Đọc những trang viết mới về đất và người Phương Nam

Ngày đăng: 11/07/2019 10:03:58 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Khi chậm rãi lật từng trang, từng trang quyển sách này, cảnh sắc, phong vị của “đất phương Nam ngày cũ” sẽ ùa về… man mác, bâng khuâng trong tâm trí bạn. Những sản vật, hay món ăn mộc mạc mang hương vị quê nhà, hằng nuôi dưỡng hình hài máu thịt ta…; những cảnh sắc, phong vị riêng của “đất rừng phương Nam” có từ “ngày cũ” đến bây giờ…; những thú chơi dân dã dành cho tuổi thơ hay tuổi trưởng thành…; những tập tục, hay sinh hoạt văn hóa thiêng liêng của các lớp lưu dân từng gắn bó với miền đất mặn mòi phù sa châu thổ này…; cùng hình ảnh thân thương, khả kính của con người Nam Bộ đang nao nức sống dậy trên những trang văn…

Tất cả, phải, nhà văn Trần Bảo định đang kể cho chúng ta nghe về tất cả những điều ấy. Ông kể bằng một lối văn bình dị, mộc mạc, gần gũi, thấm đượm âm hưởng câu hò, lời ca dịu ngọt của quê hương, cùng với lời ăn tiếng nói dân dã, thân thuộc của người phương Nam.

Có thể, bạn sẽ chợt nhớ ra, rằng: Từng viết rất hay về đất, nước, con người Nam Bộ xưa nay đã có Phi Vân, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Bình Nguyên Lộc,… cùng bao nhiêu ngòi bút trẻ tài năng khác trên văn đàn hôm nay. Vậy thì, văn xuôi Trần Bảo Định, qua những cuốn sách mới này, góp thêm điều gì vào kho tri thức, thẩm mỹ và giải trí của người đọc hôm nay?

 

N                                                                Những người xa quê

Nếu bạn là một người yêu quê, không nguôi thương nhớ quê nhà, bạn có thể sẽ thích thú với khiếu quan sát tinh tế, những trải nghiệm sâu sắc, những tìm tòi công phu và những phát hiện thú vị về sự vật, con người quê hương nơi tác giả. Còn nếu bạn là một người ưa tìm tòi, khám phá những bí mật lịch sử về một phương Nam đã thuộc về “ngày cũ”, muốn tìm biết bí mật sự sống của những sinh vật nhỏ bé quanh mình,… bạn có thể sẽ hài lòng khi đọc sách này, khi dự phần cùng tác giả tìm kiếm những điều chưa biết, những gì bị sương khói thời gian che phủ. Niềm vui đến với bạn có thể rất giản dị, hệt như khi tìm thêm được ánh sáng, soi tỏ dần cái “góc khuất” cố thủ dưới “chưn đèn”. Trang văn của Trần Bảo Định, nói chung đủ sức dụ dẫn bạn miệt mài theo cuộc tìm kiếm thứ ánh sáng ấy.

Sự sống của loài mối, giống kiến vàng, bầy cá linh, sự sinh sôi của hạt lúa Trời, vị chua ngọt của chùm lá giang,… chẳng hạn, có những gì là bí ẩn, kỳ thú? Trả lời những câu hỏi đơn sơ về đời sống, lắm khi mang lại trong ta không ít niềm vui và làm ấm thêm tình cảm trân trọng, gắn bó, yêu thương.

“Ai ơi về miệt Tháp Mười,

Cá tôm sẵn bắt lúa trời sẵn ăn.”

Ca dao đã gọi tên là “lúa Trời”, sao người ta, có kẻ lại tùy tiện gọi là “lúa ma”, “đập lúa ma”? Nhân vật của Trần Bảo Định tỏ ra rất bất bình: “Người đập nó mang về nuôi bản thân, ăn nó mà chẳng bao giờ hiểu nó. Vì, không hiểu nó nên chủ quan áp đặt, rằng nó là ma: Lúa ma!”. Ở đây có một chút “góc khuất”. Và việc giúp bạn có thêm cơ hội hiểu đúng về giống lúa kỳ lạ này – một món quà ân nghĩa của đất trời phương Nam ban cho người dân nghèo chẳng may gặp khi đói kém – thành động lực thôi thúc nhà văn viết Đập lúa ma.

Dù có thể đã bao lần bưng húp bát canh chua lá giang quê mình, song người hưởng thụ món canh ngon này vẫn dễ thường hồn nhiên “coi lá giang là món ăn do thiên nhiên tặng bạn nghèo khó”, “chớ ít khi” “chịu để ý đến đời sống của nó”. “Đời sống” của loài cây lá vẫn bữa bữa góp chua ngọt cho nồi canh ngon cho mâm cơm miền Nam này ra sao, có nghĩa lý thế nào với cuộc sống đoàn tụ và với lối ẩm thực dân dã? Câu trả lời, rất dễ hiểu và lý thú, đã được tác giả đưa ra trong Nồi canh chua lá giang.

M                            Món cá ngát kho tộ, lươn um sả, món cá trê vàng 

Lại có không ít những điều hệ trọng, khiến việc kiếm tìm và soi rọi ánh sáng vào nơi “góc khuất dưới chưn đèn” khó khăn, nhiều thách thức hơn. Đó là những “góc khuất” lịch sử về quá trình khai lập vùng đất mới của tiền nhân, về các anh hùng, danh nhân, tiền bối,… từng in dấu ấn riêng lên đồng bằng, sông nước phương Nam,… Trong trường hợp này, muốn tìm ra sự thật đáng tin cậy, theo tác giả, phải có thêm sử liệu, có đầu óc biết suy nghĩ độc lập, suy xét kỹ càng, cùng với một khả năng tưởng tượng đủ bay bổng.

Chẳng hạn: Công đức của các anh hùng áo vải Tây Sơn mà tiêu biểu là anh hùng Nguyễn Huệ – hoàng đế Quang Trung, dĩ nhiên là trọng tựa non cao. Nhưng còn Nguyễn Ánh – Gia Long và triều Nguyễn, lẽ nào chỉ đáng xem họ là tội đồ mà đời sau tha hồ lên án? Với một vấn đề phức tạp, hệ trọng như thế, các nhà sử học dĩ nhiên cứ việc nghị bàn. Trần Bảo Định chỉ góp thêm một một vài tia sáng nhỏ, soi vào “góc khuất” ấy: Hãy tôn trọng những tiếng nói khác biệt với sử liệu tin cậy và chủ kiến. Cố gắng đưa thêm vào trang văn của mình các sử liệu khả tín cùng cảm quan hồn nhiên của người dân quê Nam Bộ, mục đích sáng tác của ông, hẳn không có gì khác, là cốt sao người đọc biết cẩn trọng nhìn sâu vào lịch sử, trân trọng quá khứ, biết tôn trọng ý kiến khác biệt, để công bằng, thỏa đáng hơn trong cách nhìn nhận, đánh giá sự việc, con người.

g                                                   Người sống không quên người chết 

Về hình thức sáng tác, các tác phẩm văn xuôi của Trần Bảo Định trong ba tập sách này, hầu như đều được viết theo cùng một lối: truyện trong ký và ký trong truyện. Đây là một lối viết hỗn dung, đan xen hư cấu (truyện) với phi hư cấu (ký), dựa trên trí tưởng tượng và những tư liệu ghi chép, tra cứu, cùng chú thích khá tỉ mỉ, công phu của nhà văn.

Tùy theo chủ đề, loại tư liệu và dụng ý riêng mà tác giả chọn cách viết nghiêng về truyện ký – tư liệu hay truyện ký – sử liệu.
Khi nghiêng về truyện ký – tư liệu (tư liệu đây được hiểu là tư liệu khoa học và đời sống), tác phẩm của ông ưu tiên kể nhiều về những sản vật, cảnh sắc, hương vị của đất rừng phương Nam: Con cá rong chơi sông nước Cửu Long, Mối tự kết liễu, Kiến vàng vườn cam quýt…

PGS. TS Nguyễn Thành Thi

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác