NÊN GOI QUAN ÂM HAY QUÁN ÂM

Ngày đăng: 22/04/2018 03:50:36 Sáng/ ý kiến phản hồi (5)

Những năm gần đây, hầu như tất cả các chùa chiền, tăng ni, cư sĩ, Phật tử … kể cả trong nước lẫn ngoài nước, đều có thói quen gọi Quan Thế Âm Bồ Tát thành Quán (có dấu sắc) Thế Âm Bồ Tát ?!

Mới nghe một hai lần đầu, tôi cứ ngỡ là người ta đọc sai, đọc lộn âm, nhưng chẳng những tín đồ Phật tử, cư sĩ tăng ni mà ngay cả các Tỳ kheo đại đức, thượng tọa, cao tăng khi tụng kinh hay đăng đàn thuyết giảng, hễ có dịp nhắc đến Quan Âm Bồ Tát thì đều đọc là Quán Âm Bồ Tát cả !


Tôi vô cùng ngạc nhiên, ngạc nhiên hết sức… Không biết tại sao Phật hiệu Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quan Thế Âm bồ tát nghe hiền hòa là thế, từ bi là thế, êm tai là thế, bỗng dưng lại bị bỏ thêm cái dấu Sắc vô duyên nghe chói tai muốn chết ! Ấy thế, mà tại sao mọi người đều nghe theo và đọc theo cái Phật hiệu chói tai có dấu sắc kia ?!

Theo “Chữ Nho…Dễ Học” thì chữ Quan 觀 là chữ thuộc dạng hình thanh theo diễn tiến của chữ viết như sau :

Chung Đỉnh Văn            Đại Triện                Tiểu Triện                  Lệ Thư

Ta thấy :
Từ Chung đình văn cho đến Đại triện, Tiểu triện diễn tiến cho đến Lệ thư đều do chữ QUÁN 雚 (một loại Lát để dệt chiếu, đệm) dùng làm ÂM kết hợp với Bộ KIẾN 見 là thấy, là Gặp để chỉ Ý đúng theo phép tạo chữ của HÀI THANH (còn gọi là HÌNH THANH). Nên chữ 觀 được đọc là :

* QUAN thì có nghĩa là Nhìn ngắm, xem xét, như Tham quan 參觀, Quan sát 觀察… là Cách nhìn, như Quan niệm 觀念, Quan điểm 觀點…

Nếu đọc là :
* QUÁN thì có nghĩa là Cái chùa của các đạo sĩ ở và tu, như Bạch Vân Quán 白雲觀, Tử Dương Quán 紫陽觀…

Nhưng để truy nguyên tìm hiểu nguyên nhân của cái “dấu sắc” vô duyên kia, tôi còn tìm lật các tự điển.  À, thì ra chữ QUAN 觀  là xem xét còn được đọc là QUÁN với nghĩa Xét thấu theo các tài liệu sau đây (chỉ trích những phần có liên quan) :

* Từ điển Hán Nôm :

QUAN 觀 là…
– xem, quan sát.
1. (Động) Xem xét, thẩm thị, Ngắm nhìn, thưởng thức.
2. (Danh) Cảnh tượng, quang cảnh, cách nhìn, quan điểm, quan niệm.
3. Một âm là “Quán”. (Động) Xét thấu, nghĩ thấu. ◇Bát-nhã ba-la mật-đa tâm kinh 般若波羅密多心經: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” 觀自在菩薩行深般若波羅蜜多時, 照見五蘊皆空度一切苦厄 Bồ Tát Quán Tự Tại, khi tiến sâu vào Tuệ Giác Siêu Việt, nhận chân ra năm hợp thể đều là (tự tánh) Không, liền độ thoát mọi khổ ách.

* Từ điển Thiều Chửu :
Giải thích âm QUÁN như sau :
QUÁN : là xét thấu, nghĩ kĩ thấu tới đạo chính gọi là quán. Như Chỉ Quán 止觀 yên định rồi xét thấu chân tâm, như Kinh Dịch 易經 nói Quán ngã sinh vô cữu 觀我生無咎 xét thấu cái nghĩa vụ của đời ta mới không mắc vào tội lỗi. Đạo Phật có phép tu dùng tai mà xem xét cõi lòng, trừ tiệt cái mầm ác trở nên bậc Vô thượng, nên gọi là phép quán 觀. Như Quan âm bồ tát 觀音菩薩, vì ngài tu bằng phép này, sáu căn dùng lẫn với nhau được, mắt có thể nghe được, nên gọi là Quán thế âm 觀世音.

À, thì ra QUAN 觀 là Xem Xét, là Nhìn Ngắm… Nếu đọc là QUÁN thì có nghĩa là Xét Thấu, Nghĩ Thấu… Nhưng suy cho cùng thì Xét Thấu Nghĩ Thấu đều là nghĩa phát sinh của Xem Xét Nhìn Ngắm ra mà thôi ! Và QUÁN còn là một phép tu tập về lục căn như có thể dùng tai để nhìn và dùng mắt để nghe được… Như trong “Bát-nhã ba-la mật-đa tâm kinh 般若波羅密多心經 “..vv.. và..vv…  Nhưng,
Ở đây tôi không nói về phép tu tập (Vì tôi có biết gì đâu mà nói ), tôi chỉ thắc mắc, ray rức không hiểu vì sao một Phật hiệu của một Bồ Tát khả kính đọc lên nghe êm ái nhẹ nhàng là Quan Thế Âm Bồ Tát lại bị ai đó hô hào rồi thô bạo thêm dấu sắc vào thành Quán thế Âm nghe thật trúc trắc chói tai. Nếu bảo là gọi cho đúng cái con đường tu tập của Bồ Tát thì càng sai hơn, vì Phật hiệu là cái tên gọi, còn con đường tu tập là cái việc làm. Hơn nữa cái Phật hiệu đại từ đại bi Cứu khổ Cứu nạn QUAN THẾ ÂM Bồ Tát mà mọi người còn gọi một cách thân mật gần gũi với cuộc sống hơn là Mẹ hiền Quan Âm đã có từ hơn một ngàn năm trăm năm nay, từ thời Bắc Chu của Nam Bắc Triều ( 420-589 ) đời vua Diệu Trang Vương với Quan Âm Diệu Thiện và trên hai trăm năm với truyện nôm Quan Âm Thị Kính của ta dưới triều nhà Nguyễn (1802—). Phật hiệu Quan Âm Bồ tát đã đi sâu vào lòng quần chúng nhân dân, đã ăn sâu vào tâm khảm của muôn vạn tín đồ Phật tử, thì tại sao lại phải vì một lý do nào đó mà thêm vào “dấu sắc” cho trúc trắc khó đọc và nghe không êm ái chút nào cả !

Xin được lạm bàn về Phật hiệu QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT. Như các Từ điển nêu trên…        QUAN 觀 là Quan sát, là Xem xét. THẾ 世 là Thế giới, là Cuộc đời nầy. ÂM 音 là Âm tín, Âm hao. Vậy thì…
QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT 觀世音菩薩 là vị Bồ Tát quan sát xem xét hết những âm tín âm hao của cuộc đời nầy, của cả thế giới nầy, để cứu khổ cứu nạn với tấm lòng đại từ đại bi của mình cho tất cả chúng sinh. Vì thế mà ta thường nghe mọi người niệm câu ” Nam mô Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát ” với một tấm lòng thuần thành và lắng lòng với Mẹ hiền QUAN ÂM nhẹ nhàng êm ái. Nhưng nếu đọc là QUÁN ÂM thì vừa khó nghe, vừa chói tai lại vừa có vẻ bá đạo nữa, vì …

Âm QUÁN dễ làm cho người ta liên tưởng và hiểu lầm thành…
* QUÁN 冠 : là Bao trùm, Phủ trùm, như từ Quán Quân 冠軍 là Bao trùm cả Tam quân, là Hạng Nhất. Ngày xưa chỉ có những cuộc thi đua so tài trong quân đội, nên từ Quán quân là Hạng Nhất được sử dụng thông dụng cho đến hiện nay. Nếu hiểu nhầm QUÁN THẾ ÂM là chữ QUÁN 冠 nầy, thì QUÁN THẾ 冠世 có nghĩa là Bao trùm cả thế giới, là Hạng Nhất ở trên đời nầy ! Nên tôi nói có vẻ Bá Đạo là thế, không thích hợp với Mẹ Hiền Quan Âm chút nào cả ! Còn như hiểu nghĩa…

* QUÁN 貫 là Quán Triệt 貫徹, Quán Xuyến 貫穿, là Xuyên suốt, thì QUÁN THẾ 貫世 là Xuyên suốt lo toan cho cả thế giới, nên có vẻ ôm đồm hết mọi việc của người đời. Mẹ Hiền Quan Âm chỉ Cứu khổ cứu nạn để giúp cho con người thoát khỏi bể khổ bến mê, chớ không phải ôm đồm làm hết mọi việc cho người đời. Còn nếu phát âm theo dân Nam Kỳ Lục Tỉnh chúng tôi không phân bịêt có “g” hay không “g” mà đọc là QUÁNG thành QUÁNG ÂM thì lại càng tội lỗi hơn ! Cho nên…

Thiết nghĩ, Quan Thế Âm bồ tát là tên gọi của Phật Bà Quan Âm đã hơn ngàn năm nay, đã thành tập quán ngôn ngữ là thói quen của tiếng nói, đã ăn sâu vào tâm thức của mọi người kể cả những người không phải là tín đồ Phật Giáo thuần túy như tôi, nhưng trong đời sống ở làng quê thôn xóm với ngôi chùa ở đầu thôn hay cuối làng, mọi người đã quen rồi với từ Quan Âm Bồ Tát, nay bỗng dưng lại đổi thành Quán Âm Bồ Tát; mẹ hiền Quan Âm thành mẹ hiền Quán Âm, nghe chua xót và ngỡ ngàng làm sao ấy ! Đã là thói quen của tập quán ngôn ngữ, sao ta không duy trì giữ nguyên mà lại thay đổi một cách không cần thiết như thế ? Vì mọi người, mọi tín đồ bình dân đâu cần biết đến cái phép tu tập, cái lối tu tập hay cái con đường tu tập của các bậc cao tăng chính giác mà chi, họ chỉ biết Quan Âm Bồ Tát là Mẹ hiền Quan Âm cứu khổ cứu nạn mà thôi !

Nhớ…
Khoảng giữa năm 1994, dân Sài Gòn đọc được một bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng của Giáo sư Lương Duy Thứ, Trưởng khoa Trung của Đại học Tổng Hợp vừa chuyển sang thành Đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn (Vốn là Đại Học Văn Khoa Sài Gòn cũ), nội dung bài báo đề cập đến việc nên dùng từ “CHÚNG CƯ 眾居” thay thế cho từ ” CHUNG CƯ ” với lý do chung cư là từ kép được thành lập theo văn phạm Hán Việt, vì tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ Chung 終 Hán Việt không có nghĩa là Chung chạ mà có nghĩa là Cuối cùng. Nên Chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ Chung cư 終居 thành Chúng cư 衆居 thì mới ổn.Vì chúng 衆 là Quần Chúng 群眾, nên chúng cư 衆居 mới là nơi nhiều người cùng ở chung. Sau đó, các báo, đài đều hưởng ứng dùng từ CHÚNG CƯ thay thế cho CHUNG CƯ, nhưng , chỉ một thời gian sau và mãi cho đến hiện nay, đã hơn 20 năm qua , thì… đâu vẫn hoàn đấy ! Tập thể quần chúng nói tiếng Việt vẫn thích dùng từ Chung cư hơn là Chúng cư ! Tại sao ? Vì Chung cư là từ viết tắt của nhóm từ 4 chữ “CÙNG CHUNG CƯ NGỤ”, hơn nữa từ Chúng cư nghe nó chỏi cái lổ tai làm sao ấy !. Nên, trước mắt tất cả báo đài đều quảng cáo cho các chung cư cao cấp, chớ không phải Chúng cư nữa, như chung cư cao cấp Phú Mỹ Hưng chẳng hạn !                 Trở lại với Phật hiệu QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT, thiết nghĩ giới Phật tử quần chúng bình dân đã quen miệng với các cách gọi thân thương là :
– Quan Âm Bồ Tát,
– Phật Bà Quan Âm,
– Mẹ Hiền Quan Âm….
đã thành một Tập Quán Ngôn Ngữ rồi, nếu bây giờ phải gọi Bà Quan Âm là Bà Quán Âm thì nghe rất chướng tai và… không giống ai cả ! Nên, theo thiển ý thì…
Khi tu tập hay khi nghiên cứu về giáo lý cao siêu của Phật Giáo thông qua các phép, các cách hay các con đường tu tập thì qúy Tỳ Kheo, đại đức, thượng tọa hay hòa thượng … muốn gọi sao thì gọi, nhưng khi thuyết giảng giáo pháp trước quần chúng nhân dân thì nên giữ theo lối gọi truyền thống trước đây là Quan Thế Âm Bồ Tát, chứ đừng cho máy phóng thanh cứ oang oang là ” Quán Thế Âm Bồ Tát ” như chọc vào tai của muôn vạn người nghe một cách bá đạo và khó chịu vô cùng !

Trên đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân của người viết thông qua những phản ánh của bạn bè thân hữu chung quanh, xin chân thành gởi đến các vị chức sắc trong Giáo Hội Phật Giáo và quảng đại thiện nam tín nữ trong và ngoài nước để cùng nhau trao đổi và góp ý về tên gọi của một vị Bồ Tát rất gần gũi thân thương với tất cả chúng sinh còn chìm đắm trong biển khổ !

Nam mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát ma ha tát !

 

Đỗ Chiêu Đức

 

Có 5 bình luận về NÊN GOI QUAN ÂM HAY QUÁN ÂM

  1. Phong Tâm nói:

    Đoc bài viết “NÊN GỌI QUAN ÂM HAY QUÁN ÂM” của “Ông Đồ” Đỗ Chiêu Đức (theo cách gọi thân mật các bạn thân của Anh). Bài viết thật lý thú, bởi có “nói xuôi, nghe ngược” mới sáng ra quan điểm của từng người, cũng là để mở rộng thêm kiến thức. Điều nầy tôi rất tâm đắc vì được hiểu biết thêm những cần thiết. Tuy nhiên, đối với tôi thú thật rất dốt về Phật học, cả chữ nghĩa Hán học nên cứ hiểu một cách nông cạn theo ý mình: “Phật Giáo chính thống” chỉ có Đức Thích Ca nhập thế, ngoài ra không dám lạm bàn thêm. Tôi xin gởi tặng bạn đọc trang nhà bài thơ của nhà thơ Bằng Việt, đăng trên Tạp chí THƠ của Hội Nhà Văn Việt Nam, số 9 & 10 – 2017, trang 111:

    Đệ nhất tổ phái Trúc Lâm giảng Thiền (1)

    Một vị tăng hỏi bậc chân tu: “Bạch thầy thế nào là Phật?”

    Người đáp: “chấp theo lối cũ là không đúng!”

    Lại hỏi: “Thế nào là Pháp?”

    Người đáp: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”

    Hỏi tiếp: “Vậy thế nào là Tăng?”

    Người phủi tay, cười: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”

    *

    Bảy trăm năm sau, tôi hành hương lên Yên Tử

    Đêm – nằm mơ thấy Phật.

    Nhớ chuyện xưa, bèn hỏi: “Bạch Thầy, việc đời thế nào là đúng?”

    Người ngậm ngùi: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”

    Lại hỏi: “Thế nào là hạnh phúc trần ai?”

    Người bèn cười to: Chấp theo lối cũ là không đúng!”

    Hỏi tiếp: Vậy thế nào là thơ?”

    Người lại phủi tay:”Chấp theo lối cũ là không đúng!”

    Bằng Việt – (2008)

    ————————–

    (1) Đức Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308, vị vua anh minh và thông tuệ bậc nhất triều Trần, hai lần lãnh đạo toàn dân ta đánh thắng giặc Nguyên – Mông, sau đi tu, sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, mà Người được tôn vinh là Vị Tổ thứ Nhất. Giai thoại trên đây về việc người trả lời và giải thích cho các môn đệ về Phật, Pháp, Tăng, đã được chép lại nguyên văn như vậy trong sách của môn phái Trúc Lâm.

     

     

     

     

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cảm ơn tác giả nhiều, tôi cũng đồng ý với tác giả : niệm Quan Thế Âm Bồ Tát , và quen miệng gọi : chung cư.

  3. Quách Đào nói:

    Xin cám ơn tác giả Đỗ Chiêu Đức đã có một bài viết công phu. Tuy nhiên tôi xin góp thêm, theo thiển ý,

    Giống như trường hợp chung cư và chúng cư. Chúng cư là từ đúng nhưng chúng ta đã quen dùng chung cư, rồi từ đó, chúng cư nghe lạ tai, không êm. Cuối cùng chung cư chúng cư đều đúng cả. Ai thích gì dùng nấy. Miễn mọi người hiểu thôi.

    Quan Thế Âm cũng vậy. Tiếng gốc từ Phạn văn là Avalokitesvara, có nghĩa là: đấng quán chiếu âm thanh thế gian (wiki)

    Thành ra “ Quán Thế Âm “ là từ gốc, không có ai thêm dấu sắc vào chữ Quan cả.

    Quan Thế Âm hoặc Quán Thế Âm, nói ra thì ai cũng biết đang nói tới một bồ tát đại từ đại bi.

    Vài dòng lạm bàn góp vui. Kính chúc anh Đỗ Chiêu Đức vui khỏe.

  4. Hoành Châu nói:

    Hoành Châu đã biết  cụm từ ” Quán Thế Âm  ” lâu lắm rồi.  ngày xưa khoảng năm 1973,  HC  có mua  tập thơ Đạo Ca  ( xuất bản 1972 ) của  nhạc sĩ Phạm Duy, chỉ vì  trong đó có bài Quán Thế Âm, lời thơ của Phạm Thiên Thư rất hay , NS Phạm Duy phổ nhạc  bài này, nó đã  trở thành bài nhạc thơ  yêu thích của mình từ ngày ấy. Sau này  ta thấy  trong làng nhạc Phật giáo có thêm bài Mẹ hiền Quán Thế Âm ~ thơ của Linda  và Võ T,H  phổ nhạc, nên khi Tác giả Đỗ Chiêu Đức đặt vấn đề , HC thấy rất bình thường, không đáng ngạc nhiên đâu. Rất tán thành phản hồi của Quách Đào !!  Dù sao cũng cảm ơn bài viết khá   công phu của tác giả .  Kính  mến
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C  )

  5. Chiêu Đức nói:

    Kính gởi các bạn :
    Phong Tâm, Nguyễn Thị Hạnh, Quách Đào và Hoành Châu.

    Trước tiên xin được gởi đến các bạn lời cám ơn chân thành của Đỗ Chiêu Đức, CÁM ƠN các bạn đã chịu khó đọc bài và cho ý kiến phản hồi.

    Có một điều mà ĐCĐ tôi cần nói rõ hơn ở đây để mọi người khỏi hiểu lầm là : Không có chuyện ĐÚNG hay SAI khi nhắc đến các từ CHUNG CƯ hay CHÚNG CƯ, cũng như QUAN ÂM hay QUÁN ÂM, vì :

    * CHUNG CƯ : là từ viết gọn lại của nhóm từ CÙNG CHUNG CƯ NGỤ, nên CHUNG CƯ là từ thuần Nôm (chữ CƯ NGỤ đã đuợc Việt hóa vì khi nói ra ai cũng hiểu nghĩa là “Ở”, mà không cần phải giải thích nữa).
    * CHÚNG CƯ 眾居 : là từ Hán Việt của người Việt (vì người Hoa không có sử dụng từ nầy)
    Được ghép bởi những người giỏi Việt Hán, muốn nói cho đúng cách nói của Chữ Nho là : Tính từ phải đứng trước Danh từ. Nhưng cách nói nầy không hợp với TẬP QUÁN (thói quen) của người Việt nói tiếng Việt.

    * QUAN ÂM 觀音 : là tên gọi gọn của Quan Thế Âm Bồ Tát 觀世音菩薩, đã được hầu hết quần chúng nhân dân từ thành đến tỉnh, từ chợ búa đến nông thôn quen miệng gọi cả ngàn năm nay rồi.
    * QUÁN ÂM 觀音 : Cũng là Quán Thế Âm Bồ Tát 觀世音菩薩. Như bạn Quách Đào đã nói : ” Tiếng gốc từ Phạn văn là Avalokitesvara, có nghĩa là: đấng quán chiếu âm thanh thế gian (wiki)” Nhưng ” Quán chiếu âm thanh” là do nhóm từ “Quan chiếu thanh âm 觀照聲音” mà ra. Vì chữ 觀 đọc được 2 âm QUAN và QUÁN như trong bài tôi đã viết.

          Nhưng…

    Bài viết của tôi chỉ yêu cầu là khi phát loa hay nói trước quảng đại quần chúng thì nên dùng Phật hiệu QUAN ÂM theo truyền thống của tập quán bấy lâu nay, còn khi nghiên cứu về Phật pháp hay đường lối tu tập hoặc sáng tác thơ nhạc… ai muốn gọi là QUÁN ÂM thì cứ gọi, hỏng sao cả !
    Trên đây chỉ là những lời THANH MINH để nói rõ, chớ không phải để tranh luận. Mong các bạn hiểu cho !
    ” Không có ĐÚNG, SAI ở đây, chỉ có TẬP QUÁN NGÔN NGỮ là thói quen tiếng nói của quảng đại quần chúng nhân dân mà thôi !”

    Đỗ Chiêu Đức

Trả lời Phong Tâm Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác