BÀN THIÊN

Ngày đăng: 22/06/2019 08:20:32 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Bàn thiên hay bàn thông thiên, có khi gọi trại ra bàn ông Thiên là bàn thờ để thờ Trời Đất  trước cửa nhà. Loại bàn thờ này chỉ có ở miền Nam và miền Trung nhưng miền Bắc hầu như không thấy.
Từ xưa trước cửa mỗi nhà, người ta đều lập bàn thiên. Trước 1975, vào các ngõ hẻm, miễn trước nhà có khoảnh sân nhỏ là đều thấy bàn thiên. Sau này, thành phố nhà cửa san sát, cửa tiệm buôn bán tấp nập không có chỗ cho bàn thiên nhưng ra tới ven đô, ngoại thành, nhất là nơi còn sân hè, vườn tược thì bàn thiên vẫn còn.


Bàn thờ ông bà tổ tiên và bàn thờ tôn giáo nằm trong nhà nhưng bàn thiên thờ Trời Đất đứng một mình ngoài trời. Tuy bên ngoài nhưng vẫn gần gụi ngay hàng hiên nhìn ra sân phơi lúa chứ không quá xa tuốt tận hàng rào.
Bàn thiên quay mặt vào trong nhà, nên khi cúng vái, chủ nhà nhìn ra ngoài, hướng đến khoảng không rộng rãi mênh mông trước mặt là nơi Trời hiện diện.
Gọi bàn thiên dường như có nghĩa “lộ thiên” ngoài trời chứ thật sự bàn thiên thờ Trời và Đất, thờ Hoàng Thiên Hậu Thổ. Thờ ba cõi Thượng là Trời, Hậu là Đất và Trung là cõi giữa thờ ông bà tổ tiên, các vong hồn, thần linh..
Một số nhà nghiên cứu cho rằng bàn thiên có nguồn gốc từ cây nêu thời cổ đại. Thoạt tiên đó là một loại bàn thờ tự nhiên giữa thiên nhiên. Sau này khi nhà cửa hình thành đàng hoàng, bàn thờ được di vào nhà tế tự nghiêm cẩn. Hình ảnh cây nêu xưa sót lại, biến hóa thành bàn thiên chống trụ trước nhà.
Ở xứ láng giềng, Kampuchia cũng có bàn thiên, nhất là vùng quê, ra khỏi khu vực thành thị, đằng trước các ngôi nhà sàn, trước sân bao giờ cũng là bàn thiên. Những bàn này dù to hay nhỏ đều có một mái cong đặc trưng của kiến trúc Khmer che trên thờ thiên thần. Mặt tiền nhà của người Hoa đều gắn một bàn thờ nhỏ có bảng chữ cho biết phía bên trên thờ Thiên và sát đất thờ thần Môn, ống nhang nhỏ gắn luôn vào tường khỏi cần lư hương. Ông Địa cũng nằm dưới đất nhưng trong một trang riêng biệt trong nhà. Bàn thiên ở mỗi quốc gia thờ cúng các vị thần khác nhau.
Bàn thiên của người VN không trịnh trọng mà đơn sơ hơn. Thường là tấm ván vuông đóng nẹp đặt trên cọc gỗ, nhà giàu xây bàn thiên bằng xi măng trên cọc xi măng có quét vôi. Tiến thêm bước nữa, bàn thiên lót gạch bông sạch sẽ và sau này lát gạch men trắng hoặc màu vàng, màu xanh… Bây giờ nhiều nơi bán bàn thiên đóng gỗ hoặc đúc sẵn xi măng tô gạch men màu. Khách hàng chỉ cần mua về đặt trên cột hoặc nhẹ hơn, thông dụng nhất hiện nay ở thành phố là bàn thiên bằng nhôm hay inox không rỉ sét để gắn vào lan can balcon chứ không cần dựng cột nữa.
Thông thường bàn thiên chỉ vậy là đủ nhưng nhiều gia đình cẩn thận xây thêm một bệ thờ phía dưới để phân biệt rõ ràng trên thờ Thiên, dưới thờ Địa.
Bàn thiên cao vừa phải, không cao quá để người lớn khó với lên nhưng cũng không quá thấp khiến kém đi sự tôn kính và tránh con nít phá phách. Bánh trái cúng ở đó không có người canh chừng thường xuyên nên đôi khi cũng bị lũ trẻ con rắn mắt lén lấy chia nhau ăn.
Vì bàn thờ giản dị như vậy nên dễ lập. Nơi nào dân chúng sinh cơ lập nghiệp đều có thể tạo dựng bàn thiên. Ngay cả trong thời Pháp, nhà cửa đình đền bị phá hại chưa kịp tôn tạo lại thì chỉ mười lăm phút sau với tấm ván, khúc cây, một bàn thờ thiên đã có thể dựng lên ngay tươm tất mà không kém phần tôn kính.
Bàn thờ đơn sơ nên trang trí cũng rất giản dị. Trên đó chỉ có bình hoa, lư hương, thậm chí nhiều nhà nghèo không mua lư mà chỉ dùng chiếc lon sữa bò, lon nước ngọt dùng tạm cắm nhang. Hoa cắm bình hái dễ dàng quanh nhà là hoa huệ, bông trang, bông điệp… Vào dịp lễ, trên bàn thiên mới bày dĩa trái cây hay bánh quy. Nhưng đặc biệt bàn thiên chỉ cúng lễ vật thanh tịnh chứ không cúng mặn và không cúng cơm bao giờ. Nước cúng cũng chỉ múc ngay chén nước trắng, nước mưa chứ không cần trà châm như bàn thờ tổ tiên. Nước thường bày năm chung tượng cho ngũ phương nhưng thường chỉ ba chung tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân.
Nước cúng thường để nguyên ngày, tới hôm sau cúng mới thay nước mới nên buổi sáng mát mẻ, đàn chim sẻ thường sà xuống chao lượn ríu rít uống nước trên ban thờ thật thanh bình, vui mắt.
Bàn thiên bày biện thế nào tùy thuộc vào gia chủ. Có nhà chưng bày trang trọng đầy đủ bình hoa, dĩa trái… nhưng cũng có những nhà tối giản tới mức chỉ có lư hương và chung nước, thậm chí chỉ có mỗi lư hương trơ trọi.
Do phơi bày mưa nắng gió bụi ngoài trời nên bàn dễ tróc vôi, phai màu, chỉ trong thời gian ngắn đã bị rêu phong, sứt mẻ. Chủ nhà vẫn thắp hương hằng ngày nhưng nhìn bàn thiên lắm khi có vẻ gì hoang phế…
Theo tín ngưỡng dân gian thì người ta thường khấn vái chung trời đất núi sông, các vị khuất mày khuất mặt, quan quyền cõi âm…
Một ông già ngoài 70 kể chuyện đời xưa:
-Hồi đó khi người điên chạy ra vườn hay trẻ con nóng sốt, động kinh cũng vậy, ngoài các cách chữa trị cổ truyền, thuốc nam trong vườn thì thế nào bệnh nhân cũng được người nhà kéo ra trước bàn thiên van vái.
Bây giờ không ai chữa bệnh kiểu đó nữa nhưng khi gặp tai ương, điều lo lắng bất chợt, người ta thường ra ngay bàn thiên thắp nhang cầu khẩn. Trước khi ra biển, lên rừng hoặc trước mỗi chuyến đi xa…, ngoài bàn thờ trong nhà, bao giờ người trong gia đình cũng phải thắp nhang bàn thiên như cáo với Trời Đất, cầu xin các vong linh phù hộ cho chuyến đi được êm lặng, bình an.
Đặc biệt bàn thiên được thắp nhang vào mỗi buổi chiều chạng vạng. Đó là lúc giao thời giữa ngày và đêm, âm dương hòa hợp. Từ thời điểm đó có thể cắm nhang lai rai đến tám, chín giờ tối nhưng không ai thắp sớm quá khi trời còn nắng, cũng không thắp muộn quá lúc trời đã khuya khoắt.
Đặc biệt cúng giao thừa rất quan trọng. Những nhà không có bàn thiên vào thời khắc tống cựu nghênh tân đều sắp một mâm nhỏ đặt tạm trên chiếc bàn hay ghế nhỏ trước nhà, với đầy đủ hương đèn hoa quả bánh trái tiễn các vị thần cũ đi, đón thần năm mới đến…
Dưới quê, sân hè rộng rãi nên bàn thiên vẫn phổ biến, nhất là khu vực Hòa Hảo, nhà nào cũng lập một bàn thiên trước nhà là nơi thanh sạch quang đãng để cúng kiếng. Ở thành phố lớn, một thời gian dài bàn thiên bị lãng quên. Khi những căn nhà cũ trước 75 bị đập đi để xây nhà mới với kiến trúc tân kỳ, cửa kính, cửa chớp, bồn hoa… thì bàn thiên, tượng trưng cho một niềm tin dân gian cũ kỹ, xem chừng có phần lạc hậu, quê mùa… đã dần dần biến mất, tưởng chừng sẽ mất dấu trước làn sóng văn hóa ngoại quốc ồ ạt tràn vào.
Thế nhưng gần đây, người dân có khuynh hướng quay về tìm lại những giá trị tâm linh cũ. Nơi những căn nhà cao tầng, bàn thiên lại thấy xuất hiện. Chỉ có điều, bàn thiên không còn nằm ngay hàng hiên vì nhà phố thường xây lấn tối đa với cửa kính mở cửa rộng, không còn chỗ trống hàng ba trước nhà nữa. Vả theo quan niệm kiến trúc hiện tại, việc thờ cúng được sắp xếp riêng biệt trên tầng thượng lánh xa ô nhiễm đời trần, nên bàn thiên cũng leo lên sân thượng chót vót. Đứng dưới lề đường ngước đầu lên phố xá nhà cửa biệt thự lô nhô cao thấp, người thành phố bỗng nhìn thấy những chiếc bàn thiên nhỏ bé quen thuộc bằng inox sáng loáng nhô ra ngoài lan can.
Chủ một ngôi nhà ba tầng ở quận 1 cho biết:
-Hồi nhỏ căn nhà cha mẹ tôi có bàn thiên trước nhà nên hình ảnh đó đối với tôi in dấu tới giờ. Nay xây nhà, mặc dù kiểu nhà phố tân tiến nhưng tôi vẫn lập một bàn thiên ở tầng trên cùng và thắp nhang đều đặn dù không cầu xin điều gì cả. Thứ nhất bàn thiên khiến tôi có cảm giác nhà cửa ấp áp, thứ nữa tôi muốn con cháu gìn giữ phong tục lâu đời của cha ông.
Đó là giữa trung tâm thành phố đất chật người đông nên bàn thiên đành phải thăng thiên chứ ven đô, ngoại thành, còn mảnh sân hẹp trước nhà, bàn thiên gỗ và xi măng kiểu cũ vẫn còn y nguyên
Chiếc bàn thiên theo thời gian dù thay đổi hình thức một chút, niềm tin dân gian cổ có thể nhạt phần nào nhưng giữa đời sống phố thị bộn bề, một tập tục cổ truyền đẹp, sức mạnh tiềm tàng của tinh thần Việt vẫn còn đó, tồn tại âm thầm nhưng bền bỉ.

Hàm Anh

H1

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác