Nước Mắm Cá Linh (2)
Cảm giác vui vui vì đã chinh phục được cây cầu khỉ dài hơn 10 mét để qua bờ rạch đối diện. Nghe tiếng anh T kêu tôi đứng ngay trên con đường mòn để anh tới xin ông chủ vườn vài trái xoài. Anh nói và vọt lẹ quá, tôi chưa kịp phản ứng thì bóng anh đã khuất sau những bụi chuối rậm rạp. Không gian yên vắng buồn hiu của buổi trưa trên con đường mòn cận khu vườn nhiều cây to bóng mát. Anh trở lại và chỉ ngược về hướng anh vừa đi:
– Mầy thấy hàng me đằng kia không, hồi đó gọi là “bờ xe” có bề ngang lớn lắm, trên mặt trải đất ruộng nung chín đỏ cho xe hơi nhà của ông phú hộ nầy thông ra hương lộ trải đá từ cầu Ông Đốc vô mả Hàm Lãi qua Trà Ôn thời Pháp thuộc. Khoảng đường đó bỏ hoang lâu lắm, bị nát bét banh chành và cầu gãy sụm hết trơn. Chỗ nầy mà bơi xuồng qua nhà tao, đến giữa sông nhìn lên phía đó mới thấy nhịp cầu sắt Ông Đốc chúi nhũi xuống nước.
– Hồi nảy phải anh nói vườn nầy không ai trông nom, vậy anh hỏi ai để xin xoài, mà xin để làm gì?
– Ông chủ đất nằm ở khu mộ đàng kia, hồi nảy tao xá ổng mấy xá để xin vài trái xoài sống ăn chơi.
– Ổng cho mấy trái?
Anh T cười cười, ngoe ngoải vượt qua tôi đi trước. Hai thằng men theo con lộ đất dọc theo mé con rạch Cầu Hàn. Đường mòn phía đụt vườn bên nầy gần mé rạch và có vẻ lâu đời hơn con đường xuyên vườn của chuyến đi vô hồi nảy. Những lời anh T lúc đứng trên cây cầu khỉ khiến tôi dâng tràn niềm hâm mộ về quá khứ nhộn nhịp trên bến dưới thuyền của các thế hệ cha ông. Tôi đang cố tìm dấu tích chợ Tam Bình những ngày lập ấp. Thình lình anh T nắm tay tôi xẹt ngang khoảng trống giữa hàng cây lá nhỏ mọc từng cụm như loại trồng làm hàng rào. Chúng tôi lọt vào khu đất rộng có những cây xoài gốc cở hai đứa tui vòng tay ôm. Sau cái vỗ vai và theo ngón tay của anh T, tôi ngước lên nhìn chùm xoài đang đong đưa trên cao. Tôi chưa biết mình làm gì trong khu vườn có vẻ thông thoáng hơn khu vườn cây trái quê ngoại, điền sản một thời sung túc của ông bà mà mấy cậu không đủ sức khai khẩn ở Phụng Hiệp.
Anh T đi chung quanh mấy gốc xoài và thảy về phía tôi một số củi nhỏ gọn hình như đã được ai cắt ngắn khoảng 3-4 tấc. Đoán biết là anh định ném xoài của người ta, nhưng bản tánh hiếu động và tâm lý dựa dẫm số đông làm tôi quên đi sợ hãi. Xoay xoay trong tay một khúc cây vừa ý, anh T nhìn lên chùm xoài gần nhất và lùi lại cho đúng hướng ném. Anh nắm một đầu khúc củi đưa cao ra sau vai rồi chạy tới vài bước lấy thế phang mạnh lên, khúc củi quay tròn bay vèo lên cao rất đẹp. Tui cũng hứng khởi làm theo nhưng yếu sức, khúc cây tung lên là đà chưa tới đâu thì va vào thân xoài rớt ngay tại gốc. Anh T mĩm cười độ lượng nhìn tôi tập tành trò chơi mới mẻ. Xong đợt củi bay đầu tiên, anh T lượm gom khoảng 5-6 trái xoài bị thương tật nứt bể do cây phang trúng hay rớt nhằm đất cứng. Hai đứa chia nhau bụm tay nắm cuốn mớ xoài và bước nhanh ra con lộ đất vẫn vắng ngắt, anh T tiếp tục đi về phía cầu Hàn chứ không trở lại cây cầu khỉ hồi nảy.
Tôi bước theo anh T ghé vào một tiệm tạp hóa nhỏ trong xóm nhà chừng 5-7 căn ven đường. Bà chủ tiệm mà anh gọi là thím Hai hỏi thăm thân tình như người nhà. Rất tự nhiên, anh vô bếp lấy ra cái rổ và con dao nhỏ. Anh nói với thím Hai số tiền mua đường mía và mượn cái tô để đựng, thím ấy không hỏi thêm mà đong cống nước mắm đổ luôn vô nửa tô đường đó. Anh T kêu tôi bưng tô mắm đường đến chiếc bàn nhỏ có mấy cái ghế lùn trong chái lá trước sân. Còn anh bưng rổ xoài đi vòng hông nhà, nơi có sàn lãng và hai lu nước. Lát sau anh bước ra, giũ giũ cho nửa tàu lá chuối xoè ra trải gần kín mặt bàn. Anh đặt chiếc rổ lên trên bàn, trong rổ có thêm vài trái chuối đã tước sơ phần vỏ láng, chúng nằm lẫn với những trái xoài xanh đã rửa sạch và cắt cuốn mổ lấy hạt gọn gàng. Anh dùng con dao bổ cau chẻ dọc những miếng xoài còn vỏ bày lên tàu lá chuối. Dưới con mắt thèm thuồng của tôi, anh dùng một miếng xoài để quậy khối đường dẻo hòa đều với nước mắm. Quậy xong, anh T gát miếng xoài đó lên miệng tô đưa qua hướng tôi. Tôi phải nuốt nước miếng hai lần mới dám mở miệng ra cắn miếng xoài.
Mỗi mùa xoài, tôi thấy má tôi hay mua những trái xoài tượng già thật lớn. Gần tới bữa cơm bà mới bầm nửa trái để chấm nước cá kho. Chứ tôi chưa từng được nếm cái chua hét của thịt xoài non xen lẫn chất chát của vỏ, cũng như chưa từng thưởng thức hương vị đặc biệt của tô mắm đường ngọt và thơm nồng nàn trong buổi trưa hôm đó. Hai đứa say sưa chấm quẹt và nhai dòn rụm một lát thì hết rổ. Bây giờ tôi mới hay mồ hôi rịn ra ướt đầu và chảy thành dòng xuống trán.
Anh T gom đồ dơ vô rổ, anh bưng ra sau rửa trả cho bà chủ tiệm tạp hoá vườn. Tôi cuốn tàu lá chuối, sẵn đi theo anh để rửa tay, rửa mặt. Chúng tôi chào thím Hai chủ quán, thấy anh đi tiếp tục phía Cầu Hàn, tôi hỏi:
– Tụi mình còn đi đâu nữa?
– Đi trở ra lộ đá, hồi nảy mình đi vô bằng đường mòn mé rạch bên kia, bây giờ trở ra Cầu Hàn bằng đường mòn mé rạch bên nây như chữ O.
– Ủa, anh không dẫn tui qua sông về nhà cho coi bí kíp hay sao?
– Từ nảy giờ ăn xoài và mắm đuờng là xem xong bí kíp rồi đó.
Thấy tôi chưng hững, anh T nói thêm:
– Tám mầy hay nói chuyện thằng đau ban nào ăn được trứng đại bàng mà võ công cái thế. Tao ở đây không có trứng cò trứng cúm núm để ăn. Nhưng nhà quê thì mỗi bữa ăn đều có nước mắm. Như người Thượng cần có muối ăn mỗi ngày cho thân thể khoẻ mạnh. Ba năm trước, dì tao ở Hồng Ngự trúng mùa cá linh. Sẵn dịp gia đình dì dượng đi đám cưới ở Cái Vồn bằng ghe, dì muối hai khạp cá linh chở xuống cho má và chỉ cách làm nước mắm. Ăn ngon quá chừng, nên mùa nước đổ năm ngoái và năm nay ba tao hùn với chú tao chạy ghe lên Long Xuyên đón mùa cá linh theo nước lũ tuôn vô đáy. Chuyện ăn nước mắm là chuyện ngàn năm của dân mình. Nhưng mới đây tao xem trong đống sách của cậu tao lúc ổng ở nhà tao dưỡng vết thương gãy xương giò. Tin tức tường thuật một khoa học gia có tiếng ở Nhật để ra nhiều năm nghiên cứu các dân tộc ăn cá, khô mắm thuỷ sản và ăn nước mắm như Nhật Bổn, Việt Nam. Ông ta nhận ra chỉ số thông minh của dân tộc ăn nhiều nước mắm sẽ cao hơn các dân tộc ăn thịt và xì dầu, muối tiêu muối ớt. Ổng nghiên cứu các thành phần trong mỡ cá còn giúp bồi bổ sức khỏe con người và một chất rất lạ mà khoa học gia ví von là có thể “tạo lập trí tuệ nhân tạo”.
– Cuốn kỳ thư đó còn ở nhà anh không?
– Cậu tao gom về Tân Châu hết rồi.
Dù được ăn món xoài mắm đường thiệt đã, nhưng còn ấm ức vụ bí kíp sao mà đơn giản quá. Hình như tôi có chút bất mãn nơi thần tượng:
– Đường đi nầy có dễ đi như bờ bên kia không, nếu dễ thì anh để tui đi về một mình.
– Cứ theo đường mòn nầy chừng ba trăm mét là ra tới lộ đá.
Hồi nhỏ xíu là Tám tôi có khuynh hướng mê ăn các món canh xào lạt lẻo và không thích khô mắm. Con cá gì kho cũng phải nước nhiều lĩnh lãng với củ cải, cà chua. Món cá chiên tươi, tôi cũng ăn khơi khơi chứ không chan dầm nước mắm. Ngay cả gỏi cuốn mà tôi ăn không cần nước chấm, bị anh chị tôi khen là tài thiệt. Từ hôm ăn xoài mắm đường hái trộm trong vườn ông quan Sáu, các thói quen đều đảo lộn. Má tôi nhận ra nhiều cái rất lạ. Việc đầu tiên là keo nước mắm má pha chế theo khẩu vị cả nhà bị tui múc ra chén riêng để rót thêm nước mắm nguyên chất. Và các dĩa thịt cá kho múc chừa cho tôi, đều bị tôi thêm nước mắm. Vô cớ mà thằng con thích ăn mặn khiến má tôi lo lắng. Nhưng bà không kho mặn như người ta vì cả nhà lâu nay thương tôi mà quen dần khẩu vị mất rồi.
Qua tết ba tháng, anh N được phép thăm nhà bốn ngày. Má tôi tâm sự với anh N: “Má thấy thằng Tám có cái gì là lạ, tụi con biết từ hồi nhỏ là nó ăn lạt nhách. Nhưng hôm tết tới nay nó ăn mặn tới mức má cũng không nếm nỗi. Con có học môn tâm lý chiến, con ráng mềm mỏng tìm hiểu em có bị cái gì không”.
Đi học vừa về đến nhà là anh N vô đề ngay:
– Má kêu anh tìm hiểu lý do bỗng dưng em thích ăn mặn chát. Mình là đàn ông mà lòng vòng chi cho mệt. Anh biết em thương anh nhất, thì đừng làm mất thì giờ nghỉ phép của anh. Không có chuyện thì cho anh đi chơi với bạn ngay. Có chuyện gì cứ nói ra, anh sẽ ở nhà yểm trợ em tối đa.
– Em có một bạn học rất thân, hồi học lớp nhì cũng trung bình như em. Lên lớp nhất anh đó học giỏi hết hồn. Đầu niên học đến bây giờ tháng nào cũng lên bảng danh dự. Em nghi anh ấy có bí quyết tuyệt diệu hay lượm được cẩm nang của một cao sư. Em hỏi mãi, anh T mới chịu xì ra anh học giỏi là nhờ ăn nước mắm cá linh. Mới đầu anh ấy cũng không biết tại sao. Năm ngoái anh T tình cờ đọc quyễn sách nói về nhà khoa học Nhật Bổn sau nhiều năm nghiên cứu, ông ta nhận ra một điều thú vị là các dân tộc có IQ tương ứng với khối lượng tiêu thụ nước mắm cả nước. Ông người Nhật còn nghi ngờ một chất lạ trong nước mắm có thể giúp mở mang trí tuệ.
– Cho dù có chất đó thì sao? Trí tuệ nhân tạo có thể ví như bãi bồi không nền thì có khi lở sụp. Em biết chuyện rùa và thỏ không? Chạy nhanh như thỏ mà không chịu chạy thì cũng thua con rùa bò chậm chạp từng bước. Người trí tuệ mà lười biếng thì cũng dở ẹt. Em ráng học chăm chỉ như người bạn đó chớ đừng tìm tòi ba chuyện kỳ thư dị phẩm nữa. Từ nay ăn uống bình thường theo thói quen của em cho ba má không lo lắng. Tới đây vãn tuồng nghen.
Giờ ra chơi trong buổi học sáng hôm sau, tôi thuật lại những lời anh N nói hôm qua. Anh T nghe xong, chậm rải trả lời:
– Tao không chối là ở lớp nhì (lớp 4) thì tao cũng học dở như mầy. Lý do tao học khá là như vầy, tháng Tư năm rồi, ba má tao lên nhà thương rước ông cậu bị tai nạn lật xe gãy hai giò. Cậu về nhà nghỉ dưỡng, ba tao tập cậu đi đứng và má tao nấu ăn bồi bổ. Cậu Út cũng là thầy giáo đang dạy học ở Tân Châu trước ngày tai nạn. Cậu ngồi không kiểm tra bài vở, mới lòi ra trình độ của tao. Ba má tao nhờ cậu dạy kèm tao suốt mùa hè. Trong lúc Tám mầy về Ngã Bảy vui chơi ở quê ngoại, thì cậu Út mỗi ngày chỉ cho tao làm văn làm toán, chỉ tao cách học bài mau thuộc. Dù không thuộc lòng như cháo thì cũng nắm được ý chính để trả lời. Bữa nào tao làm bài không xong, cậu bắt nằm xuống quất roi vô đít, đau muốn té… Hai chân cậu băng bột cứng đơ, hai tay còn mạnh thấu trời!
Tôi không cười nỗi, bụng rối nùi lo âu vì tháng Năm của năm thi đã đến rồi. Lật bật tới bãi trường nghỉ hè và sau đó là thi đệ Thất. Có muốn giỏi như anh T thì cũng đâu còn đủ thời gian luyện tập. Tôi nói buồn hiu:
– Sao anh không nói sớm vụ ‘sư phụ gãy chân’ truyền nghề, mà ‘đẩy cây’ vụ nước mắm cá linh làm chi.
– Tại mầy cứ ép tao phải thú nhận lượm được bí kíp. Mầy nói hoài làm tao bán tín bán nghi tác dụng của kỳ thư dị phẩm. Nhưng vụ nghiên cứu của nhà khoa học Nhật Bổn thì tao thấy báo đăng rõ ràng như vậy. Hay là cần phải “trong uống ngoài thoa” cho tăng hiệu nghiệm?
– Ba tui nói năm nay thi rớt thì vẫn còn đủ tuổi luyện thi năm tới. Năm tới mà rớt nữa thì về ấp Năm chia lại một phần trong 20 chục công ruộng chú tao đang mượn làm. Chớ mấy tháng nay, tui sợ mùi nước mắm cá linh lắm rồi!
Một Lúa
(Ảnh do fb Nhanh Le gởi tặng, cảm ơn bạn)
Bài viết nầy nhắc chuyện hai thằng học trò tiểu học ném trộm xoài ở vườn một phú hộ. Một trong hai tên trộm nhí lớn lên mới biết đó là vườn của ông quan Sáu, hay bà con còn gọi là ông quan Trân, cũng là người anh ruột ông nội của hắn.
Bây giờ thì mọi thứ cổi tàn, vườn xưa đổi chủ. Ông bà Sáu yên nghỉ nơi mộ phần trên miếng đất nhỏ nhoi kỷ niệm. Cái bờ xe lá me bay của gia đình họ Nguyễn ngày nào, hôm nay là một phần trên con lộ làng từ phía Ông Đốc rẽ theo dấu cũ chợ Tam Bình xưa ra đụng Cầu Hàn.
Bài viết khiến tôi nhớ thời tuổi nhỏ. Tôi thì không lười học vì có ông ba đét đít nhưng lại ham chơi. Chơi và học ngang nhau nên nói chuyện chơi (hái trộm) cũng rành mà học thì cũng OK. Lâu lâu bị đòn vì lén đi chơi không cho ba má biết. Những lần như vậy lại nghe “Phụ mẫu tại đường bất khả viễn du, du tắc hữu phương”!!! Sao tuổi nhỏ nào cũng giống nhau.
Anh Một Lúa còn nợ phần hai của bài cà phê đó nghe. Chờ hoài bắt mỏi cổ.
Chào Hương Cau
Ly ca-phe số 2 bưng ra lạnh tanh. Ly số 3 bị nghẹn luôn. Hihi
Cảm ơn nhắc nhở, nhưng cho chút thông cảm
Viết số 3 thành số 2. Phần 2 đọc rồi, còn chờ phần 3. Tôi có tật đọc là phải đọc hết. Nửa chừng nghẹn họng!!! Tôi thích uống cà phê lắm. Nghĩ chuyện chi vui quanh ly cà phê đi.
Tui khiếu nại. Dắt anh tui đi vòng vòng làng trên xóm dưới, chỉ được cho ăn mấy miếng xoài tượng chấm nước mắm ớt cay thấu trời rồi dìa! Nghĩ có tức hông?
Bạn Hoàng Long ơi!
Anh T bây giờ uống rượu như ba tây, ảnh nói sẽ bù lỗ vụ vòng vòng đó một ‘can nước nếp’! hihi
Sống lại tuổi thơ, tuyệt vời! Cám ơn Một Lúa !
Chào Âu Tú Vân
Tuổi sồn sồn im đìm, ráng tìm tuổi thơ dữ dội! hihi