Ali Baba và 40 tên cướp
Hễ nói tới Ali Baba là người ta bắt buộc phải nhớ tới 40 tên cướp (Ali Baba and the Forty Thieves). Đó là một câu chuyện cổ tích của xứ Arập vào thời hoàng kim của Hồi giáo trong bộ chuyện cổ tích 1001 đêm (One Thousand and One Nights).
Nhân vật chính là chàng tiều phu nghèo Ali Baba trong một lần tình cờ lạc bước tới kho báu bí mật của bọn cướp có 40 tên và trở thành ông tổ của bọn hacker khi ăn cắp được cái password thần thánh “Vừng ơi hãy mở ra” (Open Sesame) để mở cửa kho đánh cắp tài sản của bọn cướp.
Cho dù sau này có trở thành tỷ phú, Ali Baba vẫn là người có số tài sản bất minh, không phải do sức lao động của mình làm ra. Bọn cướp đã cướp bóc số tài sản đó từ các nạn nhân và cuối cùng Ali Baba làm giàu nhờ số tài sản bất nhân đó.
Ali Baba tất nhiên vẫn theo cái mô típ chuyện cổ tích toàn cầu là người nghèo rồi cũng có lúc có cơ may đổi đời. Nhưng hầu hết là nhờ ăn ở hiền lành, biết thương người và gặp Bụt, gặp Tiên. Điều khác biệt của Ali Baba là làm giàu từ của cải mà bọn cướp đã chiếm đoạt của thiên hạ. Vậy thì ta có thể suy ra…. à mà thôi!
Đó là chuyện cổ tích xứ Arập cổ xưa.
Còn chuyện thiệt đời nay có một doanh nghiệp chẳng hiểu có ý thâm sâu chi cũng lấy cái tên là Alibaba. Có khác chăng là tên viết liền nhau chứ không phải tách ra họ và tên như trong chuyện cổ tích. Nhưng bất luận thế nào, hễ đọc lên là giống hệt nhau.
Có lẽ do cái tên đã vận vào người (hay do người ta nghe cái tên mà nghĩ rằng thì mà là…), hệ thống bán lẻ hàng online khổng lồ của xứ China này đã trở thành một phương tiện phát tán hàng nhái hàng giả không phải dạng vừa. Hãng truyền hình Mỹ CNBC (4-1-2017) đưa tin: sau khi bị chính quyền Mỹ xếp vào danh sách đen do làm chợ cho bọn kinh doanh hàng nhái, hàng giả, Alibaba vừa lần đầu tiên áp dụng hành động pháp lý – khởi kiện 2 nhà bán lẻ hàng giả ra tòa án nhân dân huyện Longgang (Shenzhen).
Tạp chí chuyên về kinh doanh nổi tiếng Forbes ngày 10-3-2017 giựt tít: “Phải chăng Alibaba đang làm đủ để chống hàng giả?” (Is Alibaba doing enough to fight fakes?) Tội nghiệp hết biết cơ. Ở China mà lập chợ bán lẻ toàn cầu thì làm sao mà không bị hàng giả, hàng nhái chen chân vào bán kia chứ. Theo một nghiên cứu năm 2016 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (U.S. Chamber of Commerce), China là xứ sở của một ngành kỹ nghệ hàng giả trị giá 275 tỷ USD, bằng 12,5% kim ngạch xuất khẩu và 1,5% GDP của đất nước đông dân nhất hành tinh này (gần 1,4 tỷ người).
Trong khi đó, báo US Today (16-1-2017) dẫn số liệu của Liên minh chống hàng giả quốc tế (International Anti-Counterfeiting Coalition) cho thấy tổng trị giá hàng giả trên thế giới trong năm 2015 lên tới 1.700 tỷ USD. Các công ty Mỹ hầu hết đều bị làm giả sản phẩm của mình. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có tới 63% hàng giả tới từ China.
Tôi thiệt tình là thắc mắc không hiểu vì sao ông chủ Jack Ma của Alibaba lại đặt tên cho doanh nghiệp bán lẻ hàng trực tuyến của mình theo tên một chuyện cổ tích Arập có yếu tố “làm giàu vì của ăn cướp” như vậy. Có lẽ nhà tỷ phú China này muốn cạnh tranh với đối thủ Amazon của Mỹ nên cũng lấy tên bắt đầu bằng chữ A.
Tôi cũng tự hỏi, liệu Baidu, Sina Weibo, Alibaba,… có thể phát triển nhanh và mạnh như vậy ở China nếu như không được nhà cầm quyền nước này hỗ trợ bằng chiêu thức ngăn chặn không cho các dịch vụ tương tự của quốc tế như Facebook, Google, Amazon làm ăn chính thức ở China. Với lợi thế của thị trường lớn nhất hành tinh lại kết hợp với sự tiếp tay của nhà cầm quyền, các dịch vụ xuyên biên giới của China quả là lợi hại.
Có khi hỏi cũng chính là trả lời!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh từ Internet. Thanks.