Điếu văn tiễn cô Ngọc Dung
Kính thưa tang quyến, Kính thưa quí Thầy Cô, các anh chị em Hội CHS Tống Phước Hiệp. Thắm thoát bốn năm qua, kể từ ngày thầy Đào Khánh Thọ của chúng ta ra đi , nỗi bàng hoàng tiếc thương của mọi người còn đó chưa nguôi.
Rồi hôm nay, một lần nữa chúng ta lại khóc thương người kế nhiệm Thầy: Cô Võ thị Ngọc Dung , cựu GS, Hiệu trưởng trường. Cô là người bạn đời, cũng là một trợ viên đắc lực luôn sát cánh bên thầy Đào Khánh Thọ, đã hy sinh quãng đời còn lại hoạt động hăng say cho Hội Ái Hữu Cựu HS Trung Học TPH .
Kể từ sau khi Thầy qua đời, toàn thể CHS TPH đã nhờ Cô đứng ra giúp đảm nhiệm vai trò Hội trưởng, Cô đã sẵn lòng nhận lời, dù biết đó là công việc khó khăn so với tuổi tác trong khi còn Cô chỉ lại một mình. Nhưng rồi với sự ưu ái của mọi người, Cô đã nhận thay Thầy tiếp nối điều hành Hội, với sự hổ trợ trực tiếp của các anh chị em có lòng; và luôn lấy đó làm niềm vui, niềm an ủi cho mình với bạn đồng nghiệp và các cựu HS TPH ở khắp mọi nơi trên thế giới. Giữ vững sự liên lạc và tình cảm của tất cả những người có cùng kỷ niệm bên nhau dưới mái trường xưa.
Dù theo thời gian, sức khỏe ngày càng suy giảm kèm theo những rủi ro không ngớt xảy đến với bản thân. Cô vẫn không nản lòng , không chịu thua số phận vẫn cố gắng tổ chức các buổi Đại Hội thường niên, không kể những buổi họp mặt lẻ tẻ khi có các thầy cô hay cựu HS ở xa về chơi, để để mọi người được dịp gặp gỡ hàn huyên. Những quyển đặc san vẫn được cho ra mắt đều đặn như những lần Đại Hội thầy còn sanh tiền. Cô đã gói ghém để gởi đến tay mọi người dù gần hay xa bằng tất cả tình cảm ấm nồng của mình.
Cô còn giúp đỡ, chia sẻ để mang lại niềm ủi an đến với biết bao cảnh đời khốn khó khác, và ưu tiên nhất vẫn là sự nâng đỡ dành cho cựu HS/ TPH bất hạnh của mình. Bất cứ ai ở cạnh Cô đều có thể cảm nhận được nơi Cô sự thoải mái, yêu đời. Cô đã bền lòng phục vụ cho dù những khó khăn thử thách; can đảm vượt qua biết bao tai nạn hết cái này đến cái khác. Những nỗi đau thể xác vẫn không khiến cho Cô thở than hay tỏ ra bi ai, chán nản: Cô vẫn luôn tươi tắn với nụ cười bình thản đến lạc quan, cả trong ánh mắt.
Sức chịu đựng dũng cảm của Cô thật không mấy ai có được.
Nới xứ lạ trời xa, Cô và Thầy còn là viên gạch , là linh hồn của Hội , nhờ đó đã nối kết đám học trò đất Vĩnh lưu lạc tha phương tìm đến nhau. Tay trong tay khi gặp lại, tíu tít, rộn ràng như ngày còn cắp sách; với mỗi kỷ niệm là mỗi một hạnh phúc sâu lắng trong từng người đã một thời được vui đùa dưới mái trườngTPH, dưới sự dẫn dắt và điều hành của Cô cùng Thầy.
Thưa Cô, giờ đây Cô đã theo Thầy nằm xuống, phủi sạch mọi ưu phiền, đau đớn .
Đứng trước linh cữu Cô, tất cả chúng em xin thắp nén hương nầy để tưởng nhớ , để vô vàn thương tiếc và cũng để tiễn biệt lần cuối vị giáo sư yêu mến của chúng em.
Cô ơi! trường xưa của chúng ta giờ đã không còn, thầy cô cũng đã theo trường giã biệt chúng em, bỏ lũ học trò với muôn vàn luyến tiếc. Từ nay và mãi về sau chỉ còn lại khoảng ký ức êm đềm, mà mỗi người chúng em đã từng có cùng một không gian , thời gian mà suốt tuổi học trò đã đi qua ở đó .
Hai cánh chim đại bàng của trường, là linh hồn của chúng em giờ đây vĩnh viễn chắp cánh bay về nơi xa khuất, để lại sau lưng biết bao nỗi ngậm ngùi và thương tiếc.
Bạn bè TPH chúng ta từ nay sẽ thật sự lẻ loi biết bao sau sự mất mát to lớn này!!
Lần nữa toàn thể CHS TPH chúng em nguyện cầu hương linh Cô được yên nghỉ thảnh thơi nơi cõi niết bàn.
Xin kính chào vĩnh biệt Cô
Một học sinh trường
Do Hoành Hưng gửi mà không báo tên tác giả và hình. Nên đây chỉ là hình minh họa
Cám ơn Lương Minh nhiều. Lương Minh chọn hình “minh họa,” đúng là tác giả bài điếu văn. Hôm rời tang lễ của cô, đã có bài điếu văn. Đánh máy lại không nổi, không biết làm sao gởi đi vì lâu quá không sử dụng computer. Nhờ anh email bản chánh qua. Anh gởi qua bằng gì đó, không biết gọi là gì, không mở ra đọc được. Đến chừng mở ra đọc được, nghĩ rằng đã mất “thời gian tính”, nhưng cũng gởi đại cho Lương Minh. Lần nữa cám ơn Lương Minh đã đăng dùm. Tác giả là anh Lê quang Trung, anh là học trò trường Tống 8 năm. Anh là hậu duệ của vua Quang Trung, chạy vào Nam đổi họ Nguyễn qua họ Lê. Anh cũng là người dựng lại cổng trường Tống phước Hiệp, mỗi lần đại hội thầy thường mang cổng trường dựng lại trên sân khấu, rất giống cổng trường ngày xưa, chỉ thiếu bác năm.