Tình Cũ Nghĩa Xưa (Phần 8)
Chiêu ngụm trà ướp sen thơm ngào ngạt và độ nóng vừa miệng, Tư Tam Quốc có cảm giác thoải mái vui vẻ y như những khi cậu Kỉnh ngồi liếng thoắng trước mặt. Nhưng hôm nay trước mặt anh là Hai Thành, người đang lo lắng vì thất lạc đứa em. Tư Tam Quốc nhớ về cậu Kỉnh như em ruột của mình.
– Những quyển sách mà tôi đọc trước đây, bây giờ cậu Kỉnh cũng đã xem rồi. Nghe cậu ấy nói nhà ông chủ Dìn có nhiều sách xưa quý lắm. Tôi biết cậu Kỉnh đọc truyện cũ để giải trí và hâm mộ những kế sách tinh hoa, chứ không mù quáng mê mẫn như đa số. Cậu Kỉnh theo Tây học, quan niệm xã hội ảnh hưởng theo phong thái tự do dân chủ tây phương rất rõ nét. Do đó cậu ấy đưa ra ý kiến bàn luận và quan niệm làm người thời nay khác hẵn với xã hội nho giáo trung quân ái quốc xưa cũ. Tuy là cậu ấy thích thú bối cảnh võ đạo thiếu lâm nhưng không chấp nhận lối hành xử thế thiên hành đạo hay là việc cậy đao cậy sức để giải quyết mâu thuẩn. Dùng bạo lực nầy để trừ khử bạo lực khác mà thế thời hay kết quả chỉ vừa ý cho một vài người hay nhóm người chớ làng xóm chẳng khá gì hơn.
Hai Thành cảm kích nhìn Tư Tam Quốc:
– Cảm ơn anh chú ý thấu hiểu Út Kỉnh nhiều hơn tôi. Bây giờ xin làm phiền anh Tư ghi ra những nhận xét câu chuyện nầy một cách tổng thể, rồi trao đổi để xem lại cái nhìn của tôi và anh giống và khác chỗ nào.
– Tôi hứa với quan Chủ sự Hai Thành là sau nầy có làm chứng trước toà thì tôi cũng nói y như những gì tôi nghe và biết. Còn tờ giấy hôm nay thì Hai Thành xem xong phải trả lại tôi.
– Dạ, được anh Tư giúp như bè bạn thân thích, tôi cảm kích vô cùng. Có đâu tìm cách gài chuyện gây phiền cho anh. Anh chờ tôi vào trong mượn giấy mực.
Xem xong và trả lại tờ giấy cho anh Tư Tam Quốc, Hai Thành cố tìm một câu bông đùa:
– Tôi với anh học một thầy nên nhận định y như học trò cọp-dê. Bây giờ anh Tư muốn đi đâu, sẵn xe tôi đưa anh đi.
– Chú Hai đưa dùm tôi về chỗ cũ.
– Anh Tư gọi tôi như vậy phải nghe hay lắm không!
Nhớ ra thêm vài việc, Hai Thành xuống xe bước theo nói chuyện với anh Tư Tam Quốc bên ngoài sân đình thêm một lát rồi chia tay. Mới 10 giờ mà nắng đã nóng hừng hực, Hai Thành có hai giờ rảnh đến nhà bạn để trình bày những thu lượm với anh Tư Tam Quốc sáng nay. Khi nhắc đến anh Tư Tam Quốc đưa ra điều nghi hoặc về cái chết của anh Tư Cang, những người bạn của Hai Thành cũng góp thêm nhiều ý kiến, tựu trung cùng một ý nghĩa:
– Bùa chú có thể xem là loại thần quyền hay là ma thuật hay là một sức mạnh siêu nhiên.
Trong một thuận chiều nào đó, loại nầy có thể khống chế được con người hay vật chất.
Câu chuyện về bùa ngãi yếm đối chưa ngã ngũ thì Hai Thành xin phép về nhà vì có hẹn với ông chủ Dìn. Đậu xe sát lề lộ trước nhà, Hai Thành bước nhanh vào sân, người anh gặp đầu tiên là dì Thuần hơi lạ trong vẻ mặt rạng rỡ đón sẵn nơi phòng khách, dì nói thật nhanh:
– Tôi mừng quá cậu Hai, có thơ của cậu Kỉnh nè cậu.
Mọi khi thì Hai Thành chỉnh dì Thuần phải gọi con thay vì gọi cậu, nhưng nghe có thơ thằng Kỉnh, Hai Thành vội vả:
– Nó nói gì vậy dì, ai đem tới nhà mình hồi nào?
– Thơ dán cò, người phát thơ thường lệ gõ cửa hồi hơn 10 giờ. Cậu Kỉnh gởi ông cho chủ, tôi không dám coi. Nảy giờ tôi nóng lòng muốn đi tìm hai người. Thơ tôi để trong ngăn tủ bàn giấy của ông chủ, cậu mở ra cho tôi xem với.
– Dạ, để con mở cho dì cùng xem.
Chiếc bao thơ để trước mặt Hai Thành cùng loại và cùng mẫu tem thơ mà ông chủ Dìn sử dụng hàng ngày. Như vậy có thể đoán là cậu Kỉnh viết lá thơ tại nhà, ghi địa chỉ và dán tem rồi tự tay bỏ vào chiếc thùng nhận thơ gởi đi đặt trước cửa bưu điện trong ngày Chúa nhật. Sáng thứ Hai nhân viên bưu điện mở thùng lấy những lá thư ra và đóng dấu nhận ngày thứ Hai. Chiều nay anh sẽ đến Ty Bưu điện Sóc Trăng hỏi về chi tiết nầy. Cầm con dao rọc giấy, Hai Thành chợt nhớ không biết thằng Út Kỉnh có đề cập những việc bất ngờ và riêng tư nào khác. Vì vậy anh nói với dì Thuần:
– Con nghĩ lại rồi dì, đợi ba về mở thơ nầy cho đúng phép. Dù sao thì ba cũng quyết định mọi chuyện.
Gần một tiếng sau thì ông chủ Dìn về nhà và ngồi sau bàn làm việc, trước mặt ông là lá thơ của cậu Kỉnh. Ông chủ Dìn chậm rãi xem thơ của cậu con út. Mặt ông từ xanh hóa đỏ, hai mắt như có lửa, xương hàm ông hình như cử động. Đọc xong rồi đọc lại những chữ đó, ông im lặng tư lự mà cứ thở dài hơi ra. Cảm giác không khí rất nặng nề. Mãi một lúc sau, ông đẩy lá thơ của Út Kỉnh về hướng chiếc ghế đối diện trong lúc Hai Thành đứng xớ rớ gần đó trong vẻ bồn chồn lo lắng.
– Con ngồi xuống, bình tỉnh đọc thơ Út Kỉnh.
>>>
Thứ Bảy, ngày 26 tháng Tư năm 1941.
(Thơ của Út Kỉnh gởi riêng cho ba)
“Kính thưa ba quý mến của con!
Trước hết con nói rõ lá thư nầy con viết một mình với thần trí bình thường tại phòng ngủ của con trong đêm thứ Bảy. Út Kỉnh cúi xin ba và các anh chị tha tội cho Út Kỉnh bỏ nhà ra đi. Ngay lúc nầy Út Kỉnh cũng không thể nói ra lý do rời xa mái nhà và những người thân yêu. Con chỉ có thể nói được là con đi ra khỏi chợ Sóc Trăng mới có thể sống sót. Con xin ba và anh Hai Thành đừng nghĩ rằng con bị người trong nhà là dì Thuần hay người bên ngoài nào uy hiếp đuổi con ra khỏi gia đình của ba.
Cũng như con không muốn ba và anh Hai Thành tìm hiểu cái chết của anh Tư Cang và của mẹ. Mà ai cũng đều biết là “bất đắc kỳ tử” và không có dấu hiệu mưu sát. Vì vậy mà luật pháp không thể đánh bại loại hắc đạo giang hồ như trong câu “minh thương dễ tránh, ám tiến khó phòng”. Hãy để cho sự việc cũ trôi qua trong im lặng, kẻ muốn hại mình sẽ dừng tay vì họ nghĩ chưa ai hay biết, hoặc giả họ nghĩ mình biết mà sợ hãi đầu hàng. Hãy để cho mọi người nghĩ việc con ra đi như con chốt sang sông trong bàn cờ thường là để chết. Nhưng Út Kỉnh nhất định sẽ là một con chốt dùng để công thành trảm tướng. Vì vậy, nếu ba và anh thương Út Kỉnh thì đừng làm lớn chuyện để mọi người không chú ý nhà ông chủ Dìn có con đi hoang. Mà hãy xem như trường hợp anh Hai Thành cở tuổi con bây giờ đã rời nhà lên trọ học ở Sài Gòn, rồi mọi người tại chợ Sóc Trăng cũng sẽ quên lãng.
Trong di thơ, mẹ nhắc chuyện sau một ngày anh Tư Cang mất. Trong đám tang của anh Tư Cang, mẹ mang một số tiền lớn kín đáo phúng điếu, nhưng dì dượng Hai từ chối. Mẹ buồn vì lâu nay mẹ và dì Hai xem nhau như chị em ruột.
Mẹ mong muốn tìm dịp để tặng chị Tư Cang 1 kg vàng, giúp chị nuôi cháu bé. Con chưa thực hiện được tâm ý của mẹ, vì vậy con giấu ký vàng đó trong một hộp thiếc đựng đồ lặt vặt để trong chiếc tủ cẩn thờ ông nội. Số vàng còn lại thì con mạn phép lấy đi chôn dấu một chỗ rất an toàn bên ngoài nhà mình. Con hứa là chỉ dùng số vàng đó khi tuổi đủ lớn và khi cần mà thôi. Hiện tại con chỉ mang theo ít tiền xu đập ống heo chứ không mang bất cứ những gì quý giá. Con xin gởi lại sợi dây chuyền ba má cho con năm 12 tuổi. Ba tìm dùm trong một chiếc giày còn trong hộp dưới đáy tủ quần áo của con, cùng chỗ với chiếc chìa khóa tủ sắt có bộ mở khoá chữ mẹ gài là T-T-K-D.
Con và dì Thuần vì không hạp tuổi nên thường xảy ra xung đột, chớ đã là mẹ con thì không ghét qua đêm và con vẫn xem dì như là mẹ tuy rằng không đậm đà như mẹ Tư Lam của con. Con quả quyết trong danh dự, việc con ra đi là do Út Kỉnh tự quyết định. Gia đình đừng nghi ngờ mẹ ghẻ đuổi con chồng ra khỏi nhà như 2 bé Nghi Xuân và Tấn Lực trong truyện Phạm Công-Cúc Hoa. Năm nay con đã 16 tuổi, được cha mẹ giáo hóa và cô thầy dạy dỗ, con biết suy nghĩ cân phân và sống dưới sự yêu mến của ba dì và các anh chị, thì không ai đuổi xô con được.
Út Kỉnh nguyện cầu và xin hứa trước vong linh mẹ là sẽ trở về nhà mình khi đã đạt thành ý nguyện.
Út Kỉnh xin ba và mọi người trong gia đình mở rộng từ bi hỷ xả cho quyết định nầy.
Con tạm biệt và luôn yêu mến gia đình.
Trần Hữu Kỉnh kính bút ./.
>>>
Chờ Hai Thành đọc tới lời cuối lá thơ, ông chủ Dìn tằng hắng nhỏ trong cổ họng:
– Con xem thơ của em con lần nữa rồi cho ba ý kiến.
Hai Thành xem thơ lần thứ hai có vẻ lâu hơn vì anh ta ngưng ở nhiều đoạn. Hai Thành lấy tờ giấy ghi “note” trong túi áo và mở thẳng ra bên cạnh lá thơ Út Kỉnh, anh từ tốn:
– Thưa ba, sáng giờ con chưa gặp ba để trình những gì con đọc trong nhật ký và xấp thơ của mẹ. Hồi hôm con để ý từng nét chữ đều đặn, mỗi ý văn của mẹ đều trong tình trạng bình thường. Lá thư của em Kỉnh ba cũng thấy nó cũng rất bình tỉnh. Có một điều là mẹ nhắc đến anh Tư Cang. Vậy trước khi anh Tư mất, ba có thấy việc gì khác lạ không.
– Thằng Tư Cang là tài công lái chiếc ghe tải của chành. Những ngày không đi ghe, nó thường lên chành giúp ba cân lúa gạo hoặc làm sổ sách. Hoặc về nhà giúp mẹ việc lặt vặt như con cháu, chứ ba má không mượn nó làm gì ngoài việc của chành Dìn Ký. Trước ngày nó mất ba không nhớ rõ khoảng nào, đôi lần nó xin ba làm việc gì đó cho mẹ. Ba thiệt là không rõ ràng, cũng không chú ý mẹ mượn nó làm việc gì. Khi nghe báo hung tin, ba má tức tốc đến liền. Dì dượng của con nói sáng ra người nó xuất mồ hôi và nhức đầu lạ thường, vợ nó đạp xe đi mua bịt thuốc ngoại cảm và ghé nhà xin ba cho nghỉ một ngày. Vợ nó chưa về tới thì nó la nhức cả người chịu không nổi, dì dượng kêu xe kéo nửa đường tới nhà thương thì nó đã chết. Má xin được dỡ khăn nhìn mặt nó lần cuối mà dì dượng Hai không cho. Dì dượng có vẻ lạnh nhạt với ba má, ba má ngồi không trơ trọi nghe tiếng khóc than chịu không nổi phải xin phép ra về. Lúc đó ba nghĩ dì dượng đau khổ vì mất con mà phát sinh thái độ như vậy. Bây giờ đọc thơ thằng Kỉnh, ba nghiệm lại thấy có vài điểm khả nghi trong cái chết của Tư Cang.
(Dứt chương Mở đầu của truyện dài Tình Cũ Nghĩa Xưa. Chân thành cám ơn các bạn đọc theo dõi)
Một Lúa
8 phần vừa rồi chỉ là chương mở đầu! Quá đã, nhưng xem xong truyện Tình Cũ Nghĩa Xưa chắc cổ dài thêm một tấc.
Bạn Nguyễn Hoàng Long,
Nửa trận đá banh thì có ‘đờ-mi tăng’ cho cầu thủ nghỉ mệt dưỡng chân gà. hihi
Anh Một Lúa thân mến ơi ! Mới chương mở đầu mà dài thế , phần 8 đang lúc hấp dẫn rất nhiều thắc mắc cần phải được giải tỏa mong anh một lúa kể tiếp .
Chào Lài Võ,
Câu chuyện đang rẽ sang chiều khác với nhiều nét dị đoan.
Tám phần chỉ mới dứt chương mở đầu. Đúng là truyện dài…thiệt dài. Nhưng đừng đề bà con chờ kiểu “Con nước lớn ròng” nhe anh Một Lúa!
Chào My Nguyễn,
Chương về cậu Út Kỉnh chắc phải ra Giêng. hihi