Tiểu thuyết đầu tay của tác giả Trương Văn Dân có tựa đề là “Bàn tay nhỏ dưới mưa” *, một tựa đề khá độc đáo. Nhìn qua ta có cảm giác một cái gì lãng mạn nhưng mong manh dễ vỡ.
Tác giả đã viết về hình ảnh này: “Trong cuộc sống, tôi biết từ đây và mãi mãi về sau, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể giật nẩy mình về những cơn hồi tỉnh bất ngờ của ký ức, và tôi lại thấy bóng dáng người đàn bà mảnh mai, một tay dắt con đi dưới cơn mưa lất phất, bàn tay còn lại đưa lên che những giọt nước từ trời rơi xuống. Những bàn tay quá bé nhỏ nên không sao ngăn nổi định mệnh của đất trời.”
Đây là câu chuyên về một cuộc tình, về một phụ nữ trẻ đẹp có cái tên là Gấm, sống ở Sài Gòn thời hiện đại. Mưa ở đây là định mệnh của trời, của dòng đời nghiệt ngã, của bối cảnh xã hội đương đại với biết bao ngang trái, bất công, vùi dập, là thế giới chạy theo tăng trưởng với vô số hậu quả cho môi trường sinh thái, cho sức khỏe, cuộc sống con người.
Gấm đã trải qua hai cuộc hôn nhân bất hạnh, phải tự mình chăm nuôi một đứa con. Nhưng rồi Gấm gặp một nhà báo, một người đàn ông, một tâm hồn đồng điệu làm cô nhanh chóng thăng hoa trong một cuộc tình mới, chia sẻ đồng đều cho cả hai. Gấm đã tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời tưởng chừng như một phép lạ.
Bàn tay lãng mạn dưới mưa của nàng đã đem lại cho chàng những giây phút tuyệt vời của tình ái:
“Bàn tay nàng vuốt dọc từ bàn chân lên đùi, làm tôi có cảm giác là những sợi thần kinh xúc giác đang đê mê chuyển động” [trang 393-394]
Nhưng hạnh phúc lứa đôi sẽ không dài. Sau ba năm mặn nồng, bác sỹ phát hiện Gấm bị ung thư phổi, “tình trạng không thể dùng phẫu thuật để cắt bỏ”.
Bàn tay lãng mạn kia đã đổi khác một cách phũ phàng:
“Tôi cúi nhìn mấy ngón tay khô khốc của mình. Bàn tay tôi cầm bàn tay mình khô héo. Tôi nhận thấy chiếc nhẫn hôm nào anh cẩn trọng đeo vào bây giờ lỏng le trong ngón tay gầy ốm!” (trang 298).
Cốt truyện của “Bàn tay nhỏ dưới mưa” giản dị chỉ có thế.
Nhưng đó không phải là chủ đích của tác giả.
Thật vậy, tuy là tiểu thuyết đầu tay, Trương Văn Dân muốn “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt, chất chứa những thông điệp sâu sắc hơn nhiều.
I. Trước hết, tác giả muốn gửi gắm đến độc giả một quan niệm tuyệt đối về tình yêu:
“Lúc thức dậy, tôi thấy mình nằm trong vòng tay anh.Tôi có cảm giác mình sẽ không thể chết. Bởi tình yêu mầu nhiệm có thể chữa lành mọi thứ, cóthể cản ngăn những tế bào phát triển. Kể cả ung thư.”
Hay đoạn văn hoành tráng về tình yêu thân xác sau đây:
“Anh quàng lấy thân người tôi đang run rẩy “Em hãy bay đi!” rồi siết mạnh và tình tứ nhìn tôi. Cái nhìn vuốt ve, đắm đuối, cái nhìn như cơn bão xoáy, cuốn hút rồi lốc tôi rơi vào giữa đại dương êm ái. Tôi miên man ngụp lặn. Bờ môi tôi cuống quít áp lên cổ rồi trườn xuống lồng ngực đầy nam tính của anh đang phập phồng. Tôi hôn anh nhẹ nhàng. “Anh ơi, em si mê anh… lúc nào em cũng khao khát thèm muốn anh” “…Anh ơi ôm chặt em đi, mau đi anh…”. Rồi… Những tiếng rên rỉ làm không gian rung lên. Đất trời vần vũ, chuyển mình trong lôi cuốn huyền hoặc của tình yêu. Ngọn lửa đam mê trong lòng như đốt tôi thành hơi nước, thăng hoa trong tiếng rên rỉ và giãy đạp của cảm xúc… Tôi không còn biết gì, toàn thân ngây dại, chỉ nghe tiếng trái tim mình đập liên hồi, theo cái nhịp gấp gáp của anh đang bóp thắt trong tôi”.
Bởi thế, Gấm không muốn chết vì ung thư. Nàng đã chọn cái chết trong lúc đang yêu, đang nằm trong vòng tay người yêu, trong giây phút tuyệt đỉnh nhất:
“Tôi bất chợt ưu tư khi thấy bàn tay nàng lạnh giá. Tôi ôm nàng, hốt hoảng khi thấy hòn than trước đó bây giờ tắt ngúm, Tôi chưa kịp nói gì thì nàng đã tiếp: “Em mãi mãi yêu anh”. Rồi hai tay nới lỏng vòng ôm. Buông xuôi. Như cành cây bị gãy”.“Nàng đã ra đi. Đã đoạn tuyệt vòng đời chật hẹp. Gấm đã chết!”
Thật ra quan niệm về sự hiện hữu bất diệt của tình yêu không mới. Nhưng dưới ngòi bút Trương Văn Dân, tình yêu đã thành một thực thể vĩnh cửu, vẫn mãi tồn tại sau khi Gấm đã từ giã cõi đời, tồn tại trong tâm khảm người yêu còn sống sót và ngay cả sau này, chan hòa cùng trời đất cỏ cây, vũ trụ..
Trong văn chương Việt Nam hiện dại, rất khó tìm được những lời ca tụng thân xác, da thịt người phụ nữ ngọt ngào và nồng nàn như sau đây:
“Ánh trăng như một làn sóng xanh tràn qua song, thả xuống nửa giường một vầng sáng. Những luồng sáng uốn lượn theo từng đường cong trên người Gấm. Thân thể nàng hiện lên như một vũ trụ, có đủ thảo nguyên bát ngát. Đồi núi ngút ngàn. Hương cỏ thơm tho. Trong khung cảnh mơ màng đó, dường như tất cả hương nồng của trái đất đang trải rộng ra. Mùi hương nhài Gấm trồng ngoài cửa sổ toả ra thơm ngát, hoà với mùi thoang thoảng của những chiếc lá non mới nhú. Tất cả trộn lẫn, ướp vào hơi thở sâu của những chiếc hôn ngọt ngào. Cảm giác sắp được hiến dâng, tiếp nhận làm chúng tôi thấy vô cùng khăng khít. Có một lúc tôi nhìn thấy ánh trăng. Hình như còn có một luồng sáng của nó phản chiếu từ chiếc gương trên tủ áo hắt lên tường một thứ ánh sáng mờ nhạt, ve vuốt hai thân hình trần trụi đang ôm chặt lấy nhau, bất động. Gió ngoài cửa sổ mà tôi tưởng như gió đang thổi vào tai mình, rúng động toàn thân, làm bật lên những tia lửa đam mê cháy bỏng. Người tôi như bềnh bồng trôi giữa ánh trăng. Tôi ngậm lấy bầu vú của nàng theo bản năng của đứa bé thời thơ ấu vẫn thạo vú mẹ mình. Tôi chiêm ngưỡng thân thể trắng ngần, ngà ngọc của Gấm như nhìn thấy một nửa thân thể của mình”.
Hay lúc họ cùng nhau ân ái trong giai đoạn nàng đang bị chứng nan y:
“Nỗi đau biến mất..
Rồi mặt trời mặt trăng chuẩn bị nuốt chửng nhau
Chuẩn bị che lấp, chuẩn bị chồng lên nhau.
Rồi nhập vào nhau thành một cơ thể
Cảm xúc vở òa. Rồi như có tiếng sấm trong tai và những tia chớp ngoằn ngoèo dọc theo sương sống. Rồi cảm giác nóng lạnh, rùng mình từ cột sống xốc lên đỉnh nảo, lan tỏa khắp toàn thân”.
Bàn tay của Gấm vẫn sống mãi với anh về sau, ngay cả khi đã qua đời:
“Trong một thoáng đột ngột, tôi không còn nghe bàn tay, đôi vai, gò má… những phần thân thể của mình mà Gấm mới chạm vào. Thế nhưng hơi ấm của bàn tay nàng như còn đọng lại. Tôi giật mình. Tỉnh giấc giữa mênh mông”…
II. Sau đó và có lẽ quan trọng hơn, tác giả muốn trong cuốn tiểu thuyết này gửi gắm những quan điểm, suy tư, lo ngại của tác giả về những tổn thất của xã hội loài người vì những nguy cơ hiện hữu,như tình trạng chạy đua theo lợi nhuận, về sự tàn phá của môi trường sinh thái, về những tinh vi mới trong giao thương, trao đổi hàng hóa, chất chứa hóa chất độc hại, nông sản biến đổi gien, về sự thống trị ngày càng trầm trọng của giới tài phiệt quốc tế…
Đọc những thông điệp này, ta có cảm giác tuy không nhắc đến Việt Nam, nhưng tác giả gợi ý cho bạn đọc Việt Nam về những nguy cơ trên, với cường độ trầm trọng bội phần!
Tác giả đã không ngần ngại hư cấu ra những nhân vật chẳng dự phần nào vào cốt truyện như bác Thuận, nhà văn Nguyễn Quang, chị Kim Ngân, anh Tú, anh Hưng, họa sỹ Lâm, nhờ họ chuyển tải cho bạn đọc những chuyên đề mà mình tha thiết. Vì vậy,”Bàn tay nhỏ dưới mưa” có dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết luận đề thời hiện đại. Đây là cái mới ít thấy trong văn chương Việt Nam ngày nay. Trong những phần này, tác giả đã không giấu được gốc gác mình là một người Việt sống lâu năm ở nước ngoài, hấp thụ được nền văn hóa Châu Âu đa dạng đa chiều, thật sự có tự do ngôn luận, tự do phản biện với tinh thần trách nhiệm của một trí thức dấn thân.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Gấm khi nói về anh: “Anh viết như dâng tặng tấm lòng mình cho người đọc, như chia sẻ tâm tư, như giãi bày tâm sự, mời gọi mọi người cùng suy ngẫm… anh không hề có ý định thuyết phục mà chỉ bày tỏ lòng mình… Cái đẹp của văn anh là nội dung, cảm xúc, những trăn trở nhân sinh…”
Tôi cũng xin nói thêm là có lẽ vì những luận đề này mà”Bàn tay nhỏ dưới mưa”có lúc làm người đọc phải ngừng lại, gấp sách chờ mai đọc tiếp. Cái lạ của tình cảm đôi lứa chỉ cần cảm nhận nhưng cái lạ của kiến thức khoa học và xã hội làm người đọc phải động não, suy ngẫm!
Đọc mà ”Bàn tay nhỏ dưới mưa”cần thời gian là vì vậy!
Tôi cũng có liên tưởng là tác giả đã lấy cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết này từ một người phụ nữ đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời mình:
Thoáng nhìn một sợi tóc rơi
Nợ em một đời thiếu nữ
Đường đời em đi ngược gió
Anh nợ một lần dìu em
Anh ngồi xâu chuỗi bình yên
Bão giông cuộc đời nghiệt ngã
Nợ ngày anh lại nợ đêm
“Bàn tay nhỏ dưới mưa” đích thực là một cuốn tiểu thuyết đầy tính nhân văn, nhưng đa sắc thái, chứa đựng khía cạnh lý trí nhuần nhuyễn của Tây phương và tình cảm tinh tế của Á đông. Tuy sống ở trời Âu cả mấy chục năm, Trương Văn Dân vẫn giữ được giọng văn Việt mượt mà, tha thướt nhiều lúc đầy chất thơ…
Một cuốn tiểu thuyết nên đọc, những động tác đầy quyến rũ của một bàn tay dưới mưa, trên đường đời và trong không gian tri thức, với nhiều bất trắc trái ngang của con người, của thời đại hôm hay…
Sài Gòn ngày 10/9/2017
Nguyễn Đăng Hưng
(*): Bàn tay nhỏ dưới mưa. Tiểu thuyết. PhuongNamBook- Nhà xuất bản Hội nhà văn
|