LỄ HALLOWEN NHỚ THÁNG CÔ HỒN
Hồi đó, bà tôi thường nói một năm có ba rằm lớn: rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng mười. Riêng r ằm tháng baỷ thì quan trọng hơn vì là mùa ”Vu Lan báo hiếu” và là mùa ”Xá tội vong nhân” . Trong trí óc non nót của đứa bé lên năm , tôi thật sự không hiểu gì về những điều bà giảng, nào là sự tích Mục Kiền Liên – Thanh Đề hay chuyện ma qủy được thả về dương thế nên phải cúng kiếng …Ngày đó tôi được bà dắt đi cúng chùa, được đi chơi và ăn chè, xôi, bánh trái.
Làng tôi sống tuy là tương đối lớn và phồn thịnh ,nhưng lại không có chùa Phật, chỉ có đình, miếu, thánh thất Cao Đài. Chùa Phật ở bên kia sông ”vùng giải phóng” và ở làng lân cận, muốn đến phải đi bộ hay đi xe đạp nên bà thường dắt tôi ra chùa ngoài tỉnh cách xa khoảng bảy cây số. Mẹ tôi thuê một chiếc xe lôi, loaị xe chở khách gồm một đầu kéo bằng xe gắn máy, phía sau kéo thùng xe có băng nệm, có mui che mưa nắng cho hai khách ngồi.
Phía trước đối diện với băng khách là một băng gỗ cũng ngồi được hai nguời, đằng sau lưng băng chính khi không giương mui thì lại chở thêm được hai người nữa.Thường xe chở hai người nhưng để kiếm thêm tiền xăng , các bác taì lại ”lôi” thêm khách nữa . Bà tôi khó tính gọi bao xe thì phải che mui và chỉ chở hai người , có khi mẹ tôi phải trả tiền nguyên chuyến để chở một mình bà , còn mẹ thì dễ tính , nhiều khi đi xe không cần che mui và trên đường ai muốn đi thì cho bác tài chở thêm khách với lý do người ta nghèo cho người ta kiếm tiền thêm . Riêng ngày rằm tháng bảy, cũng là ngày ”thí thực ” giúp bữa ăn nên mẹ bao xe nguyên ngày cho bà và tôi đi chùa vì khi ra tới bến xe tỉnh xe phải chạy thêm một đoạn đường nữa mới tới chuà và bác tài ở lại chở bận về, vừa thuận lợi cho hai bà cháu mà bác tài được nghỉ ngơi khỏi phải chờ kiếm khách.
Chùa ở tỉnh rất lớn, đẹp , khuôn viên rộng rãi sạch sẽ , trồng nhiều cây trái, hoa kiểng. Chánh điện uy nghi , khách thập phương và Phật tử đông đảo, đúng là ngày lễ rằm lớn. Là ngày ”thí thực ” nên cổ bàn dọn rất nhiều , trong chùa và cả ngoài sân. Các mâm bên trong chuà dành cho Phật tử, người già, bên ngoài đa số là khách thập phương , người nghèo , hành khất …,Các bà, các cô làm công quả tất bật đơm , dọn thức ăn lên bàn. Thức ăn chay đơn giản thường do Phật tử dâng cúng hoặc rau quả trồng trong chuà được mấy cô nấu nướng , thường là cơm với các món mặn tàu hủ kho đậu , khổ qua, tương , mì căng , gỏi thì có bắp chuối luộc , mít non luộc trộn rau răm, đậu phộng , hạt khổ qua bẳm nhỏ xào sả; món kiểm gồm chuối chín , khoai lang , mít , bí rợ , khoai môn nấu với nước cốt dừa nêm hơi ngọt; ngoài ra còn các loại rau luộc, tương , chao, đồ xào …Bàn chè xôi nhiều loại và các thứ bánh, trái cây, nước trà (đá, nóng). Ăn xong một số người xin lộc mang về vì quan niệm ăn của chuà cho mạnh giỏi. Biết tôi thích chè đậu nên bà dì múc cho mấy vá chè bọc trong lá sen mang về (hồi đó chưa xài túi nilon). Tôi còn nhỏ không hiểu gì đạo pháp , thấy người ta lạy Phật thì cũng bắt chước làm theo , ăn xong thì chạy ra sân chơi với bọn nhỏ.
Lớn lên, về Sai Gòn thì thấy tháng bảy người ta cúng ”cô hồn” suốt gần hết tháng và thật tưng bừng , náo nhiệt với tục lệ ”giựt cô hồn” . Từ đầu tháng bảy đã có nhà bày đồ cúng , nay nhà này , mai nhà khác . Đồ cúng thường bày ra ngoài sân, cúng ít thì bánh, kẹo, mía ghim, đậu phộng nấu , cháo trắng với đường thẻ , gạo muối , tiền lẻ … cúng lớn hơn thì nhiều món ”có giá” như gà luộc , bánh tây , kẹo ngon , trái cây , tiền nhiều hơn… Tôi lấy làm lạ vì ở làng quê cũng có cúng , nhưng mâm đồ cúng xong thì chủ nhà liệng bỏ , gạo muối thì rãi ra tứ phương , mấy món ăn được để đó thường chỉ vài đứa nhỏ hoặc người ăn xin tới lượm, ít thấy “giựt cô hồn ”. Ở Saigon thì náo loạn , trẻ con và kể cả người lớn chen lấn , xô đẩy nhau ở các nơi cúng để dành giựt đồ cúng ! Dì tôi nói: cúng mà có người giựt mới hên, mấy nhà buôn lớn (người Tàu ) họ cúng lớn lắm, có cả heo quay, tiền cũng nhiều , người ta cúng phía trên lầu rồi ném đồ và tiền xuống , có người suốt tháng cứ đi giựt kiếm ăn, kiếm tiền.
Nhà dì có ba thằng nhóc, tới tháng cô hồn cũng rủ nhau đi giựt. Cứ mỗi lần trong xóm có nhà nào cúng, chúng tụ tập quanh nâm đồ cúng , chưa kịp chờ chủ nhà thắp hương cúng vái là bọn nhỏ la hét, reo hò rồi xô nhau vào hốt đồ cúng ! Cũng có đứa ba gai, thấy đồ cúng ít, bèo quá thì không thèm giựt mà hất đổ cả mâm rồi reo hò, bỏ chạy mặc cho chủ nhà chửi theo ơi ới ! Ngoài trừ giờ đi học, bọn nhóc nhà dì đều thích đi giựt cô hồn, chúng còn nhỏ nên không dám đi xa mà chỉ quanh quẩn ở mấy hẻm gần nhà và mang về lủ khủ nào bánh kẹo , mía, cốm, đậu phọng …có khi cũng giựt được ít tiền cắc. Chúng nó không ăn mà cùng đồng bọn ham vui , cứ rủ nhau đi giựt, còn dì thì vừa dọn dẹp , vừa càm ràm: “thằng Tí, thằng Ngọ, thằng Tèo có giựt thì ăn cho hết đi nghe ….”. Có hôm thằng nhỏ nhứt bị đám lớn xô té trầy chân , đi cà nhắc về nhà nhưng không dám khóc mà ngồi thù lù một chỗ , dì tôi chửi lẩy ” đi , đi nữa đi con , biết đau chưa ” , còn tôi thì cũng xót ruột ” sao không kêu tụi nó ở nhà …” , dì lại cười hì hì ” kệ , tập cho nó ba gai một chút cũng tốt , ra đường khỏi bị ăn hiếp…”!
Tôi đến Mỹ vào khoảng tháng ba dương lịch, có giấy tờ xong thì đã đi làm.Hồi đó nghèo lắm , ngoại trừ một số quần áo do hội từ thiện cấp , thì tiết kiệm một số tiền nhỏ để đi mua thêm áo quần mặc đi làm . Một người đồng hương cũng là chủ nhà trọ chở tôi ra tiệm bán đồ rẻ để sắm vài bộ đơn giản mà thay đổi cho năm ngày làm việc trong tuần. Bà dẫn tôi tới hàng bán đồ thun rồi cẩn thận dặn ”vô thử cái nào vừa thì lấy, nhớ mua 5 cái quần khác màu nghe, thay đổi 5 ngày , mặc một màu tụi nó cười vì tưởng mầy bận lại đồ dơ ! Ráng đi, lãnh lương rồi thì sắm thêm .
Tôi vào lựa xong khi mang ra một cái áo thun đen , phía trước có in hình một trái bí ngô lớn màu cam khà nổi và đẹp thì bà nói: ” Cái áo này là để tuị con nít bận đi xin kẹo, mày mặc đi làm muà này thì người ta cười chết !”. Tôi nghe từ đi xin kẹo thì hơi lạ nhưng cũng đổi lại cái khác mặc dù cũng tiếc cái áo giá ”xeo” rất rẻ !
Tháng mười năm đó mùa Hallowen (lễ Ma ) đầu tiên mà tôi được biết trên đất Mỹ . Ồ! thì ra, người ta cũng có một cái lễ hội đặc biệt có liên quan tới ma quỷ !
Xem lại truyền thuyết thì được biết như sau :
”Theo truyền thuyết của nước Ireland, câu chuyện về ngày lễ Halloween liên quan đến một người có tên Jack. Jack là một thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được vào Thiên Đàng vì do lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh.
Chuyện kể rằng, một hôm có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, chẳng may bị báo động, người ta đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến yểm và khóa các cửa ra vào, thế rồi con quỷ bị bắt. Jack đã nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật yểm ma quỷ, mở đường cho quỷ chạy thoát.
Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa ngục. Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, hồn Jack bị thiên sứ từ chối. Jack liền tìm đến Địa ngục, nhưng quỷ không cho vào vì lời hứa trước. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở địa ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm. Trên đường trở lại trần gian, để cung cấp không khí cho ngọn lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô và cứ thế ánh lửa từ trong quả bí ngô đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack.
Và ngày 31/10 hằng năm sẽ là ngày mà Jack có thể trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween.
Theo thời gian, Lễ Ma ở Mỹ trở thành ngày truyền thống vui chơi cho trẻ con và cả người lớn, vào ngày này, sau khi hóa trang trở thành kỳ dị, ma quái, họ chơi đùa, tiệc tùng … trẻ con chờ tối đến là tụ tập thành từng nhóm đi xin kẹo .Trên tay xách cái tuí nhỏ có in hình biểu tượng ngày lễ , hoặc cái giỏ hình trái bí bằng nhựa. Chúng cũng hồ hởi, vừa đi vừa nô đùa , cũng nghe nói có lúc bọn nhỏ cũng quậy phá nếu như gặp nhà nào không cho quà .Chúng di chuyển từ nhà này sang nhà khác để xin kẹo, và bắt đầu với câu nói “Trick or Treat.” “Treat” thường là một số loại kẹo, mặc dù, trong một số nền văn hóa, tiền được sử dụng thay thế. “Trick” thường là lời đe dọa (thường không sử dụng) để thực hiện hành vi nghịch ngợm đối với chủ nhà hoặc tài sản của họ nếu chủ nhà không đưa treat. Do đó , để cho bọn nhỏ có một ngày vui , đa số chủ nhà đã sẵn sàng đưa ra treat bằng cách treo các vật trang trí Halloween bên ngoài cửa ra vào; và chỉ cần để lại kẹo có sẵn trên hiên nhà để trẻ em tự do lấy.Tháng mười ở nhiều nơi trời đã lạnh , mưa , nhiều khi có tuyết nhưng bọn trẻ vẫn nô nức đi lễ hội. Cha mẹ kỹ tính thì cho con hóa trang rồi chở chúng vào các trung tâm thương mãi vui chơi, chụp hình và các chủ cửa hàng lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp kẹo cho bọn nhỏ. Hồi mới tới , các gia đình người Việt nghe hăm dọa ” Trick or treat” thì sợ bọn nhỏ tới phá, vì tiết kiệm tiền không mua kẹo nên nhà người Việt thường đóng cửa , tắt hết đèn trong , ngoài nhà để tránh bọn trẻ !
Nơi tôi ở bây giờ là một thành phố nhỏ , yên tịnh , ít trẻ con. Sau hơn chục năm làm việc, tiền bạc cũng dư giả, tôi không còn hà tiện tiền mua kẹo cho ngày lễ Ma như xưa. Vả lại, bây giờ biết ra thì tiền mua kẹo không phải nhiều! Ở cửa hàng có bán loại kẹo giá chỉ một đồng một bịch lớn hơn ba, bốn chục viên gói giấy nhiều màu sắc và chỉ cần bỏ ra năm, mười đồng là dư kẹo cho bọn nhỏ .
Nhà có anh chị là hai ông bà già , tuổi trên tám mươi, không có con cháu ở gần nên rất nhớ và yêu bọn trẻ. Thế là cứ vào muà lễ Ma, lại chuẩn bị mua sẵn kẹo , chị tôi nói mua kẹo ngon cho bọn trẻ ăn , cho thứ dở quá tuị nó mang về rồi bỏ ! . Và ra chợ mua hai bịch kẹo socolat loại ngon đủ thứ mang về. Chỉ cần ba chục đồng là có gần 5 Kg , tha hồ mà cho bọn trẻ! Rồi mang kẹo bỏ vào cái thùng giấy nhỏ , để ở ngoài hiên , mở đèn trong nhà , ngoài sân , ông bà cũng náo nức chờ bọn nhỏ đến, nghe tiếng nói cười mà cảm thấy vui như gặp được con cháu của mình. Có năm, bọn nhỏ tới nhiều, sợ không đủ kẹo cho , nhưng bọn trẻ thì thật ngoan , chúng không dành giựt , hốt hết mà chỉ lấy một ít rồi đi nhà khác . Cũng có nhóm trẻ ” ma le” hơn, đi xin hết các nhà trong xóm rồi quay trở lại chỗ cũ lấy kẹo thêm , nhưng nhà nào cũng vui và chuẩn bị sẵn sàng đủ kẹo phân phát cho bọn nhóc. Từ trong cửa sổ kiếng nhìn ra , thấy những gương mặt hớn hở , nói cười ríu rít , mấy bàn tay bé nhỏ thò vô lấy kẹo, ông bà lão thật vui và thức chờ cho tới khuya khi bọn nhỏ xin kẹo cuối cùng đã trở về nhà chúng . Mở cửa , cười vui, ông lão mang cái hộp giấy trống trơn hết sạch kẹo vào nhà.
Thời gian sau , bọn trẻ lớn lên , chúng không còn đi xin kẹo , bọn nhỏ ở xa cũng tới ít hơn, thùng kẹo còn dư nhiều hơn , tiếng cười nói cũng thưa dần , ông lão vẫn chờ bọn nhỏ đến , vẫn đứng trong cửa sổ nhà nhìn ra , có lần đã khuya , khi bọn nhỏ cuối cùng đến , nhìn thùng kẹo còn nhiều, ông nói lớn (bằng tiếng Việt !) lấy nữa đi tụi con , lấy hết đi ! …nhưng bọn chúng không nghe , vẫn những bàn tay nhỏ e dè nhặt từng viên kẹo … ông lão cứ chờ… cho tới thật khuya , không gian trở lại im lặng , rồi ra mang thùng kẹo còn nhiều vào nhà …và buồn buồn như thương nhớ cái gì đó!
Bây giờ dì tôi đã thành người thiên cổ, mấy đứa con trai ”quỷ sứ ” đi ” giựt cô hồn ” ngày xưa cũng già , ngôi nhà cũ trong xóm lao động nghèo ở SaiGon cũng không còn . Mấy đứa em bà con của tôi đều thành đạt , dời nhà về sống ở chỗ khang trang hơn , con cháu đầy đàn , không biết bọn nhóc nhỏ này có ham vui, hào hứng đi giựt cô hồn như ông, chú ngày xưa ?
Còn tôi, một người sống tha hương gần kề tuổi ” xưa nay hiếm ” cứ mỗi mùa lễ Ma , nhìn bọn trẻ rũ nhau đi xin kẹo , lòng có chút rộn ràng vui mà cũng bồi hồi nhớ lại tuổi ấu thơ ở quê làng , mỗi tháng bảy theo chân bà đi ăn cơm chùa, lễ Phật .
Bài và ảnh Nhã My
h3