Thưởng thức âm nhạc – nghệ thuật cần biết
Cách đây hơn năm năm, chúng tôi là một trong những học viên tham gia một khóa đào tạo âm nhạc hoàn toàn mới lạ, có thể nói chưa từng có tại Việt Nam, đó là khóa “Thưởng thức âm nhạc” được tổ chức tại Trường Âm nhạc B.A.C.H vào năm 2012. Khóa học càng đặc biệt hơn nhờ có sự hướng dẫn trực tiếp của PGS TS Trần Thế Bảo, PGS NGND Hoàng Cương và chính nhạc trưởng Nguyễn Bách, tác giả quyển sách Thưởng thức âm nhạc.
Trong khóa học đó, Trường Âm nhạc B.A.C.H đã biên soạn nhiều bài giảng chuyên đề với minh họa thực tế (khổ giấy A4) phát cho học viên vào mỗi buổi lên lớp, mà chỉ cần tập hợp đầy đủ các tài liệu này lại thôi cũng có thể đóng thành một tập giáo trình âm nhạc có giá trị. Lúc đó, chúng tôi thầm nghĩ giá như Trường Âm nhạc B.A.C.H tổng hợp, cập nhật và hệ thống hóa tất cả các bài giảng của khóa học để in thành sách thì việc học hỏi và nghiên cứu chuyên đề này sẽ mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả hơn.
Sau khi dồn hết công sức và tâm huyết trong ba năm để nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Âm nhạc học vào năm 2015, tác giả chứng tỏ mình vẫn còn tràn đầy năng lượng đáng trân trọng dành cho âm nhạc nghiêm túc. Sau hai năm nỗ lực không mệt mỏi, anh vừa mới hoàn tất một công trình nghiên cứu công phu xứng tầm với một đề tài mới có thể nói lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, đó là quyển “Thưởng thức âm nhạc”, tiếp tục bổ sung vào tủ sách âm nhạc Nguyễn Bách, đến nay cũng gần 40 cuốn.
Rất đáng hoan nghênh dự án nghiên cứu nghiêm túc mới này của tác giả. Không thể diễn tả hết niềm vui của chúng tôi khi được đọc toàn bộ bản thảo quyển sách như mong đợi, mà mình đã từng học một phần nội dung trong đó cách đây năm năm. Chắc chắn, mỗi quý vị độc giả sẽ tự tìm thấy những điểm thích thú và niềm khích lệ cho riêng mình khi cầm trên tay ấn phẩm trang trọng này. Riêng chúng tôi mong được chia sẻ một vài điểm đáng chú ý như sau:
- Đối tượng của quyển sách:
Khi Trường Âm nhạc B.A.C.H mở khóa “Thưởng thức âm nhạc” lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2010, có người băn khoăn “tôi chưa biết đàn, biết hát, làm sao theo khóa này được”. Đây là phản ứng tự nhiên, nhưng chúng ta lại quên rằng mình vẫn nghe nhạc hàng ngày và biểu lộ cảm xúc từ những bản nhạc ấy dù chưa biết đàn hay biết hát. Điều đó chứng tỏ tiềm năng thưởng thức âm nhạc đã có sẵn, mà chúng ta chưa nhận ra. Nay quyển sách “Thưởng thức âm nhạc” dầy công biên soạn của Tiến sĩ Nguyễn Bách không những xác nhận khả năng thưởng thức âm nhạc trong mỗi người, mà còn chia sẻ cách thức “khai quật” tiềm năng đó trong sự tương tác cởi mở nhất. Nói cách khác, điểm son của quyển sách này đó là giúp cho những người chưa biết đàn hay biết hát giải tỏa áp lực tâm lý và mạnh dạn học cách yêu nhạc hơn.
Vì vậy, nếu chưa biết đàn hay biết hát, thì cũng đừng lo, cứ yên tâm học thưởng thức âm nhạc trước. Xong khóa học này, biết đâu sẽ có “nhân duyên” mở tiếp cánh cửa hướng đến việc học đàn, học hát sau. Nếu đi theo trình tự này, việc học nhạc cụ hay luyện thanh nhạc sẽ có hiệu quả cao nhờ kiến thức nền tảng của thưởng thức âm nhạc. Sách này nếu đã có lợi ích thiết thực dành cho đối tượng là người chưa biết nhạc, thì lại càng có giá trị nghiên cứu dành cho những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp và nghiệp dư, với độ mở tối đa là hướng đến công chúng. Theo chúng tôi, tựa đề diễn tả đầy đủ ý nghĩa nhất của quyển sách này có thể được ghi là: Thưởng thức âm nhạc (dù chưa biết nhạc). - Sự gắn kết giữa hòa âm và hòa sắc:
Nhìn chung, hòa âm (harmony) là một môn học vừa khó, vừa khô, vì đụng chạm rất nhiều đến các quy tắc và kỹ thuật hòa thanh trong toàn bộ cấu trúc tác phẩm âm nhạc. Hòa âm không dễ như ca từ, mà chúng ta thoải mái phân tích về mặt văn chương, thi phú. Trong âm nhạc, người ta sử dụng thuật ngữ hòa âm và hòa thanh thay thế lẫn nhau. Ngay trong Chương 1, tác giả nhấn mạnh ngoài hòa thanh còn phải lưu ý đến yếu tố tinh tế của hòa sắc thì tác phẩm mới hoàn mỹ. Do đó, có thể tạm viết công thức “tam hòa thanh sắc” như sau:
Hòa âm = hòa thanh + hòa sắc
Hòa sắc đòi hỏi phải nghiên cứu môn học về “tính năng nhạc cụ” (instrumentation). Thật vậy, mỗi nhạc cụ đều có âm sắc riêng, kỹ thuật trình tấu khác biệt, nhưng khi hòa đàn với nhau phải hòa quyện vào nhau, tạo được cảm xúc ấn tượng cho người nghe. Ví dụ, vẫn là note Do đó, nhưng khi vang lên trên guitar gỗ, sẽ khác với guitar điện, piano hay saxophone… Trong một chiều hướng khác, việc chọn âm sắc hay nhạc cụ không khéo có thể làm hỏng cả bản nhạc. Ở trường nhạc, người ta tách hòa thanh và hòa sắc thành hai môn học khác nhau để tiện xếp lớp, nhưng trong dàn nhạc, chúng là hai yếu tố cùng tồn tại trong một chỉnh thể thống nhất, bất khả phân ly, giống như hai mặt của bàn tay vậy. Quý độc giả yêu thích hòa âm mà không có điều kiện học hệ dài hạn thì có thể liên hệ Trường Âm nhạc B.A.C.H để thỏa mãn niềm đam mê đó ở hai khía cạnh: tính học thuật và tính khả thi. Có thể tham khảo sách của cùng tác giả “Hòa âm truyền thống từ Thời cổ điển đến Thời hiện đại (2003).
- Cập nhật Lịch sử âm nhạc thế giới đương đại:
Trong một số đề cương về Lịch sử âm nhạc thế giới, có tài liệu chỉ dừng lại ở thời kỳ Lãng mạn (thế kỷ XIX) hoặc ít đề cập đến âm nhạc thế kỷ XX, trong khi thế giới đã bước vào thế kỷ XXI hơn một thập niên. Như vậy, ít nhất 100 năm đầy biến động của thế kỷ XX đã không được nhắc tới, mà bỏ qua hoạt động âm nhạc của giai đoạn này tức cũng bỏ qua hòa âm thế kỷ XX, vốn được đánh giá có nhiều màu sắc sáng tạo độc đáo. Có cảm tưởng như hết thời kỳ lãng mạn, chúng ta rơi vào “nhiệm kỳ lãng quên”. Trong khi đó, ở nước ngoài người ta cập nhật kịp thời những xu hướng nổi bật của từng thời đại trong dòng chảy lịch sử âm nhạc thế giới sôi động. Tác giả đã phát hiện và bổ sung phần thiếu đó. Cụ thể, sau khi bàn về Âm nhạc thời kỳ Lãng mạn ở Chương 8, tác giả đã viết thêm ba chương nữa, bao gồm: Chương 9 – Nhạc ấn tượng và nhạc đầu thế kỷ XX, Chương 10 – Âm nhạc bên ngoài phòng hòa nhạc và Chương 11 – Những khuynh hướng mới. - Gợi ý tài liệu nghe-nhìn đặc sắc (audio-video):
Ở cuối mỗi chương, tác giả liệt kê rất nhiều đường dẫn trực tuyến (links) để minh họa thực tế cho phần trình bày lý thuyết trước đó. Quý độc giả sẽ tự trải nghiệm mức độ cảm thụ âm nhạc của mình nhờ hiệu ứng audio-video được khai thác tối đa trong thời đại ngày nay. Khi đề xuất những đường links này, tác giả đã chọn lọc trước những phần trình diễn âm nhạc hấp dẫn và đặc sắc nhất, giúp quý độc giả đỡ tốn thời gian tìm kiếm trên Internet, mà đôi khi sẽ bị lúng túng vì có quá nhiều phần trùng lắp. Ngoài ra, cấu trúc quyển sách gồm 11 chương, dầy khoảng 300 trang này còn có thêm giá trị khi tác giả rất cẩn trọng trình bày phần cước chú (footnote) phong phú cho mỗi trang sách, phản ánh tinh thần làm việc nghiêm túc trong nghiên cứu học thuật. - Ảnh hưởng của Woodstock đến Việt Nam:
Phần lớn những người yêu thích và theo dõi âm nhạc thế giới ít nhiều đều nghe nói đến sự kiện đại hội nhạc rock Woodstock nổi tiếng được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Bethel, New York vào năm 1969. Tuy nhiên, trừ những người trưởng thành cùng thời với tác giả, có lẽ ít ai biết rằng Woodstock đã có tầm ảnh hưởng đến nhạc trẻ Việt Nam thông qua ba lần tổ chức Đại hội Nhạc trẻ ở Sài Gòn trong giai đoạn 1971-1974. Tác giả thuộc một trong những ban nhạc trẻ có tên tuổi thời bấy giờ như Crazy Dogs, Dreamers, Uptight, CBC, Peanuts Company… và cũng góp mặt trong Đại hội Nhạc trẻ lần 2 kéo dài 3 ngày. Dù chỉ được ghi vài dòng khiêm tốn trong phần cước chú của Chương 10, nhưng chi tiết về Woodstock này cũng đáng được nhắc lại, cho thấy sự tiếp cận và phản ứng nhanh nhạy của giới trẻ Sài Gòn trong việc hưởng ứng phong trào phản kháng, phản chiến và kỷ nguyên hippie của thập niên 1960 (xuất phát từ Mỹ và Anh, rồi lan rộng sang nhiều nước khác).
Sài Gòn, 01/07/2017
mộc.quốc khanh
Hình Mộc Quốc Khanh và nhạc sư Nguyễn Bách