TRĂNG RẠCH MIỄU
Một.
Màu nắng nhờn nhạt trong cơn hấp hối chiều!
Cô Năm Hạnh (1) dò gậy tre, lần từng bước chưn theo bờ rào vườn nhà.
– Ngoại ơi! Ngoài ngõ có người khóc!
Đứa cháu ngoại (2) mất mẹ khi vừa lọt lòng. Có lẽ, ông Trời thương nó côi cút, nên mặc dầu nó chưa đủ bốn tuổi đã đi đứng cứng cáp, ăn nói rành rẽ. Nó lặp lại, gọi giựt ngược:
– Ngoại ơi! Ngoài ngõ…
– Thì, con bước ra ngõ coi là ai?
Biểu cháu là biểu vậy, chớ cô Năm thừa biết tiếng khóc đó là ai và vì sao mà khóc. Họ thuộc lớp người đói khát trong cái làng nghèo Mỹ Chánh Hòa. Đói, thì quanh năm họ quần quật hết mần lúa tới mần muối để kiếm miếng ăn. Khát, thì quanh năm họ biết tìm đâu ra nước sạch để uống! Có người sực nhớ vua Duy Tân, dạy: “Nước bẩn thì lấy máu mà rửa”. Cô Năm lần khân bên giồng trồng cây thuốc Nam, bồi hồi nhớ tới cụ thân sinh, nhớ tới bao bậc tiền nhân – những người con xứ Ba Tri – như: Hương giáo Phan Công Tòng, Tán Kế Lê Quang Quan và nhiều anh hùng hào kiệt khác, đã từng không ngần ngại lấy máu của mình những mong rửa nước bẩn!
– Lạy cô! Xin cô cứu con của con!
Người đàn bà nói trong nước mắt.
Nghe tiếng nói của người đàn bà, qua thính giác, cô Năm nhận biết ngay là thím Bảy ở xóm trong. Cô Năm, rầy:
– Chỗ chòm xóm, thím đừng nói vậy, không nên!
Bắt mạch đứa trẻ, cô Năm phát hiện nó nóng sốt cao, mình mẩy mọc trái rạ sờ nhám tay. Cô nói với thím Bảy:
– Bịnh của cháu không có gì, thím đừng hốt hoảng. Chỉ cần thanh nhiệt giải độc sẽ khỏi.
Rồi, cô Năm căn dặn:
– Thím lấy đậu xanh nguyên vỏ, rau om tươi, trái dành dành, rễ cỏ tranh, nếu có thêm ít kim ngân hoa thì càng tốt. Tất cả sắc làm hai lần, lần nhứt, ba chén lấy tám phân; lần hai, đổ thêm độ nửa lít nước để sắc lại còn lưng phân nửa chén, hòa chung nước sắc lần nhứt; rồi cho cháu uống cho tới khi khỏi bịnh thì thôi!
Trước lúc thím Bảy ẵm con về nhà, cô Năm còn nhắc tới nhắc lui định lượng nguyên liệu làm thuốc.
Từ ngày cô Năm dắt cháu ngoại rời chốn phồn hoa Sài Gòn về sống cùng em (3) ở quê nhà, bà con trong làng ai nấy đều vui và yên tâm. Bởi, có cô Năm thì con cháu của họ có thầy dạy chữ; khi bịnh đau, có thầy chuẩn đoán và điều trị. Người làng thấy cô như thể thấy bóng dáng cụ Đồ Chiểu ngày xưa.
Đêm mưa vạ gió vay, cô Năm nằm nghe tiếng mưa rơi trên những dây ruộng và những giồng đất ven biển thuộc cù lao Bảo. Đôi dòng sông Ba Lai, Hàm Luông lắng đọng từng hạt phù sa bồi tụ đất Ba Tri; ngỡ rằng đất đó là vùng đất tự do, nên ba má cô bỏ đất do Pháp tạm chiếm để tới nơi nầy “tị địa”; nào ngờ sau đó, toàn cõi Nam Kỳ thuộc Pháp! Đôi mắt cô giờ đã mù hẳn, “cửa sổ tâm hồn” vĩnh viễn đóng lại, nhưng tâm kịp thắp sáng hồn cô soi tỏ chuyện người, chuyện mình trong hoàn cảnh máu dân Nam Kỳ chưa rửa sạch được nước dơ!
– Chị Năm! Em đỡ chị ngồi dậy, ăn chút cháo.
Cậu Út Chiêm thương chị như thương má, chị giống má hệt khuôn. Cậu đút cháo từ từ cho chị húp.
– Cháo cá bống kèo, thường khi ngày trước ba thích!
Nhắc chuyện cũ, cậu Út muốn chị cùng nhớ về kỷ niệm thời tuổi thơ. Cái thời mà ba dù mù lòa, vẫn gắng sức dạy chị Tư Xuyến (4) và chị giỏi chữ Nôm, tinh thông chữ Hán. Bà con ai nấy đều trầm trồ khen ngợi tài sắc và gọi hai chị là nhị kiều trong làng.
– Ông ơi! Để cháu đút cháo cho ngoại, giúp ông!
Kim Ba định chia sẻ công việc cùng ông Út.
– Được rồi, cháu!
Sợ cháu buồn, ông Út nói:
– Ra nhà sau, cháu lấy cái lược để ông Út chải tóc cho bà ngoại của cháu.
Búi tóc gọn lại cho chị, cậu Út nắm bàn tay chị như truyền lực sống.
Trời chớm sang tháng Chạp. Ngày mới, nắng sớm vẫn chưa thể xua tan sương mù giăng chưn ruộng. Cô Năm yếu dần… Và đêm cuối cùng, cô nằm mơ… Mơ giấc mơ nhớ trăng Rạch Miễu!
Hai.
– Hồi ba còn sống, thằng Ba Tường dù muốn lấy cô cách mấy, cũng chẳng dám hó hé giở trò quỷ quái. Giờ ba mất rồi, nó cậy thế tri phủ nên có thể dám làm chuyện tồi bại, kể cả việc ám hại gia đình mình.
– Vậy, gia đình mình tính sao, anh Hai (5)?
Cô Năm Hạnh không sợ tên tri phủ háo sắc, chỉ sợ gia đình anh Hai bị liên lụy.
Nghe cô Năm hỏi, anh Hai nói:
– Hôm mãn tang ba, anh chị có khấn vái và xin ba cho phép anh chị rời Ba Tri về quê chị ở giồng Cái Nứa, Mỹ Tho để lập điền sinh sống. Mùa mưa giông, gió biển Ba Tri thổi tốc mái lá nhà đã qua ba mùa chưa lợp lại. Cô Năm tư lự, buồn…
Anh Hai nói tiếp:
– Phút lâm chung, ba nhắc: “Quyền huynh thế phụ”, dặn dò anh thay ba chăm sóc các em. Nay, anh chị đi nơi nào thì cô Năm đi theo nơi đó! Ba cù lao:An Hóa, Minh và Bảo,hiệp thành đất Bến Tre. Người Bến Tre khi rời xa xứ thì phải qua một trong ba bến đò: Rạch Miễu (nối Tân Thạch sang Mỹ Tho), Đình Khao (nối Chợ Lách sang Vĩnh Long), Cổ Chiên (nối Mỏ Cày sang Trà Vinh). Cô Năm ra mộ thắp nhang lạy ba má, rồi cất bước theo anh chị Hai xuống đò Rạch Miễu sang sông.
Mấy mùa bắp rẫy, lúa khoai thất bát nơi ruộng đồng quê vợ; anh chị Hai bồng ẵm con và đưa cô Năm quay lại Rạch Miễu, ở đậu vườn nhà ông nghè Trương Văn Mân.
Sông Tiền khi chạm vào bờ Nam Vĩnh Long, bờ Bắc Cái Bè đã rẽ nan quạt thành ba nhánh sông: Mỹ Tho, Hàm Luông và Cổ Chiên. Sông Mỹ Tho chảy về biển phân ranh giới phía tả Mỹ Tho, phía hữu Bến Tre. Rạch Miễu thuộc chi lưu sông Mỹ Tho, mang nước len lỏi vô mương vườn Tân Thạch tạo nguồn sống cho Cồn Quy, một trong bốn cồn thuộc tứ linh : Long (Cồn Rồng), Lân (cồn Thới Sơn), Quy (Cồn Cát), Phụng (cồn Tân Vinh). Cô Năm nhìn thế đất, đoán cơ trời và hiểu vận nước đang âm thầm xoay chiều, đổi hướng trong lòng người dân thuộc địa. Cô Năm tin ngày mai, sẽ có “trang tuấn kiệt xuất hiện cứu lê dân” mà sinh thời ba của cô hằng khát khao, mơ ước. Hàng ngày, cô Năm phụ ông nghè dạy chữ Hán; thỉnh thoảng cô thay mặt ông nghè tiếp khách mỗi khi ông bận việc hoặc vắng nhà. Trong số khách thường lui tới có ông Huỳnh Đình Điển, tên gọi thân mật là cậu Hai. Rồi, dần dà hai người trở thành đôi bạn tâm giao.
– Nầy cháu! Qua thấy cháu “đứng thì con gái”. Thôi, coi chỗ nào được thì chớ kén chọn, mạnh dạn kết bạn trăm năm, đi cháu!
– Có ai đâu mà kén với chọn, ông ơi!
Cô Năm nói ỡm ờ, rồi cười. Ông nghè tình thiệt, nói:
– Qua thấy thầy phó Tính (6) ở chợ Rạch Miễu để ý thương cháu, đó!
Cô Năm đỏ mặt.
– Mèng đéc ơi! Người ta đã có con…
Cậu Hai Điển tới bất thình lình, từ ngoài sân bước vô nhà, tùng dịp gặp dịp nói đốc vô:
– “Người ta đã có con riêng” nhưng, người ta gà trống nuôi con!
Cậu Hai Điển nói bồi thêm:
– Dù thuộc từng lớp có của ăn của để, nhưng thầy phó lúc nào cũng sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với kẻ nghèo người khó.
– Phải đó cháu! Phó Tính là người biết trọng lễ nghĩa, là chỗ tâm giao với cậu Hai nhiều năm nay…
Mấy mùa trăng qua lại nhau, các con thầy phó Tính mến tay mến chưn cô Năm, và cô Năm cũng phải lòng thầy phó tự lúc nào không biết. Đêm đình Tân Thạch cúng Kỳ Yên, trăng trung tuần tháng Bảy sáng vằng vặc khắp Cồn Quy, cô Năm mường tượng cảnh hàng hàng lớp lớp rùa bò từ Rạch Miễu lên Cồn Quy, nghễnh cổ đớp trăng. Trong cảnh thực ảo đó, cô chẳng rõ do tâm trạng của mình hay của đất trời.
“Hổ cứ sơn lâm phù xã tắc
Long du nguyệt điện tráng sơn hà”
Thầy phó đọc hai câu đối bằng chữ Hán trước sân đình. Ánh trăng nhuộm vàng bức bình phong đá chạm nổi hình rồng và hổ. Cô Năm thốt lên: “Long bàn hổ cứ”, người xưa đã xác định vùng nầy là vậy. Và, trong cô dậy lên “nghĩa tào khang” giữa cô với thầy phó sẽ mãi chắc chắn vững bền.
– Thôi, về đi mình! Khuya rồi…
Tiếng trống chầu nhịp thúc đoạn “Phàn Lê Huê dâng Ngũ Linh kỳ” dội ra từ võ ca, nơi đoàn hát bội đang diễn tuồng.
*
“Biển ái sóng ân còn lắm lúc
Mây ngàn hạc nội biết là nơi
Một dây oan trái rồi vay trả
Mấy cuộc tang thương dễ đổi dời”
Tiếng ru con giữa trưa hè của cô Năm từ lời thơ ứng tác, làm xao động rừng Rạch Miễu. Hương lửa chưa cạn nồi cơm chín, thầy phó Tính bỏ vợ, bỏ con về đồng nội ngàn thu yên giấc lúc bé Vinh mới tròn hai tuổi. Cô Năm đã khóc mẹ, khóc cha và giờ đây, cô lại khóc chồng khi vừa bước vào ngưỡng ba mươi tuổi. Đêm đình Tân Thạch cúng Kỳ Yên, trăng Rạch Miễu sáng vằng vặc mới năm nào; nay:
“Thiếp cam bao tóc thờ chàng
Rót chung ly biệt đôi hàng lệ sa”
Thấy trăng như thấy chồng, cô Năm thủ tiết nuôi con, mở trường dạy học tại quê chồng. Và, để tỏ rõ cảnh góa chồng, cô thêm chữ “Sương” trước bút danh Nguyệt Anh. Từ đó, người đời gọi cô là Sương Nguyệt Anh.
Mười năm trôi qua “sớm đò, chiều chợ”. Từng lứa học trò sang sông tới lớp học trên vùng đất Cồn Quy. Cô Năm chẳng khác nào cái bóng tà huy, le lói chút nắng làm lao xao bến sông Rạch Miễu.
– Năm ơi! Cô có ở nhà hôn?
– Dạ! Mời cậu Hai vô nhà chơi!
Bến nước dợn dợn sóng. Buổi trưa vườn cây xạc xào lá rụng, cậu Hai nhón gót đạp lên xác lá vàng khô.
– Đừng nước nôi chi cô Năm! Như hôm trước, tui đã nói với cô rồi đó, “Duy Tân hội” đã ra đời (7) và Kỳ Ngoại hầu Cường Để làm Hội chủ.
Cô Năm bụng dạ mừng rơn và cô thoáng nghĩ, vượng khí đất nước bắt đầu khởi phát. Vùng đất tứ linh, rồi sẽ có cơ may nối cánh tay “Duy Tân hội” tới Mỹ Tho.
– Dạ! Thưa cậu Hai, cháu mời cậu Hai uống nước.
– Cháu nó lên mười rồi đó, cậu!
Cô Năm khoe với cậu Hai.
Cậu Hai tươi cười, khen:
– Cháu Vinh có dáng thanh tao của má, có khuôn mặt thanh tú của ba. Ba má đều dành cái đẹp cho con. Cậu mừng cho cháu!
– Vinh! Con ra chợ nói dì Bảy bán cho má con cá lóc bông. Chiều, má nấu nồi canh chua, mời cậu Hai ở nán lại ăn cơm với má con mình! Biết cô Năm không muốn con nghe chuyện hệ trọng nên giả đò sai con đi chợ.
Nắng đổ, hàng dừa nghiêng mé rạch bóng trải mặt sông!
Đợi con xách giỏ đi chợ, cô Năm đọc hai câu thơ trong bài thơ cô làm khi vua Thành Thái vào Nam.
“Nước mắt có cùng trời đất biết
Biển dâu một cuộc thấy mà thương”
Qua hai câu thơ, cậu Hai hiểu sâu thêm sự kín đáo thương dân, thương nước của người bạn chung chí hướng.
Cô Năm nói chậm rãi, rành rọt:
– Cậu Hai yên tâm, về tiền bạc đóng góp cho phong trào Đông Du đưa học sinh xuất dương sang Nhật Bổn du học, Năm Hạnh nầy nhiệt tình hưởng ứng.
Hồi lâu, cô Năm nói trong tiếc rẻ:
– Phải chi con Vinh nó kịp lớn, tui cho nó theo phong trào Đông Du… để bằng chị, bằng anh!
Ngoài bến, hình như con nước đã giựt ròng.
Ba.
Vàm Kỳ Hôn lát nắng lên dòng kinh Chợ Gạo. Buổi chiều đẹp!
Thầy đồ Tòng Am (8) đưa người “hàng sáo” (9) tới nhà Hương trưởng Hoài (10)ở làng Tân Thuận Bình, Chợ Gạo.
– Nầy anh lái lúa! Anh tính coi lúa trong lẫm hay ở lại coi lúa đương gặt ngoài đồng, trâu cộ về?
Sau tuần trà, Hương trưởng Hoài gạn hỏi anh lái lúa.
Người lái lúa giả đò gãi đầu, suy tính:
– Lúa khô đã vô lẫm, sợ giê tạp chất chưa sạch. Chắc là, tui xin phép Hương trưởng cho ở lại đôi ba bữa…
Hương trưởng Hoài đã có chủ ý, nên nói ngay không đợi anh lái lúa dứt lời.
– Mấy đứa đi bạn (11) đâu rồi? Sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho anh lái lúa, nha!
Tòng Am định thối lui, Hương trưởng Hoài cố giữ lại đôi ngày để nhờ thầy đồ, coi tướng số thằng Năm (12) nữa lớn có học hành được không, hay nối nghiệp cha mần ruộng? Hiểu ý Hương trưởng, thầy đồ và anh lái lúa vui vẻ. Bởi, từ lâu những người yêu nước quanh vùng hoặc phương xa tới, đều cậy nhờ Hương trưởng Hoài (13).
Mùi rạ mới phảng phất “hương đồng cỏ nội” lùa vào gian phòng.
– Bẩm Hội chủ! Kẻ quê mùa, xin bái kiến Hội chủ!
Hương trưởng Hoài chắp tay xá Kỳ Ngoại hầu Cường Để.
– Hương trưởng! “Nước loạn mới biết tôi trung”, Hương trưởng không cần giữ lễ như vậy!
Trầm ngâm một lúc, người lái lúa nói vừa đủ nghe:
– Việc cần kíp bây giờ, giấu tông tích của ta đối với giặc Pháp và đảm bảo an toàn cho những người liên lạc với ta! Đêm cuối tháng, trời Chợ Gạo tối um như lọ nghẹ!
Người lái lúa nằm lăn qua lộn lại, không sao chợp mắt. Ông ngồi dậy, bước ra sân, nhìn bầu trời đầy sao, thầm nghĩ: “Bao việc của Hội, của phong trào vẫn còn bộn bề phía trước…”. Rồi, ông tặc lưỡi, không phải vì tiếc rẻ và, chợt mỉm cười, vì ông đã chấp nhận dấn thân dù phải lưu lạc vào sương gió, những mong giúp nước, cứu dân!
– Nguy rồi! N…g…u…y… r…ồ…i…, Hội trưởng! H…ộ…i… t…r…ư…ở…n…g…
Hương trưởng Hoài hấp tấp nói đứt quãng.
Người lái lúa bình tĩnh, biết chuyện gì đang xảy ra.
– Hương trưởng! Ta đã tính trước tình thế nầy với Tòng Am.
*
Cậu Hai Điển ngắm nghía cách vận y phục, dáng đi; lắng nghe giọng nói của ông Mã… gần hệt người Hoa. Ông Mã đi đi, lại lại trước gương soi trong căn phòng sang trọng ở Nam Kỳ lữ điếm. Và, đợi lúc trăng lên, cô Sáu, gái bán vàm (14) ở bến tàu Lục tỉnh sẽ đưa ông Mã qua sông.
Trăng Rạch Miễu.
Sông Mỹ Tho về đêm, hình như mặt nước rộng mênh mông thêm! Dưới ánh trăng rằm, Cồn Phụng ngoi lên từ mặt nước, nhô hai doi đất dang xa, chẳng khác đôi cánh chim Phụng cố níu trời xanh, cất cánh! Cô Năm âm thầm ngồi ở bến sông, đợi một người… theo yêu cầu của cậu Hai Điển. Sương thấm lạnh bờ vai cô Năm, người cô đợi vẫn chưa thấy, chỉ thấy khói sóng mù tăm giữa sóng trăng đớp mạn xuồng chồng chềnh những chiếc xuồng câu…
– Cô Năm!
Tiếng gọi khào khào như tiếng kêu của vịt đực. Cô Năm giựt mình.
– Người cô đợi, đã tới rồi đó!
Thì ra, con Sáu bán vàm, người của cậu Hai.
– Sáu! Em chèo xuồng chỗ nào, mà chị ngồi đây ngó hoài không thấy?
– Đánh lạc hướng bọn điềm chỉ, em phải chèo vòng qua đầu Cồn Phụng…
Sực nhớ điều gì, Sáu nói vội:
– Không có thời giờ để chị em mình nói chuyện. Thôi, em đi!
Lúc nầy, cô Năm mới ngó người cô chờ đợi… Dưới ánh trăng, khuôn mặt khôi ngô của người đó rất cân xứng với thân hình nam nhi cường tráng. Tà áo may kiểu Quảng Đông của người Quảng, không che giấu được dáng vẻ uy nghi của dòng dõi tôn thất.
– Thưa ông! Mời ông đi gấp theo tui!
Ánh trăng xô bóng hai người rượt đuổi nhau lúc ẩn, lúc hiện trên những lối mòn của những bờ mương. Cô Năm chợt chạnh lòng nhớ tới ba con Vinh. Mới đó, mà…
Mé bến đò Rạch Miễu, tiếng mũi ghe va chạm pha lẫn tiếng nói om sòm của tụi Pháp, xé bầu không khí êm đềm và tĩnh lặng đêm trăng. Thôi, chết rồi! Sáu bị giặc bám đuôi mà không biết.
Cô Năm tự nói với mình và cô hối thúc ông Mã chạy theo cô băng tắt vườn dừa cho kịp tới nhà.
– Ông vô buồng ngủ của tui, mau lên!
Cô Năm nói như ra lịnh. Ông Mã ngần ngừ, e ngại.
Căn nhà lờ mờ ánh trăng qua kẽ vách. Cô Năm gắt giọng:
– Tới nước nầy mà ông còn ôm khư khư cái “Nam nữ thọ thọ bất tương thân” hay sao?
Chỏi cánh tay, cô Năm đẩy ông Mã vô buồng.
– Mời ông đứng tạm trong tủ áo quần của tui!
Cô Năm dặn nhỏ:
– Ông nhớ, không được run thở mạnh, rục rịch gây tiếng động.
Rồi, cô trấn an ông Mã bằng lời chắc nịch:
– Mọi chuyện đã có tui lo liệu!
Cô Năm nói tiếng Pháp với thằng Tây trưởng toán. Nó trố mắt, ngạc nhiên nhìn cô Năm. Có lẽ, nó bất ngờ ở chợ Rạch Miễu, lại có người đàn bà nói lưu loát tiếng mẹ đẻ của nó. Cô Năm thản nhiên mời nó vô buồng của cô để lục soát. Thằng Tây chần chờ…
– Cảm ơn bà!
Thằng Tây khoát tay ra hiệu đám lính rút lui!
Trăng Rạch Miễu chưa tàn.
Ông Mã cảm kích sự can đởm của người con gái cụ Đồ Chiểu và tấm lòng hồn hậu của người phụ nữ Nam Kỳ. Cô Năm nói tự nhiên:
– Bẩm, ngài Kỳ Ngoại hầu! Người Rạch Miễu truyền miệng: “Nước đục lóng phèn mà trong”. Người Nam Kỳ làm theo lời vua Duy Tân, “Nước bẩn lấy máu mà rửa”!.
Bốn.
Từ hốc mắt của đôi mắt mù lòa, hai dòng nước ứa ra không đủ sức chảy!
Cô Năm mường tượng trăng Rạch Miễu đang choàng ôm cô bằng hằng hà sa số ánh sáng diệu kỳ. Và, trong hằng hà sa số thứ ánh sáng diệu kỳ đó, cô nghe lời ru thổn thức của mình:
“Năm canh thức nhấp… năm canh những
Nửa gối so le, nửa gối chờ
Vườn én rủ ren trên lối cũ
Canh gà xao xác giục tình xưa”
*
– Ông Út ơi! Ngoại con chết rồi… Ông ơi!
Đứa cháu ngoại kêu tiếng kêu thảng thốt, xé lòng! Trời đùn mây xám che khuất buổi ban mai…
Trần Bảo Định
Hình minh họa, nguồn net
…………………………….
1. Theo Nguyễn chi thế phổ, bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê (tên thường gọi là Năm Hạnh), sinh ngày 1.2.1864 và mất ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (tức 9.1.1922). Nhưng theo cháu ngoại là Mai Huỳnh Hoa thì bà mất tại Ba Tri ngày 2 tháng Chạp năm Canh Thân (tức ngày 20.1.1921). Theo Từ điển Văn học, tập 2, Nxb KHXH, trang 320.
2. Mai Huỳnh Hoa nhũ danh Kim Ba, là con gái của bà Nguyễn Thị Vinh (con gái của bà Sương Nguyệt Anh). Mai Huỳnh Hoa sau nầy kết duyên cùng nhà báo Phan Văn Hùm (vợ thứ).
3. Nguyễn Đình Chiêm (em út). Ở Nam bộ, con đầu lòng gọi thứ hai (không có cả). Do đó, dù bà Sương Nguyệt Anh là con gái thứ tư trong gia đình, nhưng được gọi là thứ năm.
4. Nguyễn Thị Xuyến là chị của Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Đình Chiêm.
5. Nguyễn Đình Chúc, anh của Sương Nguyệt Anh.
6. Nguyễn Công Tính (có sách ghi tên Trình). Trong Điếu cổ hạ kim thi tập, xb 1915, ông Nguyễn Liên Phong (người sống cùng thời với bà Sương Nguyệt Anh) đã viết: “Con gái ông Đồ Chiểu hình trạng nho nhã, ốm yếu; tính nết điềm tịnh, hiền lành. Cô lấy chồng tên là thầy phó Tính, về ở theo quê chồng tại chợ Rạch Miễu”.
7. Ở Nam Kỳ về, ngày 8 tháng 4 năm Giáp Thìn (1904), Phan Bội Châu cùng Kỳ Ngoại hầu Cường Để (cháu 5 đời của Hoàng tử Cảnh), Đặng Thái Thân và hơn 20 đồng chí khác, họp tại nhà riêng của Nguyễn Hàm (còn có tên Nguyễn Thành, Nguyễn Tiểu La) ở Nam Thịnh sơn trang (Thăng Bình, Quảng Nam) lập ra tổ chức bí mật, lấy tên “Duy Tân hội”.
8. Cụ đồ Tòng Am tên thật là Phan Văn Viễn, có họ với cụ Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), bị thực dân Pháp đày đi Châu Đốc, Trà Vinh; sau về an trí ở Mỹ Tho, được Hòa thượng Chánh Hậu (trụ trì chùa Vĩnh Tràng, Cầu Vĩ, Mỹ Tho) mời dạy chữ Hán và nuôi ăn ở hàng chục năm tại chùa. 9. Kỳ Ngoại hầu Cường Để giả dạng “hàng sáo” đi mua lúa gạo, dân gian gọi là “lái lúa”.
10. Hương trưởng Hoài tên Trần Văn Hoài, còn có tên Trần Vĩnh Hoài (1872-1947), sinh tại làng Bình Ninh, tổng Hòa Hảo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), là nhân sĩ yêu nước ở vùng Chợ Gạo.
11. Đi bạn có nghĩa là đi ở mướn.
12. Người con thứ năm của Hương trưởng Hoài là Trần Văn Hiền (1903-1945), học Collège de Mỹ Tho, du học Pháp, tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ ở Chợ Gạo (1940), là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng Lâm thời tỉnh Mỹ Tho (1945). Khi Pháp tái chiếm Mỹ Tho, ông hy sinh ngày 24.10.1945.
13. Theo Hồi ký của GS. Trần Văn Giàu, thì “Nhà ông Trần Văn Hoài là nơi ở của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sau khi thôi hốt thuốc ở Sài Gòn, và từ đây cụ Nguyễn Sinh Sắc đi về Cao Lãnh”.
14. Bán thức ăn uống bằng xuồng cho khách trên ghe tàu neo đậu ở vàm sông.