MÓN ĂN DÂN DÃ : CÂY MÔN .
Nhớ hồi nhỏ lúc năm sáu tuổi đi chơi ở xóm, có mấy thằng lớn tuổi nói chuyện, nói bậy với nhau, cố ghi thuộc lòng, về nhà nghêu ngao : Vân Tiên ngồi dựa bụi môn. Chờ cho trăng lặn bóp l. Nguyệt Nga … Mẹ nghe, bắt cúi đánh 5 roi thật đau, bắt hứa không nói bậy và quên đi câu này. Không nói bậy thì giữ được, nhưng lại không quên được…Sau này khi có vợ, có con, lâu hơn nữa có cháu nội, cháu ngoại, hát ru cho chúng nó ngủ, mình lại ru : Vân Tiên ngồi dựa bụi môn. Chờ cho trăng lặn, chụp đồn thằng Tây…. Bây giờ nói chuyện về cây môn và các món ăn được chế biến bằng cây môn . Môn có nhiều loại : Môn kiểng, môn nước, môn khoai, môn đúm…. Môn kiểng có lá màu xanh, màu đỏ, màu trắng…đẹp, nhưng không ăn được, không viết ở đây.
1/- Môn nước : Loại này mọc hoang dã theo các ao hồ, bờ sông, mọc rất nhiều, tôi nhớ ngày xưa…chừng 50 năm về trước, có những người nghèo chuyên đi cắt lá môn về bó lại thành bó, bán lại cho những người bán hàng ở chợ, để đựng, gói : cá, thịt heo…gói hàng cho khách, các tiệm chạp phô (tạp hóa) lấy lá môn này đựng đường chảy (đường thùng) túm lại, buộc sợi dây, đường không bị dính vào lá môn. Loại môn này không ăn được, chỉ cần vô ý, mủ của cây môn dính vào da thịt là ngứa ngáy ngay. Người lớn khi thấy trẻ con chạm tới môn nước là la rầy ngay….
Môn nước có món dưa môn ăn rất phê và ngon, có thể nói ăn là ghiền…Môn cắt về, được dẫm đạp thật kỹ làm môn dập ra hết chất mũ, sau đó bõ vào khạp, việm, chế nước cơm vo vào Sau mấy ngày, môn biến thành dưa chua. Người dẫm đạp môn, hai bàn chân bị ngứa, nhưng làm riết thì quen, hết ngứa…Kế bên nhà tôi, cách nay 40 năm có cô Sáu Cảo, nghèo, rất nghèo, không cục đất chọi chim sống bằng nghề này, cô hái lá môn bán, cọng môn làm dưa bán. Dưa môn của cô làm ăn thật ngon, cô Sáu mất là cả xóm nhớ cô và nhớ món dưa môn! Những ngày đầu tháng 5/1975, có toán bộ đội đến đóng quân, rãi ra nhà dân, mỗi nhà 4 – 5 chú. Cơm ăn, dân lo. Nhà bà Ba Khánh nấu món canh chua cá lóc, sai cô con gái cưng, ra sau vườn cắt mấy cọng bạc hà (dọc mùng) nấu canh , cô này không cắt bạc hà, cắt mấy cọng môn nước dựa mé ao kế đó. Mấy anh bộ đội ăn cơm xong là ngứa ơi là ngứa, Bà Ba hỏi lại con cắt bạc hà ở đâu, bắt cô con gái dẫn ra chỉ . Dù ngứa, người trong nhà cố chịu, tội cho mấy chú bộ đội khóc, la : …Ối giời ơi ! phải chi ở ngoài da, ngoài thịt còn cào, còn cấu, giờ ở trong ruột, trong gan…làm sao mà cào, mà cấu, ối giời ơi !
2/ Môn khoai là cây môn cho củ, còn gọi là khoai cao, khoai sọ…ai cũng biết, ngang cửa nhà tôi là làng Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, nổi danh về nghề trồng khoai môn và kiệu, được vinh danh, cấp bắng nhãn hiệu, độc quyền sản phẩm, ngày rước cái bằng có tỉnh, huyện về dự, lễ tiệc tưng bừng…Môn khoai là loại rẫy khó trồng, nặng vốn, mấy năm nay, giá khoai môn thất thường. Giá thị trường là 10.000đ/kg, môn trúng mùa, nhưng khi đó giá thương lái đến mua 5.000đ/kg, có khi không mua khiến ai trồng môn, lỗ nặng, bán đất, gồng gánh gia đình ra Bình Dương làm thuê là thường …Cách nay chừng 10 năm, xem báo, đài có tin Công ty ký được hợp đồng xuất khẩu “Cọng môn” khoai này sang Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc họ sẽ làm món Kim Chi môn. công việc làm ăn ra sao, đến nay không nghe nhắc đến!
3/ Môn đúm cùng loại với môn nước nhưng cọng ăn được, không ăn củ, giữa lá môn có núm màu nâu, nên gọi là môn đúm chăng (?) Ở quê , khi đi đồng bắt được chim đồng nhất là gà nước thì về nhà đi tìm môn đúm để xào, không món nhậu nào qua được món này. Ngoài ra, môn này thay bạc hà nấu canh chua ăn ngon hơn…Đến giờ, trong bếp ăn nhà tôi, món canh chua nấu cá vồ đém, lươn là nấu với môn đúm…. Chỉ cần trồng một bụi dựa mé mương, ao là ăn dài dài. Môn thuộc loại rau sạch, vì không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón….
02/7/2019
Trịnh Kim Thuấn.
Bài của Kim Thuấn có duyên, có ý nghĩa nhiều mặt, tôi thích đọc lắm.
em cùng quê với anh ạ, xin ít thông tin về anh được không