BÁNH CHƯNG – BÁNH TÉT
Hình 1
Từ khi nhận biết thế giới bên ngoài, mỗi tết đến, tôi nhớ là nhà tôi nhộn nhịp từ cuối tháng 10 âm lịch cho đến ngày 30 tết. Mỗi lần đi học về thấy các chịngười làm lúi húi, người tách vỏ me, người bào dừa, người xắt gừng…, lòng tôi nô nức. Sau khi thay áo quần, tôi xà vào giúp các chị. Các chị bày tôi chà chùm ruột để làm mứt chùm ruột, tách vỏ me sao cho khỏi phạm vào thịt me, nếu mấy chị mệt vì ngồi lâu trước lò nóng để canh nồi mứt, tôi ngồi thế mấy chị bên chảo mứt, múc từng muỗng nước đường rưới lên mứt. Má tôi nói vì con cháu đông, nếu không làm sớm thì đến tết không đủ thức ăn để ăn trong 3 ngày. Tất cả mứt, dưa món, dưa chua… đều làm ở nhà trừ hai món: bánh tét và lạp xưởng, má tôi đặt trước, đến 30 tết theo má ra chợ khiêng về. Cho đến lớn, tôi chỉ biết tết ăn bánh tét. Tuy đôi khi có người đem cặp bánh chưng đến biếu, tôi không thắc mắc nhiều về bánh tét và bánh chưng. Mãiđến năm học đệ ngũ.
Năm tôi lên đệ ngũ, 13 tuổi, một người bạn miền Bắc chuyển tới học chung lớp. Tuổi nhỏ dễ quen nhau, từ quen đến thân, rồi tới nhà nhau. Tết năm ấy tôi đến nhà bạn chơi.
Mùng một tết theo má đi chùa, đi Tháp Bà, má nói mùng một chỉ được xuất hành đi chùa, đi đền thờ, miếu, tháp để cúng, không được đến nhà ai cả, vì nếu mình lỡ đạp đất nhà ai, suốt năm họ hên thì mình yên thân nhưng nếu họ gặp điều chi không như ý thì tên mình sẽ bị lôi ra suốt năm nếu vô phước mình là người đầu tiên đạp đất ngày mùng một. Mùng hai thì chắc nhà nào cũng có người đạp đất rồi, mình tới thăm là an toàn!!! Điều má dặn, tôi giữ cho đến tận hôm nay, thất thập cổ lai hy, vẫn nhớ mãi lời má dặn, vì vậy, thường thường mùng một tết tôi ở nhà.
Mùng hai má cho đi thăm bạn bè, tôi tới nhà người bạn mới quen đầu năm học, chơi suốt ngày. Bạn hỏi tôi có biết thịt mỡ dưa hành không? Tôi nói tôi chỉ biết
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh”
qua hai câu thơ chứ chưa biết nó là gì, ăn nó ra sao. Bạn dọn ra một tô thịt đông, một dĩa dưa hành cùng với một dĩa bánh chưng. Tôi lấy đũa định ăn, bạn nói, ăn vậy chưa ngon, bạn cầm dĩa bánh chưng đem xuống bếp, lấy ra một cái chảo, đổ dầu vô chảo rồi cho miếng bánh chưng vào, dùng cái vá chầy bánh ra, làm dẹp bánh xuống, khi bánh đã dẹp mỏng, chờ bánh vàng, bạn cầm hai quai chảo, lắc tới lắc lui rồi quăng miếng bánh mỏng lên cao, bánh rơi xuống, lật ngược lại trông rất ngoạn mục. Trò chơi hấp dẫn quá, tôi nói bạn dạy cho tôi biết cách lật mặt bánh giống bạn. Phải làm nhiều lần, tôi mới lật được bánh. Thật là một cái tết đáng ghi nhớ.
Hình 2 : Bánh chưng chiên
Bánh chưng chiên ăn với dưa hành và thịt đông, món ăn hoàn toàn của người Bắc, tôi là người Trung chỉ biết bánh tét ăn với dưa món và lạp xưởng!!!
Tôi sợ mùi hành, không bao giời ăn hành nên ngập ngừng khi đưa miếng dưa hành vào miệng, cả một củ hành đỏ chứ đâu ít, rụt rè nhai. Ô hay, không có mùi hành, miếng hành nhai dòn rụm, mặn mà, ăn chung với bánh chưng chiên, ngon quá. Lần đầu tiên trong đời ăn dưa hành, hỏi bạn cách làm. Bạn dẫn xuống bếp, chỉ hũ dưa hành rồi bày cách làm tường tận. Bạn nói hành củ nếu muối thì dần dần mùi hành sẽ không còn, màu hành trắng dần, ăn không còn hăng như ăn hành sống.
Mang hương vị bánh chưng chiên về nhà, tôi lập tức lấy cái bánh tét treo lủng lẳng trên xà nhà xuống (bánh tét và lạp xưởng vì có dây nên mua về, má tôi có những cái móc dài, móc lên xà nhà, treo lủng lẳng trên ấy, không sợ chuột gặm!!!), cắt vài lát, cũng bắt chước như ở nhà bạn, lấy chảo ra chiên, cũng dùng mu vá để làm dẹp miếng bánh, nhưng sao không chà ra mỏng được, chỉ chiên từng khoanh. Tôi sợ dầu chiên nên chiên theo kiểu từng khoanh bánh, tôi không thích ăn, đành lên mời anh chị ăn dùm.
Hình 3 : Bánh tét chiên
Thắc mắc cứ vương vấn theo tôi mãi: sao bánh chưng mình chà dẹp được mà bánh tét thì không? Cho đến khi nhà ít người dần vì các anh chị tôi xong tú tài, lần lượt rời nhà vào Saigon học đại học, nhà vắng dần, những miệng ăn không còn dữ dội như trước, mứt bánh làm ít lại, má tôi bắt đầu gói bánh tét.
Nếp được ngâm từ đêm hôm trước, lá lau sạch sẽ, đậu xanh giã nhuyễn, thịt ba chỉ ướp thơm tho, sáng 29 bắt đầu gói. Nhìn các chị gói bánh, thổ chặt nếp, má tôi nói, quê mình thổ nếp rất chặt, đó là nguyên nhân bánh tét mau sống lại. Má tôi nói các chị thổ bánh vừa vừa để khi bánh chín, mềm và dẻo, đừng lèn nếp chặt cứng, không ngon.
Sau này má tôi nhờ một chị người Bắc đến dạy tôi làm bánh chưng. Tết nào tôi cũng sửa soạn tất cả nếp, đậu, thịt, lá, dây vào ngày hôm trước, hôm sau chị người quen đến, tất cả đã sẵn sàng, chị chỉ ướp thịt, sau đó, đầu tiên, chị dạy tôi cách gói bánh. Vì bánh chưng có khuôn nên học cách gói không lâu nếu có người chỉ tường tận. Bạn bè của ba tôi đông nên năm nào hai chị em cũng gói 50 cặp bánh chưng, tối hôm đó bỏ vào nồi, nấu suốt đêm, con trai có bổn phận canh lò bánh. Sáng ra, theo lời chỉ dẫn của chị quen, má tôi kéo những thanh gỗ vào phòng giặt, sắp bánh lên trên, lấy gỗ tấn bánh, rồi tấn xô đổ đầy nước đặt lên mặt gỗ. Chị cắt nghĩa, làm như vậy, ép chất dẻo ra bớt, bánh sẽ lâu thiu. Chiều 30, chúng tôi chia nhau đi biếu bánh cho bạn của ba tôi. Như vậy họ được ăn bánh mới ba ngày tết. Má tôi cắt bánh đặt lên bàn thờ và cúng đón ông bà. Má tôi không quên để lại ít cái bánh để cúng đưa ngày mùng 4 (bánh cúng phải để riêng). Nhà tôi không cúng đưa ngày mùng 3 vì má tôi nói các chị người làm vất vả suốt năm, phải để các chị rong chơi đúng ba ngày tết. Vì vậy nhà tôi mùng 4 mới hết tết.
Từ cách làm bánh tét, bánh chưng, tôi chợt hiểu vì sao tôi không thể làm dẹp bánh tét bằng cái vá được. Vì bánh tét gói rất chặt nên nếp lèn chặt quá, lại thêm lắc đùng càng làm cho bánh chắc hơn, vì vậy tôi vô phương chà mỏng. Bánh chưng chỉ đổ nếp vào khuôn lớp dưới, lấy tay san phẳng nhẹ nhàng, cho đậu xanh, thịt lên trên rồi phủ nếp lên mặt, san phẳng cho đều khắp khuôn chứ không lắc, thổ như bánh tét nên bánh chưng mềm mại, không dẻ như bánh tét, vì vậy dùng vá chầy ra mỏng rất dễ. Và bánh chưng cũng mau thiu. Qua đây, 30 tết có người biếu tôi một cặp bánh chưng, tôi để quên dưới basement, khoảng mùng 4, mùng 5 nhớ ra, lấy lên cắt ăn, bánh đã lên mốc!!!
Đến khi lập gia đình, nhà chồng ở đất Vĩnh Long nên tết năm nào cũng về quê ăn tết. Lúc nào cũng vậy, khi tôi về trở lại nhà sau tết, vừa xuất hiện, mátôi, chị tôi chờ sẵn, hỏi: Có bánh tét không? Có bánh tráng không? Bánh tét và bánh tráng chúng tôi đâu thiếu, sao mọi người cứ chực chờ như vậy? Vì bánh tét tôi đem từ quê lên có hương vị mà ai cũng mê, mỗi năm chỉ làm 1 lần nên ai nấy đều chờ đợi.
Lần đầu tiên về quê, các cô em chồng kêu tôi học gói bánh tét, tôi lắc đầu, cười, nói, không học vì học thì phải làm, học nhiều quá rồi, làm nhiều quá rồi, nên nay không muốn học thêm. Các cô cười trừ vì biết tôi nói thật. Không muốn làm nữa. Tuy không muốn học, không đích thân làm nhưng không có gì qua khỏi con mắt… quan sát của tôi.
Cách làm bánh tét miền Vĩnh Long này khác với cách làm bánh tét của miền Trung. Cũng ngâm gạo đêm hôm trước, cũng ngâm đậu, cũng thịt ba chỉ… nhưng dừa khô đã được hái từ mấy ngày trước, đám đàn ông tách vỏ dừa, đập gáo dừa, đàn bà mài dừa, vắt nước cốt.
Nếp ngâm xong, đổ vào một cái chảo to, để trên ông bếp lớn sắp bằng những viên gạch đặt ở ngoài vườn. Nếp được trộn muối, đổ nước cốt dừa xăm xắp, lửa đốt lên, 2 hay 3 người khuấy đều để nếp không bị khét. Khi thấy nếp dẻo, hạ chảo xuống, để nguội rồi gói. Các cô gói khéo lắm, không thua chi bánh tét bán ngoài chợ. Tôi có học thì cũng vụng về hơn, lại phải làm việc!!! Vì nếp đã dẻo nên bánh tét ở đây gói dễ hơn mà thơm phức mùi dừa. Do đã xào nếp nên khi nấu cũng không lâu như gói nếp sống, nhà tôi phải nấu mất 10-12 tiếng (nấu lâu vì má tôi sợ bánh sống lại). Bánh tráng các cô cũng làm như vậy, nghĩa là dậy mùi dừa béo ngậy. Sao không khiến gia đình tôi mê tít!
Từ chiếc bánh chưng vuông, tượng trưng cho đất (lớn lên khi biết về tư tưởng Trung hoa, tôi đâm hoài nghi, trời tròn đất vuông có phải là huyền sử của ta hay có ai đó sau này, theo thuyết âm dương mà viết ra truyện Lang Liêu, huyền thoại mà tôi đọc say sưa mỗi lần mở sách sử ra), đến cái bánh tét gói tròn, dài, khi vào đến miền Trung, rồi đến đất miền Nam có nhiều dừa, lại được thêm vào nước cốt dừa, mỗi nơi một vẻ, nhưng tất cả đều là đặc trưng cho tết Việt nam.
Bài viết : Hương Cau (01-01-2018)
Hình : nguồn Net
Chị Hương Cau kính mến! thấy bánh tét ngon, thèm quá chị ơi! Phải chi có bánh lúc này ăn mới tuyệt làm sao…hihi. Cám ơn chị đã hướng dẫn tận tình một món ăn cho ngày tết thật hấp dẫn. Kính chúc chị năm mới sức khỏe, hạnh phúc, nhiều niềm vui.
Cám ơn lời chúc của Phi Rom. HC cũng xin chúc Phi Rom và gia đình một năm mới vạn sự như ý.
Những chiếc bánh mang đậm màu sắc dân tộc,,, sê không thể thiếu trên bàn thờ ông bà trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam!
Cảm ơn chị Hương Cau , người truyền lửa BẾP ẤM nhé !
Em Hoành Châu (Gia đình C )