CHUYỆN TÌNH CỦA HỌC SINH TỐNG PHƯỚC HIỆP

Ngày đăng: 14/03/2017 06:56:12 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Đây là phần cuối của bài Mơ thành học sinh Tống Phước Hiệp của anh Trần Ngọc mà tôi mạn phép đặt tên là chuyện tình của học sinh Tống Phước Hiệp. Nếu nói theo luật nhơn quả thì tác giả ở hiền gặp lành, còn nếu đây là truyện ngắn thì câu chuyện này có hậu theo cách nói của ông bà xưa (SOS)

le thanh-hon-1

Trường Tống Phước Hiệp là nơi đã đưa tôi đến quen thân với hai người con gái, một tên H và một  tên  T, cả hai cũng là bạn  rất thân trong thời trung học. Hai người  này gia đình khá hơn gia đình tôi nhiều,  nhưng hình như chúng  tôi có duyên  với nhau nên  lúc nào họ cũng giúp đở và khuyến tấn tôi. H thì quê ở  Tân An Luông, còn T thì sát cạnh  nhà tôi. H lên trọ học gần xóm nên nhân một buổi tan trường,  về cùng đường,  xe đạp của nàng  bị sút dây xên, tôi sửa dùm, thế là chúng tôi quen nhau từ năm 1964. Những ngày nghỉ học, tôi và H thường hay rủ  nhau qua chơi cù lao An Thành, hoặc giả cùng đạp xe trên những con đường làng Long Hồ. Còn T là cô bạn láng giềng,  nhà gần nhà tôi, nhưng lúc ấy nhà T lúc nào cũng cổng kín cao tường  nên tôi ít khi có dịp được cùng T chuyện trò hay đi đâu chơi với nhau. Mẹ tôi có biết về những  quan hệ này của tôi, mẹ không cản ngăn tôi kết bạn với ai, nhưng khi biết tôi quen thân với T và H, mẹ  có khuyên: “Mẹ thấy T và H, đứa nào cũng thùy mị dễ thương, nhưng như con thấy đó, nhà mình nghèo  không  xứng với ai hết. Con còn nhỏ nên chưa biết về bức tường  môn đăng  hộ đối, nhưng con ơi chính bức tường  ấy đã cướp mất đi biết bao nhiêu là mơ ước của tuổi thơ.” Tuy nhiên,  về sau này, một lần ghe dầu cháy, cả T và H, đều chạy qua nhà tôi để lánh nạn lửa, lúc đó mẹ  có dịp quan sát hai cô bạn gái  của  tôi  thật  lâu và  thật  nhiều,  nên mẹ có  nói:  “Cả  hai đứa  H và  T đều  rất dễ thương. Nhà con H ở  đâu thì mẹ không biết, nhưng nhà con T ở  đây, con nhà  tử tế, nên  con trai xóm này ít ai dám dòm ngó, mà sao con của mẹ gan quá.”  Ngày  đó, trong gia đình, ngoài mẹ ra tôi rất thân với đứa em trai kế tên Minh, nhỏ hơn tôi hai tuổi, nhưng lúc nào Minh cũng tỏ ra có những ý  kiến  đứng đắn và chính xác trong mọi vấn đề. Tôi thường  tâm sự và chia sẻ với Minh về tất cả mọi thứ, ngay cả những riêng tư tình cảm. Minh nhận xét rất khách quan và rất đúng về hai cô bạn gái rất thân của tôi, Minh nói: “Cả hai chị H và T, chị nào cũng rất dễ thương, nhưng chị H có vẻ kiêu  kỳ hơn, còn chị T thì thùy mị và gần gủi hơn. Nếu là em thì em sẽ lựa chị  T.” Tôi  nói với em Minh là tôi, H và  T chỉ là bạn thường thôi, chứ tôi không  bao giờ nghĩ  đến chuyện  lập gia đình với họ, vì gia cảnh khác biệt.  Tôi rất mến  họ vì họ làm  bạn với tôi bằng  tất  cả  sự chân  thành của  tình bạn, chứ không nghĩ gì đến sự cách biệt giàu nghèo.

Về sau này, trước khi vào  quân  đội,  tôi và H có nhiều  chuyện  bất đồng.  Lúc đó tôi chưa bao giờ nghĩ  đến  chuyện  lập gia đình, vì thứ nhứt nhà nghèo  mà tôi thì chưa có sự nghiệp gì trong tay và thứ hai là tôi sắp sửa sống đời lang bạt của kiếp chinh nhân, rày đây mai đó, sống chết không hạn kỳ thì làm gì dám nghĩ đến chuyện  lập gia đình. H thì không muốn thấy tôi đi lính, H nói: “Phải chi anh học dở hay học không nổi thì bỏ đi lính không ai cản, nhưng anh thấy đó, ở Vĩnh Long này có mấy người đậu tú tài được hạng ưu hạng bình như anh? Thế mà anh lại quyết định bỏ đi. H sẽ giúp  anh học tiếp, anh đừng đi.” Dù tôi cố giải thích cách mấy đi nữa, H cũng không chịu nghe, mà chỉ một mực  nài nỉ tôi đừng đi. Tôi biết khả năng gia đình tôi, ba mẹ  tôi lo cho con cái đến trung học là đã không còn hơi sức, lấy đâu khả năng lo cho tôi lên đại  học,  còn nhờ vả H, tôi  sẽ không bao giờ chấp nhận.  Thế rồi tôi vào quân đội, cả T và H đều buồn, nhưng tôi không  có khả năng lựa chọn khác. Sau này cả H và T đều lên Sư Phạm, rồi năm  1970  H qua đời vì bệnh tim lúc tôi còn đang du học bên Mỹ. T tiếp tục xong Sư Phạm và ra dạy ở Chương Thiện năm 1971.

Đầu năm 1972, tôi bỗng nhớ đến  bài hát vè quen thuộc về địa danh Vĩnh Long: “Đèn  nào cao bằng  đèn Cầu Lộ, gái nào ngộ bằng gái Cầu Lầu,” nên tôi đã xin phép về Vĩnh  Long cưới vợ. Tôi và T thành hôn,  dù sống  trong khói lửa chiến  tranh và tôi phải luôn xa nhà, nhưng chúng  tôi rất tâm đầu ý  hợp. Rồi chưa được bao lâu thì biến động của thời cuộc. Tôi phải đi “học tập” không biết có ngày ra, còn T thì mất việc nên phải bương chảy ngược  xuôi trong suốt tám năm  biệt xứ của tôi để vừa lo cho chồng, vừa nuôi dạy con cái. Thương quá người  nữ sinh Tống Phước  Hiệp,  mới hăm bốn hăm lăm tuổi đầu đã phải chịu  cảnh đọa đày theo vận nước nổi trôi, bỏ quên  cuộc đời trẻ trung, quyết  giữ một lòng trung trinh chung thủy với chồng.  Ngày tôi về nhà chưa bao lâu thì tôi lại phải ra đi tìm lẽ sống, lại một lần nữa xa vợ xa con, xa cha xa mẹ  để dấn thân vào con đường “thập tử  nhứt sinh” trong khi vợ tôi đang có mang đứa con trai út.  Ngày  tôi đi

, con trai lớn tôi mới  có 18 tháng, và con gái tôi chỉ mới có 6 tháng. Đến ngày chúng tôi đoàn  tụ với nhau trên đất Mỹ thì con trai lớn tôi đã 16 tuổi, con gái 15 tuổi  và con trai út đã gần 5 tuổi. Thật trớ trêu quá cho thanh niên trong thời đại của chúng tôi.  Chúng  tôi đã bắt đầu làm lại tất cả với hai bàn tay trắng trên mảnh đất tạm dung này. Giờ thì hai đứa con lớn chúng  tôi đã trưởng  thành và nên người,  còn con trai  út của chúng  tôi cũng đã lên năm  thứ hai đại học. Nhìn các con tôi lớn lên trên miền  đất tự do và thành tựu những  mơ ước  học hành,  tôi cảm  thấy  hạnh phúc cho các  con quá, vì chúng  không  phải trải qua những mơ ước tưởng chừng  bình thường, nhưng lại hóa ra là “chỉ mành treo chuông” như tuổi thơ của chúng tôi.

Cách đây hai năm chúng  tôi có duyên mai gặp lại thầy cô hiệu trưởng  và một số bạn hữu, chúng  tôi đã co cụm quanh thầy cô hiệu  trưởng  để thành lập hội  Ái Hữu Cựu  Học Sinh Tống Phước Hiệp. Dù không  ai cùng lớp với ai ngày xưa, nhưng chúng tôi không  cảm thấy chút nào xa lạ, chỉ một vài lần anh em chúng tôi quây quần bên thầy cô hiệu trưởng và các vị giáo sư khác trong những lần họp mặt là những  kỷ niệm thân thương năm xưa cứ trào dâng và trào dâng khiến  cho chúng  tôi có cảm tưởng như đã quen nhau tự thuở nào. Từ đó đến  nay sinh hoạt của anh em chúng  tôi ở  quận Cam và khắp  nơi trên  thế giới trở nên sinh động như được  hồi sinh. Đọc lá thư hội trưởng trong Đặc San Xuân Giáp Thân 2004, Mái Trường Xưa của hội, tới đoạn “dù anh ở ngã tư Long Hồ, hay chợ Trường An, dù  ở Long Thanh, Long Mỹ hay Phước Hậu, Phước Ngươn, dù chị  ở  Bắc Mỹ Thuận  hay Bắc Cổ Chiên, Bình Hòa Phước,  dù em ở  Cầu Kinh Cụt hay trong xóm Bún, thì chúng ta vẫn là dân một xứ, xứ Vĩnh Long, cùng học một trường, trường Tống Phước Hiệp”  lòng tôi nghe rộn ràng nhớ nhung quá về xứ Vĩnh,  nhớ về thầy cô và ngôi trường  đã hun đúc cho tôi thành người. Bây giờ khi đã trải  qua những ngã đường nắng mưa xuôi ngược,   đã trải qua những cơn mưa dồn sóng  vỗ của kiếp nhân sinh, khi đã trải qua không biết bao nhiêu là tang điền thương hải, khi tuổi càng gần với buổi xế chiều,  thì những  kỷ niệm  thời đi học càng sống dậy, càng thắm đượm trong tâm hồn mình như những hành trang cho mình tiếp tục bước đi trong cuộc hành trình cho những ngày còn lại của đời người.  Thật tình mà nói, ai trong chúng ta cũng đều có tấm lòng  gắn  bó với quê  hương xứ sở, ai cũng có một nơi thân thương để trở về, trở về lại ngay cái chốn mà năm xưa mình đã ra đi, trở về với biết bao kỷ niệm  chất chồng,  buồn vui lẫn lộn, trở về dù biết  rằng  rất có thể sau cuộc đổi đời trớ trêu  năm  đó rất có thể  họ  đã xóa  tan hết những  kỷ niệm  thân  thương xưa, nhưng ai trong chúng ta cũng đều mong mỏi được  một lần trở về ./.

Trần Ngọc

 

 

Có 6 bình luận về CHUYỆN TÌNH CỦA HỌC SINH TỐNG PHƯỚC HIỆP

  1. Phạm Thị Trí nói:

    Mừng cho Trần Ngọc có được mối lương duyên từ ngôi trường TPH!

  2. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay  và kết cục vui vì được tình chàng ý thiếp , chúc mừng  anh Trần Ngọc  hạnh phúc với cuộc sống hiện tại  và nhớ  ,,, không quên để lại  những bài viết về Trường về quê hương  một thuở !!                        Hoành Châu (Gia đình C  )

     

  3. VÕ THỊ LÀI nói:

    Bài anh viết rất cảm động, anh nói rất đúng mỗi người chúng ta ai cũng có nhiều kỹ niệm  của thời xuân trẻ ,nhất là kỷ niệm thuở học snh . Thời cuộc đưa đẩy các anh lận đận lao đao trên đường đời ,có những hoàn cảnh rất thương tâm . Nhưng riêng anh vẩn còn may mắn nhiều , như anh Lương Minh nói [ ở hiền gặp lành ] chúng em cũng rất mừng cho gia đình anh , sau biến cuộc đã được đoàn tụ và sống an vui hạnh phúc nơi xứ người  , mặc dù lòng anh lúc nào cũng trăn trở một nổi nhớ quê hương .

  4. My Nguyen nói:

    Bài viết thật hay với một mối tình thật đẹp, đầy gian truân nhưng kết thúc “có hậu”. Xin chúc mừng anh Trần Ngọc và gia đình. Mong đọc tiếp những hồi ức đầy thú vị của anh.

  5. Hồ An Nhiên nói:

    Rất ngưỡng mộ mối tình chung thuỷ sắt son của anh chị vì thời cuộc , phải xa nhau nhiều năm đến hai lần và kết cuộc có hậu

  6. Diệp Bích Ngọc nói:

    Đúng là một chuyện tình thật đẹp ,nên thơ ,chung thủy của anh Trần Ngọc .Chúc anh và gia đình luôn thật nhiều niềm vui ,hạnh phúc .

Trả lời My Nguyen Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác