Xuân xưa

Ngày đăng: 2/02/2018 08:23:31 Sáng/ ý kiến phản hồi (3)

Sáng nay, chạy xe trên đường nắng sớm vẫn còn se lạnh, không gian như bàng bạc hơi sương. Hai hàng cỏ ven đường bung nở những cánh hoa tóc tiên là tôi biết mùa xuân đang về. Nghe như trong từng cơn gió những nốt nhạc du dương khẽ rung trong hồn. Trên con đường tôi đi, rộn rã tiếng cười, mọi người đưa con đi sắm Tết, những cặp tình nhân dạo gót trên phố hoa. Ngày xuân len lỏi trong từng mái nhà.

Ngày xưa ông bà ta thường nói “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, đây là lúc nhà nông thảnh thơi với việc đồng áng. Mọi người nô nức trẩy hội, các thi nhân nhàn tản du xuân, Nguyễn Bính từng miêu tả:
Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng.

Với Hàn Mặc Tử thì
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan, 
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng. 
Sột soạt gió trêu tà áo biếc, 
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang. 
(Mùa xuân Chín)

Trong không gian ngập tràn sắc xuân ấy, là những trò vui ngày Tết, đánh loto hát bài chòi, chơi đập niêu, kéo co, nhảy sạp, đánh đu và không thể thiếu những chiếu bài vui như Bầu Cua Tôm Cá, chơi bài tứ sắc, bài Cào, xì lát ăn tiền hay quẹt lọ nồi. Một trong những bài thơ tôi yêu thích nói về thú chơi bài ngày Tết là bài thơ “Cây Tam Cúc” của Hoàng Cầm miêu tả thú vui của các gia đình nông thôn Miền Bắc thật nên thơ, với ổ rơm thơm mùi rạ mới làm chiếu bài, chị em quây quần, làm nhớ cảnh thanh bình dung dị nơi thôn dã.

Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em.
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì.
Đứa được
Chinh chuyền xủng xoẻng
Đứa thua
Đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em.
Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi.

Bài thơ chơi bài Tam Cúc ngày xuân, nhưng đọc lên lại mang một âm hưởng buồn. Người đọc như thấy được tình yêu ngây thơ trẻ con của cậu bé với người chị láng giềng bên nhà, câu thơ “Em đừng lớn nữa Chị đừng đi”như một ước mơ không bao giờ thành hiện thực.

Ở Miền Trung, tôi không biết chơi bài Tam Cúc, những ngày Tết tôi vẫn nhớ buổi tối mấy chị em ngồi bên cổ bài chơi xì lát, bài Cào, ai thua bị quét lọ nồi, lũ chúng tôi cười nghiêng ngả với những chú hề vẽ mặt. Hình ảnh ngày xuân bên chiếu bài vẫn luôn gợi nhiều kỷ niệm khó quên. Có ai trong cuộc đời, không một lần cầm trên tay con bài chơi ngày Tết.

Ngày xuân cũng không thể thiếu những câu đối Tết, cụ đồ thảo chữ trên chiếu hoa, tôi vẫn thuộc lòng bài “ Ông Đồ” của Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở 
Lại thấy ông đồ già 
Bày mực tàu, giấy đỏ 
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết 
Tấm tắc ngợi khen tài 
Hoa tay thảo những nét 
Như phượng múa, rồng bay

Thời Nho học đã qua, hình ảnh ông Đồ thảo chữ Hán không còn nữa. Nhưng ngày nay, với tinh thần hoài cổ nhiều người vẫn thích treo trong nhà câu đối Tết bằng chữ Quốc ngữ được phóng bút theo kiểu xưa. Hình ảnh cụ Đồ viết chữ ngày xuân được thay bằng hình ảnh các sinh viên khoa Ngữ Văn viết thư pháp bằng tiếng Việt theo lối chữ rông, với những câu thơ mà họ yêu thích.

Nói đến câu đối ngày Tết, không thể không nhớ đến giai thoại chuyện tình của Bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương với Tổng Kình người làng Tứ Xá, khi nhỏ tên Cóc, nên dân làng gọi ông là Tổng Cóc. Thân phụ Hồ Xuân Hương là cụ Đồ Xứ, Tổng Cóc và một số chàng trai khác chiều 30 Tết mang quà biếu tết cụ Đồ, tinh nghịch nàng đưa ra câu đối:
“Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới”
Tổng Cóc đối lại:
“Sáng mồng một mở then tạo hóa để cho thiếu nữ rước xuân vào”
Cụ Đồ Xứ khen hay, phải chăng vì mến tài chàng Tổng có khiếu văn chương nên Xuân Hương sau này bằng lòng làm thứ thiếp của ông.

Quang cảnh lễ hội mùa Xuân, cũng được các văn nhân đưa vào thi ca. Nổi tiếng là bài thơ “Đánh Đu” của Hồ Xuân Hương. Bà vẽ lại bức tranh quê sống động của các nam thanh nữ tú trong ngày Tết. Khi chàng trai nhấn đu cô gái trong tư thế tay nắm chặt, chân duỗi thẳng cho dễ bay bổng. Khi độ cao giảm đến lượt cô gái nhún đẩy, chàng trai lại chờ đón, cứ thế cả hai phối hợp nhịp nhàng, vừa khoe nét đẹp tươi khỏe của chàng trai, vừa lộ rỏ vẻ mềm mại đáng yêu của cô gái, trong tiếng vỗ tay rần rật cười giòn của người xem phụ họa. Hình ảnh chiếc đu bay trên trời xanh, phấp phới tà áo thiếu nữ thật đẹp. Nét bút của nữ sĩ Xuân Hương bao giờ cũng dí dỏm, giàu hình ảnh liên tưởng, đậm chất phồn thực:
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
Hai hàng châu ngọc duỗi song song

Trò chơi “đánh đu” ngày xưa đã lùi vào quá khứ. Trong thời đại kỹ thuật số, người trẻ hôm nay phần lớn thích lao mình vào các game, làm bạn với máy tính, con người càng thu mình trong thế giới cô độc, không có được niềm vui như tuổi trẻ ngày xưa với những trò chơi mang tính cộng đồng, giúp trẻ học cách giao tiếp, sống thân thiện vui vẻ, hòa ái trong các trò chơi đánh đáo, đánh bi, đánh quay, chơi ô ăn quan, kéo co, nhảy lò cò… trong mảnh sân vườn lộng gió, rộn rã tiếng cười.
Thời gian trôi qua, mỗi khi Xuân về tôi không còn náo nức trông đợi như những ngày thơ ấu. Cái háo hức của đứa trẻ mong ngóng Tết về để được tiền lì xì, được nghỉ học vui chơi cùng lũ bạn cứ mỗi năm mỗi lụi tàn, làm sao tìm được những vô tư hồn nhiên xưa khi ba ngày Tết trôi qua là đã nuối tiếc, và bắt đầu nhẩm tính từng ngày cho cái Tết năm sau.
Càng lớn, tôi càng thấu hiểu vì sao Chế Lan Viên đã từng ao ước:
Ai đâu trở lại mùa thu trước 
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng? 
Với của hoa tươi, muôn cánh rã, 
Về đây đem chắn nẻo xuân sang!

Sáng nay, xuân về trên từng con phố, năm nay trời trở lạnh, rét buốt theo từng cơn gió nhưng không ngăn nổi dòng người đang đi chợ Tết, bên than bếp hồng mùi mứt gừng, mứt dẻo, mùi bánh thuẩn thơm ngát cô hàng xén đon đả mời.

Sắc xuân tràn mọi nẻo.
Trước hiên nhà, tiếng Phong Linh đêm nay khẽ rung những nốt nhạc trầm bling… bling… bling…

Ban Mai

1/2/2018

 

Có 3 bình luận về Xuân xưa

  1. Huong cau nói:

    Bài viết rất hay, mỗi năm tết về, tôi thường ngâm nga bài ông Đồ già để nghĩ mọi việc đều có thể bị chôn vùi, mọi việc đều vô thường-

    Những người muôn năm cũ

    Hồn ở đâu bây giờ?

    Duy chỉ có một từ ngữ tôi không hiểu, được đọc từ ngữ này ở rất nhiều bài báo về tin tức, không biết hỏi ai, hỏi bạn bè cùng lứa tuổi thì họ lắc đầu, nói, họ cũng không hiểu từ ngữ này có nghĩa là gì, đó là từ ngữ ” phồn thực”.

  2. Phong Tâm nói:

    Trước khi được tác giả bài viết “Xuân xưa” giải thích đầy đủ, xin mạn phép được “ăn hớt” giải tỏa một phần nào thắc mắc của Hương Cau (sơ lược thôi).

    Đại khái của ý nghĩa “phồn thực”, theo nông nghiệp: Cầu cho mưa thuận gió hòa.

    Phồn, có nghĩa là: nhiều, nẩy nở, phì nhiêu, phồn vinh… Thực, (giống như ăn), no đủ, cương thịnh, phát triển, nhịp nhàng…/ Phồn thực còn có nghĩa duy trì phát triển giống nòi. Về tâm linh của nhiều sắc tộc, cúng thờ (…) cũng rất đa dạng… Nên tìm hiểu thêm.

    Xin lỗi tác giả Ban Mai và Hương Cau (vì ghé vào đọc, sẵn tay gõ vào sự hiểu chưa đầy đủ của mình mà làm… tài khôn!)

     

    • Huong cau nói:

      Cám ơn anh Phong Tâm rất nhiều. Mỗi lần có chữ này, tôi không hiểu nghĩa chữ, kéo theo không hiểu câu, không hiểu bài muốn nói gì luôn.

      Rất nhiều lần tôi thấy phần tin tức, đăng cô gái nẩy nở và viết vòng 1 phồn thực, vòng 3 phồn thực, tôi không hiểu gì cả nên nhân đọc bài này có chữ phồn thực, có người viết nên sẵn hỏi luôn. Xin đừng phiền lòng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác