Sinh tố Tờ Lờ
Phần da mềm trên hai vành tai của Năm Cua-đinh ửng đỏ như có điện chạy. Hắn cao to mà đứng lên cũng gọn gàng nhanh nhẹn. Mọi người trong phòng khách nơi gian trước của nhà Hai Chích cùng hướng về anh Năm.
– Gì thì gì, cái gì cái. Năm tao thấy lời tựa ‘Sinh tố Tờ Lờ’ vừa trớt quớt mà không chút cảm tình.
Biết Năm Cua-đinh nổi nóng ‘gió’ và rất mau nguội, thằng Tí cười cười đỡ lời:
– Vấn đề khoa học, không phải vần thơ điệu nhạc du dương để sinh tình cảm lê thê. Năm mình an tọa thưởng thức cà phe bánh ngọt đi bạn. Mầy đến sau, thành ra không biết thôi. Chứ nảy giờ tứ lú tụi tao cũng vò đầu động não, nhức óc nhức trí bàn thảo. Gay go lắm mới ra lò cái tựa đề của dự án.
Hai Chích tằng hắng hai lần cách khoảng nhưng cùng một cường độ.
– Ê bạn Tí! Biệt danh “Ấp Năm Tứ tú” là nhã ý của cô Năm Cô-đơn phong tặng cho tụi mình có lễ lạc bằng một cái bánh kem. Ý của cổ nói đến vuông sao thái tú đóng gần chòm “sao vua 9 cái nằm kề, thương em từ thuở còn ê sắc ề”. Hôm cắt bánh có mặt mầy, sáng nay méo mó là tứ lú. Ở đâu lú ra vậy bạn?
– Tí tao quen miệng vụ khác, thành thật xin lỗi người yêu lý tưởng của…ai nấy biết! Nhưng mà tiếng Việt hổm rày toàn là ê sắc ế, còn mầy thì ề, bộ mới hả Hai Chích!
Hai Chích chưa chịu làm thinh:
– Ừ, lỡ mồm dám thành cơ duyên à nghen! Mai mốt không chừng có ông nào nổi hứng canh cải hay canh rau như thế. Thôi, tạm treo vụ án chữ nghĩa. Rảnh rổi bàn tiếp, vui lắm. Còn vụ Năm Cua-đinh là người xứ khác về xóm Chòi Đồng lập nghiệp sau tụi mình. Bạn Tí làm ơn nói đàng hoàng giúp anh em có cái nhìn rõ hơn.
– Tiếp theo đây, Tí xin trả lời thắc mắc của anh Năm Cua-đinh nhà mình; Tui túm tắt như vầy: Chuyên đề xã hội sáng nay do Hai Chích đưa ra có tên là Sinh tố Tờ Lờ. Ý tưởng nầy bắt đầu từ chuyện ‘cái bờ xe’ mà lâu nay ai cũng ngỡ là công cộng. Dân mần ruộng trên đồng mình đều biết chú Năm Mân. Nhớ lúc chú còn mạnh giỏi, năm nào vừa ra Giêng là chú mướn người chặt cây phát cỏ, tát vét con mương ranh quăng bùn ngược trở vô để bồi lên mặt bờ xe của chú. Cái bờ cao ráo trống trải dài cả trăm mét cho dân chòm nhà phía sau đi ra con lộ làng. Cũng là cửa ngỏ lưu thông cho máy cày, máy bươi và thùng suốt lúa của vạn dân bá tánh từ thuỷ lộ rạch Lá đổ thợ cấy gặt và đưa máy móc dụng cụ ra đồng lớn. Chú Năm Mân qua đời, thằng Hai Gà-mèn là trưởng nam nhảy lên kế vị. Nó không còn quan tâm đến cỏ rác lầy lở trên cái bờ vô dụng đối với nó. Hai Gà-mèn lần lần bỏ hẳn thông lệ sửa đường bồi lộ của ông bà ta từ thuở khẩn hoang lập ấp và của suốt đời ba nó. Một ngày cận tết có những cơn gió lạnh cắt da, Hai Gà-mèn thông báo cho làng xóm rằng ai mua thì nó bán cái bờ xe gọi là bờ Măng Cụt. Hoặc là nó sẽ rào ngang khoá kín.
– Ê Tí! Năm tao xin phép xì-tóp ngay chỗ nầy. Cái bờ đó phải gọi cho đúng là bờ Một Cây Măng Cụt. Mầy đăng báo kiểu nầy, bà con ở xa ngỡ rằng nguyên một liếp trồng măng cụt.
– Dạ phải anh Năm, Tí đính chính là cái bờ Độc Cô Măng Cụt. Sẵn miệng báo cáo ngoài hệ luôn, tại sao miếng vườn hơn chục công của chú Năm Mân chỉ trồng đúng một cây măng cụt thì lâu nay nghe hai giả thiết. Không ít người nói ngắn gọn là do chim ị, tình huống đó còn gọi là cây lộn kiếp. Câu chuyện đáng tin hơn là có thằng nhỏ vào khoảng 10 tuổi hái trộm măng cụt trong những vườn lớn của nhà giàu bỏ quê ra thành vì chiến tranh. Nó tham ăn trệu trạo nuốt luôn cái hột bự, bị chẹn ngang khí quản sắp mất thở. Lúc đó thằng anh hỏi thằng em đưa cho nó cái nón đựng măng cụt vừa bẻ, thằng em ư ư chỉ vô miệng. Thằng anh tưởng thằng em xực hết, nó đấm mạnh vô lưng thằng em như trời giáng. Nhờ vậy mà hai lá phổi ép hơi tống hột măng văng ra khỏi miệng đứa em, năm sau mọc cây măng cụt ngay chỗ đầu bờ xe đó. Rồi giặc giả tràn lan, anh em họ theo gia đình đi đâu không biết.
Năm Cua-đinh đặt cái ly xuống bàn nghe cái cộp:
– Ngày đó xưa rồi các cha! Tiếp tục về cái bờ đi có cây măng cụt dùm tui đi bạn Tí.
– Tâu vâng anh Năm! Khoảng chục nhà dân xóm Chòi Đồng bị Hai Gà-mèn đe dọa bít đường nhưng không ai cảm thấy lâm vào tuyệt lộ. Họ còn một con đường đất nhỏ dọc theo đường nước thuỷ lợi giữa ruộng trổ ra con sông chảy dìa chợ huyện, vì vậy mà họ lơ đãng ầu ơ. Xóm đồng lại còn một ông có máu mặt là Sáu Thiết, người mà dân bán vé số gọi thân thương là chú Sáu Kiến Thiết. Chú Sáu Kiến Thiết chơi vé số là muốn đấu may rủi với trời. Chứ khi cần tiền, ổng hú một tiếng thì có ngay đứa con chí hiếu, một đứa cháu và cô em gái của ổng ở nước ngoài tự động gọi nhau í ới. Ông Sáu Thiết theo gương thân phụ là ông Hai Tàu, vị lão nông thời những năm 1970 vận động với chính quyền VNCH để xin những vật liệu quân đội phục vụ cho dân. Như việc lót gần cả trăm tấm vĩ sắt phi đạo PSP làm mặt bằng cây cầu do ấp đốn sao to dừa lão xốc trụ nối liền hai bờ sông có bề ngang khoảng 50 mét. Cầu cao vòi vọi ngay nhịp giữa cho ghe chài và xà lan qua lại, gió thổi lồng lộng ngày đêm. Cầu có tên là Gió Bay, là đã làm bay cái gì và không rõ lúc nào.
Tình xóm riềng mấy chục năm nồng ấm, lối xóm san sẻ tới lui giúp nhau lúc khó khăn và tụ họp ăn nhậu chung vui tiệc tùng hoan sự như trong thần thoại. Ông Hai Tàu rất thân với ông Năm Mân. Tuổi cao sức già đã khiến kẻ trước người sau giả từ cuộc đời ô trược. Tình quê xuống tới đời con của hai ông thì trở nên lợt lạt, chuyện tự nguyện xả thân giúp người đi dần vào hiếm hoi tuyệt chủng. Bấy giờ đồng tiền đã liền núm ruột, vì vậy mà chú Sáu Thiết muốn có cái bờ cây măng cụt để bà con đi lại như cũ thì một là phải trúng số, hai là vay tiền để chung đủ cho Hai Gà-mèn. Dĩ nhiên là phương án hai sẽ nhanh gọn và vừa vặn mọi yêu cầu, nhất là dân có người bảo trợ như chú Sáu Thiết.
– Tự nảy giờ cả buổi, Năm xin hỏi câu chuyện cây măng cụt có ý nghĩa gì vậy bạn Tí?
– Tí chỉ biết leo cây bẻ trái măng cụt. Còn chuyện xã hội thì nhường lại cho ông chủ đề tài, xin mời anh Hai Chích.
– Ha ha! Tí mình diễn như Em-Xi cấp xã, khá vậy mà quanh năm mần ruộng móc củ cỏ là sao ta. Chuyện là càng ngày tụi mình càng thấy cảnh huyết thống thân thuộc so đo tranh dành từng tấc đất, từng bờ đi, từng bãi hoang nhiều năm vô chủ. Thiên hạ vì chục ngàn đồng lợi nhuận mà đành bỏ quên đạo đức làm người, đầu cơ trục lợi ngay trên sức khỏe và hao mòn tuổi thọ hoặc quyết định mạng sống của nạn nhân. Những người trả những đồng tiền mồ hôi với tràn trề hy vọng để rồi mua về đồ dỏm hay nhận sự phục vụ dối trá. Nhiều khi hú hồn cảm thấy thà nhận những thứ kém giá trị còn đỡ hơn là tiền mất tật mang.
– Ê Hai Chích cho vài ‘ví dụ như’, giúp Năm tao được sáng mắt không?
– Được chứ! Ví dụ như mấy năm trước đã phát hiện chất phọt-mon dùng ướp xác chết thì được bọn người ‘cực kỳ sáng tạo’ pha trộn vào bánh phở. Công hiệu thần kỳ là bánh phở thơm ngon mềm mại từ sáng đến chiều, vi khuẩn gây thiu đáp vào là banh xà-rông tức khắc. Còn bao tử người ăn có lủng hay bung ta-lông thì hỏi trời mới biết. Bẳng đi thời gian im tiếng, bây giờ lại nghe nói chất phọt-mon có nồng độ cao trong cá biển bày bán đều chi ở một vài chợ lớn. Riêng tô phở thơm ngon béo ngậy còn tìm ẩn thêm một chất dùng trong việc tự huỷ hầm cầu.
– Hầm cầu tự huỷ theo tự nhiên đã có từ trào Pháp, chất tự huỷ thì thằng Tí tao mới nghe nói lần đầu. Chất đó là chất gì vậy Hai Chích.
– Chất xúc tác đó thuộc dạng en-zym, nó có công năng thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy trong hầm cầu. Mục đích là tránh nghẹt những hầm quá nhỏ. Nhưng bọn người ‘cực kỳ sáng tạo’ mua chất dùng bên dưới toi-lét để ngâm xương ống chân trâu bò kể cả xương nằm vài tuần ở các bến chợ hay bãi rác. Các loại xương mới cũ, gân da bầy nhầy sẽ được ninh rã nhừ và tẩy lược trong veo thơm phứt rồi vô thùng 30 lít, đeo Hông-đa giao khắp ‘Tám nẻo đường thành’. Ai ăn nhiều vô bị xốp xương, mòn xương rồi xui rủi cộng thêm tai nạn té ngã hay va chạm nhẹ mà vỡ sọ não, hay gãy rôm rốp xương sườn mà chấn thương nội tạng. Chết đúng sổ sinh tử Nam Tào hay “chết trước kẻng” vài chục năm thì hỏi trời hoặc may ổng biết.
Ví dụ như vậy được chưa anh Năm mình?
– Nhà tụi mình ở đồng xa, mấy khi mua cá biển, không sợ nuốt hàn the hay phọt-mon. Còn mười năm nay, tao ăn được 3 tô phở chợ. Thì nước lèo có pha thứ gì cũng không hại được Năm tao. Hai Chích thấy cuộc sống quanh ta còn gì nguy hiểm nữa không.
– Hên xui thôi! Ai cũng biết chất tạo nạc, chất tăng trọng nuôi heo thịt, cá hồ. Rau quả có chất kích thích phát triển vượt thời gian, bảo quản tươi bền mọng nước không cần phải tưới. Tất cả được xài vô tội vạ trên hai mặt trận chay và mặn. Nước mắm, nước tương lu được hoàn tất dưới năm ngàn sơ-cần ngay trên sông rạch.
– Ê Hai Chích, vụ nước mắm năm ngàn sơ-cần là sao hả bạn?
– He he! Sơ-cần là giây trong tiếng Việt cũ, năm ngàn giây là non tiếng rưỡi. Bây giờ ít thấy ai chèo ghe bán nước mắm dọc theo sông. Hình ảnh thằng chồng đứng chèo rao ‘ai mua nước mắm cá linh hôn’, cô vợ nằm trong chiếc mui kết lá chằm ru con: ‘mẹ mong gả thiếp về vườn, ăn bông bí luộc chấm tương Cự Đà!’. Họ đi từ xã nầy qua xã khác mà nước mắm trong chiếc khạp da bò cứ cạn rồi đầy. Năm mình xem Hai Chích tui vừa hát vừa ra bộ đây nhé: Nước sông mênh mang vô tận, trong ghe thì muối vựa đầy lu, nước màu 2 hủ, đường hoá học đầy keo, hóa chất mùi con cá linh ươn vài kí, đạm hóa học ít bao, bột nêm cực mạnh. Rồi cứ theo tiêu chuẩn ban đầu mà lường mà đo, mà tuần tự quậy các thứ cho đều. Bảo đảm nước mắm xuồng mặn mòi thơm ngọt không thua nước mắm nhĩ của hãng lớn như Tân Hương chẳng hạn.
(Còn tiếp)
Một Lúa