CON CÁ RONG CHƠI SÔNG NƯỚC CỬU LONG.

Ngày đăng: 23/10/2019 05:47:41 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Một.

Tuổi ấu thơ, tôi sống thời loạn lạc chiến tranh nên mẹ đưa con đi nhiều nơi, ăn nhiều chỗ, ở lắm vùng. Trong số đó, có một chốn mà tôi không thể nào quên: Vàm sông Sở Hạ!
Nhưng, nếu nói thiệt lòng và không sợ mắc cỡ miệng, chính con cá linh đã hớp hồn tôi qua món ăn “cá linh hấp mía” đậm đà mùi nhớ!
Tò mò, tôi rụt rè hỏi má:
“Sao không kho mà lại hấp?”.
Má cười, nụ cười hồn hậu của người đờn bà miền châu thổ phương Nam:
“Hấp chớ sao kho? Mà có muốn kho, cũng chẳng thể kho được!”.
Nói vừa dứt câu, má đã ướp cá linh với: đường, bột ngọt, tiêu, tỏi bằm, muối, nước mắm, dầu phộng… Trong khi chờ cá linh ướp thấm gia vị, má róc vỏ mía và chặt thành khúc nhỏ xếp dưới đáy nồi đất, thuận tay má đặt cá linh thành từng lớp bên trên. Má dặn chị Hai:
“Hấp cá sôi, con đổ nước dừa tươi vào; hấp cá sôi lần nữa, con bớt lửa nhỏ lại… Chụm lửa liu riu khoảng nửa giờ thì tắt bếp…”.
Về sau, tôi mới vỡ lẽ:
“Hấp, ngữ nghĩa đậm chất chia sẻ ngọt bùi. Đã là chia sẻ ngọt bùi, mấy ai phủi đít quên lúc đắng cay! Kho, nói lên sự áp chế khắc nghiệt nhau. Đã là áp chế khắc nghiệt nhau, thiên hạ sẵn sàng muối mặt dù tiếng đời bia miệng!”.
Tưởng rằng, “cá hấp cá kho” là câu nói hời hợt, dễ dãi của hạng dân dã; nào dè nó thiệt sâu và thiệt sắc của hạng người từng trải chốn phong trần.

Với tôi, con sông Sở Hạ thuộc miền ký ức của những tháng năm bom đạn, của bao ngày cá linh xanh nước, bạc trắng sông đêm. Sông Sở Hạ một nhánh sông Sở Thượng(1) , khởi nguồn từ rạch Cái Cái, Tân Thành, chảy len lỏi và luồn lách đổ ra Hồng Ngự. Nó chiếm một phần lớn ranh giới tự nhiên giữa Đồng Tháp và Campuchia. Đồng thời, nó cũng là “Miền nước hứa” dành riêng cho những cuộc giao hoan giữa cá linh đực, cá linh cái; tạo thời khắc thăng hoa thụ tinh gìn giữ nòi giống.
Trên con sông dài mang niềm yêu thương xứ sở, đã nuôi dưỡng con cá linh đực hình vóc thon, nhỏ, rắn chắc, biểu lộ qua cái vây ngực nhám và, cái vây ngực càng nhám thì, chỉ cần con đực đánh hơi bén mùi con cái, cũng đủ làm đực chảy nhớt sẹ nơi lỗ bụng dục tình. Con cá linh đực muôn thuở vẫn là vậy. Nhưng, con cá linh cái cũng chẳng vừa gì: Bụng nó to đến rất to mỗi khi phải lòng con đực, thân vàng tròn ủm, vây ngực nhẵn, vây hậu môn ngắn, lỗ hậu môn hồng hồng như “Gái muốn chồng nhìn trộm trai tân”.
Rồi thì, “Thuyền theo lái, gái theo chồng” (Tục ngữ). Một khi đã lấy nhau, con cá linh cái không bao giờ rời xa con cá linh đực. Vì vậy, mắc lưới, đực cái cùng mắc; chui vô miệng đáy, đực cái cùng chui… Sống cùng sống quay về cố hương, chết cùng chết nơi đất khách!

Hai.

Tôi thường nghe người cố cựu sống dọc sông Sở Hạ, thân quen mùa nước nổi nói rằng:
“Thuộc tính sinh thái cá di cư được xác định bởi hệ di cư”.
Con cá linh mùa khô ẩn náu nơi vực sâu ở Biển Hồ và cũng là, chỗ đẻ trứng sau khi đã mang thai trong mùa nước nổi. Thường sau Tết Đoan ngọ mồng Năm tháng Năm, là lúc con nước nó “quay”. Tôi hỏi má:
– Con nước nó “quay” là quay sao, hả má?
Má không vội trả lời, hỏi chị Hai:
– Nồi cá linh hấp mía xong chưa, Hai?
– Dạ! Xong rồi má!
Chị Hai bươn bả chạy ra sau nhà phụ tía kê kích chuồng gà, vì hồi nãy nước nổi lấp xấp thêm đôi ba tấc nữa.
– Nước quay là nước chảy suốt một mạch, không chảy ngược lại; như người đi thẳng một đường, không tính chuyện hồi mã hay than thở lạc đường! Và lúc nầy, nước từ màu xanh trong chuyển sang màu đỏ đục phù sa. Áng chừng mồng mười tháng Sáu, nước Mê Kông đổ về, nó đổ đến đỗi:

“Nước chảy re re, trứng cá linh theo dòng, trứng nở

Anh có vợ rồi, mặc có vợ, em vẫn thương”.
(Câu hò mùa nước quay)

Nghe má giải thích, tôi phục sự hiểu biết của má, sát đất.

*
Tôi lớn dần theo từng mùa con nước nổi, từng mùa trứng cá linh rời nơi mẹ đẻ rong chơi cõi bồng bềnh sông nước Cửu Long. Trứng cá linh vừa trôi theo dòng, vừa mở mắt thoát trứng thành con và rồi, con mặc sức vẫy vùng trong cái vùng vẫy đầy bất trắc.
Cá linh, kẻ lãng tử chính hiệu trong chốn giang hồ!
Một đêm nào đó, dân sống nghề hạ bạc có thể quên thời gian nhưng chắc hẳn rằng, không thể quên mùa cá linh chở câu hò con nước nhảy bờ tháng Bảy mưa Ngâu:

”Tháng Bảy nước nhảy tràn bờ

Mùng ai có rộng (xin) ngủ nhờ một đêm!”
(Câu hò huê tình)

Cá linh kết bầy, tụ giề và có hàng luồng, hàng luồng choáng ngợp mặt nước sông. Người hoảng sợ, mở miệng đáy cho luồng cá nhởn nhơ, rong ruổi khắp miền châu thổ miền Tây, ngâm mình trong nước nổi.

Sông Sở Hạ lúc bấy giờ đón cá linh “tay bắt mặt mừng” trong niềm hoan hỉ mong người anh em trở lại.
Tháng mưa, gió kéo mây mù trời.
Con cá linh trưởng thành, tìm bạn tình nơi hội tình trăng thu tháng Tám. Dưới ánh trăng vàng loang loáng nước, con cá linh cái quẫy đuôi, cắm đầu chỏng ngược mình, giơ hậu môn ửng hồng chờ đợi…
Và, chỉ mong có vậy, con cá linh đực thực hiện bản năng trời cho.
Rồi, con đực dìu con cái đương thời kỳ thai nghén rời sông Sở Hạ, khi con nước nổi xẹp dần bởi từng cơn gió mùa Đông Bắc. Vợ chồng cá linh cố gắng bơi ngược dòng về cố hương, nơi vợ nó sẽ đẻ trứng cho mùa sau.
Có người hỏi cá linh:
“Vợ chồng bây, ngược dòng nước bơi chi cho cực. Cứ ở lại sông Sở Hạ đẻ chửa, coi có sướng không?”.
Cá linh vợ nghe qua lòng những muốn xiêu lòng, nhưng cá linh chồng nói nhỏ với vợ:
– Chẳng nơi đâu bằng xứ sở quê nhà. Có đói lạnh mới biết no ấm. Đời cá linh tồn tại từ nước nổi, ở nán lại sông Sở Hạ thì có khác gì vợ chồng mình tự nguyện làm con mắm cá linh cho người xé ăn sống với cơm nguội, hoặc giả kho mắm kho ăn với cọng bông súng, hay bông điên điển cuối mùa!
– Vậy thì, Con vật nào càng có trí khôn thì con vật đó càng tàn nhẫn, và độc ác phải không mình?
Cá linh vợ thủ thỉ với chồng.
– Con người!
Cá linh chồng đáp trôn lỏn.
Tự dưng mình mẩy cá linh cái run sợ, da nổi gai mọc ốc.

Nắng áp gió, khô đồng!
Vợ chồng cá linh bơi theo bầy vượt qua vùng nước xoáy. Cá linh vợ đột nhiên hỏi chồng:
– Một mai nước không còn nổi, mình sẽ sống sao mình?
Nước đổ hơn thác, nước cuồn cuộn cuốn mọi thứ trôi ra biển, kể cả rác rến dơ bẩn. Cá linh chồng lặng thinh, nó hiểu rằng, trần gian có chi là vĩnh cửu! Nó rong chơi chớ nào phải di cư, hết mùa nước nổi nó quay về nơi trứng khởi sự trôi đi. Suy cho cùng, mấy ai được như nó?
Đường rong chơi của nó từ miệt sông nước Cửu Long đến miền thác Khôn(2). Và, cái rong chơi của nó đã tạo nên sự “hiển linh” ở tâm thức cộng đồng người Việt Đồng bằng sông Cửu Long, dẫu rằng: “Con cá không thờ sao gọi cá linh?”.
Tương truyền: “… Lúc Nguyễn Ánh từ Vàm Nao chuẩn bị ra biển, phát hiện có vài con cá nhỏ nhảy vào mạn thuyền, ông linh cảm như có việc chẳng lành nên liền ra lệnh cho đoàn tùy tùng hoãn chuyến đi. Nhờ vậy, cả đoàn đã thoát nạn do quân Tây Sơn mai phục. Để tỏ lòng tri ân một loài cá đã cứu giúp mình, Nguyễn Ánh liền đặt tên cho chúng là “cá linh”(3) .
Thiệt ra, cá linh có “linh” hay không “linh”, trải qua mấy trăm năm cũng chưa ai rõ, chỉ rõ là cá linh theo con nước quay nhỏ bằng tăm nhang, đến lúc nước giựt cạn đồng nó đã lớn bằng ngón chưn cái. Nó kéo nhau lủ khủ và ào ạt rời sông Sở Hạ ra Hồng Ngự, sông Tiền để trở về nhà sau cuộc rong chơi thỏa thích. Người đợi nó bằng tiếng lóng “cá ra”, rồi hè nhau bắt, hè nhau tàn sát… với câu thiệu “cá lên rào, cá đông ken” trong điệu nói thơ tình tứ:

 

‘Nước ròng tôm đất lội xuôi

Chỉ tơ thòng xuống cột tui với mình”
(Ca dao).

Người âu yếm nhau trên cái chết trắng của cá linh…

Cá linh vợ hỏi cá linh chồng:
“Vậy, mình linh chỗ nào?”.

Ba.

Dân sống vùng đất nước nổi miền Tây Nam Bộ từ đời ông, đời cha tới đời họ, chưa bao giờ và không bao giờ nghĩ đến chuyện “né nước nổi” hay nói theo chữ nghĩa sang là “né lũ”. Họ đợi nước con nước quay đổ về để đất có cơ may nổi nước. Có nước nổi mới có cá linh và có cá linh, họ mới có thể giải quyết một phần nợ nần, khó khăn trong cuộc sống thường trực nghèo khó. Có lẽ, cá linh nó “linh” là “linh” cái chỗ nầy(?) Chắc gì cứu Nguyễn Ánh để mà “linh”(?!)
Mấy năm trở lại đây, năm nào tôi cũng quay về con sông Sở Hạ, lòng ngong ngóng gặp con cá linh rong chơi chốn cũ, nhưng thôi đành hoài công bởi, kẻ lãng tử miền sông nước Cửu Long đã thưa dần và biết đâu đến một lúc nào đó; chắc là không xa lắm, con cá linh thiên nhiên sẽ mất thiên nhiên, để rồi tuyệt chủng và lặng lẽ đi vào chuyện cổ tích?
Đau đớn, buồn thay!
    Trần Bảo Định

hình minh họa nguồn Net
………………………… ………………
(1) Sông Sở Thượng: Là con sông quan trọng nhất phía Tây Bắc tỉnh Đồng Tháp, bắt nguồn từ Ba Phnom (Kampuchia) chảy theo hướng sông Tiền và đổ ra rạch Hồng Ngự. Chiều dài khoảng 65km, rộng trung bình khoảng 80m với lưu vực khoảng 860km2 . Ở thượng lưu rất nông, càng gần đến sông Tiền càng sâu, nơi sâu nhất có thể hơn 9m. Mặc dù chỉ chảy qua tỉnh 15km nhưng lại là một trong những nơi nuôi cá bè tập trung của tỉnh. (Địa chí tỉnh Đồng Tháp).
(2) Bao gồm cả sông Tông Lê Sáp (chạy theo hàng dọc); giữa nơi cư trú vùng ngập và các nhánh sông (chạy theo hàng ngang); giữa dòng chính sông Mê Kông và tiểu lưu vực sông Sê San (bao gồm cả sông Sê Công và sông Srê Pốc). Theo “Di cư của cá sông Mê Kông” Anders F. Poulsen, Ouch Poeu, Sitavong Viravong, Ubolratana Suntonratana và Nguyễn Thanh Tùng.
(3) Theo ”Tự vị tiếng nói miền Nam”, trang 103, Vương Hồng Sển.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác