24 giờ ở thành phố Sa Đéc (bài 2)
Buổi sáng, nhớ lời dặn của Mã Sơn, tôi đi tìm quán cà phê Nghệ Sĩ. Theo các bạn ở địa phương thì quán này có lâu đời, có dáng dấp như một tiệm nước người Hoa. Cái tên Nghệ Sĩ là do khách đặt cho, quán không có bảng hiệu nằm ngay chân cầu Nhà Thờ. Quán là điểm lý tưởng để nhìn hết sinh hoạt của chợ Sađec vào sáng sớm, có lẽ vì thế mà buổi sáng quán rất đông. Có điều hôm nay biết có tôi đến Sa Đéc nên quán đóng cửa, tôi phải tìm quán cóc khác để chờ chủ nhà kêu tập trung đi ăn.
Gần ngã ba Nguyễn Sinh Sắc – Đinh Tiên Hoàng có quán cà phê cóc, khách ngồi hết chỗ nên tôi qua bên chỗ hớt tóc đối diện quán mà ngồi, chủ quán cũng đồng ý phục vụ đến nơi theo ý khách. Ly cà phê đá chỉ có bảy ngàn đồng, chất lượng không kém các quán khác. Lấy máy cùi bắp ra lướt phay , nhưng vô wifi của quán không được vì hơi xa, chủ tiệm hớt tóc thấy vậy mời tôi vô mạng của ông. TP. Sa Đéc nơi nào cũng có sóng wifi, từ quán ăn đến tiệm hớt tóc. Qua đây mới thấy lòng hiếu khách của dân địa phương cao độ đến dường nào !
Ngồi chưa đầy mươi phút thì chị Huệ gọi điện thoại kêu lại quán hủ tíu Minh Mỹ, tôi đi bộ đến thì thấy đầy đủ ban bệ ở đó. Quán bình dân, mới tám giờ mà xương xẩu gần hết, đi sáu người mà chỉ còn năm bộ “cốt khô”, may mà chỉ có 3 người ăn hủ tíu khô nên không phải dành nhau !
Thật ra , quán này không ngon lắm, chỉ được cái giá rẻ thôi. Hai mươi ngàn /tô, so sánh với giá ở Sài gòn thì có rẻ hơn, nhưng chị Du nói ở Sa Đéc có nơi bảy ngàn đồng/tô, nghe cũng muốn đến nhưng chưa có dịp.
Gần chín giờ là khởi hành đi vào làng hoa. Hướng dẫn viên chạy trước, tôi chạy sau lại còn quan sát hai bên đường. Sa Đéc không lạ gì, vì mấy năm trước tôi có xuống đây đi vào làng bột gạo, có đi chơi nhưng quán cà phê sang trọng đâu có nhiều như bây giờ. Thời gian thì cấp bách, chỉ có 24 giờ nên chị Huệ nói chạy như ma đuổi là cũng đúng. Vào làng hoa đến cổng vườn sứ Kim Thành thì đoàn dừng lại, chủ vườn chạy ra mời vào. Tôi không tả vườn sứ đẹp cở nào, nhưng mọi người đều là dân sa đéc đến nơi là lo chụp hình không ngại chi cả. Kìa là nhà mát mái lá, bên phải có một cái hồ be bé hình đàn guitar trồng sen. Thấy khách chụp hình tá lả, cô chủ vườn sợ khách hớp hết cái hồn của cảnh, của hoa cũng vội tham gia chụp ảnh cùng.
Nhà có nước khoáng ướp lạnh, nhưng không biết cô chủ vườn Thùy Linh thông báo thế nào mà cô bạn Cẩm Tú viện trợ thêm nước sâm bí đao, nước nha đam cùng với yaout chiêu đãi khách. Anh Ngọc Ẩn, chồng của Thùy Linh, ông chủ vườn và là nghệ nhân chuyên làm sứ vô chậu bán. Anh bán cho các công trình xây dựng với số lượng lớn. Nói chuyện kinh doanh với anh , thì biết thêm anh hiện là phó giám đốc của công ty công viên cây xanh Sa Đéc nên việc sản xuất đở phải lo đầu ra. Thấy anh lao động trong vườn và nhìn hàng trăm chậu sứ đều nhau, tôi không lấy làm lạ.
Có lẽ trò chuyện ở một khung cảnh dễ nhàm chán hay sao, Cẩm Tú mời mọi người về nhà mình ở Lấp Vò. Cẩm Tú ghé tiệm điện của gia đình trong chợ Mương Điều trước khi về nhà, chúng tôi ngồi chơi ngắm chợ…chiều trong thời gian chờ Cẩm Tú đi tha mồi. Chợ Mương Điều là chợ cấp xã nhưng không mang tên xã mà có tên cũ. Ở Lấp Vò có đặc điểm của các chợ tương tự, chợ Đất Sét của xã Mỹ An Hưng, chợ Vàm Cống của xã Hội An Đông và chợ Mương Kinh của xã Bình Thành. Tuy Mương Điều thuộc chợ cấp xã nhưng việc mua bán rất lớn không thua gì chợ huyện. Chợ có ba dãy phố hình chữ U và bốn nhà lồng, một chợ Nông Sản. Mồi của Cẩm Tú tha về là một giỏ rau, một con vịt nướng và gần như hết tủ nước mát nước sâm nước suối trong tiệm điện của cô, trời buổi xế trưa đứng bóng mà tôi thấy mát trong lòng khi nhìn thấy sự nhiệt tình và hiếu khách của cô gái có gương mặt đẹp đỏ hay hay.
Từ chợ Mương Điều vào nhà chừng hơn hai cây số đường vườn mát mẻ, qua vài cây cầu đúc là tới nhà. Chủ nhà, ba của Cẩm Tú là anh Tư Hoàng, bạn cùng học đệ thất trung học Sa Đéc với Nguyễn Thị Huệ. Trong đoàn chỉ có tôi là nam nhân nên ưu tiên trò chuyện thân mật với anh Hoàng. Anh có hai mối liên hệ với tôi, một là cựu HS trường Kỷ thuật Vĩnh Long, trước kia anh học ở đó, tôi nhắc tên những người bạn kỷ thuật anh đều biết. Anh lấy điện thoại gọi cho Lê Đại Hùng thì Hùng đang nhậu với các bạn Kỷ thuật NK66. Hai là, anh cùng võ quan nam triều cùng khóa 4/72 nhưng học ở Nha Trang. Trên tường nhà anh còn hình ảnh thời trai trẻ, ve áo còn một “chấm đen”, trông oai phong lẫm liệt. Anh lớn hơn tôi ba tuổi, cùng là võ quan nam triều nhưng thuộc gia đình CM, nên phản hồi cố quận sớm, bị thiếu tiêu chuẩn xuất dương. Nghe đâu , năm rồi nằm viện hơi lâu, sức khỏe kém không màng đến ngự tửu ! Thú vui của anh là thưởng trà, cái này thì đi kèm với sưu tầm bình trà lạ. Ăn cơm xong, anh lấy khai trà nhựa, bộ bình gốm Bát tràng pha một ấm trà mời tôi thưởng thức. Uống xong ấm trà, câu chuyện đời xưa chưa hết nhưng cũng đủ để tôi và anh thông cảm nhau, còn muốn gặp nhau nữa.
Bấy giờ là quá trưa, dự kiến đi xe ba giờ về Sài Gòn, lại nghe tin mới là bà chủ Tuyết Hạnh của quán L’Amour mời trước khi về khách Sài Gòn cũng nên ghé quán. Cung kính không bằng tuân lệnh, xem phim võ hiệp bạn giang hồ thường đối đãi nhau như vậy, nên tôi phải ghé quán. Uống ly cà phê, tán gẩu chuyện quán sá với cô chủ về cách kinh doanh quán, mà tôi có dịp đi qua khắp nơi. Bổng dưng, Tuyết Hạnh có ý mới là giới thiệu cho tôi biết bánh tằm Sa Đéc, một đặc sản mà không đâu có. Nếu có bắt chước và lấy thương hiệu thì cũng không ngon và rẻ bằng, cô quảng cáo như vậy. Vừa nói xong thì nhân viên đem bánh tằm về tới, những “con tằm bột” nằm trong hộp được chan nước cốt dừa và kèm theo hai viên xíu mại. Xử xong món này thì nói như cô giáo Nguyễn Thị Huệ, tôi bị cháy giáo án, phải lên xe lúc 5 giờ. Trước khi về còn có màn chia tay, xin cám ơn tất cả thành viên “Sa Đéc Trong Tim”
Lương Minh
h2 Có bao nhiêu đem hết ra, vậy mà khách không ngán
h3 Tác giả Đời Chợ đứng trước chợ Mương Điều
h4 Nhà trong vườn Cẩm Tú mát mẻ
h5 Cơm trưa tại nhà anh Hoàng
h6 Bạn đồng môn thuở ấy
h7 Chia tay với SĐTT