ƯƠM MẦM NHÂN ÁI

Ngày đăng: 24/04/2018 09:01:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (9)

Laura Schroff là một nhà văn nữ người Mỹ. Cuốn truyện đầu tay “An invisible Thread” của bà được phát hành vào năm 2011 đã trở thành cuốn sách bán chạy và nổi tiếng khắp thế giới. Đây là một câu truyện có thật  xảy ra cho Laura tại New York vào thập niên 80 đã làm thay đổi phần lớn quan niệm sống của Laura cũng như cuộc đời của cậu bé Maurice, nhân vật chính của cuốn truyện. Lúc đó Laura đang là nhân viên cao cấp, rất thành công về dịch vụ quảng cáo cho một số hãng truyền thông. Vào một buổi sáng thứ hai trên đường phố tấp nập tại New York, Laura đang vội vã bước theo giòng người đông đúc, thình lình bà gặp một cậu bé da đen nghèo khổ đang đứng xin ăn vì đói.

Cũng như những người bộ hành khác bà thản nhiên bước qua và tiếp tục đi. Đột nhiên không hiểu do một động lực nào thúc đẩy, bà ngừng giữa đường và quay trở lại để gặp cậu bé da đen.

Bà dẫn cậu bé đi ăn và trò chuyện với cậu ta để biết thêm về hoàn cảnh của cậu bé này. Kể từ đó cứ mỗi sáng thứ hai, Laura và Maurice hẹn gặp nhau để cùng đi ăn chung với nhau.

Cuộc gặp gỡ kéo dài nhiều năm, bà và Maurice trở thành thân thiết, bà đã tìm cách nâng đỡ và hướng dẫn Maurice với hy vọng Maurice sẽ thoát ra khỏi khung cảnh cũng như hoàn cảnh sống của cậu bé. Dù nhận được sự quan tâm và nâng đỡ của Laura về cả tinh thần lẫn vật chất nhưng Maurice cũng không thể thoát ra khỏi đời sống với  ảnh hưởng xấu của gia đình, của bạn bè chung quanh.

Cũng vì thế cuộc đời của Maurice phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Tuy nhiên những lúc đứng trên bờ vực thẳm, tưởng chừng như phải buông tay vì sắp mất mạng hoặc sắp lâm vào vòng lao lý thì hình ảnh cũng như những trải nghiệm với Laura đã giúp Maurice thức tỉnh, có thêm nghị lực và can đảm để tìm ra hướng đi đích thực của mình.

Một tình bạn thật cảm động giữa hai người hoàn toàn khác biệt về nhiều phương diện đã làm thay đổi đời sống của cả hai, kéo dài 30 năm cho đến bây giờ….

Từ khi cuốn sách được phát hành, Laura nhận được rất nhiều tiếng vang tốt đẹp, rất nhiều đọc giả trên thế giới đã gởi thơ hoặc gọi điện thoại để kể cho bà nghe những câu truyện thấm đẫm tình người, tình nhân ái mà họ là nhân vật chính hoặc đã được mắt thấy tai nghe. Bà thu thập và chọn lựa một số mẫu truyện để in thành cuốn“Angels on Earth”.

Câu truyện được chuyển ngữ sang tiếng Việt dưới đây cũng là một trong những truyện ngắn có thật được đăng trong cuốn sách này.

Tiếc thay người chuyển ngữ không có nguyên tác mà chỉ được đọc cuốn sách dịch qua tiếng Đức của Marie Rahn với tựa đề “Bevor du weitergehst” (Trước khi bạn tiếp tục đi). Truyện ngắn trong cuốn sách này có tên là “Der Vermittler” (Người trung gian).

Tôi xin được dịch là “Ươm mầm nhân ái ” để diễn tả được nội dung của câu tryện.

Chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu mỗi người trong chúng ta đều sẵn lòng chia sẻ với nhau một chút tình người thì thế giới này sẽ nở đầy hoa thay vì nát tan vì bom đạn, chiến tranh như hiện tại.

Nơi nào có tình nhân ái, có đức từ bi, có lòng bao dung ngự trị thì nơi đó sẽ là một góc nhỏ Địa đàng….!

LTHK

 

Hình 1/ Chia sẻ

 

ƯƠM MẦM NHÂN ÁI

 

Jonny là một học sinh mà người ta có thể phán đoán để xếp cậu ta vào loại người này hoặc loại người kia.

Phần lớn mọi người xếp cậu ta vào loại học sinh quá tệ, chẳng có một tài năng gì cả, nhưng cũng có người như thầy giáo của cậu ta là Andy Smallman lại thấy cậu ta với góc nhìn khác.

“Johnny có yếu điểm về việc đọc và viết cho đúng chính tả” Andy nói về cậu học trò một thời của mình tại một tư thục ở vùng bờ biển phía Tây. “Em ấy là một trong những người tử tế, thân thiện và ngay thật mà tôi đã gặp được. Tôi chỉ sợ là em ấy phải theo học một trường mà em có cảm giác mình là một học sinh không bình thường, trong khi mọi việc nơi em đều ổn thoả.”

Một hôm Johnny tìm gặp Andy vì cậu ta có điều thắc mắc: “Tại sao báo chí chẳng bao giờ đăng những điều tốt lành xảy ra chung quanh chúng ta?“, cậu ta hỏi. “Đúng ra có nhiều sự việc tốt lành hơn là điều xấu xa.”

Vì lý do trên, Andy giúp Johnny làm một tờ báo của học sinh mang tên là The Good News Newspaper (Tờ báo với những tin tức tốt lành)

“Em ấy hỏi thăm mọi người về những điều cũng như những sự việc tốt đẹp mà họ đã trải qua“, Andy giải thích. “Em ấy không muốn viết về các xe hơi gây ra tai nạn mà muốn viết về những chiếc xe đã đưa các học sinh về tận nhà một cách an toàn. Em chỉ muốn đặt trọng tâm về những gì tốt đẹp mà thôi.”

Andy và Johnny đã cùng nhau dựng lên được một sự kiện tuy nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa. Tờ báo The Good News Newspaper chỉ là khởi đầu câu chuyện của hai người.

(Lời của tác giả  Laura Schroff )

Trong khoảng năm năm vừa qua, tôi đã kể cho hàng ngàn học sinh nghe câu chuyện giữa tôi và Maurice và tôi nhận ra được là các em rất thích nghe những gì dính lứu đến sự tử tế, thân thiện cũng như sự đồng cảm. Điều này đưa tôi đến ý nghĩ là liệu sự tử tế và thân thiện có nên được giảng dạy trong trường học hay không.

Các môn như Toán, Khoa học, Văn chương được giảng dạy để mở rộng tầm hiểu biết cho con em chúng ta. Tuy vậy có môn học nào có thể làm giàu thêm sự hiểu biết bằng sự tử tế và thân thiện hay không? Tại sao chúng ta không bắt đầu giảng dạy cho các em học sinh về những “đức tính” của con người ngay từ tiểu học? Tại  sao lại không có môn học mang tên là “Tình nhân ái”?

Chúng ta có thể dạy cho các em “sự tử tế và thân thiện” giống như chúng ta dạy các em môn “đại số ” hay không?

Trong khi suy nghĩ sâu hơn về những điều kể trên, tôi đã làm quen được với viễn tượng gia, Andy Smallman.

 

Hình 2/ Tuổi trẻ và thiện nguyện

Andy là nhà giáo và cho đến nay đã hành nghề hơn hai chục năm, theo ông, ông không gọi công việc của ông là giảng dậy mà nhiệm vụ của ông chính là tạo điều kiện cho các học sinh của ông.

Ông là một trong những người đầu tiên, nói đúng hơn, ông là người đầu tiên giảng dạy về sự tử tế và thân thiện. Mục đích của ông không phải để giảng dậy về tình nhân ái mà là tạo ra một môi trường để cho tình nhân ái phát triển một cách tự nhiên.

Phương châm được nêu ra là: “Bản tính của con người là thiện. Những đức tính của con người đã bị lu mờ và bị cản trở vì ảnh hưởng bởi biết bao nhiêu yếu tố khác.”

Andy được sinh ra tại thành phố Omaha thuộc tiểu bang Nebraska. Khi ông lên mười, gia đình ông dọn về ở thành phố Seattle. Cha của ông làm đại diện trong nghành đồ ngọt, kẹo bánh, mẹ của ông hoạt đông rất đắc lực trong cộng đồng của khu vực.

“Bà là phó chủ tịch của hội PTA, một hiệp hội của các phụ huynh luôn giúp đỡ trong các trường học và thường xuyên hoạch định các dự án.” Andy kể lại. “Cha mẹ tôi thuộc về những người luôn luôn sẵn sàng có mặt khi ở đâu cần người giúp”

Những trải nghiệm mà Andy thu thập được trong suốt thời gian học hành đã làm cho Andy phải đặt lại vấn đề với lối giáo dục theo truyền thống. “Tôi có cảm giác là trường trung học không giúp tôi khám phá ra được tôi là ai”, ông nói. “Tôi nhận được điểm số nhưng không hề có được sự tự nhận thức.”

Trong năm học cuối cùng, ông làm thêm nhiều việc khác nhau như làm ca đêm trong tiệm sách, làm DJ trong một tỉnh nhỏ ở Alaska, nhân viên thống kê cho một tờ báo thể thao Daily Racing Form, kế đó, một cô bạn đã giới thiệu cho ông làm quen với tổ chức thiện nguyện Big Brother Big Sister.

Họ chia cho tôi bảo trợ một học sinh lớp ba mà cha của em không có thì giờ để kèm thêm cho em”, Andy nhớ lại. “Qua công việc này, tôi thấy là tôi thích làm việc với trẻ em, đó là một điều quá rõ ràng.”

Ông ghi tên học tại Evergreen State College, một trường đại học cấp tiến cách Seattle một tiếng lái xe. Ông hoàn thành việc học trong vòng ba năm, sau đó ông học tiếp để nhận bằng làm nhà giáo.

Mặc dù đã có đủ bằng cấp nhưng ông quyết định không muốn hành nghề dạy học.

“Theo quan điểm của tôi, việc dạy học chỉ có nghĩa là kiểm soát được các em học sinh để các em ngồi yên trong những lớp học được khép kín. Chính ra là phải để cho các em được bước ra để tiếp xúc với thế giới bên ngoài”, ông giải thích. “Cũng vì lý do đó mà tôi bắt đầu có những suy tư về việc thành lập một ngôi trường làm sao để thích hợp với thế kỷ thứ XXI này”

Ước mơ của ông đã thành sự thật sau khi ông lập gia đình với Melinda Shaw vào năm 1994 với việc thành lập trường Puget Sound Community School tại Seattle.

Việc thu nhận học sinh không đặt trên khả năng học giỏi. Khi học, không có bài kiểm và cũng không cho điểm“, ông giải thích. “Chúng tôi đặt trọng tâm là chính học sinh phải tự mình muốn tìm tòi, học hỏi, nhất là biết tận dụng tối đa khả năng của mình.”

Mười gia đình đã gởi con em đến học và trường được đăng ký như là một tổ chức công ích. Lúc ban đầu không có trường sở nhất định, phòng học ở bất cứ nơi nào mà trường được quyền xử dụng. Quan trọng hơn hết là học sinh phải đương đầu với những trạng huống có thật ở ngoài đời. Các giờ học chẳng hạn được tổ chức tại các phòng hội, tại nhà thờ hoặc tại viện dưỡng lão. Một trong những thử nghiệm đầu tiên của Andy về sự tử tế và thân thiện đã xảy ra tại một viện dưỡng lão.

“Chúng tôi để các học sinh mười hai tuổi và các cụ già tám chục tuổi gặp gỡ nhau và tạo cơ hội để mọi người cùng thực hiện những việc tốt đẹp”, Andy giải thích. Thỉnh thoảng Andy luân phiên cùng đi với bốn thiếu niên và bốn cụ già đến tiệm cà phê Starbucks. Họ trao tiền cho người giữ két để trả cho người khách hàng kế tiếp. Họ âm thầm quan sát người phụ nữ tiến tới quầy để trả tiền cà phê cho mình.

Đúng như đã định với nhau, cô thu tiền nói: “Bà là nạn nhân của một nghĩa cử nhân ái”

Người phụ nữ ngạc nhiên vài giây, đoạn mỉm cười và bước đi. Andy và cả nhóm đều tràn ngập niềm vui, sau đó ông viết. “Chúng tôi cảm thấy như gắn bó thật gần với nhau qua một nghĩa cử mà chúng tôi cho là có giá trị đáng quý.

Người già cảm thấy trẻ ra, người trẻ cảm thấy mình khôn ngoan hơn.”

Andy nhớ lại một trải nghiệm khác là một cô bán hoa đem tặng hoa cho các vị cao niên đi qua. Khi cô tặng hoa cho một vị thì vị ấy bỗng nhiên sửng sốt một hồi rồi kể cho Andy và các học sinh là trong suốt cuộc đời, ông chưa bao giờ được tặng hoa và rồi nước mắt chảy ràn rụa.

“Đối với các em học sinh thì đây là một kinh nghiệm tuyệt vời”, Andy nói.

Andy còn có những dự định lớn lao hơn về việc truyền bá sự tử tế, thân thiện trên thế giới. Chính Johnny, một trong mười một học sinh đầu tiên của Andy đã gợi ý cho ông.

Andy đã đem Johnny ra khỏi trường tư thục, nơi mà ông hành nghề trước khi thành lập trường của mình. Ông chỉ sợ là Johnny sẽ phải theo học tại một trường mà rồi em sẽ có cảm tưởng là mình có vấn đề không ổn. Tuy nhiên sự lo lắng của ông đã không có chỗ đứng vì Johnny được theo học một trường, nơi mà những ý tưởng độc đáo được phát triển.

Andy là một trong những nhà giáo đầu tiên trong nước đã tự học để xử dụng E-Mail. ” Đó là năm 1994 khi các trường còn lo ngại trong việc xử dụng Internet”, ông nói. “Chúng tôi có một vài tài khoản E-Mail mà chúng tôi có thể xử dụng. Chúng tôi tìm được một người ở Âu Châu có thể trả lời những thắc mắc của chúng tôi về Holocaust (việc huỷ diệt người Do Thái). Chúng tôi đưa ra câu hỏi và nhận được câu trả lời. Ngay từ thuở đó tôi đã nhìn thấy được là nhờ nối mạng mà có thể thực hiện một cách rộng rãi việc truyền bá những điều tốt lành cho nhân loại.

Andy tổ chức một khoá học rất được đề cao và độc nhất vô nhị về việc thực hành tình nhân ái. Với một danh sách điện thơ quốc tế nho nhỏ, ông mời mọi người tham dự một cuộc tranh luận về đức tính của con người trong mười tuần lễ. Mỗi tuần, khoá học này đã đưa các thành viên từ từ ra khỏi vùng yên ổn của họ, thúc đẩy họ làm bất cứ một điều gì tốt cho người quen, rồi cho người không quen và cuối cùng cho bất cứ ai đang có sự mâu thuẫn với họ

“Trong mười tuần lễ, mọi người đã ý thức được, khi chúng ta làm được điều tốt cho người khác tức là chúng ta đã làm điều tốt cho chính bản thân của mình”, Andy kể lại.

Với khoá học “Thực hành tình nhân ái” Andy đã gây được sự chú ý của giới truyền thông và của các đồng nghiệp của ông. Các nhà giáo gọi điện thoại cho ông để được biết thêm cách đem tình nhân ái vào chương trình giảng dạy cho học sinh của họ.

Để trả lời, tôi nói: “đừng bắt đầu nói liền về tình nhân ái mà hãy nói về sự biết ơn trước đã.”, ông giải thích. “Khi một đứa trẻ được những trải nghiệm về những việc tốt đẹp thì đứa trẻ đó sẽ nhận ra được những cơ hội để tự thực hiện những điều tốt đẹp.”

 



Hình 3/ Món quà nhân ái

Lý thuyết của Andy về việc tạo cơ hội để tình nhân ái được thực hiện có thể không phải là cách giáo dục hoàn hảo, tuy nhiên một trong những học sinh đầu tiên của ông là Johnny đã nhận được một kết quả khả quan.

Cậu bé với khuyết điểm về đọc và viết sai chính tả hiện thời đã tốt nghiệp đại học. “Em ấy làm việc với trẻ em bị bệnh tự kỷ ám thị và phụ giúp những gia đình có con cái bị tàn tật”, Andy kể lại một cách tự hào. “Tôi thường mời em ấy tới tham dự tại các trường để cùng bàn luận về những dự án về tình nhân ái, về những việc mà chúng tôi đã làm, về những điều mà chúng tôi đã đọc được. Tưởng chừng như chúng tôi đã trở thành những cố vấn cho vấn đề nhân ái của con người.”

Trong khoảng thời gian cùng chung như vậy, Andy chỉ dẫn cho Johnny một số điều, bù lại Johnny cũng cho Andy thấy một số kinh nghiệm của mình mà đến nay Andy vẫn còn áp dụng.

Tôi đã nhìn thấy, Johnny cũng như các em học sinh khác nắm được rất nhanh ý tưởng nên làm điều tốt cho người khác”, ông giải thích. “Vì thế mà tôi nhận được thật rõ là sự tử tế, thân thiện vốn là tính bản sinh của con người. Càng trẻ tuổi thì con người trở về với bản tính thiện của mình càng dễ dàng hơn.”

 

 

Hình 4/ Tuổi trẻ và thiện tính

 

Lê-Thân Hồng-Khanh

Chuyển sang Việt ngữ truyện ngắn “Der Vermittler” do

Marie Rahn dịch sang tiếng Đức từ nguyên bản tiếng Anh của Laura Schroff

 

 

***Ghi Chú: Cảm kích vì tấm tình của các em cựu học sinh TPH đối với Kim Quy, cô Hồng Khanh dịch câu truyện ngắn dưới đây để tặng các em, những người đã chia sẻ và quan tâm đến người bạn kém may mắn của mình.

Cô cũng hy vọng câu truyện này cũng gợi lại được lòng nhân ái, sự độ lượng đã có sẵn trong tất cả chúng ta.

Cô Hồng Khanh

Có 9 bình luận về ƯƠM MẦM NHÂN ÁI

  1. Trầm Hương Ptt nói:

    ” Nhân chi sơ, tính bổn thiện” Bài dịch của Hồng Khanh đã làm sáng tỏ vấn đề nầy ..

    Muốn có nhân ái, sự độ luợng, trong tim của con người t…thì… Giáo dục, ngôi trường chính là nơi ươm mầm cho cây nhân ái phát triển… Cám ơn những tấm lòng nhân ái của các em cựu h.s TPH, và tấm lòng cô Hồng Khanh khi bỏ thì giờ dịch truyện nầy ra tiếng Việt , giới thiệu trên trang nhà.

    • Chắc chắn bạn cũng như mình đều hãnh diện vì nghĩa cử của các em cựu học sinh TPH. Nếu chúng ta cùng sẵn sàng chia sẻ trong điều kiện chúng ta có thì nỗi đau và nỗi buồn của những bạn bè kém may mắn có thể vì đó mà giảm thiểu đi nhiều. Rất vui khi Lâm Kim Yến cho tin là tình trạng của Kim Quy có phần tốt hơn trước, phải chăng niềm vui vì có sự quan tâm và hổ trợ của bạn bè đã làm cho Kim Quy lên tinh thần.

      Thăm bạn, anh Thượng cùng gia đình.

       

  2. Phong Tâm nói:

    Thật tâm đắc qua truyện dịch của cô Lê Thân Hồng Khanh, cám ơn cô đã quan tâm đến những điều đang diễn ra vô cùng nhức nhối nầy.

    Giáo dục nhân cách trong nhà trường hiện nay của một số Quốc Gia trong đó có Ta, đang là một lỗ hổng lớn. Hướng đức tính tốt cho con em chúng ta, không chỉ ở bậc Tiểu Học, mà từ lớp Mẫu Giáo khi các em mới làm quen với môi trường cộng đồng. Không chỉ truyền thụ kiến thức lòng nhân ái đến trẻ từ trên bục giảng, nhà giử trẻ, mà rất cần hướng dẫn từ thực tế trong cuộc sống gần gũi nhất cạnh các em để tạo ra một ý thức lành mạnh, thói quen nếp sống tể tế, lòng nhân ái. Và, chính thầy cô của các em cũng cần quên “Cái Tôi” nếu có, nó làm mờ đi cái gương sáng để các em nhìn.

    • Cám ơn anh Phong Tâm đã để thì giờ đọc truyện ngắn “Ươm mầm nhân ái” và cũng cùng chung ưu tư với chúng tôi về vấn đề nhân ái và đạo đức của cả thày lẫn trò tại quê hương chúng ta ngày nay. Thật đáng buồn khi không mấy ai còn để ý đến việc “tiên học lễ, hậu học văn” như ngày xưa lúc chúng tôi còn cắp sách đến trường hoặc đứng trên bục giảng.

      Nơi nào để cho vật chất và tiền bạc ngự trị thì nơi đó luân lý, đạo đức sẽ cắp nón ra đi, nhất là tình nhân ái sẽ là một món hàng hiếm có. Việc ươm mầm nhân ái nơi trẻ em là một điều cần thiết và đúng như anh đề cập không chờ tới bậc tiểu học mà phải huấn luyện ngay khi các em mới bước vào mẫu giáo.

  3. My Nguyen nói:

    Cô ơi! Câu chuyện thật hay, ý nghĩa vô cùng sâu sắc… Việc hình thành nhân cách cho học sinh trong nhà trường là điều tối cần thiết để hình thành nên nhân cách một con người hữu dụng. Thầy giáo Andy, một người thầy với tấm lòng nhân ái, bao dung… đã bao năm dìu dắt từng thế hệ học sinh. Liên tưởng đến chúng em, những thân tình gắn bó hôm nay đã được hình thành từ nhà trường, đặc biệt là từ cái nôi TPH. Quý Thầy Cô đã truyền đạt cho chúng em những tinh hoa đạo đức, lòng nhân ái, nhân cách sống… của con người. Em rất tâm đắc câu nói của Cô: “Nơi nào có tình nhân ái, có đức từ bi, có lòng bao dung ngự trị thì nơi đó sẽ là một góc  nhỏ Địa đàng…” Em xin cảm ơn Cô về bài dịch rất hay này. Kính chúc Thầy Cô luôn khỏe.

  4. Hoành Châu nói:

    Cô Hồng Khanh  kính ,
    Bài dịch hay , nội dung đầy ý nghĩa , cảm ơn cô nhiều  . Chúc cô thầy vui khỏe , cho em kính chuyển lời thăm sức khỏe  Bà ,cô nhé .
    Em Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C  )

  5. Phan Lương nói:

    Cô kính yêu

    Câu chuyện dịch Ươm Mầm Nhân Ái  của Cô thật hay và ý nghĩa vô cùng. Nếu trong xã hội ngày nay tấm lòng nhân ái và lòng yêu thương giữa người và người đầy ắp chắc hẳn cuộc sống sẽ yên bình lắm Cô nhỉ?

    Bây giờ hằng ngày trên tivi những câu chuyện cảnh giác lạm dụng tấm lòng nhân ái của con người để cướp đoạt , trấn lột tài sản xảy ra rất nhiều. Khiến cho con người ngày càng vô cảm và tấm lòng nhân ái gần như mai một đi Cô à.

    Câu chuyện như thế này:

    Trên đường một em bé (hoặc một bà lão già nua) bị té ngã. Một người đang chạy xe trên đường có tấm lòng nhân ái dừng xe và bước xuống đở em bé ( bà lão ) lên thì có 2 người chạy xe tới , một người phóng xuống nhào lên xe của người có lòng nhân ái và lên ga chạy  vọt đi và xớt theo em bé (bà lão)chạy mất. Người có tấm lòng nhân ái bị mất tong chiếc xe và của cải còn trên xe.

    Buồn thay cô nhỉ ?

  6. Cùng các em Hoành Châu, My Nguyen và Phan Lương,

    Cô gởi lời thăm các em, cám ơn các em đã cùng cảm thông trong việc ươm mầm và

    đề cao tình nhân ái. Tiếc thay trong xã hội nào cũng vậy, ngay như tại những quốc gia tân tiến, giàu có cũng có những thành phần xấu, lợi dụng tình nhân ái để làm chuyện lừa đảo, bất lương. Cũng vì thế mà trong truyện cũng có đề cập là “Đức tính của con người đã bị lu mờ và bị cản trở vì bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác”.

    Cám ơn Hoành Châu đã hỏi thăm. Cô sẽ chuyển lời đến Bà, tuy nhiên chắc chắn Bà đã đọc lời thăm hỏi của em vì mỗi ngày Bà đều vào đọc trang nhà và sẽ vui lắm.

     

  7. Lâm Kim Yến nói:

    Cô Hồng Khanh kính thương! Em cảm ơn cô đã cho em đọc bài Ươm mầm nhân ái. Thật cảm động làm sao trước tình thương của cô người MỸ. Em thường hay bắt gặp hình ảnh cô ấy trên mạng với đứa bé da đen gầy còm yếu ớt và cô ấy đã cho em uống sữa rồi đem về chăm sóc, qua một thời gian thì bé mập mạp rất dễ thương. Em rất ngưỡng mộ cô người Mỹ đó và ước gì mỗi ngày có thật nhiều tấm lòng nhân ái như vậy, để cho những con người thiếu may mắn được yêu thương và hạnh phúc. Chúc cô cùng với gia đình luôn sống vui , sống khỏe , bình an.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác