Tình Cũ Nghĩa Xưa (Phần 2)
Ván hông ghe va chạm lộp cộp làm cậu Kỉnh thức giấc, cậu có cảm giác khoẻ khoắn sau một đêm ngủ thật ngon. Trí nhớ trở về thực tại, cậu nằm im và lắng nghe chung quanh. Không khí trong khoang chở hàng mát mẻ dễ chịu. Lần đầu tiên trong đời cậu có kiểu ngủ nửa nằm nửa ngồi như vậy. Chung quanh cậu còn mờ mờ những vật dụng của đoàn sơn đông mãi võ. Động cơ trên ghe im bặt, thay vào đó là những âm thanh sống động bên ngoài. Qua các khe ván hở trên hai phía vách mui ghe, tiếng của nhiều loại máy tàu khi xa khi gần tràn vào, tiếng người ơi ới. Những điều đó cho biết chiếc ghe của đoàn sơn đông đang neo đậu một bến chợ nhộn nhịp vào lúc trời chưa sáng tỏ.
Cậu Kỉnh nghe tiếng vài người thức dậy phía khoang hầm bên dưới ca-bin. Thân ghe lắc nhè nhẹ, một lúc sau mùi cà phê bay đến mũi cậu thật sảng khoái. Cậu thèm một ly cà phê sữa như ngày nào mẹ cậu còn sống. Bà hay lén ông chủ Dìn pha cho cậu một ly cà phê từ nước giảo của cái lọc bà vừa uống cử sáng. Dù bà nghe ông lải nhải là không cho con nít uống cà phê, người ta nói chất cà phê làm cho thân thể và trí óc trẻ con chậm phát triển. Nhưng vài ngày là bà pha cho cậu Kỉnh một tách xây-bạc-xỉu bự chảng và kèm theo câu trấn an quen thuộc: “Lâu lâu mình uống một ly giảo chắc là không sao con trai hén, không chừng Út Kỉnh nhờ ly cà phê sữa của mẹ mà cao lớn và học giỏi”.
Sinh hoạt ồn ào bên ngoài tăng dần, cậu Kỉnh hiểu sắp đến lúc phải đối mặt ông chủ đoàn. Mấy tháng làm quen với chú Tư Tam quốc, điều mà sư phụ dặn cậu là nguy nan cở nào cũng phải thật bình tỉnh mà tìm ra đối sách. Cậu suy tính phải trả lời như thế nào để ông chủ đoàn không cho người đưa trả về Sóc Trăng, về đó mà gặp ông chủ Dìn thì no đòn. Cậu lại ao ước phải chi có sư phụ chỉ vài chiêu ứng phó vụ nầy thì chắc chắn mọi việc sẽ êm xuôi. Cậu Kỉnh vẫn trong tư thế nằm dựa vào một hòm gỗ lớn, mặt hướng ra hai cánh cửa. Cậu định kiếm chiếc áo mà chiều hôm qua cậu cởi ra vì ướt đẫm mồ hôi, nhưng cậu lại lơ mơ ngủ tiếp.
Những bước chân trên mái vòm mui ghe làm cho những miếng gỗ dầy nghiến nhau trèo trẹo và lớp thiếc bọc cũng kêu theo răng rắc. Cậu Kỉnh tỉnh hẳn, cậu biết đó là lối đi duy nhất từ phía sau lái ra phía sạp mũi ghe.
Anh giúp việc cúi người tra chìa vào ổ khoá, cửa khoang vừa mở bung làm anh ta la hoảng một tiếng. Những người đứng sau lưng anh nhìn vào khoang thấy một thằng nhỏ ở trần trùng trục đang đưa tay dụi mắt. Qua cơn bất ngờ, mọi người xúm vào hạch hỏi. Vài giây chờ đợi cậu trai nhỏ nầy hiểu những câu hỏi lộn xộn và nhớ ra chuyện gì. Cậu khai là buổi trưa hôm qua chơi trốn tìm với các bạn xóm lúc ghe đậu dưới bến chùa Bà, cậu thấy cửa khoang khép hờ nên lẻn xuống trốn tụi bạn rồi ngủ quên trong đống vải bạt dưới hầm mũi. Khi ghe chạy không biết bao lâu thì cậu thức dậy, lúc đó sợ quá rồi tiếp tục ngủ vùi. Ông trưởng đoàn kêu cậu bước lên sạp để hai người làm xuống khoang kiểm lại dụng cụ xem có bị lục phá hay không rồi trình cho ông biết. Ông ta gằn giọng bảo cậu phải trả lời thành thật các câu ông hỏi:
– Mầy tên họ gì, mấy tuổi, con ai?
– Dạ con tên Nguyễn Văn Rõ, 15 tuổi, con của Hai Ghi.
– Ba mầy làm nghề gì, nhà cửa ở đâu?
– Nhà con ở xóm chùa Bà, ba con làm phu vác mướn cho các chành vựa.
– Xóm chùa Bà mà ở khoảng nào?
– Thưa ông, hẽm chú Chên đi vô 30 mét nhìn bên tay trái thì nhà con căn thứ 6, trước nhà con có 2 cây mít.
– Mầy làm nghề gì, mầy biết chữ không?
– Mỗi ngày con quảy thùng bán đậu phọng rang, nhưng bữa nào má con làm món gì khác thì con bán món đó. Con không có đi học, mẹ con dạy con biết đọc chữ quốc ngữ.
– Mầy là con của phu khuân vác mà mang săng-đan bên Tây. Của mầy hay là đồ chôm chĩa.
– Bà chủ vựa gạo năm nào cũng cho tụi con vài bộ đồ mới. Bà cũng hay mang đồ cũ đến cho mẹ con, đôi giày nầy của bà chủ cho con.
– Mầy nói mỗi ngày quảy thùng bán đậu phộng rang. Tao thấy mặt mày tay chân mầy không bị rám nắng mà cũng không thấy quay thùng ăn chai hai vai. Có đứa tao còn thấy bị tật đứng nghiêng một bên. Còn mình mẩy của mầy láng vo, mầy nói láo ai tin hả mậy nhỏ.
– Hơn năm nay con về sống với ngoại ở cù lao Dung, ngoại không kêu làm gì hết. Con mới lên Sóc Trăng hôm kia để tìm ba mà chưa gặp, con lẫn quẫn sân chùa Bà để xin cơm, tối ngủ nhờ và coi hát sơn đông cho đã. Con không có bạn, buồn quá xin chơi với mấy đứa nhỏ.
Lúc đó từ chiếc ghe lớn gần đó có người hỏi vọng qua:
– Có chuyện gì lùm sùm vậy Năm Thời, sáng trắng mà chưa dọn gánh để ‘tả lù lên’ cho xôm sân chợ hả mậy?
– Không có chuyện gì bác Chín ơi.
Những người làm của ông cũng có vẻ nóng ruột.
– Chú Năm ơi, đồ đạc y nguyên không bị lục phá. Dọn lên sân được chưa chú. Cái áo nầy chắc là của thằng nhỏ.
Ông trưởng đoàn nhìn chăm chăm thằng nhỏ, ông trầm ngâm một lát:
– Sáng nay chú cho mấy đứa nghỉ, lãnh lương năm phân. Sư phụ chú hồi đó có nói, mình mới ra cửa mà gặp kỳ đà cản mũi thì trở vô nhà thay áo nghỉ. Hồi nảy mở cửa ra không phải gặp thằng nầy nằm dài hay sao. Hai đứa dẫn nó ra sau ghe cho ăn uống và đối xử tử tế nhưng tuyệt đối không cho đi đâu, giặt dùm nó cái áo rồi phơi liền cho khô. Chú lên bờ uống cà phê rồi trở xuống tính chuyện.
Anh phụ việc rót đầy ly trà đưa cho cậu và bảo cứ đi tới lui trong lái ghe. Anh khuyên cậu đừng tính việc bỏ trốn, lát nữa ông chủ sẽ thả cậu về, không có tội gì phải sợ. Họ hỏi từ trưa hôm qua đã ăn gì mà tỉnh queo như sáo. Cậu thuật lại, ghe chạy một hồi lâu thì cậu tốc đống vải bạt bò ra khoang xem động tỉnh. Miệng khát khô và bụng đói thắt thẻo. Ngay lúc phía sau nấu cơm chiều, mùi mắm kho bay vô khoang làm cậu đói khát muốn xĩu. Lúc tìm vật gì gõ vào kèo mui để kêu người trên ghe, nắng chiều xuyên qua kẻ vách, cậu thấy có cái trang thờ ở giữa hai cây cột vách mui gần phía muĩ . Trên kệ thờ có một bình trà và ba chung nước và có thêm dĩa đựng 4 cái bánh in đậu xanh. Cậu hưởng 3 cái bánh in và uống gần hết bình trà hãy còn thơm hoa lài. Khi đã no bụng và hết khát, cậu không muốn kêu cứu nữa. Hồi khuya cậu dứt cái bánh in còn lại và cạn luôn bình trà, cho đến lúc đó cũng chưa thấy đói.
Anh phụ việc nói với anh kia:
– Tối qua tôi uống chừng một xị rồi ngủ luôn quên vụ thắp nhang bàn thờ thuỷ thần. Ờ mà thằng nhỏ nầy giỏi thiệt, cái máy Ấn Độ chạy rần rần dưới hầm ghe mà nó nói ngủ ngon lành một lèo từ chiều hôm qua đến sáng nay.
Anh kép đang dùng khăn ướt chùi màu vẻ mặt vừa nói vừa cười:
– Đoàn nầy hồi nào chỉ biết ảo thuật cọng lá dừa thành con lươn, chứ tụi tao chưa từng ảo thuật đống dây thừng ra thằng nhỏ lanh lẹ như vầy.
Ông chủ đoàn sơn đông là người biết luật lệ, sáng nay cùng lúc với việc ông phải tới một đồn cảnh sát tại chợ Bạc Liêu để thị thực thời gian hành nghề và nạp thuế hoa chi như thông lệ, ông dẫn thằng nhỏ theo để hỏi luôn sự việc. Ông cò người Việt làm sếp khu vực Cầu Quay là bạn thân với ông lâu nay nên cũng dễ nói chuyện. Nghe xong tự sự, ông sếp bót cảnh sát nói vụ nầy đúng ra phải giải lên Hiến binh, mà tụi Tây chấp pháp nghiêm minh, giao cho họ là phiền phức lắm. Suy nghĩ một lát, viên đội trưởng cảnh sát hạ giọng:
– Tôi nói, nhưng ông trưởng đoàn hiểu rằng tự ông nghĩ ra cách nầy chớ không ai chỉ vẻ. Hôm qua tới giờ em nầy ăn có 4 cái bánh in thì chắc nó đói lắm. Ông dẫn nó ra quán hủ tiếu đãi một bữa no nê rồi năn nỉ nó khai là trẻ mồ côi đi bụi đời, tự nó trốn trong khoang ghe của ông trước khi lui bến. Thằng nhỏ chịu khai như vậy thì trở lại cho tôi xác minh, tôi sẽ chứng nhận trên tờ ráp-po cho ông tạm trông coi nó đến khi ghe trở về ngang Sóc Trăng trả nó cho cảnh sát địa phương ngay bến ghe hôm trước. Nếu nó không chịu nói như vậy thì ông cho người đi xe đò ngay hôm nay đưa về Sóc Trăng trả tới tay cho gia đình, hoặc là giao cho sở Hiến binh Bạc Liêu thụ lý. Hiến binh làm việc thì có thể họ sẽ mời ông ra tòa làm chứng thì tùy theo phía Công tố cứu xét. Không có những thủ tục như tôi nêu ra, ông chứa trẻ vị thành niên sẽ sinh rắc rối lớn.
Không biết điều gì khiến cho ông chủ đoàn sơn đông thích thằng nhỏ nầy ngay lần đầu thấy nó. Ông không ngờ con của một người phu khuân vác mà mặt mày sáng láng lanh lợi, trước mặt người lớn và quan quyền mà nó không hề sợ hãi, phong thái bình tỉnh ăn nói rõ ràng như con nhà khá giả và có học vấn. Từ đồn cảnh sát bước ra, ông nhận thấy thằng nhỏ nầy khôn ngoan mà kêu gì nó cũng làm theo. Như vậy tâm ý nó cũng thích đi bụi đời và cũng ‘mết’ đoàn ông lắm. Nhất là nó không kêu khóc đòi về nhà như những đứa đi lạc. Ông trưởng đoàn nảy ra một ý nghĩ xa xôi, xa hơn cái dự tính thành hình sau lần tra hỏi lúc mới gặp. Trên đường đi xuống bến, ông ghé chợ bên dưới Cầu Quay để mua cho thằng Rõ 2 bộ quần áo. Về đến ghe ông dặn mọi người cho nó tắm rửa, ăn uống và đừng cho nó đi đâu.
Ông nói phải đi Vĩnh Châu lo sân diễn, nếu sáng mai mà ông chưa về thì đoàn cũng phải chờ ông. Ông mở tép hồ sơ lấy tờ giấy có đóng dấu màu tím thẩm của sếp cảnh sát cho ông phó đoàn xem và nói nhỏ vào tai ông nầy, rồi hấp tấp bước lên bờ.
(Hình minh hoạ: nguồn internet)
(Còn tiếp)
Một Lúa
Hi hi
Thê là cậu Kỉnh đã được cứu
Ong trưởng đoàn này người cũng có đạo đức à nha
Phan Lương,
Ông Địa cho cậu Kỉnh 4 cái bánh in nhân đậu xanh, quên hỏi đậu xanh có sầu riêng không. hihihi
Lý Hương cảm ơn Anh Một Lúa đã cho đọc một chuyện hay .
Chào bạn Lý Hương,
Cảm ơn bạn đã đọc qua. Họ nhà lúa sẽ cố gắng!
Những thắc mắc về cậu Kinh đã được giải đáp một phần .theo em nghĩ chắc cậu Kinh nầy sẽ theo gánh Sơn Đông luôn quá .
Bạn Lài Võ,
Dà, cũng đang nóng lòng lắm đây! hihi