NGƯỜI NÔ LỆ CỦA GIA ĐÌNH TÔI ( Phần kết)
Lola đã 75 tuổi khi đến ở chung với gia đình tôi, tôi đã có vợ và hai con gái, sống trong một ngôi nhà ấm cúng tại một khu rừng. Từ lầu hai có thể nhìn thấy Puget Sound. Tôi dành cho Lola một căn phòng và Lola có quyền làm bất cứ những gì Lola thích: ngủ, xem phim tập, không cần làm bất cứ công việc gì. Lola cứ việc tự do và thư giãn lần đầu tiên trong cuộc đời, dù tôi biết việc này không phải là dễ. Tôi bỏ qua hết những gì mà Lola thường làm cho tôi bực mình, chẳng hạn lúc nào cũng bắt tôi mặc thêm áo để không bị cảm ( tôi đã 40 tuổi rồi). Lola than phiền không ngớt về cha tôi và Ivan, cha tôi lười biếng còn Ivan là một kẻ ăn bám, tôi chỉ có cách là bỏ ngoài tai tất cả. Có điều làm tôi không thể bỏ qua được, đó là Lola quá hà tiện, không chịu vất bỏ một cái gì. Lola thường kiểm soát thùng rác để xem chúng tôi có vứt những gì còn hữu ích hay không. Lola giặt đi, giặt lại khăn giấy để dùng cho đến khi nào khăn giấy rã ra trong tay mới thôi. Nhà bếp đầy cả túi giấy, vỏ hộp yogurt, chai lọ và một phần của ngôi nhà trở thành nhà kho để chứa những thứ mà phải gọi là rác rưởi này.
Lola vẫn lo buổi điểm tâm mặc dù chúng tôi chẳng ai ăn gì ngoài một trái chuối hay là một thanh ngũ cốc mỗi sáng, trong khi vừa ăn vừa chạy ra khỏi cửa. Lola làm giường và giặt quần áo cho chúng tôi, lau nhà. Thoạt tiên tôi còn nói nhẹ nhàng :”Lola không phải làm việc này”, “Lola, chúng tôi sẽ tự làm”, “Lola, đó là việc của hai đứa nhỏ”. Lola trả lời là được rồi nhưng vẫn cứ tiếp tục làm.
Tôi khó chịu khi bắt gặp Lola đứng ăn ở trong bếp hoặc vội vã để dọn dẹp khi thấy tôi bước vào phòng. Nhiều tháng trôi qua, một hôm tôi bắt Lola ngồi xuống để nói chuyện. ” Tôi không phải là cha tôi và ở đây Lola cũng không phải là nô lệ”, tôi nói và kể ra một loạt những công việc giống như của nô lệ mà Lola vẫn làm. Khi nhận ra là Lola có vẻ hoảng sợ, tôi hít một hơi dài, đưa hai tay ôm khuôn mặt của Lola, khuôn mặt của một bà tiên nhìn tôi dò hỏi. Tôi hôn lên trán Lola, “Đây là nhà của Lola, Lola ở đây không phải để hầu hạ chúng tôi, hãy thư giãn và nghỉ ngơi, Lola có hiểu không ? “, tôi nói.
“Đồng ý”, Lola trả lời rồi lại quay ra lau chùi. Lola không biết gì hơn là phục vụ người khác và tôi chợt nhận ra được là tôi phải theo lời khuyên của chính tôi, phải thư giãn.
Nếu Lola muốn nấu cơm tối, cứ để Lola nấu, sau đó cám ơn Lola và lo rửa chén. Lúc nào tôi cũng phải nhắc nhở tôi là cứ để Lola làm theo ý muốn.
Lola ở tuổi 80.
Một buổi tối khi về đến nhà, tôi thấy Lola đang chơi sắp chữ, hai chân gác cao, TV đang mở. Bên cạnh đó là một tách trà. Lola nhìn tôi, cười e thẹn khoe hai hàm răng giả đẹp đẽ và rồi lại tiếp tục trò chơi sắp chữ của mình. Tôi nghĩ, có tiến bộ !!
Ở sân sau, Lola lập một khoảnh vườn, trồng hoa hồng, hoa uất kim hương và nhiều loại hoa lan, chiều chiều ra chăm sóc suốt buổi. Lola đi dạo trong vùng lân cận, bắt đầu ở tuổi 80, Lola bị thấp khớp nên phải chống gậy khi đi. Trong nhà bếp, từ một bà bếp chính nay trở thành người nấu ăn tài tử, chỉ nấu khi nào thích mà thôi. Lola nấu những món thịnh soạn, cười và lấy làm thích thú khi thấy chúng tôi thưởng thức tận tình.
Mỗi lần đi ngang cửa phòng của Lola, tôi nghe thấy Lola đang lắng nghe những bài dân ca Phi Luật Tân, cùng một cuốn băng được nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần.
Mỗi tuần vợ tôi đưa cho Lola 200 Mỹ kim, tôi biết là Lola đã gởi gần hết tiền của mình về giúp họ hàng ở trong nước. Một buổi chiều, tôi bắt gặp Lola ngồi trên miếng nệm, nhìn ngắm một tấm hình quê nhà do một người nào đó gởi đến.
“Lola có muốn về thăm quê hay không?”
Lola lật tấm hình lại và dùng ngón tay để miết vào hàng chữ rồi lại gõ nhẹ trở lại như đang tìm từng chi tiết một.
“Có chứ”, Lola nói
Khu nhà ở của gia đình Lola tại miền quê Phi Luật Tân.
Sau ngày sinh nhật thứ 83, tôi mua vé máy bay cho Lola về thăm quê hương. Một tháng sau tôi sang Phi Luật Tân để đón xem Lola có muốn trở về Hoa Kỳ không.
Dù mục đích không hề được nói ra nhưng chuyến đi này cốt để xem Lola có còn cảm thấy nơi đó là quê hương, là mái ấm của mình nữa hay không. Lola đã tìm được câu trả lời.
“Mọi thứ đều khác xưa”, Lola nói khi chúng tôi dạo quanh vùng Mayantoc, những trại xưa không còn nữa, nhà cũ cũng biến mất luôn. Cha mẹ cũng như phần lớn người thân của Lola cũng đã qua đời. Bạn bè thuở nhỏ chỉ còn lại một người và nay trở thành xa lạ.
Được thấy lại như vậy cũng tốt nhưng không còn giống như xưa. Lola vẫn muốn sống những năm cuối đời ở đây nhưng hiện tại Lola chưa sẵn sàng.
” Lola đã sẵn sàng để về với khu vườn của Lola chứ ?”, tôi nói.
“Ừ, chúng ta hãy về nhà thôi”
Lola tận tuỵ với hai cô con gái của tôi chẳng khác gì Lolo đã chăm sóc anh chị em chúng tôi khi chúng tôi còn nhỏ. Đi học về Lola lắng nghe chúng kể chuyện và nấu cho chúng ăn. Không giống như vợ tôi và nhất là tôi, Lola rất thích tham dự các cuộc trình diễn cũng như các hoạt động trong trường, bao nhiêu cũng không đủ. Lola thường ngồi ở hàng ghế đầu, giữ các tờ chương trình như là những kỷ niệm.
Làm cho Lola vui sướng thì rất dễ, chúng tôi chỉ cần đem Lola đi cùng trong kỳ nghỉ hè của gia đình, Lola cũng thích thú không kém khi được đi chợ của các nông gia ở dưới chân đồi. Lola mở to mắt như đứa bé trong chuyến đi thăm các cánh đồng “Nhìn xem mấy trái mướp này!”.
Mỗi sáng, việc đầu tiên của Lola là kéo các mành cửa lên, ở mỗi cửa sổ Lola đều ngừng lại một lúc để nhìn ra ngoài.
Lola tự dạy mình đọc, thật là đáng nể. Trong nhiều năm Lola học cách phát âm các vần. Lola chơi lắp các mảnh vụn từ các vần để thành các từ. Phòng của Lola chất đầy cả các cuốn sách nhỏ của trò chơi lắp chữ, hàng ngàn chữ được đánh dấu vòng tròn bằng bút chì. Mỗi ngày Lola đều xem tin tức, lắng nghe cho ra những chữ mà Lola biết, đánh dấu những chữ đó trong báo bằng hình tam giác và cố tìm ra nghĩa của các chữ. Lola đọc báo mỗi ngày, mặt trước lẫn mặt sau. Cha tôi thường nói là Lola rất đơn giản. Tôi suy nghĩ không biết Lola sẽ trở nên người như thế nào nếu ở tuổi lên 8 lên 9 được đến trường để học đọc, học viết, thay vì phải ra đồng làm việc.
Trong 12 năm Lola sống trong tiểu gia đình của tôi, tôi thường hỏi nhiều điều về Lola để tìm cách ghép lại thành chuyện đời của Lola, một thói quen của tôi mà Lola cho là lạ lùng. Để trả lời, Lola thường hỏi lại là “Tại sao?”, tại sao tôi lại muốn biết về thuở nhỏ của Lola và tại sao Lola lại gặp trung uý Tom.
Tôi nhờ em gái tôi là Ling hỏi Lola về chuyện yêu đương vì nghĩ là Lola sẽ dễ tâm sự với Ling hơn. Ling lép bép, đó là cách mà Ling muốn nói là tôi nên tự mà lo chuyện của tôi đi.
Một hôm trong lúc tôi và Lola cất đồ đạc vừa đi chợ về, tôi mập mờ hỏi ” Lola, ngày xưa đã có tình cảm với ai chưa ?”. Lola cười và kể một câu chuyện chỉ sảy ra một lần duy nhất khi Lola mới 15 tuổi. Có một thanh niên đẹp trai tên là Pedro sống ở trang trại bên cạnh. Trong nhiều tháng, cả hai cùng gặt lúa bên nhau. Một lần Lola làm rớt cái liềm, chàng ta vội nhặt lên và trao lại cho Lola.
– Tôi thích chàng ta” Lola nói, im lặng,
– Rồi sao ?
– Chàng ta đi nơi khác”, Lola nói
– Rồi sao nữa”
– Thế thôi”
-Lola, có bao giờ ngủ với ai chưa?
– Chưa,” Lola nói.
Lola không quen bị tra hỏi về vấn đề riêng tư nên thường nói tránh bằng câu
“Tôi chỉ là đày tớ”
Những câu trả lời của Lola chỉ vỏn vẹn một hai chữ, Lola còn đùa là với Lola, ngay cả một câu truyện đơn giản nhất như một trò chơi với 20 câu hỏi cũng phải mất nhiều ngày hay nhiều tuần.
Vài điều mà tôi đã khám phá ra là mặc dầu Lola giận mẹ tôi thật nhiều vì độc ác với Lola trong bao nhiêu năm nhưng Lola vẫn thương nhớ mẹ tôi. Khi còn trẻ, đôi khi Lola cảm thấy cô đơn rồi Lola chỉ biết khóc mà thôi. Tôi cũng biết có nhiều năm, Lola mơ ước được sống với một người đàn ông. Tôi nhận ra điều này khi thấy cách Lola ôm lấy một cái gối dài vào buổi tối. Đến khi già Lola tâm sự với tôi là sau khi sống chung với hai ông chồng của mẹ tôi, Lola thấy cuộc sống độc thân lại tốt hơn. Lola chẳng nhớ gì đến hai ông này. Có thể cuộc đời của Lola sẽ tốt đẹp hơn nếu Lola ở lại Mayantoc, lấy chồng và có gia đình giống như các anh chị em của mình. Cũng có thể cuộc sống sẽ tệ hơn, hai em của Lola là Francisca và Zepriana bị bệnh và qua đời, Claudio, một người anh bị giết chết. Bây giờ nghĩ để làm gì, chuyện gì phải đến thì đến. Chuyện phải đến với Lola là một gia đình khác mà trong gia đình này Lola có tám người con, đó là mẹ tôi, năm anh chị em chúng tôi và bây giờ là hai con gái của tôi. Lola nói, tám người chúng tôi đã làm cho cuộc đời của Lola đáng sống.
Không ai trong chúng tôi nghĩ là Lola lại ra đi thình lình như vậy. Cơn đau tim xảy ra trong khi Lola đang sửa soạn cho bữa ăn tối, còn tôi chạy ra ngoài vì vài chuyện lặt vặt. Khi tôi trở về thì Lola đang ở giữa tình trạng nguy kịch. Vài giờ sau ở nhà thương, trước khi tôi hiểu được chuyện gì xảy ra thì Lola đã ra đi lúc 10 giờ 56 phút buổi tối. Tất cả chúng tôi lẫn các các cháu đều ghi nhận nhưng không ai biết chắc tại sao mà Lola lại mất vào đúng ngày mùng 7 tháng 11, cùng ngày với mẹ tôi, chỉ cách nhau 12 năm.
Lola sống đến 86 tuổi, tôi còn nhìn thấy cảnh Lola nằm trên băng ca, rồi nhìn các bác sỹ đứng quanh người đàn bà da nâu nhỏ thó, không lớn hơn một đứa trẻ con mà nghĩ là họ chẳng biết gì về cuộc đời mà Lola đã trải qua. Lola không có tham vọng thu lợi về mình như hầu hết chúng ta đều có, chỉ muốn hy sinh tất cả cho những người chung quanh mình, nhờ đó mà Lola nhận được lòng yêu thương và sự trung thành của chúng tôi. Lola trở thành một hình ảnh đáng tôn thờ trong tiểu gia đình của tôi.
Lục soạn những hộp đựng đồ vật riêng tư của Lola cũng mất cả tháng, tôi thấy những công thức nấu ăn mà Lola cắt từ các báo trong thập niên 70, giữ lại cho đến một ngày nào đó Lola biết đọc. Những cuốn Album với hình ảnh của mẹ tôi, bảng khen thưởng của chúng tôi ở các cấp lớp, chúng tôi vất đi và Lola nhặt để giữ lại. Một đêm tôi lặng người đi khi thấy ở dưới đáy hộp một sắp giấy báo màu vàng, bài viết của tôi mà tôi đã quên tự bao giờ. Hồi đó Lola đâu đã biết đọc nhưng vẫn cứ giữ lại.
Xe vận tải của Doods chạy tới trước một căn nhà đúc bằng bê tông nằm giữa một xóm nhà hầu hết làm bằng tre và thanh gỗ. Bao chung quanh là ruộng lúa, xanh ngát và dường như bất tận. Trước khi tôi ra khỏi xe thì nhiều người đã bước ra khỏi nhà. Doods hạ ghế ngồi xuống để ngủ trưa. Tôi đeo túi xách lên vai, hít một hơi dài và mở cửa xe.
“Theo lối này”, một giọng nói nhẹ nhàng dẫn tôi theo con đường ngắn đến căn nhà đúc bê tông. Theo sát phía sau là một hàng dài khoảng 20 người, già trẻ đều có nhưng phần lớn là người già. Khi đã vào trong nhà họ ngồi trên ghế hoặc trên ghế dài sắp chung quanh tường, để khoảng trống ở giữa cho tôi. Tôi vẫn đứng để chờ chủ nhà, đây là một căn phòng nhỏ và tối. Mọi người nhìn tôi chờ đợi.
“Lola đâu rồi?”, một giọng nói vọng ra từ căn phòng khác, giây lát sau một người phụ nữ tuổi trung niên trong trang phục mặc ở nhà thủng thỉnh bước ra với nụ cười, đó là Ebia, cháu gái của Lola. Đây là nhà của cô ta, cô ta ôm tôi và lại hỏi “Lola đâu rồi?”
Tôi lấy cái túi xách ra và đưa cho cô ta. Cô ta nhìn mặt tôi, nụ cười vẫn nở trên môi và nắm nhẹ lấy túi xách, bước đến một ghế gỗ dài và ngồi xuống. Cô ta thò tay vào trong túi, kéo cái hộp ra và nhìn khắp cả hộp. “Lola đâu rồi?” cô ta nói nhè nhẹ. Những người ở đây không thiêu người thân yêu của họ sau khi qua đời nên chắc họ không biết được đó là hộp gì.
Cô ta đặt cái hộp trên đùi và cúi xuống đến khi trán đặt trên nắp hộp. Thoạt tiên tôi tưởng cô ta cười nhưng rồi tôi nhận ra là cô ta đang khóc. Vai của cô nhô lên rồi cô khóc rú lên, một tiếng rú ai oán của một con thú như có lần tôi đã nghe từ Lola. Tôi đã không đến sớm hơn để trao lại một phần tro của Lola bởi vì tôi không biết ở đây có ai quan tâm nhiều đến Lola chăng. Tôi không mong đợi sự đau buồn nhiều đến như thế này. Trước khi tôi bước đến an ủi Ebia thì một người phụ nữ từ nhà bếp vào đã ôm lấy cô ta và rồi bà ta cũng khóc to lên. Kế tiếp là gian phòng vang đầy cả âm thanh. Những người già, trong đó có một người mù, nhiều người không còn răng đều khóc mà không thể ngừng được, kéo dài cả mười phút. Tôi như bị mê hoặc mà không nhận ra được là nước mắt của tôi cũng đang rơi trên má.
Tiếng nức nở cũng nhỏ dần và im lặng đã trở lại. Ebia sụt sùi nói đã đến giờ ăn. Mọi người bắt đầu tập hợp trong nhà bếp, mắt tuy sưng nhưng vẻ thanh thản trở lại và mọi người bắt đầu trò chuyện. Tôi nhìn cái túi xách trống trên ghế dài, nhận ra được việc tôi đem Lola về nơi chôn nhau cắt rốn là một điều quả thật hợp lý.
Lê Thân Hồng Khanh
Nguyên tác: My family’s Slave của Alex Tizon
Đọc Người Nô Lệ…bản dịch của cô Lê Thân Hồng Khanh, phần đầu nghe lòng nằng nặng, chờ đọc tiếp phần hai, phần ba càng thấy nặng trĩu hơn, may là phần cuối “tiền hung hậu kiết”. Đau thương cho một đời người. Mặc dù ở nước ta, mấy thế hệ trước, cảnh tương tự như vậy cũng không phải là hiếm gặp. Cái ác ẩn khuất trong con người, không kềm chế thì dễ sợ thật.
Thật nhẹ lòng khi đọc phần cuối của câu chuyện..Phần thưởng cuối đời cho người cả đời chỉ biết phục vụ người chủ , như người nô lệ.Thôi thì tự an ủi …Mỗi người một phận !
Cô kính ,đọc xong bản dịch của Cô với lời văn trong sáng, em cảm được nổi ẩn ức trong lòng của một người làm thân nô lệ nhưng tâm hồn họ cũng thật đơn giản,chỉ biết tận tụy,yêu thương và trung thành,ngay cả khi được sống lại như con người ,có đủ quyền tự do họ vẫn cảm thấy sợ hãi ,qua đó ta cũng cho thấy được quan niệm sống trong xã hội phân biệt chủng tộc và giai cấp thời bấy giờ .Em mong được đọc những bản dịch mới thật hay của Cô.Thương kính.
Cô kính mến ! Phần cuối của câu chuyện cảm thấy nhẹ lòng hơn, dù sau cuối đời của bà LoLa cũng có thời gian nhàn nhã. Đến lúc lìa đời cũng có người lo lắng, hài cốt được đem về nơi chôn nhau cắt rún . Nhưng đọc hết câu chuyện cũng không khỏi bùi ngủi thương cảm cho số phận những người nô lệ .
Kính cô Hồng Khanh
Đọc văn của cô , em thấy gần gủi với mình , em có cảm tưởng đang đọc những truyện nước ngoài của các dịch giả trước đây. Em sẽ tìm đọc các phần trước , nhưng tình cờ đọc phần cuối này em thấy nhân vật xưng tôi đầy thiện tâm . Chúc cô vui khoẻ
Phần dịch cuối hấp dẫn làm sao ! Cuộc đời vất vả của người đàn bà nô lệ đã khép lại …đoạn cuối rất có hậu khi còn sống cũng như lúc qua đời ! Cảm ơn cô Hồng Khanh đã chọn tác phẩm hay của ALEX TIZON để dịch .
Hoành Châu (Gia đình C )
Có thể nói câu truyện về cuộc đời của Lola có một kết cuộc “có hậu”, một “happy ending”, tuy nhiên sau 44 năm nhọc nhằn, bỏ lỡ tuổi thanh xuân, đem thân làm nô lệ, làm tôi đòi để bị chủ nhân hành hạ thì liệu 12 năm trong tuổi già có đủ để được đền bù hay không.
Đọc tập hồi ký nhỏ của Alex Tizon, tôi đã trải qua nhiều trạng thái của tinh thần, hỷ, nộ, ái, ố đều có cả. Thương cảm cho số phận của Lola; bực bội về sự bất công mà Lola phải hứng chịu; tức giận vì cách đối xử tàn nhẫn của chủ nhân; khâm phục sự tận tuỵ, lòng trung thành, độ lượng và thiện tính nơi Lola; cảm động vì tình thương của các anh em cũng như của chính tác giả đã dành cho Lola, trải dài trong suốt câu truyện….., tình thương yêu của Alex Tizon với Lola thật dịu dàng và sâu đậm như tình thương của một người con hiếu thảo đối với mẹ của mình. Ở trong một xã hội mà người lớn tuổi thường phải trải qua những năm tháng cuối đời cô đơn trong các viện dưỡng lão thì Lola lại được sống những ngày tháng tươi đẹp nhất trong đời, ngập tràn thương yêu, chăm sóc của gia đình tác giả và rồi ra đi một cách nhẹ nhàng, yên bình. Cuối cùng được trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, tuy không nói ra nhưng chắc đó cũng là ước vọng cuối cùng của Lola.
Phải chăng đúng là Trời có mắt và công bình, không lấy của ai tất cả và cũng không cho ai tất cả !
Do sự tình cờ, tôi tìm được đường link để vào đọc câu truyện “My family’s Slave” của Alex Tizon, tôi như bị mê hoặc vì truyện ngắn này, đọc đi, đọc lại nhiều lần. Đã lâu lắm tôi mới được đọc một truyện hay như vậy mặc dầu tuần nào tôi cũng phải mượn vài ba cuốn truyện ở thư viện thành phố, nơi tôi ở.
Không cần suy nghĩ nhiều, tôi quyết định dịch lại, miệt mài vài ngày, sửa đi sửa lại cho trôi chảy trước khi gởi đi đăng. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi một số sai sót. Một lần nữa xin cám ơn tất cả các anh chị em cùng quí vị đọc giả đã vào xem để cùng thương cảm cho số phần của Lola, một kẻ nô lệ ngay trong thế kỷ mà chúng ta đang sống.
Em vừa đọc hết câu truyện cô ạ, cô dịch thật hay, dễ hiểu và cốt truyện rất hấp dẫn! Lola một nô lệ thật tận tụy ở thế kỷ 20, thật tội nghiệp! Ông Alex Tizon này sống rất tình người cô nhỉ, xem như một kết thúc có hậu! Cám ơn cô đã giúp cho chúng em biết được lòng nhân ái, tài năng của tác giả này, qua đó chúng em cũng biết được khả năng dịch thuật tuyệt vời của cô!
Chúc cô luôn vui, khỏe và hạnh phúc!