VỀ TẬP THƠ “BƯỚC CHÂN VÀ KHOẢNG LẶNG”CỦA DUY BẰNG. 

Ngày đăng: 12/10/2019 09:31:43 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

  Thơ Duy Bằng như thế nào thì khi đọc xong tập thơ của Duy Bằng mọi người sẽ rõ. Và mọi người sẽ hiểu không ít thì nhiều về một phần cuộc đời của nhà thơ trong tập thơ này. Tôi cảm giác như là nhật ký thơ trong từng giai đoạn của nhà thơ Duy Bằng từ gia đình cho đến xã hội. Hầu như những nơi nào anh đi qua, anh đều lưu lại vào thơ. Cho nên những bài thơ của Duy Bằng cứ như những lời tự sự. Mà sợi tóc mỏng manh kia đã là hình tượng để cho nhà thơ suy tư và trăn trở ngay từ đầu trang sách. Một triết lý nhân sinh không phải những điều gì con người muốn là được hoặc muốn là làm được. Mà phải đấu tranh và kinh qua biết bao nhiêu gian khổ mới có được cuộc sống như mong đợi. Hình tượng sợi tóc của nhà thơ Duy Bằng là vậy.

          Dại khôn từng sợi tóc  

          Nối mãi vẫn chưa cùng 

          Bay hoài như hạt bụi 

          Một đời chỉ hư không (Hư không)

Nhà thơ đã nhìn cuộc đời và chiêm nghiệm chỉ có bốn câu thơ mà đã luận không biết bao nhiêu điều trong cuộc sống. Nào là: “Dại/khôn/sợi tóc/nối/hạt bụi/đời/hư không”. Suy cho cùng thì tất cả chỉ là hạt bụi. Cái kết của con người cũng từ “cát bụi lại trở về cát bụi” nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi”… Cuộc đời con người cũng đúng như những mỹ từ ví von vậy. Mà ai cũng đều biết rằng con người lúc lọt lòng là trần trụi thì khi nhắm mắt trở về cát bụi cũng trần trụi như thế. Tóc mỗi ngày mỗi rụng. Có sợi tóc nào mà khi đưa lược vào chải lại không rụng?. Nhưng ở đây nhà thơ Duy Bằng đã nhìn sợi tóc bằng sợi dại và sợi khôn. Đúng là cặp mắt của thi nhân kinh khủng thật. Họ tưởng tượng được tất cả những điều có và không. Quả tuyệt vời cho sợi tóc của thi sĩ Duy Bằng nó màu nhiệm đến vô cùng.

Năm mươi hai bài thơ của Duy Bằng đã trăn trở trong cuộc sống của nhà thơ qua rất nhiều giai đoạn.Và mẹ đã là bài thơ đầu tiên mà nhà thơ trân trọng ở đầu tác phẩm của mình. Ôi tình mẫu tử muôn đời thiêng liêng và trân quý. Cho dù mẹ có hiện diện hay mẹ đã về thiên cổ thì tấm lòng của những người con không bao giờ nguôi nỗi nhớ. Mẹ bao giờ cũng là hình bóng yêu thương nhất của mọi người cho dù có ở vào tuổi nào đi nữa… Tình cảm không chỉ là phái nữ mới nhớ, mới thương ray rứt. Mà người đàn ông khi nhớ về mẹ cũng nặng lòng không kém gì phái nữ. Những câu thơ dành cho mẹ đã về miền thiên cổ khi tác giả đang cách xa quê hương cả nửa địa cầu. Tôi nghĩ rằng những người con xa quê sẽ đồng cảm nhiều hơn với tác giả.

          Mẹ thành hương khói bay qua 

          Mẹ như mây trắng la đà gió sương 

          Con đi mỏi bước dặm trường 

          Buồn vui đất khách lòng thương nhớ về 

          Nửa vòng trái đất xa quê 

          Nhớ ngày giỗ mẹ con chia tấc lòng (Mẹ hóa thành thơ)

Có lẽ không ai nghĩ rằng với một người đàn ông làm thơ mà lại nặng lòng, đớn đau khi nghĩ về cái thuở của mẹ từ khi bước chân về nhà chồng với những tất bật sớm hôm tần tảo. Với tâm trạng cũng là đàn bà tôi thực sự xúc cảm thật nhiều khi đọc những câu thơ này của Duy Bằng. Mà chỉ có người đàn ông làm thơ mới giải tỏa được nỗi lòng. Còn không thì chỉ biết chôn chặt vào tim những nỗi nhớ thương khi nghĩ về mẹ.

Mẹ gồng gánh riêng tư 

          Về nhà chồng từ năm trăng tròn tuổi 

          Sớm tối ngoài đồng rong ruổi 

          Chân không bén đất 

          Tất bật một mảnh đời 

          Làm dâu nhà người 

          Bơ vơ xứ lạ (MỘT MẢNH ĐỜI)

Nơi xứ người nhà thơ ở hầu như cái lạnh gần như quanh năm. Nên nhà thơ đã phải thảng thốt với cái từ là “mùa chi lạ”. Mùa đông và xuân thì đã đi qua. Vậy mà tới mùa hạ khí hậu nơi đây vẫn còn khắc nghiệt giá băng.

          Tháng tư rồi tuyết vẫn chưa tan 

          Cơn gió lạnh ùa về mang theo rét mướt 

          Nắng rong rêu hè sang chậm chạp 

          Em co ro chiếc áo lạnh mùa đông(Mùa chi lạ)

Ở xứ người hầu như tình cảm của nhà thơ dành cho gia đình và cháu chắt là điều chính yếu. Cho dù có ngồi xe bao nhiêu giờ mệt mỏi chỉ để được gặp cháu thì âu đó cũng là điều hạnh phúc. Những yêu thương đó lại tăng thêm cảm xúc cho nhà thơ để bật thành những lời tin yêu nhất dành cho đứa cháu của mình trong gia đình. Mà sau những ngày mệt mỏi của cuộc sống thì nơi trở về của mọi người cũng chỉ là mái ấm gia đình. (Ở đây không bàn tới cuộc đời của những con người sống trong cô độc).

          Tám tiếng chạy xe hơi 

          Từ Canada về Mỹ 

          Đường mùa thu lá vàng và mây trời thủ thỉ 

          Cùng với người chia vui dặm đường xa 

          Giữa đất khách quê người 

          Tình mặn mà  

          Ta nới rộng vòng tay bè bạn 

          Giờ cháu là thành viên lớn 

          Dòng họ nối dài nửa trái đất vòng quay (Mừng cháu ngoại)

Nhà thơ Duy Bằng đã xót thương cho loài cỏ dại dưới mưa bão tuyết. Hình như người thơ nào cũng vậy. Chỉ có nhìn cỏ cây bị vùi dập thôi mà lòng cũng đau cũng xót. Nhìn cảnh người thì “thương vay khóc mướn”. Huống chi tâm sự của mình thì nó sẽ ray rứt biết là chừng nào.

          Chịu vùi mình dưới lớp tuyết đóng băng 

          Tưởng chết chìm trong huyệt mộ 

          Lạnh cóng lấp vùi bão gió 

          Hạt mưa dăng vây kín tiếng thở dài (Sức sống loài cỏ )

Hình ảnh của một người khác phái luôn là cảm xúc mạnh nhất với thi nhân. Cho dù không có đi chăng nữa thì nhà thơ vẫn hư cấu cho mình một đối tượng để nên thơ. Và nhà thơ Duy Bằng thật lãng mạn trước em.

          Níu vạt áo thời gian 

          Nhìn em mà chẳng nói 

          Ngoài trời đầy sương khói 

          Trắng tuyết phủ áo đông 

          Lạnh hoang chim di trú 

          Cây trút lá đợi mùa 

          Ta về nơi băng giá 

          Tìm ngọn lửa tình xưa (Đôi mắt mùa đông)

Với nhà thơ Duy Bằng thì hình ảnh người vợ luôn hiện diện trong thơ mà nỗi nhớ nhung mong đợi dường như nó luôn quấn quít bên tác giả.

          Biển lấp lánh chìm dần vào đêm sâu thẳm  

          Có người vợ hiền dõi mắt nhớ xa khơi 

          Tắt nắng rồi nhiều cuộc tình lang thang chơi vơi 

          Nhiều cuộc hẹn hò đi không trở lại 

          Nhiều thiếu phụ xỏa tóc buồn đợi ngày nắng mới 

          Giọt sương bắt đầu rơi 

          Ta giơ tay vuốt sợi tóc mình 

          Thời gian trôi 

          Em chưa kịp về nắng chiều vội tắt (Chiều tắt nắng)

Nhà thơ đã viết hết nỗi lòng mình ở bài “Ngọn nến sinh nhật”. Nói như cuộc sống này những điều gì ta làm được cho ngày hôm nay thì ta cứ làm. Đi được thì cứ đi. Không phải chờ đến lúc được nghỉ ngơi mới đi được, mới làm được. Đừng chờ đợi những rảnh rỗi ở đời sống này. Vì sẽ chẳng bao giờ ta thấy rảnh. Ở tuổi nào thì có niềm vui ở tuổi đó. Vẫn có những công việc và những điều mà người ta phải làm.

          Những ngọn nến lung linh tuổi ngày sinh nhật 

          Lấp lánh gọi về những năm tháng đi qua 

          Một ngọn nến 

          Một tuổi đời duyên nợ 

          Nhật kí hành trình nối bước chân xa 

          Mùa đi qua trăng bao lần tròn khuyết 

          Giờ nến thắp tuổi mình 

          Vui đếm ngược thời gian 

          Nơi đất khách quê người 

          Ngọn nến cháy sang trang (Ngọn nến sinh nhật)

Em (cũng như anh) luôn luôn là đề tài gợi nhớ những nỗi niềm mãnh liệt trong thi nhân. Dù đó là hình bóng thực hay chỉ là hư cấu. Duy Bằng đã hình tượng bước chân em của tuổi học trò như một kỷ niệm khó phai trong lòng dù có qua đi bao nhiêu giông gió thì em vẫn là nỗi buồn đẹp nhất trong lòng tác giả.

          Em đi rồi thành phố vắng về đâu 

          Đi một bước mang nỗi buồn một bước 

          Đời chông gai làm sao em hiểu được 

          Có phải đồng Ria đắp đuổi mộng thiên đường 

          Trời Sài Gòn men nắng áo còn vương 

          Gọi em về xóa những chiều thơ dại 

          Đường kỷ niệm còn đây 

          Tuổi học trò chưa ngái 

          Bằng lăng bên đường đang tím mùa chờ đợi (Vết chân để lại)

Có mùa thu nào không vấn vương những sợi khói tình vàng như màu lá úa mà anh vẫn cứ ngẩn ngơ đợi chờ người, để rồi cánh cửa không bao giờ buồn khép. Từ khuôn mặt tới mái tóc cho đến bước đi đã là những ảo ảnh trong tâm hồn tác giả những ngôn từ vời vợi thấm đẫm một mùa thu.

          Thu vừa đến 

          Mây lang thang theo gió 

          Lá vàng chiều ngơ ngẩn rơi nghiêng 

          Cửa vẫn ngóng 

          Đợi người về chưa khép 

          Dấu chân ai để lại vết loang buồn 

          Thu se lạnh mang theo mùa duyên nợ 

          Khách ngọt ngào 

          Nhan sắc em đa đoan 

          Tóc ai bay đọng vệt dài trên phố 

          Câu thơ anh 

          Gian díu nét thu buồn (VÀO THU)

Nhà thơ luôn cảm xúc trước tất cả những hình ảnh thực cũng như mộng hoặc những hình tượng vô tri vô giác. Mà điều nào cũng gợi cho tác giả những câu thơ tự hỏi đến nao lòng.

          Mưa nắng thời gian 

          Bạc phếch áo người 

          Tượng Nữ Thần tay giơ cao ngọn đuốc 

          Chân đạp xích xiềng 

          Khát tự do, khát chân trời mơ ước (CHỈ LÀ GIẤC MƠ)

Phố thì xưa nhưng nỗi nhớ về em thì không bao giờ cũ. Dù có qua bao nhiêu mùa trở gió thì người thơ vẫn âm thầm, vẫn đau đáu về em trong chờ đợi dẫu tàn trăng mà em không đến. Em xưa lắm từ một thời sắc phượng nhưng anh vẫn không quên. Ôi có ai biết được tình yêu tác giả nó sống mãi như những sợi khói tình đeo dài trong thơ, nếu như ta chưa một lần đọc thơ Duy Bằng.

          Nhớ không em 

          Ta đã qua bao mùa trở gió 

          Bằng lăng bên đường mấy lần tím nụ 

          Cơn giông về thổn thức quặn lòng mây 

          Ta đợi em trên góc phố chiều nay 

          Lúc nắng nhạt 

          Mưa dầm 

          Hoàng hôn vắng 

          Ta đợi em đêm tàn trăng lạnh 

          Phố vẫn xưa 

          Cây me già còn đó 

          Hè đã qua mấy lần phượng đỏ 

          Em chưa về có nhớ đến phố xưa (NHỚ PHỐ XƯA)

Đọc xong tập thơ Duy Bằng với nhận xét riêng tôi, nhà thơ quả thực là mẫu người mà mọi người đã có câu: “nhà thơ là phải nhân hậu, phải bao dung”. Và đúng vậy, những bài thơ anh trong tuyển tập này tôi không thể nào trích hết được vào đây. Tôi chỉ biết gói gọn anh đã viết xuyên suốt tập thơ không thiếu một đề tài nào. Nhà thơ lúc thì ở Việt Nam, lúc thì qua xứ người với gia đình. và tác giả cũng trăn trở trong tình bạn như những vần thơ của Nguyễn Khuyến:

Rượu ngon không có bạn hiền 

          Không mua không phải không tiền không mua”.

Nơi xứ người anh đã dõi tìm về người bạn của mình (dù là trong tất cả những quán xá…), nhưng cũng không biết bạn mình ở nơi đâu giữa thành phố mênh mông này. Và rồi chỉ còn lại bài thơ nhớ về bạn với tựa đề: “NHỮNG CHIỀU CALI”- Với câu tặng thật trìu mến “Tặng anh Khải”

          Cali chiều nắng nỏ 

          Xuôi ngược dòng xe như thác đổ 

          Tôi tìm bạn nơi đâu 

          Thành phố rộng quá quê người 

          Phố xá hào hoa 

          Tôi mon men từng bước chân tôi 

          Từng cửa hàng ăn người Việt 

          Từng quán cà phê thơm giọt 

          Thắp hy vọng tìm vết chân quen 

          Tôi tìm bạn 

          Xóa ngọn lửa chiều buồn 

          Giặt dũ u hoài quá khứ 

          Khi bão táp riêng tư không còn nữa 

          Bạn sống nơi đâu

          Mượn câu thơ để trải lòng chân thật 

          Nâng bước chân thời gian 

          Tôi âm thầm tìm bạn những chiều nắng tràn 

          Không gian nhảy múa mà lòng trống vắng 

Với Duy Bằng thì cha mẹ, vợ, người tình, quê hương và bạn bè… nhà thơ đã chắt lọc những mỹ từ hầu hết trong tập thơ này. Như :”Kho báu tình yêu, Bài thơ không gửi, Con sông nhỏ, Hẹn em chợ tình Khâu Vai, Rượu rót tràn tay, Hoa bí vàng, Hà Nội ngày mưa, Cha tôi, Con xúc xắc, Sài Gòn ngày giáp tết, Chuyện là cuối đông, Hoa sữa, Vị tướng huyền thoại v…v… Và tôi tin rằng khi đọc xong tập thơ “BƯỚC CHÂN VÀ KHOẢNG LẶNG”của nhà thơ DUY BẰNG. Mọi người sẽ nhìn Duy Bằng với tất cả thân thương trìu mến vì những câu thơ hay thật thà của tác gỉa.

                       Dung Thị Vân

(HV.Hội Nhà Văn TP.Hồ Chí Minh)

Bìa 4

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác