SÀI GÒN NĂM XƯA
Cuối thập niên 60 , chị bước chân vào giảng đường đại học . Từ miền Trung vào , Sài Gòn đối với chị như một miền đất hứa – vừa hấp dẫn , vừa hứa hẹn những điều mới lạ . Hồi đó đậu được mảnh bằng tú tài toàn phần cũng khó như thi đậu vào một trường đại học lớn bây giờ , với tỷ lệ đỗ chưa tới 10% – nhất là đối với những ban khoa học ( ban A , B ) . Ngày xưa học môn gì thi môn nấy , không phải chỉ thi một số môn tiêu biểu như bây giờ .Cùng với việc nhân hệ số mỗi môn tùy theo ban , những môn chính hệ số lên đến 4 hoặc 3 , đề thi thì khó , thành ra việc thi đỗ khó như một kỳ tích . Ở một thành phố nhỏ của miền Trung như quê chị thời đó , con gái đỗ tú tài toàn phần có thể đếm trên đầu ngón tay .
Vào đến thành phố được mệnh danh là Hòn ngọc viễn đông , chị thấy cái gì cũng lạ lẫm . Từ những tòa nhà cao tầng , đến những con đường xe xộ tấp nập , đến những cô gái Sài gòn ăn mặc theo mốt Hippy (*) , rồi áo dài tay Raglan … Ngày Văn khoa khai giảng , số lượng sinh viên đông đến mức chóng mặt . Nữ sinh viên thì quá nhiều cô đẹp , cô nào cũng ăn diện ngất trời như đi dạ hội . Sau nầy chị còn biết đại học Văn khoa Sài gòn cũng là nơi nhiều ca sỹ nổi tiếng thời đó đang theo học như Hoàng Oanh , Thanh Lan , Từ Dung … Và các nhạc sỹ như Trịnh Công Sơn , Từ Công Phụng …thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện tại đây .
Ngay cả khí hậu Sài gòn hồi đó cũng là một điều lạ lẩm . Những năm tháng đó trời nắng nóng quanh năm ,thỉnh thoảng vào mùa hè có những cơn mưa giông đến thật nhanh , thật ào ạt , người đi đường chỉ cần tạt vào một mái hiên đứng trú mưa khoảng 3 – 4 phút là cơn mưa dứt hẳn . Và nắng lại bừng lên chói chang gay gắt như chưa từng có cơn mưa bao giờ . Mưa Sài gòn khác hẳn với mưa miền Trung , ngoài đó mùa mưa kéo dài lê thê hết ngày nọ đến ngày kia , có khi kéo dài cả mươi ngày , tuần lễ là chuyện thường . Đi học hầu như lúc nào cũng mang áo mưa , hai vạt áo dài trắng bao giờ cũng gấp lên , hai ống quần trắng bao giờ cũng buộc túm bằng hai sợi dây thun – nếu không muốn bị dính đầy bùn , nuớc . Mùa lạnh đi học sớm hai hàm răng đánh vào nhau lập cập , hai bàn tay tê cóng thu trong tà áo dài . Vào Sài gòn quanh năm không có áo mưa , cũng không cần mặc áo lạnh , chị thấy “ hành trang ” đi học của mình đơn giản hơn nhiều . Và những người bạn Sài gòn học cùng giảng đường cho chị cảm nhận tính cách người Nam hồn hậu tự nhiên , ít rào đón như người miền Trung . Có khi họ dành chỗ cho bạn nhưng bạn chưa đến , họ vui vẻ vẫy chị đến ngồi vào chỗ , trong khi chị đi trễ phải trải giấy dưới nền mà ngồi – chuyện thường ngày ở những giảng đường đông đúc như Văn khoa Sài gòn .
Nhà trọ cách trường không xa lắm nên hàng ngày đi học chị vẫn đi bộ . Hôm nào cũng đi qua cầu Phan Thanh Giản để đến trường . Những hôm có thời khóa biểu học cả ngày , chị mua một ổ bánh mì , một chai nước . Buổi trưa bạn bè ở lại giảng đường khá đông , người nào cũng gặm bánh mì , nói chuyện rôm rả , rồi ngả lưng xuống ghế giảng đường . Trước giờ vào học không quên rãi sách vở ở càc dãy ghế có tay quay để dành chỗ cho bạn . Hồi đó không hiểu sao khu trung tâm Sài gòn có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với chị . Từ Văn khoa chị đi bộ xuống chợ Bến Thành , lang thang qua những con đường như Lê Thánh Tôn , Nguyễn Huệ , Lê Lợi … như thể phải đến đấy mới thấy được linh hồn Sài Gòn . Rồi sà vào những đống hàng hóa bán solde (*) ven lề đường với vải vóc , giày dép … Túi tiền sinh viên chỉ cho phép chị mua những món hàng như thế . Bây giờ nghĩ lại chị ngạc nhiên không hiểu sao ngày xưa mình lại có thể đi bộ khỏe thế , có lẽ vì vui nên không thấy đường dài .
Một lần vào ngày chủ nhật , chị đi xe Velo- solex lên nhà một người chị ruột ở đường Lê Đại Hành . Lúc đi ngang qua Học viện Quốc gia hành chánh (*) , do mất bình tĩnh khi tránh một người đi bộ băng qua đường, chị bị té xe giữa đường , bị một vết thương rách da ở cằm . Mấy người dân sống ở gần đó chạy đến đưa dầu cho chị thoa . Đau thì ít , sợ thì nhiều. Trong lúc chị đang hoảng hốt chẳng biết phải làm gì , thì một anh thanh niên đi xe Honda dừng xe đỡ chị dậy . Anh nói chị gởi tạm chiếc xe Velo cho một thanh niên đang ngồi sửa xe đạp ven đường trước Học viện Quốc gia hành chánh , để anh chở chị đến bệnh viện may vết thương ở cằm . Chị đã gởi xe cho anh thanh niên không hề quen biết nầy mà không một chút nghi ngại , để cho anh thanh niên kia chở đến bệnh viện . Vị bác sỹ vừa may vết thương ở cằm chị vừa nói : “ Em mà không may chỗ vết thương này thì sẽ trở thành một cái sẹo to đấy” . May xong vết thương , anh thanh niên tốt bụng kia lại chở chị về chỗ cũ . Từ xa chị đã thấy chiếc xe Velo – solex của chị vẫn dựng bên đường . Chị cảm ơn hai người thanh niên không quen biết kia và nghĩ sao Sài gòn lại có nhiều người tốt như vậy . Nếu là người gian , anh thanh niên kia có thể thu dọn đồ nghề rồi mang luôn chiếc xe của chị đi thì ai biết đâu mà tìm . Hình ảnh hai con người tốt bụng đó vẫn mãi mãi ở trong ký ức chị với lòng cảm mến và biết ơn sâu sắc . Sau nầy trải qua bao nhiêu năm , có dịp vào Sài gòn , đi ngang qua con đường Trần Quốc Toản , ngang qua Học viện Quốc gia hành chánh năm xưa , chị vẫn tự giác nhớ về chuyện xưa với một chút ngậm ngùi dâu bể .
Bây giờ – mấy chục năm sau – khi đã sống định cư ở thành phố Sài gòn , có dịp chứng kiến cảnh cướp giật , hôi của ngoài đường mỗi khi có tai nạn xảy ra , hoặc sự vô cảm , thờ ơ của người Sài gòn mỗi khi có tai nạn thương tâm ngoài đường , chị lại bồi hồi nhớ lại hình ảnh Sài gòn năm xưa cách đây hơn 40 năm – gần nửa thế kỷ – mức độ văn minh hiện đại của cuộc sống tỷ lệ nghịch với sự băng hoại của thế thái nhân tình ! Hai người thanh niên tốt bụng ấy bây giờ làm gì ? Ở đâu ? Còn sống hay đã chết ? Nếu còn sống , họ đã là những ông già 70 tuổi . Trong lòng chị , họ mãi mãi vẫn là biểu tượng cho một Sài gòn nhân hậu năm xưa .
Vương Hoài Uyên
Hình nguồn Net
(*)Mốt HIPPY : một mốt thịnh hành vào cuối thập niên 60 .
(*) Cầu Phan Thanh Giản : Bây giờ là cầu Điện Biên Phủ .
(*)Bán solde : Bán hạ giá , từ thông dụng hồi đó .
(*) Đường Trần Quốc Toản : Bây giờ là đường 3-2 .
(*) Học viện Quốc gia hành chánh : Bây giờ là Học viện Hành chánh quốc gia .
Top of Form
Sài Gòn xưa sao mà hiền lành và dễ thương đến thế!
Là dân Lục tỉnh, sống Sài Gòn qua những niên học 1960-1961, 1962-1963-1964-1965 rồi trở lại Sài Gòn nhiều lần cho công việc, nên cảm nhận hoàn toàn bài viết của Vương Hoài Uyên, ngoại trừ giảng đường Văn khoa vì tôi là sinh viên Khoa học; dù sao sinh hoạt của các giảng đường Đại học của Sài Gòn thuở ấy không khác biệt là bao.
Vương Hoài Uyên cho tôi “sống lại” vài khoảnh khắc thú vị của một thành phổ thân yêu xưa.
Cám ơn Vương Hoài Uyên.