CÀ PHÊ VỈA HÈ
Dân thành phố ít ai không từng ngồi quán cà phê vỉa hè. Trên khắp nẻo đường đâu cũng thấy góp mặt các quán cà phê. Vài quán sang trọng với bàn ghế rất đẹp và thức uống đắt tiền nằm trên lề đường rộng rãi của những con đường giữa khu trung tâm thành phố, thuộc về khách sạn hay siêu thị ngay cạnh đó nhưng hầu hết là cà phê bình dân. Trên đại lộ với những tòa nhà cao tầng lộng lẫy hay rợp bóng cây xanh lịch sự vẫn khép nép nhỏ nhoi hàng cà phê vỉa hè sát vì tường, những con đường nhỏ hơn dày đặc quán cà phê ngổn ngang. Buổi sáng chỉ cần ra khỏi nhà dù đi về bất cứ phía nào khu vực vắng vẻ hay đông đúc, yên tĩnh hay ồn ào đều thấy hàng cà phê vỉa hè hiện diện, quán to hay nhỏ, quán đông hay vắng, quen hay lạ, xa hay gần… Trên một con đường nếu sầm uất sẽ có nhiều quán cà phê san sát nhau cùng lúc tồn tại bởi vì dù có vẻ tương tự, cũng cùng loại bàn ghế gỗ hay nhựa màu sắc giống nhau, thức uống giống nhau, khung cảnh như nhau, mỗi quán đều mang một sắc thái, tình cảm riêng biệt khác nhau và vì thế sẽ có những người khách riêng biệt của mình.
Dân thành phố ít uống cà phê tại nhà mà thường ra quán. Cà phê ngon hơn, bưng dọn chu đáo hơn nhưng không khí trong nhà gò bó và nhàm chán quá. Chỗ ngồi trong gian quán mở cửa hay kín cửa máy lạnh, mặc dù gần đây khá phát triển nhưng thường dành cho giới doanh nhân văn phòng, quần áo nghiêm chỉnh giầy tây, cà vạt. Những chỗ đó đến ngồi thích hợp hơn vào buổi trưa trốn cơn nắng gắt Saigon hay vào chiều tối khi thời gian nghỉ ngơi lắng đọng, màn đêm buông xuống bên ngoài làm tăng sự ấm áp của đèn màu dìu dịu trong quán. Vì thế, buổi sáng đương nhiên ra vỉa hè. Khoảng thời gian lúc đó xà vào đâu cũng quán cà phê, có quán mở đến trưa, đến chiều hay suốt ngày đến khuya nhưng một số chỉ hoạt động hết giờ điểm tâm, khoảng mười giờ sáng nắng lên là đóng cửa.
Quán sang trọng bày bàn cao, ghế đệm êm ái, bồi chuyên nghiệp mặc đồng phục dọn cà phê rất ngon nên giá khá cao. Quán bình dân như chính vẻ ngoài của nó thức uống cũng bình dân. Tuy nói quán cà phê nhưng bao giờ các quán này cũng bán nhiều loại thức uống, nước ngọt đủ màu xanh đỏ bày hàng, la hán quả, chanh gồm chanh tươi, chanh dây, chanh muối và tắc muối lấy mối sẵn từ chợ bán sỉ, đôi khi nước dừa tươi… chỉ trừ sinh tố rất phổ biến ở thành phố lại không có mặt ở hàng cà phê, sinh tố có riêng giang sơn của mình là xe sinh tố cũng như nước mía có xe nước mía, không bán lẫn lộn thứ gì khác. Tuy nhiên đã gọi là quán cà phê dĩ nhiên thức uống chính mọi người hay kêu là cà phê. Cà phê phin hay cà phê bí tất, cà phê đen hay cà phê sữa, cà phê được pha sẵn đựng trong chai nhựa, khách uống tới đâu chủ quán rót ra thêm nước sôi tới đó… Cà phê ngon là lý do chính thu hút khách nhưng cà phê không ngon, chỉ thuần đắng nghét bắp hay bo bo rang cháy không hề vương vấn chút mùi vị cà phê vẫn khách tới đông đảo. Bởi vì khách đến với cà phê vỉa hè không thuần túy chỉ để uống cà phê.
Chủ quán cà phê dậy rất sớm. Từ ba giờ sáng đã dọn hàng, nấu nước, tiếng chặt đá vang lên từ lề đường lúc bốn giờ còn tối đất. Năm, sáu giờ sáng khách lục tục kéo đến đông nhất cho tới sau giờ đi làm thì vợi hẳn. Hoạt động tại quán cà phê rất tấp nập, người ta có thể ngồi thảnh thơi đọc tờ báo đầu ngày, dò vé số, gặp người bạn cà phê quen mặt mỗi ngày, là nơi dân làm ăn bàn chuyện, trụ sở cá độ, giang hồ tụ tập giải quyết ân oán… hoặc không làm gì cả, chỉ yên lặng nhìn ra con đường trước mặt và có thể trầm ngâm như thế hằng giờ, hằng nhiều giờ. Thậm chí quán cà phê còn là trung tâm dịch vụ chuyên mua nhà, bán đất, thuê nhân công, thu tiền góp, trung chuyển hàng hóa, tin nhắn… Từ chín, mười giờ sáng chỉ ngồi yên đó là chợ búa bán rong diễu qua, ngừng lại trước mặt tha hồ mua đầy đủ bó rau, miếng thịt, khúc cá, bịch sữa đậu nành… cho đến buổi trưa khi không còn đàn ông uống cà phê thì đôi khi là chỗ hóng gió cho phụ nữ không ngủ trưa, thẩm mỹ viện lưu động ghé chân để sơn móng tay, se lông mặt, xem bói bài, chỉ tay… Thành thử các quán như vậy bao giờ vẫn là những hãng thông tấn vỉa hè với tin tức thu vào phát ra cực kỳ phong phú và nhanh nhậy hơn bất kỳ cơ quan thông tin nào trên mọi lãnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị… và đương nhiên cộng thêm đủ thứ tin đồn hấp dẫn…
Cà phê vỉa hè rẻ tiền nên thu hút đông đảo mọi thành phần ẩm khách. Từ người giàu đến người nghèo, trí thức đến bình dân, già trẻ nam nữ, mạnh yếu… bởi cà nhắc đau yếu không thể đi xa được thì cà phê vỉa hè chính là một chốn “phiêu du” nằm trong khả năng cho phép, một thế giới trong chốc lát thoát khỏi ngoài bốn bức tường của gia đình. Ngồi đồng trong quán cà phê dĩ nhiên phái nam nhiều hơn nữ. Đàn bà VN từ ngàn xưa đến giờ lúc nào cũng tất bật, người đi làm đa đoan “việc nhà việc nước” nhưng bà nội trợ không đi làm cũng ngập đầu ngập cổ đủ thứ chuyện trong gia đình. Buổi sáng đi chợ, nấu cơm, lo cho con cháu nên bà không thể thong dong ra ngoài quán ngồi nhìn trời nhìn nước nhìn mây, vả phụ nữ thông thường hiếm có thói quen ngồi “bêu” ngoài hàng quán, nên nếu cần bà kêu ly cà phê về nhà tán gẫu với mấy bà bạn còn thích hơn hoặc vừa uống cà phê vừa làm việc nhà hay xem TV.
Chỉ vài ngàn đồng cho ly cà phê có thể ngồi nguyên buổi vì cà phê không phải thức uống giải khát. Không ai nốc cà phê một hơi, cà phê chính để nhâm nhi, ngẫm nghĩ. Từng ngụm, từng hớp nhỏ đưa mùi thơm nồng nàn, chút vị đăng đắng qua cổ họng thêm niềm hưng phấn, lắng đọng tình cảm và mở rộng nỗi niềm… Chưa hết ly cà phê, chủ quán đã bày ra bình trà nóng và chiếc tách nhỏ, nếu không thích trà nóng thì một ca trà đá thật to bảo đảm tha hồ ngồi đến tan bàn, mục ghế chưa cần đứng lên.
Không phải quán nào cũng may mắn được tọa lạc trên lề đường rộng rãi. Có nơi vỉa hè lồi lõm gạch vỡ, có nơi mái hiên không đủ che mưa. Khu Thị Nghè quá đông đúc chật chội nên khi có khách, chủ quán mới vội vã chạy vào nhà xách chiếc bàn và ghế tí hon ra kê, khách vừa đứng lên lại dẹp ngay; đường Hàn Thuyên luôn bị cảnh sát rượt nên chỉ rải rác vài chiếc ghế đẩu sát tường, cà phê được cất dấu chỗ nào không biết từ đâu bưng ra đặt trên một chiếc ghế đẩu trước mặt. Khi xe cảnh sát xuất hiện, chủ quán quơ hết mấy chiếc ghế đẩu chạy mất tiêu chỉ còn “tang chứng” là mấy người khách tay cầm ly nước của mình đứng chơ vơ trên vỉa hè, thản nhiên nhìn đợi cảnh sát khuất bóng để mọi việc lại trở về như cũ.
Chỉ là những quán cà phê vỉa hè nhưng quán nước sẵn sàng cung cấp cà phê, nước giải khát cho suốt hai dãy phố gồm các quán ăn, công sở, cơ quan, xí nghiệp, hãng xưởng. Một câu dặn miệng thậm chí nhiều chủ quán có điện thoại di động, một cú phone cho người khách lẻ hay cả hội nghị, quán vỉa hè có thể bưng đến tận nơi từ một ly cho đến hàng chục, cả trăm ly cà phê hay nước chanh, nước ngọt, tận tình và chu đáo một cách chuyên nghiệp không kém bất cứ cửa tiệm lớn nào.
Nhiều người ra cà phê vỉa hè như thói quen không bỏ nổi. Mỗi người chọn một quán và đến đó mỗi ngày, bạn bè có hẹn đi đâu rồi cũng quay về quán cũ. Tưởng tượng vừa trờ tới, người nhà chủ quán ra đỡ chiếc xe dựng hộ ngay ngắn trên lề đường, một lời chào ân cần, chiếc ghế quen thuộc được dành sẵn, khách không cần kêu mà lẳng lặng ngồi xuống, ly cà phê đúng gout nhanh chóng được bưng ra, bản nhạc ưa thích vang lên dịu dàng, những khuôn mặt quen thuộc và không gian quen thuộc, khi đứng lên, tiền thối lại trao tay nhẹ nhàng, chiếc xe được dắt xuống đường quay đầu sẵn về hướng phải đi, nụ cười ấm áp, sự tiếp đón thân thiện khiến người khách thấy lòng nhẹ nhõm. Quán cà phê như “một cõi đi về” làm sao. Nhiều người gắn bó một chiếc quán suốt từ đời cha, đời con, đời cháu, ngồi từ thủa thanh niên đến lúc mái đầu trắng xóa, ngồi qua biển bạc đến nương dâu. Cho nên không lạ khi chủ quán vắng mặt, bệnh hoạn, đi xa hay qua đời, khách quen hỏi han, thăm viếng như người bạn thiết. Khi quán đổi chủ, cà phê cũng đổi hương vị, khi quán đóng cửa buộc phải đổi chỗ ngồi qua một vị trí khác, người khách cảm giác chút gì mất mát, nuối tiếc của thói quen hàng ngày, có thể cảm nhận rất rõ chút đổi thay cuộc đời dưới đáy ly cà phê…
Cà phê vỉa hè khác với cà phê những nơi khác ở chỗ nó nằm trên… vỉa hè. Tường cao và trần nhà bao bọc như gói gọn tâm tình nên quán cà phê trong nhà thường có khuynh hướng hướng nội, là riêng rẽ cá nhân, là nghĩ ngợi, suy tư, hoài niệm trong khi quán vỉa hè ngược lại là sự hướng ngoại, mở rộng lòng phóng ra, hòa vào thế giới nhân sinh bên ngoài. Chốn vỉa hè thật gần gũi với cuộc sống, sát với mặt đất chắc chắn và nặng trĩu. Xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, người bán hàng rong và khách bộ hành qua lại, trẻ con đùa chơi và chó mèo lẩn quẩn, người bán báo và vé số chào mời, hành khất ngửa mũ, đứa bé quỳ gối ăn xin trước cái nhìn kiểm soát của chủ gần đó, đoàn rước dâu từ trong hẻm rồng rắn tiến ra, đám cãi nhau tụ tập đông đỏ người hiếu kỳ, vụ đụng xe gây kẹt đường… Những con người và những cảnh đời diễn ra chung quanh là cuộc sống mạnh mẽ và tươi rói cuốn mỗi người vào để trở nên một thành phần không thể tách biệt của cuộc sống đó.
Cà phê vỉa hè không cần lịch sự, giữ ý, càng không cần y phục chỉnh tề, áo sờn cổ, dép lê tiện lợi, duỗi chân tùy ý, co chân nước lụt cũng chẳng sao nên ngồi đó hòa lẫn vào đám đông thấy mình thật tự do như gió như mây. Lắng nhìn tâm tư cùng cà phê rơi từng giọt thật dễ làm thơ, thật nhiều ý tưởng tràn về. Thật thú vị khi khám phá ra người bạn cà phê bên cạnh là một ông tiến sĩ về hưu, một nhà chính trị sa cơ thất thế… nhất là rất nhiều nhà thơ, một ít nhà thơ chân chính và vô vàn nhà thơ tài tử dễ dàng tuôn tràn thơ thẩn bất cứ lúc nào.
Và cứ thế, thời gian trong ngày chuyển dịch, thời tiết nắng mưa thay đổi, Những chiếc quán ngồi đó ngoài vỉa hè, vẫn tồn tại hằng ngày nhìn cuộc sống trôi qua và mang chính trong lòng mình một phần cuộc sống của thành phố, tạo thành một cảnh trí, một sinh hoạt đặc biệt không thể thiếu của thành phố.
Hàm Anh