Bên dòng Bảo Định, nhớ Sơn Nam

Ngày đăng: 29/12/2017 10:34:09 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi là kẻ hậu sinh, hồi đi học tôi mê đọc tác phẩm Sơn Nam, lớn lên làm biên tập viên Nhà xuất bản Cửu Long, làm báo… lại tiếp tục là người hâm mộ ông. May mắn nhiều lần gặp ông, xưng hô với ông bằng con và tía. Tôi có vóc dáng hao hao ông, thỉnh thoảng “bắt chước” viết vài bài báo về “đất nước, con người”, sưu khảo nên bạn bè đùa: “hổng chừng… mầy là con Sơn Nam”. Tôi không dám lạm bàn về văn chương, sưu khảo của ông…, nhưng tôi “bắt chước” ông lối viết “đất nước, con người”. Tôi là nhà báo còn ông là nhà văn, nhà Nam bộ học… đâu dám đèo bồng!
Có lần, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Trương Ngọc Tường nói với tôi: “Ông già Sơn Nam coi vậy là người đẻ ra một thể loại báo chí đó nghen! Tạm gọi tên là thể loại “đất nước con người”. 

Thử nghiên cứu đi!” Tôi giật mình, đúng thế thật! Cuối tháng 9/ năm 2012 này, có dịp đi qua Mỹ Tho, bạn bè nói: “Ghé đập Bảo Định đốt cây nhang cho tía đi!” Tôi mới biết ở Mỹ Tho có nhà lưu niệm Sơn Nam.Kỷ niệm một thời gian khó!

Tôi bắt đầu đi làm vào năm 1983, ở Nhà xuất bản Cửu Long. Đời sống lúc ấy khó khăn lắm! Cơ quan có kế hoạch làm đầu sách địa chí, mời nhà văn Sơn Nam, nhà báo Trần Thanh Phương hợp tác. Nói là biên tập viên cho oai, thực ra tôi làm hướng dẫn viên cho ông già, kiêm “cần vụ”. Chúng tôi đi khảo sát xứ cù lao Minh. Đi bộ không hà! Ông có cuốn sổ ghi chép ngoằn ngoèo. Chỗ nào ông thích cứ ngồi ngắm lâu lắm không chịu đi! Tôi sốt ruột:
– Tía nhìn gì mà lâu quá vậy?
– Nhìn đi con! Ráng nhìn, ráng chi chép! Mai mốt lở chết còn tiếc của, mở mắt trao tráo hổng thấy gì hết ráo!
Nhân vui miệng tôi hỏi:
– Tía ơi, sao tía tên Phạm Minh Tày mà không phải là Tài.
– Thằng chánh lục bộ dốt! Nó viết bậy thì mình phải mang.
Ông hẹn với tôi đi một tuần nhưng mới 3 ngày ông đòi về. Tôi hỏi:
– Xong tư liệu rồi hả tía?
Ông cười hì hì:
– Biết đời nào xong! Về thôi, con Lan, con Huệ trên Sài Gòn nó trông tao dữ lắm!
Mấy tuần sau, tôi cùng chú Trương Minh Thuyết, Giám đốc NXB Cửu Long đi Sài Gòn, ghé thăm ông, nhân tiện trả nhuận bút. Ông cầm phong bì cười:
– Cái này mấy đứa nhỏ nó mừng lắm!
Rồi ông Thuyết biếu ông một cây thuốc điếu 555. Lúc ông Thuyết ra xe, ông già quay qua tôi nói nhỏ vào tai:
– Hút cái này xa xỉ. Đổi một giạ gạo chớ ít sao?
Đó là bài học vở lòng của tôi về nghề báo sau này.

Vì sao nhà lưu niệm Sơn Nam ở Mỹ Tho?

Tôi đứng trên cống Bảo Định, nơi quốc lộ 1A và QL50 giao nhau tại ngả ba Trung Lương đã nhìn thấy Nhà lưu niệm Sơn Nam. Bỗng hiện về hình ảnh 2 câu thơ của ông:

“Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò… ơ theo nước chảy chan hòa”.

Đến nhà lưu niệm, người tiếp tôi là một phụ nữ đôn hậu, trạc 60, hỏi ra là chị Đào Thúy Hằng, con gái đầu lòng của ông. Tôi trình thẻ để giới thiệu:
– Em nghe nói có nhà lưu niệm ở đây nên ghé đốt cho tía một cây nhang!
Chị Hằng cười tỉnh rụi:
– Nhiều người kêu ba tôi là tía. Cách gọi thân mật vậy. Nhưng cậu không trình thẻ mà xưng là con ổng chắc tui tin liền.
Tôi thắc mắc với chị: ý tưởng nào để có nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam trên đất Mỹ Tho? Chị Hằng kể:
– Năm 1954, cha tôi rời Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) đi Sài Gòn làm báo, viết văn, lâu lâu mới về thăm nhà một lần. Vì cuộc sống gia đình khó khăn, mẹ tôi ( bà Đào Thị Phán) phải đùm túm tôi và em gái Đào Thúy Nga lên Sài Gòn dạy học. Từ đó, gia đình thất lạc nhau. Một hôm, tôi theo mẹ đến trường, vừa bước lên xe buýt, giật mình khi thấy cha mình cũng đang bước xuống xe. Tôi thảng thốt gọi “ba”, còn ông ngỡ ngàng chỉ kêu được tiếng “trời…”, rồi ông quay lên xe. Ba tôi trốn tránh sự truy bắt những người kháng chiến cũ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tôi mới hiểu vì sao chị em tôi phải mang họ mẹ.
Khoảng năm 1958, ông già đưa gia đình về Mỹ Tho sinh sống. Nhờ người bạn tên Đoàn Hùng Việt, làm việc ở Bưu điện Mỹ Tho, thuê cho căn nhà sát vách để ở. Ông không muốn vợ con liên lụy. Đúng như dự kiến, ông bị bắt giam ở nhà tù Phú Lợi từ năm 1961 đến 1962. Đến năm 1974, ông lại bị bắt giam cho đến ngày hòa bình. Từ Sài gòn về Mỹ Tho có đường xe lửa dễ thăm viếng. Tôi còn nhớ tiếng còi xe lửa vào chiều thứ bảy, mười phút sau ba đủng đỉnh ngồi xích lô từ vườn hoa Lạc Hồng về nhà.
Có gì lạ cũng mua cho con ăn “để nó khỏi nhà quê”. Hàng tháng, nhà văn Ngọc Linh, bạn ba gởi tiền về cho mẹ con chị, giúp đỡ mua nhà. Mẹ chị lúc ấy dạy kèm ở nhà để kiếm tiền nuôi con.
Chị Đào Thúy Liễu, con gái út của ông Sơn Nam với bà Phán kể:
– Vào ngày 17/2/1978, lúc ấy ba đang là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ TPHCM. Ông dẫn tôi lên cơ quan để làm tờ xác nhận chúng tôi là con (bởi mang họ mẹ). Ba dặn tôi, ở ngoài kêu nước mía uống, đừng vô. Không khéo người ta nói con cán bộ hống hách. Đến khi ông đánh máy xong, cơ quan xác nhận, đóng dấu rồi mới ra đưa cho tôi.
Anh Trần Đức Nghị, chồng chị Hằng nói về ý tưởng thành lập nhà lưu niệm.
– Ba tôi là nhà văn. Trong lòng các con là thần tượng. Thời trẻ tôi ít đọc tác phẩm của ông vì mải lo kế sinh nhai. Gần đây, nhà giáo Đinh Công Tân dày công sưu tập tác phẩm của ông, tôi giật mình thấy quá đồ sộ, sức viết của ba thật kinh khủng. Khi đủ ăn rồi, tôi phát hiện ra hồn Nam bộ trong tác phẩm của ba. Những con chữ bình dị, cà rởn như người Nam bộ mà sâu sắc đến lạ lùng. Hồn người Việt khẩn hoang còn vương đâu đó. Nếu không có nhà lưu niệm cho ông thì trước đà công nghiệp hóa sẽ mai một.

Hơi vọng cổ, nương bờ tre bay vút”

Tôi đặt vấn đề, ông già lúc sinh tiền, rày đây mai đó. Ngôi nhà lưu niệm này kiến trúc dựa trên ý tưởng nào? Tôi biết anh Nghị là dân kiến trúc, lại là một nhà kinh doanh vật liệu xây dựng nên mới “hỏi khó”.
Anh Nghị cười sảng khoái:
– Theo tác phẩm của ba tôi, thì Nam bộ không có kiến trúc riêng. Lớp người đầu tiên là dân Ngũ Quảng vào Nam, cất nhà 3 căn, 5 căn 2 chái. Nền thấp, mái nhà thấp để tránh bão, nổi ám ảnh của “khúc ruột miền Trung”. Lớp điền chủ tiếp theo du nhập nhà rường kiểu Huế. Người nghèo Nam bộ nhà tuềnh toàng. Người Nam bộ còn tuân thủ “luật bất thành văn, luật nhún mình”, nhà mình vai vế thấp thì phải cất nền nhà, mái nhà thấp hơn người ta; nhà có giàu mấy, nền và mái cũng phải thấp hơn các công trình công cộng như đình, chùa, miếu… Người Pháp chiếm Nam kỳ, cất Dinh Xã Tây ( Tòa Đô chính Sài Gòn, nay là trụ sở UBND thành phố Hồ Chí Minh), cất Scollège de My Tho (sau này là trung học Nguyễn Đình Chiểu) được xem là kiến trúc Pháp đầu tiên ở Đông Dương. Nền nhà cao, mái nhà cao, cửa lá sách, hoa văn tinh xảo, uy nghi. Vậy là người Nam bộ phối hợp kiểu nhà Pháp, Ngũ Quảng, Huế truyền thống để tạo ra diện mạo kiến trúc nhà ở Nam bộ phổ biến cho đến nay.
Nếu cất nhà bằng vật liệu “truyền thống” quá thì mau hư. Tôi nghĩ nó phải tồn tại ít nhất 100 năm. Sau đó xã hội lo. Ngôi nhà phải sang, làm bằng vật liệu ngói ba gian, gỗ, gạch xây không tô, cửa lá sách. Ba tôi không giàu nhưng sang. Xung quanh nhà phải tạo cảnh quan theo cái hồn Sơn Nam. “Hơi vọng cổ, nương bờ tre bay vút/ Điệu hò ơ… theo nước chảy chan hòa”.
Bên hông nhà có bờ tre, có ao sen, ao bông súng, trước nhà là dòng Bảo Định nước chảy chan hòa.
Qua tìm hiểu, tôi mới biết để thực hiện ý tưởng đó, gia đình chị Hằng, anh Nghị phải mua của 6 chủ đất mới được 2.500m2, giá 3,5 tỉ đồng. Trước nhà là hành lang cống Bảo Định, dân địa phương dùng làm nơi đổ rác. Ban quản lý cống Bảo Định thấy vậy bèn giao 1.660m2 hành lang này cho anh chị dọn dẹp làm vườn hoa. Vì thế diện tích khu lưu niệm lên trên 4.000m2.
Tôi hỏi tổng kinh phí. Anh Nghị cắt ngang: “Mình phát tâm làm thì tính làm gì?” Nhưng theo ước tính của người viết, kinh phí không dưới 10 tỉ đồng.

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê?

Công trình nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam được khởi công từ tháng 6-2009, khánh thành đúng vào ngày giỗ đầu (theo phong tục Nam bộ- 2 năm ngày mất) 23/8/2010, tức ngày 13 tháng 7 năm Canh Dần. Nhà cất trên một ngọn đồi nhân tạo. Sân cỏ, có 82 bậc đá ong (ứng với tuổi thọ 82), làm đường biên cho mô hình bản đồ vùng đất Nam bộ. Phía trước, bên trái là phù điêu đá tạc chân dung Sơn Nam do họa sĩ Nguyễn Sánh thực hiện, bên phải là một bức đá chạm thủ bút Sơn Nam chép bài thơ Hương rừng Cà Mau bất hủ. Phía trước là đồi cỏ đậu phộng hoa vàng bên dòng Bảo Định. Ven sông có khoảnh cây sú, vẹt (đặc trưng vùng Cà Mau, Rạch Giá), tre, bần và dừa nước đặc thù Nam bộ.
Trong nhà trưng bày nhiều sách của nhà văn Sơn Nam, nhiều hình ảnh, tác phẩm hội họa thư pháp về ông. Gia đình còn giữ cái đồng hồ đeo tay, mắt kiếng và cây viết bic. Một sinh viên khi biết có nhà lưu niệm, tặng hai máy đánh chữ mà nhà văn đã cho anh làm kỷ niệm. Có một máy đánh chữ hư, Sơn Nam mang đến gửi một giáo sư nhờ thợ sửa giùm. Ở mặt dưới có hàng chữ: “Máy của Sơn Nam, sửa gấp!”, nhưng ông chưa bao giờ tới lấy. Ngoài ra, kỷ vật của gia đình ông ở “Miệt Thứ”: cục gạch lót nền, cái ché bằng đất nung, bàn ủi lá sen, đèn bão, đầu sơn dương, hình ảnh, thư từ. NXB Trẻ cũng gửi tặng ba bộ sách bìa cứng, ba bộ bìa mềm. Thầy giáo Đinh Công Tâm tặng nhiều sách sưu tầm của ông. Họa sĩ Lê Minh tặng tranh sơn dầu chân dung ông. Nhà điêu khắc Nguyễn Sánh tạc tượng. Tạp chí Xưa và Nay tặng tượng đồng. Bức liễn và bức thư pháp “Phong sương mấy độ qua đường phố / Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” (Hương rừng Cà Mau).
Chia tay với tôi, chị Hằng nhắn gởi tâm nguyện của mình: “Chúng tôi muốn lưu giữ giá trị tinh thần mà ba đã để lại để phục vụ cho cộng đồng. Nếu là người có tinh thần ấy, muốn làm cho nhà lưu niệm phong phú hơn, chúng tôi chân thành cảm ơn! Chúng tôi lúc nào cũng mở cửa đón nhận bạn bè, thân hữu, người hâm mộ, và cả ai quan tâm đến di sản tinh thần của nhà văn Sơn Nam.”
Anh Nghị đang tiếp Tiến sĩ Phạm Ngọc Liễu, Phó Viện trưởng viện Cây ăn quả miền Nam, chia tay tôi, anh nói:
– Lúc đầu chỉ tính làm nhà lưu niệm. Như vậy bạn bè ba ghé thăm muốn ngủ với ổng một đêm lấy chỗ đâu? Vì thế tôi làm cả phòng ngủ, các tiện nghi sinh hoạt để mọi người đến với ba tôi.
Lúc ấy nhà báo Lê Phú Khải, một cây bút chuyên viết về Nam bộ cũng đang ghé thăm.
Ra về, lòng tôi nghĩ, không biết nhà lưu niệm như vậy có tương xứng với “ông già Nam bộ” chưa, nhưng chắc có lẽ tía Sơn Nam cũng hài lòng về những đứa con của mình cũng là “hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.

bài và ảnh Nguyễn Ngọc

ảnh:
                                          1. Chị Thúy Hằng (phải) đang tiếp khách

                   2. Phiến đá tạc bút tích bài thơ duy nhất “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam
                                 3. Phiến đá tạc chân dung Sơn Nam

                              4. Chân dung  Sơn Nam và vợ Đào Thị Phán ( ảnh Duy Anh)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác