attachment/ letting go) là lòng buông bỏ những gì của mình cho tất cả chúng sanh. Lòng buông bỏ có nghĩa là bỏ đi, bố thí, không ghim giữ trong lòng một điều gì: không ghét bỏ cũng như không bám víu vào sự yêu thích điều gì. Lòng buông bỏ giúp chúng ta không còn buồn rầu nuối tiếc những cái gì mình đã bỏ đi, và dĩ nhiên chúng ta vui mừng vì đã buông bỏ những cái vướng mắt đó, không còn luyến ái những cái đó nữa.

Bốn lòng: từ, bi, hỷ, xả có sự tương liên mật thiết với nhau: khi có lòng từ thì tấm lòng này có sự liên kết với 3 tấm lòng kia: bi, hỷ và xả. Khi thực hành 4 tấm lòng rộng lớn này trong cuộc sống hằng ngày thì chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn, và mọi chúng sanh chung quanh chúng ta cũng sẽ hạnh phúc hơn.

Khi thực hiện được 4 tấm lòng: từ, bi, hỷ và xả, con người được vươn lên khỏi trần tục, vượt bỏ được những cám dổ, quyến rủ của cuộc đời. Con người sẽ sống một đời sống thanh tịnh, bình an như bông sen vươn lên khỏi bùn:

“Trong đằm gì đẹp bằng sen,
Lá Xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng, bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
(Ca dao)

VII.- Tam Độc:

Theo Phật giáo, có 3 loại độc hại làm 3 gốc rể cho tội lổi; chúng gây ra những nghiệp xấu, và là nguyên nhân của nhiều điều hảm hại cho chính chúng ta và cho người khác nữa. Tam độc là nguyên nhân của khổ đau, đó là: Tham, Sân và Si.

           1.-Tham (Srt. Lobha, Av. greed) là ham muốn thái quá, là những đòi hỏi và muốn chiếm giữ điều gì hay vật gì để có thêm được nữa. Có 5 điều mà con người thường ham muốn nhất là: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Năm điều ham muốn này đem đến hạnh phúc thì ít nhưng khổ thì nhiều. Thí dụ:

Tham tiền tài thì phải làm việc nhiều, khổ thân, nhiều khi còn dùng nhiều thủ đoạn bất chính để cướp đoạt tài sản người khác.
Tham sắc đẹp có khi đưa đến những thủ đoạn thấp hèn để thỏa mãn lòng ham muốn này.
Tham danh vọng hay tham địa vị, quyền tước có khi đi đến việc nịnh bợ kẻ trên, chèn ép kẻ dưới. Lòng tham này gây khổ đau cho người khác và nhiều khi cho chính mình nữa. Lòng tham quá đáng sẽ đưa đến tranh giành, đấu đá lẫn nhau, có khi còn giết hại lẫn nhau.
Tham ăn uống  tức là tham ăn những món ăn kỳ dị, cao lương mỹ dị, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tham ngủ nghỉ  tức là ngủ li bì sẽ đưa đến tâm thần bấn loạn, ngủ quá nhiều giờ sẽ gây ra lừ đừ.

Để kiềm chế lòng tham gia tăng, chúng ta cần phải “biết đủ” những gì mình có để dừng lại không còn ham muốn nữa: “Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc” (Biết đủ là, chờ đợi cái đủ thì biết chừng nào mới đủ) [Nguyễn Công Trứ]

2.-Sân (Srt. Dvesha, Pa. dosa; Av. hate) là lòng giận dữ, thù hận khi không hài lòng một điều gì. Vì mù quáng, con người không còn bình tỉnh để tự kiểm soát hành vi và ngôn ngữ của mình, không nhìn thấy sự tương liên của các sự vật và loài vật. Khi dứt trừ được lòng sân hận tận gốc rể thì thân tâm được tự tại và giải thoát.
Lòng từ bi sẽ giúp cho tâm không nổi sân.

3.-Si (Srt. lobha, Av.ignorance/ delusion) có nghĩa là vô minh, ngu dại, ý thức bị che mờ nên không còn có thể phán đoán đúng sai, lợi hại . . . Vô minh là móc xích đầu tiên của “Thập nhị nhân duyên”. Si dẫn tới lòng tham và lòng sân hận. Khi nào si/ vô minh bị tiêu diệt thì lòng tham và lòng sân hận sẽ bị tiêu diệt. Lòng si mê sẽ bị tiêu diệt khi con người dùng trí tuệ sáng suốt để phán đoán việc đúng sai, hay dở, những gì có lợi cho mình và có lợi cho người khác trong hiện tại và trong tương lai.

Nói tóm lại, Đức Phật đã dạy Tam độc: Tham, Sân và Si là những nguyên nhân gây nên phiền não, làm đau khổ cho cuộc đời. Khi diệt được Tam độc thì thân tâm và cuộc sống của chúng ta sẽ được an nhiên tự tại, an lạc; và sẽ đi đến chỗ giải thoát.

VIII.- Bổn phận của cư sĩ đối với các người thân:

Bổn phận là những hành vi bó buộc phải làm theo một quy luật đạo đức để đạt được điều thiện.

Những người Phật tử bình thường tu tại gia, Phật giáo Ấn độ phân chia Nam và Nữ, gọi là:

Upsaka (phiên âm: ưu-bà-tắc), tiếng Sanskrit, có nghĩa là Nam cư sĩ.
Upasika (phiên âm: ưu-bà-di), tiếng Sanskrit, có nghĩa là Nữ cư sĩ.

Chúng ta gọi chung là Cư sĩ (lay Buddhist) cho cả hai phái Nam và Nữ.

Người cư sĩ, sống trong thế giới này, có liên hệ mật thiết với những người thân ở trong gia đình và xã hội. Đạo đức là cái gốc vững bền để phát triển ý thức và hành vi đạo đức cho mỗi người. Đức Phật đã dạy các cư sĩ những bổn phận để sống một đời sống đạo đức trong mối quan hệ với gia đình và xã hội. Chúng tôi sẽ tìm hiểu “Bổn phận của cư sĩ đối với người thân” (The lay Buddhist’s Duties to his/ her Associates) theo lời dạy của Đức Phật.

A.-Trong gia đình:

Đức Phật đã xác nhận và nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa các thành viên trong gia đình. Ngài đã khuyến khích tất cả mọi người phải giữ gìn mối dây nối kết các thành viên trong gia đình với sự danh dự và nhân cách của gia đình, gia đình là một đơn vị xã hội. Các đạo luật của vua A-dục (Asoka Edits) đã ghi nhiều bổn phận của con cái đới với cha mẹ. Thí dụ: –Phải vâng lời cha mẹ (Obey mother and Father). –Phải nghe lời cha mẹ (Listen to Mother and Father).

   Trong Anguttara Nikaya (Tăng Chi Bộ Kinh, Av. Collection of Discourses from Gradual Saying) đã ghi: trong gia đình cha mẹ được kính trọng cao (in families, Parents are held in high respect).

1.-Cha mẹ và Con cái (Parents and Children):

Trong Sigalovada Suttanta (Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt), đây là bài kinh thứ 31 trong Digha Nikaya (Kinh Trường Bộ ), Đức Phật đã dạy các bổn phận mà cha mẹ phải thực hành đối với con cái:
1.Phải chứng tỏ tình thương con cái bằng cách ngăn cản con cái làm các hành vi xấu.
2.-Khuyến khích con cái làm điều có đạo đức.
3.-Hướng dẫn con cái chọn lựa một nghề nghiệp tốt.
4.-Sắp xếp việc cưới hỏi thích hợp cho con cái.
5.-Trao của thừa kế cho con cái đúng lúc.

Để đổi lại, con cái phải thực hiện các bổn phận sau đây:
1.-Phải cấp dưỡng cha mẹ vì cha mẹ đã một thời nuôi dưỡng mình.
2.-Phải thực hiện việc làm với tinh thần trách nhiệm đối với cha mẹ.
3.-Phải cố gắng để thành công trong cuộc sống.
4.-Phải lo việc tang lễ khi cha mẹ qua đời.

Đạo Phật trong lòng dân tộc Việt Nam: Công ơn cha mẹ và chữ hiếu được đề cao:

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Ca dao

Mẹ thức trắng đêm để lo cho con:

  “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,  Năm canh về thức đủ năm canh.”( Ca dao)

 

2.-Chồng và Vợ (Husbands and Wives):

Đức Phật đã dạy 5 bổn phận mà người chồng phải thực hiện:
1.-Phải lịch sự nhã nhặn với vợ.
2.-Không coi thường vợ.
3.-Phải trung thành với vợ.
4.-Tôn trọng quyền làm vợ.
5.-Cung cấp cho vợ nữ trang cần thiết.

Đổi lại, người vợ phải thực hiện 5 bổn phận sau đây:

1.-Phải lo việc nhà cửa.
2.-Phải hiếu khách đối với bà con hai bên.
3.-Phải trung thành với chồng.
4.-Phải giữ gìn tài sản của chồng.
5.-Phải quán xuyến các việc kinh doanh của gia đình.

         B.-Trong xã hội:

1.-Bạn bè (Friends):

Theo Đức Phật, nếu việc chọn một gia đình để được sanh ra trong cõi đời hiện tại này có liên kết với hậu quả của nghiệp trong các dòng sanh mệnh của những kiếp trước. Nhưng việc chọn lựa, gặp gở “bạn bè” của một người thì có liên hệ đến hoàn cảnh và hành động trong cuộc đời hiện tại.

Thế giới được nối kết dài lâu là do những liên hệ gia đình, nhưng việc kết bạn bè cũng là một phương tiện để tạo nên một thế giới bao quanh chúng ta. Một người tử tế muốn kết bạn với nhiều người khác thì không vì một tham vọng nào cả. Nói một cách rộng mở, người này muốn làm việc tốt cho bất cứ người nào,  làm việc công bình cho tất cả mọi việc, ở mọi nơi, và điều này có nghĩa là người đó muốn được cư xử lại cũng như thế, giống như anh nài lái xe ngựa thì việc xe ngựa chạy nhanh cũng tuỳ thuộc vào cái chốt của trục bánh xe.

Chọn bạn: Người ta thường kết bạn với một người có thể cho những gì khó cho, làm những gì khó làm nhất, chịu đựng những gì khó chịu đựng. Ta nên xa lánh các người có tánh ích kỷ, tuy nhiên cũng không nên đối xử không tử tế đối với người này. Nếu thấy rõ một người có thể là kẻ thù trong tương lai thì không nên liên hệ với họ nữa.

Khi một tình bạn đã được kết nối thì có một số bổn phận mà ta phải làm:

1.-Phải trung thành với bạn.
2.-Luôn luôn giữ lời hứa.
3.-Đối xử với bạn như thể đối xử với chính mình.
4.-Mình phải là nơi nương tựa khi bạn bè gặp hoạn nạn, và không bỏ rơi bạn trong lúc họ gặp khó khăn.
5.-Phải có những lời nói tốt đẹp về bạn, và nếu có người nói lén chuyện xấu về bạn thì phải kiểm chứng cẩn thận trước khi chấp nhận sự thật, nên nhớ đừng để kẻ xa lạ chia rẻ tình bạn.

Trong Sigalovada Suttanta (Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt), đây là bài kinh thứ 31 trong Digha Nikaya (Trường Bộ Kinh), đã có dạy nhiều cách để gìn giữ và phát triển tình bạn: một người bạn tốt là một người hay giúp đở và đùm bọc bạn mình trong mọi hoàn cảnh, hạnh phúc hay đau khổ, là người hay khuyên nhủ những lúc bạn có chuyện buồn, ngăn cản bạn làm điều xấu, giúp bạn thực hành điều tốt. Một người khôn ngoan sẽ nhận ra được người bạn tốt với những đặc tính đó. Ngược lại một người bạn xấu như là một kẻ thù, vì họ đặt để tình bạn chỉ do lòng tham, chuyên dùng lời nịnh hót. Kẻ nịnh hót thường đề cao một người khi đứng trước mặt người đó, nhưng lại nói xấu khi vắng mặt người đó. Dĩ nhiên đối với người bạn như thế thì chúng ta phải xa lánh.

Tuy nhiên, việc chọn lựa bạn thì thường là một vấn đề không phải là sự lựa chọn được hoàn toàn tự do. Ngoài việc nhiều người cố gắng muốn kết bạn với những người mà họ có cùng những đức tánh giống nhau, và họ có thể tin tưởng lẫn nhau. Tục ngữ Tây phương có câu: “Birds of a feather flock together” (Các con chim có (cùng) lông thì đổ xô lại gần nhau). Trong tục ngữ Hán Việt có câu: “Ngưu tầm ngưu, Mã tầm mã”. (Trâu tìm đến trâu, Ngựa tìm đến ngựa). Như vậy, một người cần phải “chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở” (tục ngữ VN) để khỏi bị nhiểm thói hư tật xấu của bạn, và tránh khỏi bị vạ lây. Tục ngữ VN còn nói:”Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Nhiều kinh điển Phật giáo đã khuyên chúng ta đừng nên hời hợt quyết đoán về một người bạn. Ngụ ngôn Tây phương có câu về tình bạn bè: “Not by the texture of his skin is a man known” (Đừng vì bề ngoài mà quyết đoán một người) hay “Not in a passing glance should one put trust” (Không nên nhìn thoáng qua một người mà vội tin ngay người ấy).

       2.-Thầy cô và t (Teachers and Pupils):

Đạo Phật đã đề cao mối quan hệ giữa thầy cô và học trò. Thầy cô là vị giúp tiêu diệt “ngu dốt”; ngu dốt (ignorance) là điều phải tiêu diệt.

Trong Sigalovada Sutta (Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt), xin được nhắc lại, đây là bài Kinh thứ 31 được diễn tả trong Digha Nikaya (Kinh Trường Bộ) đã nêu lên bổn phận của Thầy Cô đối với Học trò như sau:

1.-Phải chứng tỏ tình thương yêu học trò mình bằng cách dạy dổ tận tâm những điều mình đã học cũng như đã nghiên cứu thêm.
2.-Phải giảng dạy cho học trò hiểu rõ những điều mình đã học.
3.-Phải nói tốt về học trò của mình.
4.- Phải bảo vệ học trò mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đổi lại, học trò có bổn phận đối với thầy cô như sau:

1.-Đứng dậy, chào thầy cô khi thầy cô đi vào lớp học.
2.-Kính trọng thầy cô.
3.-Chú ý nghe lời giảng dạy của thầy cô ở trong lớp học.
4.-Chăm sóc thầy cô, nếu có thể, trong khả năng của mình.

Tình thầy trò là một tình cảm cao quý nhất. Không ai có thể hiểu trò bằng thầy cô. Không ai có thể quên thầy cô đã dạy dỗ mình. Trò thường nhớ thầy cô, kỷ niệm ấn sâu vào ký ức, nhớ từng lời nói, từng cử chỉ của Thầy Cô ở trên bục giảng. Tuy nhiên, Thầy Cô có rất nhiều học trò nên không thể nhớ hết tất cả học trò của mình, chỉ trừ các học trò có những nét đặc biệt: học rất giỏi hoặc quá trửng giởn trong lớp học.

Giáo sư Bàng Bá Lân tâm sự về niềm vui của ông khi thấy học trò mình chăm chú nghe mình giảng bài:

“Nhiều lúc ta cao giọng giảng bài,
                          Không hề biết mệt, bốn giờ trôi.
                        Các em ngoan ngoản và chăm chỉ,
                        Là đáy lòng ta mãn nguyện rồi.”
(Bàng Bá Lân, Đôi lời tâm sự)

Trước 1975, nền giáo dục miền Nam có ngày lễ “Tôn Sư Trọng Đạo”, đây là ngày nhớ ơn thầy cô, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, tại hãi ngoại, cộng đồng người Việt cũng có tổ chức ngày truyền thống “Tôn Sư Trọng Đạo’.

Trong xã hội Việt Nam xưa, có bậc thang giá trị đạo đức là “Quân-Sư-Phụ”. Thầy cô có địa vị thứ hai trong xã hội vì thầy cô mở mang trí tuệ, phát triển đạo đức và thể xác cho học trò. Trong đó, việc mở mang trí tuệ cho học sanh là có tầm quan trọng nhất:
Công Cha, nghĩa Mẹ, ơn Thầy.” (Tục ngữ)  và “Không Thầy đố mày làm nên.” (Tục ngữ)       Thầy Cô đã hy sinh rất nhiều cho học trò: soạn bài, giảng bài, chấm bài …; đổi lại học trò biết ơn thầy cô là phải ráng học tập để đóng góp cho xã hội sau này.

Ngày Nhà Giáo Thế giới do Unesco, Liên Hiệp Quốc, quy định ngày 5 tháng 10, và tuyên bố lần đầu năm 1994.

Một số quốc gia ủng hộ quyết định của Liên Hiệp Quốc nên dù có ngày khác họ cũng đổi sang ngày 5 tháng 10 như trường hợp Canada, Đức, Armenia, Azerbaijan, Bangladesh, Bulgaria, Cameroon, Lithuania, Macedonia, Pakistan, Philippines, Nga, Serbia v…v…; nhiều nước như Nga, Bulgari, Serbia, các nước Baltics đều đổi sang Ngày Nhà Giáo do UNESCO công bố.

Riêng Việt Nam là nước duy nhất chọn Ngày Nhà Giáo là ngày 20 tháng 11 do tổ chức Cộng Sản quốc tế ấn định: “Lễ Ngày Nhà Giáo có nguồn gốc trong một hội nghị giữa các nhà giáo được tổ chức tại Warsaw năm 1957.”

Ngày Nhà Giáo là ngày truyền thống, ngày để thầy cô được tặng hoa, tặng quà, được nghe lời cám ơn, lời thăm hỏi . . . của học trò.

Giáo sư Trầm Vân đã viết:

Ngày Nhà Giáo đến êm đềm,
          Vần thơ thương gửi cánh nghiêng nghĩa tình.
              Cùng nhau mở cửa bình minh,
            Cõi lòng lấp lánh bóng hình trường xưa.’

(Trầm Vân, Bồi Hồi Ngày Nhà Giáo Về)

   2.-Chủ nhân và người giúp việc nhà (Employers and Servants):

Trong Sigalovada Sutta (Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt), đã ghi bổn phận của người chủ nhà đối với người giúp việc trong nhà như sau:

1.-Phân công việc làm tùy theo sức khỏe và khả năng.
2.- Cung cấp thực phẩm và lương bổng cho họ.
3.-Chăm sóc họ khi họ bịnh hoạn.
4.-Nếu có dịp thì chia sẽ thức ăn ngon cho họ.
5.-Cho phép họ nghỉ ngơi đúng lúc.

Đổi lại, người giúp việc phải thực hiện những bổn phận đối với người chủ nhà như sau:

1.-Phải thức dậy trước khi người chủ thức dậy.
2.-Phải đi ngủ sau khi chủ mình đi ngủ.
3.-Phải làm các công việc gì mà chủ giao phó.
4.–Phải làm việc tận tâm, hết lòng.

5.-Làm tốt thanh danh cho chủ.

Toronto, 01 tháng 11 năm 2019

Nguyễn Vĩnh Thượng

————————————————————————————

*Tài liệu tham khảo chính yếu 1:

Như đã liệt kê trong bài Nhận thức luận trong triết học cổ điển Ấn độ và trong triết học Phật giáo của NVT, 2019).

 

*Tài liệu tham khảo chính yếu 2 :

   –Buritt, Edwin A. (edited with Commentary), The teaching of Compassionate            Buddha, New York: New American Library, 1955.

-Harvey, Peter, An Introduction to Buddhist Ethics: Foundations, Values and Issues, New York: Cambridge University Press, 2000.

-Horner, I.B. (translated), The book of the DisciplineVinaya, Vol. III, Oxford: PTS, 1993.

-Narada Thera (translated with notes), The Dhammapada, London: Lewis Reprints Ltd., 1972.

-Nguyễn Vĩnh Thượng, Đạo đức học 12 ABCD, Saigon: Hiện Đại Phát hành, 1972.
-Nguyễn Vĩnh Thượng và nhiều tác giả khác, Trắc nghiệm Triết 12 A: Đạo đức học, Luận lý học, Tâm lý học, Saigon: Yiễm Yiễm xuất bản lần đầu, tháng 4 năm 1975. Tái bản lần thứ nhì, tháng 1 năm 2019; Lu Lu Press phát hành on line, USA.

-Nikunja Vihari Banerjee (translated), The Dhammapada, Delhi: Munshiram Manoharlal Publishers PVT. Ltd., 1989.

-Rhys Davids, T.W. and C.A.F. (translated), Sacred Books of the Buddhists: Dialogues of the Buddha, Vol. III–IV, Part II-III, the fourth edition reprinted, Oxford: P.T.S., 1989.
-Rhys Davids, T.W. (translated) and F. Max Muller (edited), Sacred Books of the Buddhists: Dialogues of the Buddha,Vol. II, Part I, the fifth edition reprinted, Oxford:PTS, 1992.

-Saddhatissa, Hammalawa, Buddhist Ethics: Essence of Buddhism, London: George Allen and Unwin Ltd., 1970.

-Thích Minh Châu (Việt dịch), Kinh lời vàng – Dhammapada, Saigon: Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1969.
-Thích Minh Châu (Việt dịch), Kinh Trường Bộ (Digha Nikaya) Tập I, II, III, Saigon: Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1972.

-Thích Thanh Từ, Phật giáo trong mạch sống dân tộc, Saigon: Lá Bối, 1966.
-Thích Thanh Từ, Vài nét chính luân lý Phật giáo, USA: Phật học Viện Quốc Tế tái bản, 1990.

-Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ Thông (Khoá I đến Khoá XII), USA: Phật học Viện Quốc Tế tái bản, 1989.

-Thondup, Tulku, Enlightened Journey: Buddhist Practice as Daily Life, Boston: Shambhala. 1995.

 

  

Có 1 bình luận về Phật giáo (Bài 2)

  1. Hoành Châu nói:

    Kính Thầy ,
    Khi xưa học đến phần giáo dục trong đạo Phật,,em thấy Phật tử nào cũng thích vì nội dung này rất sát với thực tế hàng ngày ,,, Đức Phật chỉ dạy từng li từng tí  tình cảm giữa các thành viên trong gia đình  với nhau , sự ứng xử, có phân tích , so sánh , đối chiếu ,,thật tuyệt không chỗ nào chê được ,,,Có lẽ khi xưa Như Lai đã từng kinh qua mọi thử thách tình cảm , vui sướng , khổ đau bệnh tật , tình người ,,nên bản thân Ngài  thấu suốt ,,rút ngắn cho con đường chúng ta đi không bị vấp ngã ,,
    Chúng ta , những người đi sau phải thành tâm học hỏi  , áp dụng  không chỉ trong pháp học mà phải thực tập hàng ngày qua pháp hành nữa ,,,  thiền ,,tạo sự sáng suốt , thông minh , luôn chánh niệm , luôn  tin tưởng  khi còn xác thân này  hoặc khi xa lìa xác thân này ,,trong niềm tin vào lý vô thường , biến hoại,,luân hồi ,,,Chúc Thầy luôn an nhiên vui sống,,thanh thản ạ
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C  )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác