Tình Cũ Nghĩa Xưa  (Phần 4) 

Ngày đăng: 14/11/2017 05:53:36 Sáng/ ý kiến phản hồi (13)

Chợ Sóc Trăng  không lớn lắm, mọi ngóc ngách cũng đâu xa lạ với một người sống và lớn lên đến  gần 50 như ông chủ Dìn. Qua một đêm tìm kiếm  mệt nhừ, nét  phờ phạc hiện rõ trên mặt  của  người cha mất con, ông chủ Dìn vô vọng để rồi chuyển qua tâm trạng lo âu chờ đợi một lá thơ tay đầy hăm dọa và nói thẳng mục đích bắt cóc tống tiền.

Cùng lúc ở một nơi không xa lắm,  tại mé sông gần dạ cầu Quay Kim Sơn  bên phía chợ Bạc Liêu,  cậu Kỉnh trong vai thằng Rõ nằm khỏe re trên chiếc võng giăng xéo hai cây cột mái che của  giàn sàn lái ghe. Việc cậu “vô tình”  trốn dưới ghe được mọi người của đoàn Sơn Đông xuề xoà tha thứ, ông trưởng đoàn còn xem như là cơ duyên tao ngộ. Bước đầu  suôn sẻ làm cho cậu tạm quên nỗi sợ hãi bị ba cậu hay lính tráng  tìm bắt.

Nhiều chuyện mà  cậu  không  thể  bỏ ra khỏi vùng ký ức non nớt,  là  lần má cậu hỏi ba cho ý kiến là bà phải làm gì sau khi chú Hai Ghi thừa nhận thằng Rõ đã bỏ nhà đi mất. Cậu nghe ba rầy mẹ: “Chuyện của người ta mà bà dính vào làm gì, có rắc rối thì đừng kéo tôi vô.  Bà biết là tôi chỉ lo việc làm ăn thôi, đừng hỏi tôi việc gì khác”.  Và cậu tự hỏi  tại  sao  mỗi lần ba Dìn gặp mặt cậu là có đủ cớ để quở trách la rầy. Tâm sự với sư phụ Tư Tam Quốc cũng chỉ biết khuyên cậu Kỉnh là ba cậu muốn gì  thì cậu làm theo y như vậy, nhưng mọi cố gắng của cậu Kỉnh hầu  như không có hiệu quả tốt đẹp.

Mấy hôm còn ở nhà,  cậu Kỉnh mê tài múa kiếm loang loáng  và nội công đao thương đâm không lủng của những hiệp sĩ đoàn nầy.  Trên  sân chùa Bà, lòng tràn đầy tâm sự mà không thể tìm ai để  giải bày vấn kế. Cuối cùng,  một tư tưởng đến nhanh như ánh chớp,  cậu  muốn theo làm đệ tử  đoàn sơn đông với hy vọng những người tài ba nầy bảo vệ được cậu.   Từ chiều hôm qua,  cậu  phải dấu biệt thân phận là cậu út Kỉnh con ông chủ Dìn. Với người của gánh Sơn Đông, cậu là thằng Rõ.  Còn đối  với những  người khác thì cậu Kỉnh phải nhớ rằng cậu là trẻ mồ côi sống lang thang bụi đời, y như những gì trong tờ “ráp-po” của ông sếp bót. Mới chập chững bước vào đời, cậu Kỉnh áp dụng hai bài nói láo. Một bài do người lớn chỉ dạy, một bài mà nếu có sư phụ chú Tư Tam Quốc, cậu sẽ hỏi có phải là “kế trong kế” kiểu  con nít như cậu.

Trong biến thế bất ngờ, cậu Kỉnh phải giữ nằm lòng  kịch bản:  Ba thằng Rõ là chú Hai Ghi 44 tuổi,  làm công việc bốc vác  hơn chục  năm cho vựa Dìn Ký chợ Sóc Trăng.  Chú thím Hai Ghi có hai người con, chị Bé Hai là người con gái lớn có chồng làm nghề biển. Thằng con trai nhỏ tên Rõ  chơi hợp rơ với thằng con bà vựa gạo và con bé Thắm ở ngang nhà trong hẻm Chú Chên.  Thằng Rõ bỏ nhà đi mất vì không chịu nổi sự đối xử hà khắc của bà kế mẫu.  Bà chủ vựa gạo  không thấy ai tìm kiếm hay tỏ ra lo lắng an nguy cho thằng bé đáng thương, bà bất mãn đến  trình báo với chính quyền. Nhân viên công vụ xuống nhà chú Hai Ghi “ăn kết” kỹ lưỡng, giấy tòa ra lệnh tạm giam Hai Ghi một tháng. Đúng ngày,  họ thả chú ra và cấm ba tháng không được ra khỏi tỉnh lỵ Sóc Trăng.  Họ nói chỉ cần một người dân trong hẻm đứng ra làm chứng cha ruột hay mẹ kế  bạc đãi con chồng là họ truy tố người lớn trong nhà đó. Cuối cùng vì quá hạn luật định,  sở Cảnh sát Tư pháp  thông báo cho bà Lam rằng họ phải xếp hồ sơ vụ nầy qua loại cần  theo dõi. Họ cám ơn và yêu cầu bà nếu  có thêm tin tức liên quan vụ án thì cứ mạnh dạn cung cấp bất cứ lúc nào.  Cậu Kỉnh tiếp tay mẹ cậu vụ giấy tờ trình báo, thế nên cậu biết  thêm một số chi tiết về gia đình chú Hai Ghi như thằng Rõ họ gì, mấy tuổi.

Cậu bé Kỉnh  ăn chưa no lo chưa tới còn phải nhận những bí mật  quá lớn ngoài tưởng tượng. Khoảng 2 tháng trước ngày mẹ cậu Kỉnh  qua đời. Một buổi sáng khác với thường  ngày,  bà Lam mời cậu Kỉnh uống cà phê tại  phòng đọc sách. Bà chỉ cái tủ sắt thấp nhỏ đứng sát góc tường và khuất sau lưng dãi kệ sách, đường đi vào đó bị chiếc ghế dựa của bà chận lại. Giọng bà từ tốn nhẹ nhàng  hơn mọi khi, ánh mắt  trìu mến nhìn cậu Kỉnh:

– Con lớn rồi, má muốn nói chuyện nầy cho con hiểu chuyện của gia đình. Con chờ má nói xong,  không hiểu thì cứ hỏi.

Năm 1935, lúc con vừa tròn 10 tuổi. Việc làm ăn của ba suy sụp suốt  mấy năm dưới  đà suy thoái của kinh tế thế giới. Ba cần thêm vốn để cứu vãn việc làm ăn cũng sắp phá sản vì đồng tiền không lưu chuyển chứ không ai muốn giựt nợ. Lý do là các đồn điền nhận mình nhiều tiền mà  giao lúa nhỏ giọt, vì họ sản xuất ít. Kho hãng ở Sài Gòn lấy gạo xong cũng trả tiền không đủ, và kéo thành nhiều đợt.

Má bàn với ba đi về thăm ngoại, sẵn mượn thêm một số vốn. Má bật ngửa khi ngoại nói đã rút hết tiền trong nhà băng và gom luôn vàng để hùn với người bạn đem qua Paris làm ăn hơn 5 năm trước rồi. Đáng lẽ người đó phải kết toán hoàn vốn lời cho ông ngoại và hai người nữa trong tết ta năm đó theo hợp đồng.  Nhưng kinh tế nước Pháp ảnh hưởng suy thoái trước Việt Nam và tình hình chính trị Âu châu không ổn định do nước Đức đang trổi dậy rụt rịt chiến tranh, vì vậy mà ông bạn của ngoại cũng chưa biết số phận tài chánh của ông ta ra sao. Những năm đó, nhà ngoại  chỉ còn huê lợi lúa thóc để xoay trở đồn điền trong vòng 5-3 tháng.  Buổi trưa trên đường về nhà, con ngủ vùi trên xe, má xin lỗi với ba là không biết chuyện gia đình khiến cho ba bị bẻ  mặt. Ba chăm chú lái xe không nói một lời, hôm đó má buồn lắm.

May cho ba nhờ có mấy đồn điền làm ăn lâu đời với mình, họ họp lại cam kết mua bán trong  tình nghĩa “sống cùng sống, chết cùng chết” dưới thời suy thoái. Nhờ vậy mà chành của mình chịu đựng nổi và vượt lên thịnh vượng trước người ta.

Tháng 4 năm 1937, ngoại mời ba má về Kế Sách dự tiệc mừng thọ. Sau buổi tiệc ông bà ngoại kêu ba má vô phòng, trước mặt hai anh của mẹ, ông bà mở nắp chiếc rương nhỏ bằng gỗ quí bọc kẽm mạ kền rất chắc. Chiếc hòm báu vật thu nhỏ  đựng đầy vàng thẻ, ngoại nói người bạn từ Pháp mang về trả  ngoại số vàng và ngoại tệ gần gấp đôi số vốn ban đầu. Nhờ có đủ giấy tờ lúc đem tiền và vàng qua Pháp đầu tư hợp pháp, thuế vụ đầy đủ,  việc chuyển ngân về Việt Nam chỉ nộp  lệ phí Quan thu.

Ông bà ngoại lấy tiền mua vàng và  giữ chút ít dưỡng già, số còn lại chia đều cho hai người cậu của con và rương vàng hôm đó là phần của cha mẹ.   Ba con dần dừ thì hai cậu đậy nắp rương và xách ra cốp xe. Hôm đó về tới nhà tối lắm, ba con cũng không chịu mang rương vô, mẹ kêu con thức dậy để hai mẹ con nắm hai quai khiêng  rương vàng vô nhà. Con nhóng thử chiếc hòm  lên và nói với mẹ, con rinh một mình  thì mẹ cho con cái kho tàng hải tặc nầy nghen mẹ. Câu nói làm hai mẹ con mình cười ngặt nghẻo. Năm đó con 12 tuổi, mẹ mừng khi thấy con  dư sức  nắm 2 quai chiếc rương trọng lượng vừa vỏ  vừa ruột khoảng mười mấy kí đi te te từ nhà xe vô phòng cha mẹ.

Ba Dìn của con là người có tánh tự lập cũng như  tự ái rất cao. Bên nội con giàu mà ba chưa bao giờ than túng hay nhờ vả dù khó khăn cỡ nào.  Mấy tháng sau thì có xe ở Sài Gòn chở đến nhà  giao cái tủ sắt mà ba cò-măng từ bên Tây. Ba chuyển  hết số vàng của ngoại  qua chiếc tủ sắt nhỏ, ba chỉ má cách gài chữ mật mã để tự má chọn lựa và cương quyết  không nhận cái chìa khoá thứ 2 và tỏ ra lơ là với bộ khóa chữ.

Từ hôm nay má đưa con giữ cái chìa khóa hình trái khế nhỏ nầy và cho con biết 4 chữ mật mã để con mở thử trước mặt má. Nếu má có chết bất đắc kỳ tử thì tất cả gia tài của ngoại cho má trong tủ nầy thuộc về con, con mở ra ra lúc nào cũng thấy trong ngăn nhỏ có vài lá thư dặn dò của má.

– Má đang khoẻ mạnh mà tính chi việc mà con chỉ đọc trong truyện.  Sao má không giao cho ba   hay là anh Hai Thành, con đâu biết mấy việc lớn lao nầy.

– Con thấy thím Hai Ghi có đau yếu gì đâu, mới thấy đó mà ngã ra chết dễ dàng.  Bởi thế nhà Phật mới nói “trần gian cõi tạm” hay là “cõi vô thường”. Má lo lắng cho mọi việc không có mặt má cũng không phải dư thừa. Ba con nhiều lần nói là ông không đụng tới gia tài ông ngoại, má không biết tới khi nào thì ba con mới chịu nhìn vô của hồi môn của má. Anh Hai Thành của con bây giờ làm công chức có ngạch lương cao, anh còn kêu má khi nào cần tiền thì cho anh biết. Bên chồng của hai chị đều  giàu hơn mình thập bội, số nầy có là bao với họ. Mẹ thấy chỉ có thằng Út Kỉnh  là xứng đáng thừa  hưởng gia tài của ông bà ngoại.  Cười lên và hứa chơi với má một tiếng cho vui, chớ đâu có người mẹ nào bắt con mình chở vàng bay qua biển như trong truyện “Ăn khế trả vàng”, phải không con trai.

– Dạ phải thưa mẹ!

– Cười là nhận lời mẹ rồi đó, cậu Út!

(Còn tiếp)

Một Lúa

Có 13 bình luận về Tình Cũ Nghĩa Xưa  (Phần 4) 

  1. Anh Một Lúa thân, viết chuyện hiện tại thì dễ viết câu chuyện xãy ra thập niên 1930 không đơn giản. Tình tiết cau chuyện quá hấp dẫn,  mô tả đia dành nơi chốn quá xuất sắc, còn bối cảnh xã hội của thời địa chủ tá điền, những năm đen tối của người dân Việt dưới chế độ thực dân Pháp, qua ngồi bút thấy luật lệ được tôn nghiêm như một nước văn minh của phuong tây. Chúc anh vui vẻ viết khỏe.

    • Một Lúa nói:

      Chào Võ Châu Phương,

      Dà, nhiều  sự việc xảy ra trên quê của ông bà cha mẹ mình. Ít nhiều thì mình cũng được nghe nói đến. Cũng như sách vở nói là những vị thần y học, thần công lý, thần tự do, thần tình yêu, thần sức mạnh… đều ở châu Âu hay còn gọi là Tây phương. Những vị thần cao quý  đã hun đúc, ảnh hưởng  loài người càng ngày càng văn minh và xây dựng một thế giới công bằng tuơi đẹp.

  2. Nguyễn Thị Bé ( Xuân Hiệp ) nói:

    Đọc bài viết của anh tôi nhớ đến nhà văn Hồ Biểu Chánh tả rất hấp dẫn địa danh rỏ ràng thời gian xãy ra cũng phù hợp tình hình kinh tế chính trị thời ấy.Mong xem tiếp phần còn lại của anh một lúa.

  3. Một Lúa nói:

    Chào người bạn Xuân Hiệp,

    Đường mòn văn nghệ của tui cũng lắm chông gai. Tui cứ bị bx rầy hoài, muốn quải:

    – Hồi trẻ không nhái giọng  Duy Khánh, bây gìờ già hết hơi mà tối ngày léo nhéo đeo theo “Người em Dĩ Dạ” muốn điếc tai. hihihi

  4. HOA ĐĂNG nói:

    Lúa đệ, tỉ cứ âm thầm theo dõi câu chuyên Tình cũ nghĩa xưa từ khi khởi đầu câu chuyện mà nhà văn Một Lúa đã viết, Bây giờ đã hết phần 4, tiếp tục chờ đợi, hấp dẫn quá, nếu đem so với nhà văn Hồ Biểu Chánh thì chưa biết ai hơn ai, một công trình đồ sộ, nhớ gom lại và in thành sách những câu chuyện đã qua và bây giờ thì quý vô cùng. Rất cảm ơn tác giả đã  cho mọi người được thưởng thức bài viết thật hay. Nói thật lòng không nịnh đâu đó.

    • Một Lúa nói:

      Chị Hoa Đăng,

      Hồi đệ mới loay quay ra chốn trường viết (có trường quay chắc cũng có trường viết, hihi) với số vốn bằng 0. Vì vậy mà đệ chỉ nghĩ một điều là không có gì để mất. Nhưng đối với gia đình, thời gian để ngồi mổ “từng con chữ” (vụ nầy mới học, hihi) nhiều khi sinh ra những bê trể và thiếu sót.

      An ủi chính mình, đệ ao ước sản phẩm từ ấp Năm có thể gìải trí mình trước (hơi ích kỷ) sau đó hy vọng là giải trí một số bè bạn.

      Chỉ có vậy và không muốn gì hơn. Đệ cám ơn  tỉ huynh trong tinh thần văn nghệ,  các bậc có bề dày và chiều sâu văn chương văn học nếu có ghé ngang khoảng đồng ấp Năm, xin lượng thứ về nhiều thứ.

  5. Hoành Châu nói:

    Bài càng lúc càng hấp dẫn , chờ đọc tiếp
    Hoành Châu  (Gia đình C  )

  6. My Nguyen nói:

    Câu chuyện đang tiếp diễn với những tình tiết hấp dẫn. Chi tiết khá vui và thật gay go khi cậu Kỉnh mới chập chững vào đời đã phải áp dụng hai bài nói láo…

    Chờ đọc tiếp anh Một Lúa nhe!

  7. VÕ THI LÀI nói:

    Nói gì ở phần 4 đây, hấp dẩn quá đi ,như chị Hoa Đăng nói đúng là không thua Hồ Biểu Chánh .Đợi xem phần 5  nhanh nhe anh Một Lúa .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác