TA BUỒN NHƯ ĐÁ _LẠNH NGÀN NĂM

Ngày đăng: 8/07/2019 08:50:39 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Ta có vầng trăng muôn ước hẹn/ Xao xuyến vì ai những đêm rằm /Những bước chân xa không dừng lại/Ta buồn như đá – lạnh ngàn năm…(Bài thơ tặng ngày sinh nhật)

Câu thơ tôi đặt làm tựa đề cho bài viết này cũng là câu buồn nhất trong 86 bài thơ ở tập “Mênh mông chiều” của Lê Thị Ái Niệm mà tôi mở gấp tập bản thảo nhiều lần vẫn không thể nào xua nỗi ám ảnh về nó được, cũng chính là bài thơ tác giả viết cho chính mình ngày sinh nhật. Lẽ thường, sinh nhật là ngày đông vui, có gia đình, bạn bè và những lời chúc tụng yêu thương. Lê Thị Ái Niệm có ai? “Riêng mình một cõi nắng mưa thôi” dù quanh nhà thơ không phải không có những vòng tay bạn bè ấm áp, những người bạn tri kỷ có thể chếnh choáng chén rượu suốt canh trường hay ấm lạnh buồn vui từ thời áo trắng Đồng Khánh thơ ngây…
Lê Thị Ái Niệm có gì?
Ba điệp khúc mở đầu ba khổ thơ dõng dạc “Ta có…”, “Ta có…”, “Ta có…” như liệt kê tác giả nhận được rất nhiều thứ… Đó là: (1) Ta có dại khờ không kể hết, (2) Ta có mùa thu đi không hết, (3) Ta có vầng trăng muôn ước hẹn. Mà nhà thơ cũng giàu có thiệt, giàu những dại khờ, ước hẹn, mộng tưởng đến thừa thãi, tràn trề không kể hết, không đi hết, không đếm hết…
Đá vốn là một vật thể cứng rắn vô tri. Nhưng thẳm sâu trong cội nguồn thần thoại của đá, “linh hồn con người và đá có một mối liên quan chặt chẽ (…) Đá không phải là những khối vô hồn; những tảng đá sống rơi từ trên trời xuống, sau khi rơi xuống chúng vẫn là những vật sống (…) Đá và người đại diện cho sự vận động theo hai chiều: đi lên và đi xuống” .. Những hòn đá thô là biểu tượng của tự do, trăm năm ngàn năm lặng lẽ giữa đất trời ấy, hấp thụ mọi tinh khí của vũ trụ, đã biến thành một vật thiêng. Ví nỗi buồn như “đá” khiến nỗi buồn của chủ thể “ta” lồng lộng lạ thường, nhưng cũng là nỗi câm lặng cô đơn tột cùng tuyệt nhiên không thể, không ai chia sẻ, giãi bày. Tác giả còn nhấn mạnh tiếp ở vế sau: “lạnh ngàn năm”. Cái số nhiều không xác định, không đo đếm được ấy thực sự đã gợi lên một cái gì vừa lớn lao sâu đậm, vừa vĩnh cửu, vĩnh hằng. Phải chăng đó cũng là nỗi buồn trót “mang nặng kiếp người” được thức nhận trong cái vô cùng của vũ trụ mênh mông?
Câu thơ buồn nhất tập thơ ấy đã mở ra trong tôi một thi giới “Mênh mông chiều” vừa phản kháng âm thầm mà quyết liệt, vừa xót xa cay đắng mà khắc khoải đến nao lòng của một cõi thơ nồng nàn yêu thương, khát khao dâng hiến đến tận cùng, cả “cỏ hoa và sỏi đá” tim mình. Để rồi, tự trói đời mình, đời thơ trong hành trình câm lặng nhưng đầy ắp bão giông giữa đôi bờ nghịch lý có có -không không.
Tôi chưa biết gì về những nắng mưa đời chị. Duyên gặp gỡ quá tình cờ, ngắn ngủi thoáng qua. Ấn tượng duy nhất của lần gặp đầu tiên đó là một người phụ nữ mạnh mẽ, sôi nổi, nồng nàn giàu tình thương khi chị cùng về xứ núi quê tôi ngay buổi đầu hạnh ngộ. Đọc thơ chị, cảm nhận ban đầu ấy càng lúc càng đậm nét. Với tính chất tự kể, tự thuật trải dài những niềm vui nỗi nhớ, những trăn trở khát khao, những dằn vặt xót xa…, “Mênh mông chiều” như một bản tự thuật, một bức chân dung tự hoạ nhiều nét chấm phá khó thể lẫn vào ai.
Thơ Lê Thị Ái Niệm nói gì?
Đó là tâm tình một người phụ nữ đôn hậu, giàu yêu thương, hết sức chân thành với mình, với người, nồng nàn đến mức đa đoan và đậm hơn cả vẫn là tiếng yêu muộn màng nhiều khát khao, trắc trở, ngậm ngùi…
Nếu không dan díu với tình
Em đâu trăn trở theo tinh cầu nầy
(Tạ tình 2)
Cô nữ sinh Đồng Khánh một thời áo trắng ấy đã từng có những ngày hoa mộng “tay che vành nón nghiêng/đời như trang giấy đẹp” mà “Ở đó thuở trái tim/Bắt đầu rung thương nhớ.” Nhưng, ngày đẹp đã thoáng qua mau trong bi kịch loạn ly chung của dân tộc:
Qua bao nhiêu năm trời
Quê hương tôi khói lửa
Người tình ơi đâu rồi
Tôi tìm không thấy nữa
(Huế)

Ngác ngơ bao nhiêu buổi đi-về, xa Huế, những kỷ niệm trước sau lũ lượt…, một mình chị ở lại cùng nỗi nuối tiếc vô bờ giữa xứ Huế yêu thương một đời chung thuỷ:
Sông không lớn mà tình bỗng rộng 
Thành không cao mà tưởng khuất nhau rồi 
Tay không nắm mà biết bao khắng khít
Em đi về buổi ấy Huế mưa rơi!
(Nói với hoàng thành)
Dòng đời cuốn người đi, và cuộc mưu sinh giữa cõi người ta “ngậm ngùi đen trắng” đã phá tan giấc mộng vàng tuổi mộng. Rồi giữa bao nhiêu sóng gió bể dâu, chị cũng đã gặp, đã yêu, đã đặt vào tình yêu bao ước mơ chân thành:
Sao biết được mưa nguồn không chớp bể 
Mà lòng ta khi chớp bể mưa nguồn 
Anh có phải là trang hào sĩ 
Che chắn giùm em trong cõi gió mưa tuôn?
(Mưa nguồn)
Thương làm sao. Người con gái nào không một lần “mộng bình thường” như thế. Cả chị. Cả tôi. Cả những ai một lần mơ ước chuyện đường dài… Đừng cho rằng đó là mặc cảm tự ti, nhỏ bé, phụ thuộc, yếu đuối. Các nhà nữ quyền luận lên án phụ nữ khổ vì bản thân mình đầy mặc cảm không dám tự vùng lên làm chủ đời mình, cần phải vượt thoát ám ảnh chỉ là “một cái xương sườn” của người đàn ông mà Chúa đã tạo ra… Nhưng không, nếu phải ước thêm lần nữa, tôi cũng ước như chị, một lần thôi, một trang hào sĩ của đời mình…
Chân thành, thao thiết, rộn rã đến với tình yêu. Nhớ thương thương nhớ, hạnh phúc đủ đầy. Rồi phong ba. Rồi ngăn trở. Rồi lỡ làng. Đời không là cõi mộng. Chỉ còn lại những não nề thất vọng đớn đau khi một mình mình đối mặt với hiện thực phũ phàng: “Có lẽ mộng tàn theo năm tháng/ngày qua cơm áo lại qua ngày”. Đâu đó, giữa những trang viết ngậm ngùi, buổi xuân thì phôi pha cũng là một ám ảnh lẩn khuất ẩn hiện.
Ai níu được thời gian trên mái tóc
Hương tình yêu như tiếng sóng nghẹn ngào
(Hạ vàng)
Thời gian cứ đến và đi. Ai biết ai hay, âm thầm lá cứ rụng… Xót xa lắm những dòng thơ trắng đêm tự cười tự khóc mộng trăm năm:
Có lẽ buồn nhiều vui không lại
Hàng cây rụng lá cứ âm thầm
Sáng ra nằm gắng mà không ngủ
Khóc cười hư thực chuyện trăm năm.
(Tự sự)
Yêu đương. Mộng ước. Lắng lo. Sám hối. Tin tưởng. Hy vọng. Tuyệt vọng. Ký ức tình yêu trong Mênh mông chiều cứ loay hoay bế tắc trong vòng xoáy tâm trạng không dứt, dứt không đành… ấy.
Ta dừng lại bên sông nhìn nước biếc 
Muốn quên nhau nghe chừng cũng không đành
(…)
Người có đi qua cũng đừng ngoái lại 
Những bước đời ta đã quá lao đao
(Một sáng xuân qua)
Có lúc, trong tột cùng nỗi chênh vênh, “lòng nghiêng mộng cũ”, đành mượn cả rượu mà thảng thốt khóc với tình:
Người của ta yêu đã đâu rồi
Nghìn trùng cách biệt tháng ngày trôi
Về đây ngó lại mùa dâu bể
Mây trắng ngàn năm vẫn trắng trời
(Bài thơ uống rượu)

Có lúc, ngậm ngùi một nỗi buồn trách sâu thẳm dịu dàng mà cam chịu thê thiết, cay đắng tột cùng không sao kể hết. Ai ‘hăm hở núi sông” để rồi bạc bẽo trôi hết…, trôi hết… bao nhiêu là ước hẹn đá vàng…
Người ạ! Hôm nay ngày sinh nhật
Trôi chút nhớ thương của cõi người
Hăm hở núi sông lời ước hẹn
Âm thầm nước chảy đá vàng phai.
(Bài thơ tặng ngày sinh nhật)
Nhưng, đáng quý là dẫu cuộc đời đen trắng đến đâu, trong tận cùng nỗi bất hạnh trớ trêu, thơ Lê Thị Ái Niệm vẫn giữ được nét đẹp tâm hồn cô gái Huế dịu dàng lắng sâu, chừng mực… Không cay cú, bỡn cợt, chua chát, buông thả với cuộc đời mà thức nhận được lẽ phải trái, biết dừng bước, biết chấp nhận quy luật vô thường. Trái tim chị vẫn nồng ấm tình người, tình đời và tình thơ. Thơ là cõi mộng mà cũng là người tri kỷ sẻ chia nỗi tiếc xuân trong cõi trần gian nghiệt ngã này, như một cứu rỗi duy nhất của chị.
Ta chỉ còn chút thơ thơ thôi đó
Bể trầm châu đã nát ngọc tan vàng
Ngày hệ luỵ gian nan đâu đã hết
Đêm chong đèn ngồi tiếc mộng xuân tan!
(Nói với thơ thơ)
Tuy không phải không có những ngổn ngang rối bời:
Em về giữa gió mông lung 
Câu thơ quặn thắt ra từng lời yêu.

Từ bài Tự hoạ đầu tiên đến bài cuối cùng của tập thơ, không gò bó lắm bởi thi luật, thể thơ, vần, nhịp, số câu số chữ khá linh hoạt tự do, song ấn tượng sâu lắng “Mênh mông chiều” để lại là giọng điệu ngậm ngùi giằng xé khắc khoải dường như cũng là giọng điệu chính của tiếng thơ Lê Thị Ái Niệm. Tâm thế buồn vẫn cố làm vui, trong khổ đau trào nghẹn vẫn cợt cười số phận ấy cứ cắt cứa, khắc chạm vào lòng người đọc. Sự trợ thủ đắc lực trong cách chọn lựa từ ngữ, hình ảnh ngỡ không trau chuốt, cứ tự nhiên tuôn trào theo mạch cảm xúc nhưng lại điêu luyện lạ lùng, đã đóng vai chính tạo nên ấn tượng giằng xé phân mảnh này. Trong mỗi bài thơ, mỗi dòng thơ đều rải rác có những hình ảnh, những cặp động từ, tính từ, danh từ hợp nghĩa đi liền nhau thành những cặp đôi đối lập, tạo ra nhiều nét nghĩa mới: cười-khóc, đất-trời, vơi-đầy, đen-trắng, ấm-lạnh, thăng-trầm, hay cuối bãi – đầu ghềnh, gió cuốn – mây bay, chớp bể-mưa nguồn, bể dâu-dâu bể…
Giọng điệu giằng xé ấy còn thể hiện qua lời nhân vật trữ tình. Thử nhìn qua tần số xuất hiện những từ: Em (38), Ta (25), Tôi (8), Mình-Chúng mình (2), Cô-chị (2). Đi theo dòng tự sự, trong cả tập thơ, tác giả vô tình hay hữu ý chỉ chọn ngôi thứ nhất để bộc bạch, nhắn gửi nỗi niềm. Đại từ nhân xưng ‘ta” vốn mang một chút ngang tàng tự tin kiêu bạc khí phách nam nhi và giọng điệu tự vỗ về khoả lấp khoan dung nhưng thiên tính nữ vẫn đậm nét qua số lần xuất hiện nhiều nhất của tiếng ‘em” dịu dàng đằm thắm. Ta, tôi, hay em… vừa là phương tiện thể hiện vừa là cách tự phân tích tâm trạng, phân tích những nếm trải của chính mình. Có chút gì vừa kìm nén, vừa phản kháng; vừa cam chịu, vừa vùng vẫy, vượt thoát định mệnh, tự khẳng định mình…
“Mênh mông chiều” còn mang đặc trưng không gian đôi bờ yêu thương xứ Huế-xứ Quảng, một nơi chôn nhau cắt rốn và một nơi cưu mang ân tình của nhà thơ qua hệ thống hình ảnh núi và sông được dùng thật linh hoạt như những ám dụ tâm trạng được vận dụng nhuần nhuyễn tự nhiên trong hầu hết các dòng thơ. Cảm xúc yêu đương cứ tuôn trào dào dạt như “sông” (58 lượt), “biển” (23), “đại dương” (3). Và, cứ mơ hồ như “sương-khói” (25), thênh thang như “gió-mây” (29-15), thơ mộng như “trăng-sao” (26), vời vợi trong không gian bao la rộng lớn “đất trời-trời đất” (31)… khiến nỗi buồn của đá cũng mang chiều kích vũ trụ bao la đến bất tận và quạnh hiu cô độc đến vô cùng.

Song, cho dẫu cuộc đời có bao nhiêu mưa nắng nắng mưa dập vùi, bao nhiêu thua thiệt đắng cay, tuyệt vọng, tâm hồn thơ Lê Thị Ái Niệm vẫn trong veo một “tin yêu tràn cuộc sống”, “vẫn cháy bỏng nỗi đời”, để:
Mỗi ngày qua là cộng thêm một ít
Muối trong hồn cứ mặn nữa muối ơi!
(Khi anh đến)

Ôi những hạt ngọc thần thánh kết tinh từ biển cả, là sự hoà tan của cái Tôi cá nhân nhỏ bé trong cái Ta rộng lớn của cõi người. Muối có thể hoà tan. Muối có thể tẩy uế những xấu xa dơ bẩn, chống lại mọi sự hư hỏng tàn phá của thời gian vật chất và bảo vệ những gì đẹp đẽ nhất, tinh tuý nhất của hồn người…

Xin “Muối trong hồn cứ mặn nữa. Muối ơi!”

Thị Nghè,
Tháng 3.2019
Hoàng Kim Oanh

h2                                                                Tác giả Lê Thị Ái Niệm

h3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác