LỄ CÚNG ĐÌNH (KỲ YÊN) VÀ HÁT BỘI . …
Thời thơ ấu, ở vùng quê tôi, sông Hậu, ngoài Tết Nguyên Đán, ba ngày rằm lớn (rằm tháng Giêng, tháng bảy và tháng mưới) thì có hai ngày lễ lớn mà chúng tôi luôn mong đợi là : Lể cúng đình thần và Lễ 18/5 ngày Đại lễ của đạo Phật giáo Hòa Hảo, vì hai lễ này được bà con tổ chức vui chơi rầm rộ, trẻ con đều được phép cha mẹ cho đi chơi…. Năm nay, tôi và Ngô Khắc Tài tháp tùng đoàn Ban Tế tự đình thần xã Hội An (huyện Chợ Mới – An Giang) đến đình thần An Long, xã An Hòa, huyện Tam Nông – Đồng Tháp cúng đình…
Đến nơi chừng hơn 9 giờ, bái tế linh thần xong, đoàn hát bội Sao Vàng đang hát tuồng San Hậu, hôm đó là ngày chót, sau khi diễn xong đoàn rời bến, đến hát ở một ngôi đình khác. Các đoàn hát bội bây giờ phong màn mới và rực rỡ, y trang cũng lộng lẫy, âm thanh lớn chói tai, chả trách ngày xưa, hát bằng miệng thôi…đâu có micro, loa như bây giờ …Tôi bước ra sân khấu nhìn chung quanh, khách xem hát lưa thưa chừng ba mươi người, đa số là bà già trên 60 tuổi (mình cũng già), có ghế nhựa ngồi, có quạt máy lớn. Trên sân khấu có cô đào lớn và cô đào nhỏ đang trình diễn….Ca diễn bây giờ không còn là hát bội nữa rồi, đa phần là cải lương pha Hồ Quảng…. Vào hậu trường gặp kép chánh Hiệp cũng là Phó đoàn gánh hát (trưởng đoàn là cô Kim Phượng, bà xã kép Hiệp) Kép Hiệp bắt tay tôi, nói : mấy anh chờ em hát xong lớp này, rồi đi uống cà phê. Chúng tôi cám ơn và từ chối, vì phải đi về Tân Công Sính, huyện Tam Nông…. Tuồng hát cúng đình thì có rất nhiều vở, nhưng thường thì các đoàn ưa diễn, khách cũng ưa xem như : Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu , Đào Tam Xuân báo phu cừu, San Hậu , Tiết Giao đoạt ngọc, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ…..Dù từ hát bội chuyển sang cải lương và hồ quảng, sân khấu vẫn thưa khách ! Phải chăng hậu quả của thời đại công nghê thông tin, kỹ thuật số, smarphone…nên hát đình ngày nay không hấp dẫn giới trẻ nữa ? hay là cuộc sống quay cuồng, số thanh niên, thanh nữ giờ đây đang còng lưng trong các khu công nghiệp kiếm sống ? mà giới này là đông đảo trong thôn, làng. Theo anh Năm Rựa (Ban Tế tự Đình Hội An), một đình mỗi năm có 2 lần hát bội : Lễ Thượng điền và Hạ điền. Thượng điền hát một xuất, Hạ điền hát ba xuất, số tiền thuê là từ 20 – 25 triệu đồng. Thấy ra giới nghệ sĩ cũng sống qua ngày,đâu có dư dã gì vì phải nuôi quá nhiều đào kép? âu có phải là duyên nghiệp, máu nghệ sĩ !
Ngồi viết bài, nhớ lại những kỷ niệm xa xưa tuy có hơi lòng thòng nhe quí vị . Thời ấy, lễ cúng đình vui lắm, trong đình thì có hát bội, ngoài sân đình thì có đoàn Mô tô bay, Thập điện Diêm vương ( 10 cửa địa ngục), bánh trái thì vô số, ban đêm thì có vài sòng tài xỉu chơi thâu đêm, suốt sáng cùng các hàng cháo gà, cháo vịt, bún, bánh tầm bì … Đám trẻ chúng tôi, xem hát bội thì không xem được vì đứng nhìn không tới, khách xem hát bội đứng khít rịt nhau (chen chân không lọt). Thế là con nít rắn mắt tụi tui bàn nhau, bớt lại tiền ăn quà, mua 1 lố cây kim tây (12 cây), chia nhau ra, lên lỏi vào đám khán giả, xem có cặp nam nữ đứng sát bên, tìm cách lấy cây kim tây xâu 2 vạt áo lại….thằng nào xâu nhiều có thưởng . Xâu xong , đứng từ xa quan sát , xem gây lộn chơi….. Sau đám cúng đình, vài ba tháng sau có những đám cưới ở thôn xóm bắt nguồn từ dịp cúng đình này. Ngày ấy, chuyện hẹn hò cũng khó lắm, chỉ có dịp cúng đình con gái lớn mới được phép ba mẹ cho đi chơi….Và trong số các cặp đám cưới này, họ không có hẹn hò trước mà vì cãi lộn cái kim tây của bọn nhóc chúng tôi. Từ cuộc cãi vả đó họ hẹn hò rồi thương nhau và cưới nhau luôn…. Cái đình thời thơ ấu của tôi kể nảy giờ là đình thần Bình Thành Tây, tọa lạc tại ấp Bình Phú, xã Hòa An (Hòa Bình cũ), huyện Chợ Mới – An Giang. Cái đình này đã bị xóa sổ, mặc dù trước khi bị phá, các thân hào, nhân sĩ địa phương phản đối quyết liệt. Sau khi phá xong số người này làm đơn xin phép chánh quyền cho họ hùn tiền lại xây đình mới. Vẫn không được, vì thế Ban Tế tự đình thần xã An Hòa (tọa lạc ấp An Mỹ – Hòa An), rước ông Thần về trên ấy, nhưng khi cúng thì cúng chung với ông thần (Chủ nhà ) trên ấy là ngày mùng 10 tháng 5 âm lich. Ngày nay xem mấy bản tin cưỡng chế, giải tỏa nhà dân, xây khu dân cư, thương mại…chi chi đó, nhớ lại ông thần còn bị cưỡng chế, giải tõa huống hồ chi là dân đen ….
08/5/2019
Trịnh Kim Thuấn .
Khuyến mãi bài tập đọc :
ĐÁM HỘI
Mùa Xuân ấy, ông tôi lên tận tỉnh.
Đón tôi về, xem hội ở làng bên.
Suốt ngày đêm chuông trống đánh vang rền.
Người bé, lớn mê man về Hát Bội.
Và tha hồ nô nức kéo đi xem.
Thằng bé em đòi mẹ bế lên đền.
Xem các cụ trong làng ra cử tế .
Tiềng chuông trống chen từng hồi lặng lẽ
Những bóng người lặng lẽ khẽ đi lên.
Những cánh tay áo thụng vái mơ huyền.
Đang diễn lại cả một thời quá khứ.
Mà đất nước non sông cùng cây cỏ.
Còn thuộc quyền sở hữu của Linh thiêng.
Khi tế xong một cụ đứng lên thềm.
Dở bánh pháo cho người kia lại đốt.
Bọn trai gái đứng xem đều chạy rạt.
Một thằng cu sợ hãi khóc bi be…
Người đi xem nhiều bọn đã ra về…
Trên đường vắng, là đề rơi lác đác…
Đoàn Văn Cừ
(Sách Tập Đọc – Lớp Nhứt và Lớp Nhì, quyển 1).
Đọc bài này, thấy cả thời thơ ấu hiện về. Không biết thưởng thức hát bội, chỉ nghe ử ư. Mặc kệ thấy Tiết Nhơn Quý đấu với Cáp tô Văn chạy vòng vòng trên sân khấu là vui rồi. Bên ngoài , hàng khô cá nướng ăn với tương hột, hay bánh tráng nướng là hấp dẫn. Đêm nào cũng đi, tiền đâu xem, chờ thả giàn hoặc coi cọp
Hồi nhỏ thích xem hát bội do áo quần lấp lánh , diễn viên có giọng nói thật oai phong lẫm liệt , kiếm cung ,,ít thấy ngoài đời ,,,cái gì cũng lạ ,,, tai chỉ nghe rõ được 2 chữ cuối ,,”, ải ải tùng xèng , tùng xèng Hihi
Hoành Châu ~ Lãng Uyển Châu ( Gia đình C )
Hồi nhỏ đi coi hát bội với bà ngoại ở đinh làng Mỹ An Hưng, hễ có quánh kiếm rượt đuổi là sợ hãi, úp mặt vô lòng ngoại, hỏng dám coi cảnh đâm cái ẹt, hì hì.
Hồi còn nhỏ, chợ quê tôi có khi 1 đêm tới 3 gánh hát đang diễn, chưa kể sáng ra còn một gánh “Sơn đông mãi võ” trước sân chợ. coi như đầu hôm tới sáng đều có hát liên tục, trong nhà lồng chia hai: một gánh hát bội pha cải lương (người Việt), môt gánh hát Miên (Khơ-me), phía mé sông sau chợ gánh hát Tiều (Triều Châu). hát Tiều hát tới sáng luôn. Sau có gánh hát Đồng Thinh, ông bầu (mập) diễn hề, bà bầu đào chánh, Sáu Thường kép chánh ca rất ngọt, tôi thích tuồng Tôn Tẫn Giả Điên, có bay và đấu phép, có đèn “măng xông” phựt đèn màu và có tiếng nổ khi Tôn Tẫn và Dương Tiễn xuất chiêu hai làn khói xẹt mang vũ khí chạm nhau. Có lúc gánh hát Đồng Thinh đổi tên Đông Thành.