Chuyện Gà Năm Cũ (3)

Ngày đăng: 28/01/2017 12:57:46 Chiều/ ý kiến phản hồi (13)

Những năm đang thời phát triển chợ xã Mỹ Thạnh Trung. Gần đó trong vòng trên dưới cây số là vùng dân cư cận hai bên bờ con rạch Bằng Tăng, cảnh quan tuy đã bớt vẻ hoang vu, nhưng người ta chỉ lo phá hoang dọn trống từ con đê bao ngạn cách mé sông chừng vài chục đến trăm mét để có thể kiểm soát nước tưới tiêu cho việc canh tác ruộng nương. Vùng đất biền ẩm thấp ven sông luôn luôn có những cây lâu năm thân to bóng cả như sắn u, bàng, gáo, tràm, bần, và phần đất ẩm ướt bên dưới là những dám ô rô cóc kèn bòng bong, choại ráng. Cứ chặc phá các loài dây leo cây bò lang trên mặt đất thì ít lâu sẽ um tùm như cũ. Dân cư quần tụ dọc theo con rạch nầy mỗi năm mỗi đông hơn. Xuồng ghe lớn nhỏ là phương tiện thông dụng để chuyên chở lúa gạo và giúp bà con đi tới lui từ nhà nầy đến nhà kia. Họ lấy dòng nước làm điểm dựa ban đầu rồi lần lần bung rộng ra. Thời ban sơ và rất lâu sau đó, những con đê, bờ bao ngăn nước còn là phương tiện giao thông đường bộ, nối liền các xóm nhà trên nhiều miền quê dọc theo các bờ sông rạch.

Khoảng 9 giờ một buổi sáng, chiếc ghe 4 chèo của ông Cố ra gần tới miệng vàm sau khi  vào thăm nhà bà con ở khoảng nửa chiều dài của con rạch Bằng Tăng lúc trời còn sương phủ buổi  tinh mơ. Nhằm ngày nước kém trong tháng Giêng, mực nước sông xuống rất thấp, bánh lái ghe cởi gốc cây trầm dưới lòng rạch. Sự va chạm không lớn, nhưng làm quẹo cây sắt luồn giữ những khoen bản lề, khiến cho bánh lái chết cứng. Bác tài công tìm bến thuận tiện dừng ghe và cho một người lên bờ hỏi mượn vật dụng để sửa tạm trước khi ghe ra sông lớn. Người phụ chèo trở xuống với chiếc búa đẽo trên tay và nói với ông cố:

– Trời nắng sáng trưng mà nhà đó có người xưng là ông Chín nằm trong mùng rên hù hù. Con nghe sợ quá, ông Cố ơi!

– Ông ta bị gì mà rên?

– Con không biết, con nghe ông ta nói chuyện yếu ớt bệnh hoạn lắm.

– Mấy đứa lo việc sửa bánh lái ghe, một đứa theo ông lên bờ xem có việc gì cần giúp không.

Hai người bước xuống cây cầu nhũi làm bằng thân cau già, được bắc cao hơn mặt sình cặp theo con mé con xẻo nhỏ dẫn vào bến nước phía sau một căn nhà. Ông Cố quan sát và thầm phục kỹ thuật người xốc trụ và cách dùng dây choại cột tại các mối kết rất thiện nghệ. Tay vịn trông rất yên tâm, bắt đầu từ gần mép nước ròng chạy suốt tới đầu cây cầu nhũi gát trên sân đất. Hai người đi vòng mé hè ra cửa trước. Lúc đi ngang vách hông nhà, vẫn còn nghe tiếng rên nho nhỏ của người bên trong.  Họ bước qua một gian thảo bạc trống lỏng, có hai mái lá trên bốn cây cột to vững vàng cất ngay sân trước. Là nơi che mưa nắng trong công việc đan đát mưu sinh vì thấy có một số nôm, rọ, xà di, lợp bắt cá tôm lớn nhỏ đủ kiểu đủ cở còn sáng màu nan tre, tất cả sản phẩm rất sắc sảo đang treo quanh bốn cây cột, có vẻ như sẵn sàng bán cho ai muốn mua.  Người thanh niên phu chèo tên Năm bước vào nhà lên tiếng:

– Ông Chín ơi, có ông cố con muốn hỏi thăm ông.

Từ chiếc chõng tre nép sát một phía vách trong gian nhà đơn sơ, cất lên giọng nói yếu ớt:

– Chú em vén mùng lên dùm tui.
Thằng Năm đến vén mùng lên, lộ hình thù người đàn ông chỉ ló ra bộ tóc đen quắn dợn đang đắp mền co quắp quay mặt vào vách. Ông cố dè dặt đến gần chiếc giường.
– Ông Chín ơi, tôi là ông Sáu ở chợ Mỹ Thạnh Trung. Tôi đi ghe lỡ đường, người nhà tôi lên mượn ông chiếc búa hồi nãy. Tôi biết nghề thuốc, ông cho tôi xem mạch đoán ông đau cái chi mà rên quá vậy.

Người đàn ông lên tiếng:

– Ông Sáu làm ơn đi vòng qua phía vách. Tôi đau quá, lăn người qua phía ngoài không được.

Ông Cố hơi hốt hoảng quay qua người nhà:

– Thằng Năm chạy xuống ghe kêu một đứa lên đây để nhấc chiếc giường xích ra. Kêu mấy đứa kia sửa thật lẹ để ráp ngay bánh lái trở lại.

Chiếc giường tre của ông Chín được hai người làm của ông Cố nhấc ra khỏi vách chừng một mét để ông Cố đi vòng phía trong bắt mạch cho người bệnh. Một lát, ông Cố cẩn thận ấn nhẹ vùng da bụng tình nghi,  người bệnh phản ứng bằng cảm giác đau dữ dội.

– Ông Chín thấy đau chỗ vùng bụng nầy khi nào?

– Lúc nước chảy vô mấp mé xẻo, độ khoảng 3 giờ khuya, tôi giật mình đi tiểu nghe đau bụng rêm rêm. Tui nghĩ đêm trước dùng sức kéo dành chiếc xuồng với thằng ăn trộm mà bể người. Vô nhà ngủ lại tới hừng sáng thì đau riết tới. Tui chịu đau cũng khá mà không chịu nổi, ông Sáu ơi.

– Ông biết đang bị nóng sốt không?

– Tôi biết người nóng lắm, khát nước mà không đi xuống nổi để uống nước.

– Nhịp mạch và các triệu chứng chẩn đoán, ông Chín đang bị sưng ruột thừa và trong tình trạng trở ác. Ngay bây giờ tôi xin ông cho tôi chở ông tới nhà thương thật gấp, trường hợp nầy chỉ có quan đốc tờ người Tây mới nhanh chóng cứu được bệnh của ông. Ông đừng lo, tôi hứa trả cho ông mọi chi phí thuốc men. Nếu ông nằm nhà thì tôi không biết ông chịu đựng bao lâu. Lát nữa tôi ghé nhà sắc cho ông chén thuốc điều hoà nhịp mạch, giữ yên chỗ đau không phát tác.

– Dà, tui đội ơn ông Sáu cứu giúp. Ông định liệu thế nào cũng được.

– Ông cứ nằm yên theo kiểu nào dễ chịu nhất. Nhà ông làm nghề đan đát thì chắc có cưa, ông nói chỗ nào cho người làm của tôi đi lấy. Ông cho người làm của tôi dùng miếng vạc ở cái chõng bên kia và đốn vài cây tầm vông để làm cán khiêng ông xuống ghe.

– Dà, tuỳ ý ông Sáu
Nhờ đông người và toàn là tay thạo nhiều việc, chỉ một thời gian ngắn là miếng vạc giường được cắt gọn và cột vào những đà ngang trên 2 cây cán dài ló ra 4 tay đòn khiêng vừa vặn. Ông Cố chỉ cho người làm đỡ ông Chín nằm trên chiếc cáng an toàn rồi khiên ông ấy đặt lên be chiếc xuồng nằm trơ nơi góc nhà. Bác tài công và bốn người phu chèo  mạnh sức vừa khiêng vừa đẩy xuồng chùi ra theo lỗ vách để ra sân sau theo cái đường khuyêt1 dốc thoai thoải xuống con xẻo nhỏ  ra rạch Bằng Tăng, nơi có chiếc ghe hầu cặm sào khoảng một tiếng. Từ Vàm Bằng Tăng, ông cố hối thúc chèo xuôi nước đến gần cầu Ba-ti-dô cột nhờ vào bến để ông và bác tài công lên đi bộ chừng 300 mét về nhà. Trong khi ông bốc thuốc và sắc ngay cho người bệnh, thì bác tài công tuyển thêm hai tay chèo và chuẩn bị hoả lò, than củi, cơm gạo mắm muối, chuẩn bị chèo xuôi ra Trà Ôn trong con nước ròng sáng nay. Ông cố giao tiền bạc, căn dặn mọi thứ và gởi thơ cho người quen tại chợ Trà Ôn nhờ giúp đỡ cho người bệnh mà ông nghĩ là sưng ruột thừa, yêu cầu được cấp cứu tại nhà thương của người Pháp ở Trà Ôn.

Ba ngày sau, cũng anh phu chèo  Năm dìu ông Chín bước xuống chiếc ghe hầu cột dây nơi bến sông đối diện với cổng nhà thương Trà Ôn xa xa trên kia. Trong lúc chờ con nước lớn đổ xuôi về Tam Bình, anh Năm theo nói chuyện rỉ rịt với ông Chín. Lúc đó mới biết ông nầy là người có hai dòng máu Miên-Việt. Ông Chín là con của vợ lẻ một người Việt sống lưu lạc ở Cam-Bốt. Ông Chín trở về Việt Nam làm nghề “sư kê” rất nổi tiếng vùng biên giới Tịnh Biên dài xuống tới Ô Môn. Nhưng ông không cho biết tại sao sống đơn độc nơi vùng thưa vắng đó.

– Bác sư ơi!

– Ê nói năng đàng hoàng em trai. Đại ơn cứu mạng của em, Chín Hựu tui không bao giờ quên. Bữa đó mà em không trình với ông Cố, là đời tui coi như xí lắc léo rồi. Còn việc giao thiệp hàng ngày, em kêu tui là anh Chín Hựu theo cha sanh mẹ đẻ, hoặc kêu là anh Hai Sư Kê theo nghề nghiệp của tui trên giang hồ. Chớ đừng gọi tắt anh sư, bởi tui không phải là thầy chùa hay sư sãi.

–  Dạ thưa bác Hai Sư Kê, hôm đó con nghe bác nói với ông cố là bác kéo xuồng dành với thằng ăn trộm là duyên cớ gì.

– Ờ ờ. Chiều đó tui ăn cơm hơi trể. Gặp món ăn chậm tiêu nên hơi khó ngủ. Tôi có thói quen dù chưa ngủ cũng nằm im như ngủ say. Khoảng 9-10 giờ đêm, tôi mơ màng giật mình. Tui nghe có tiếng bước chân rất gần. Lóng tai một lúc, tui biết có một tên trộm đang mở dây xuồng, như vậy tôi và nó khuất nhau bởi cái bức vách ngăn giữa nhà. Tui nhẹ nhàng tuột xuống đất và bò lại phía bên ngoài bức vách. Thừa cơ thằng ăn trộm quay lưng bò về phía lái để kéo xuồng ra sân, tui lẹ làng bò qua bên kia bức vách, một tay tui nắm miếng then ngang mũi xuồng một tay ghịt sát chân cây cột vách. Tui nghe thằng ăn trộm lấy hơi kéo xuồng mấy lần mà xuồng vẫn trơ trơ. Nó bò lên phía mũi xuồng kiểm xem có gì cản lại, tui hụp sát đất như con tắc kè rút về bên kia bức vách. Thằng ăn trộm rà thật kỹ bên ngoài 2 hông be xuồng tìm vật cản, nó còn nhóng dỡ thử mũi xuồng và đẩy lùi  một chút ra sau cho chắc ăn là đáy xuồng không bị đất nền nhà hay bất cứ cái gì cản lại.
Tui đoán nó bò ra sau để tiếp tục kéo xuồng ra khỏi lỗ vách. Hiệp nhì nầy mũi xuồng hơi xa cây cột vách, vì vậy tôi bị thất thế. Với lại nó lấy hơi nhanh hơn tôi, nên lần kéo thứ 3 của hiệp hai, tui bị sút thằn lằn phải buông tay. Trước khi rời tay khỏi then ghe, tôi đẩy mũi ghe lệch qua hướng ngược với tên trộm cho lái xuồng bay cán thằng ăn trộm bị té chỏng vó. Thằng ăn trộm bị bất ngờ, nó hét lên như người gặp nguy hiểm. Nó chưa biết chuyện gì thì chỉ 2 bước nhảy tôi đã tới bên nó,  dỡ chiếc xuồng qua một bên. Tui lật úp nó lại, dùng thế gài khoá tay thằng ăn trộm.

– Mầy nằm im thằng quỷ. Mầy cũng mạnh quá hả,  báo hại tao mệt muốn đứt hơi kéo xuồng đua với mầy.

(Còn tiếp)

MộtLúa

0 011H

Có 13 bình luận về Chuyện Gà Năm Cũ (3)

  1. Một Lúa nói:

    Năm mới mời đọc truyện dài

    Mặc dù cố tránh dai như gân gà

    Ngày xuân thân chúc bạn xa

    Oai phong mạnh mẻ như là thớt voi

    Tiền tài như nước xả vòi

    An lành may mắn coi mòi tràn lan

    Hạnh phúc vui hưởng thênh thang

    Muôn điều thuận thảo sắp hàng viếng thăm

     

    • Phan Lương nói:

      Nghe chúc mát dạ âm thầm

      An lành ,mai mắn suốt năm mê rồi

      Tiền tài như nước xả vòi

      Cứ tuôn ra hết coi mòi đói meo

      ….rùi làm seo ?

      • Một Lúa nói:

        Quên ghi chú là xả vòi nước vào bể chứa. hehe

        Chú Tư ba của Mỹ Tiên chắc là còn giữ sách thuốc (chữ Hán) của ông Cố.

        Ông nội Tám Lớ cũng giỏi y học (bắc phương), nhưng không hành nghề lâu dài và không giữ sách. Vì một tai nạn nhỏ (không do ông nội) khiến ông bỏ ngang việc hành y. Có dịp sẽ nói sau, nếu xét thấy không phạm gia phả.

        Tám Lớ biết ông 12 Nguyễn Thế Hà (em ông nội) có giữ sách gốc của ông Sơ và ông Cố. Nhưng không biết truyền cho ai khi ông 12 qua đời. Có dịp cho hỏi thăm Bích  Tiên.

  2. Phạm Thị Trí nói:

    Cô  chờ đọc tiếp, câu chuyện thật hấp dẳn, tình tiết …không thể đơán. Cám ơn món quà xuân của em.

  3. Neang Phi Rom nói:

    Bác Lúa ui! tui muốn biết cái thằng ông trộm ra sao rùi, nóng lòng được đọc tiếp…hihi..

    Năm mới chúc bác Lúa cùng gia đình dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng.

  4. My Nguyen nói:

    Một câu chuyện thấm đậm tình người với những người dân quê và ông cố tốt bụng. Cuối cùng là chuyện vui bắt tên trộm xuồng của ông chín. Chờ đọc tiếp nhe anh Một Lúa.

    • Một Lúa nói:

      Chào My Nguyễn,

      Nhà giàu xưa nay thường theo một trong hai lối sống. Một là bá đạo, hai là nhân đạo.

      Còn dân đen thì hên xui! hihihi

       

  5. Phan Lương nói:

    Ông cố Sáu nghề thuốc giỏi quá há , bắt mạch đoán bệnh như thần đã cứu được chú Chín Hựu. Ông cố Sáu là ông cố của anh và của Bích Tiên phải ko ?

    Chú chín Hựu ( Hai Sư Kê ) tài bắt trộm thần kỳ luôn ,kết quả xử lý thằng ăn trộm xuồng ra sao nhỉ ?

    Anh Lúa cứ nhè cái đoạn hấp dẫn mà bắt người ta phải chờ không hà

    Viết nhanh lên coi

  6. Võ Thị Lài nói:

    Anh Một Lúa viết  dài quá đọc mõi mắt, nhưng hay và hấp dẫn quá mắc theo dỏi hoài .Ông Cố anh  giõi quá trị bệnh rất hay, Chú Chín Hựu có tài bắt ăn trộm phi thường . Bài nầy viết trước mà em lại đọc sau .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác