TÂN TÂY LAN – Những Ngày Tha Phương (kỳ 5)

Ngày đăng: 11/12/2016 08:17:53 Chiều/ ý kiến phản hồi (22)

Sau khi bạn tôi sanh được một tuần và đã trở về cư xá sinh viên, các thành viên của khoá học chúng tôi được đưa đi thăm viếng các trường khoảng mười ngày hoặc hai tuần mà tôi không nhớ rõ, để học hỏi và cũng là dịp biết thêm về cách giảng dạy cũng như sinh hoạt của các trường Sư phạm, các trường trung học ở nhiều nơi tại Tân Tây Lan. Chị Kim Lan và Tâm Thạnh được phân chia ở lại Wellington, trong khi tôi cùng chín bạn đồng khoá khác được đến thành phố Dunedin để tham quan.

Tân Tây Lan là một quốc gia bao gồm hai đảo, đảo phía Bắc và đảo phía Nam, cách nhau bởi một eo biển. Thủ đô Wellington nằm ở cực Nam của đảo phía Bắc trong khi Dunedin là một thành phố nằm ở gần cực Nam của đảo phía Nam, vì gần Nam cực nên khí hậu thuộc về vùng Hàn đới, lạnh và tuyết đổ nhiều vào mùa đông. Người dân ở đây phần lớn là gốc người Tô Cách Lan đã di dân sang lập nghiệp từ nhiều thế hệ.

0-co-k-1Hình 1 : Bản đồ New Zealand

Tôi và cô bạn người Cambodia được chia ở trong gia đình người đỡ đầu là ông bà Aitken, hai ông bà ở tuổi trên 60, rất dễ mến và chăm sóc chúng tôi tận tình. Con cái của ông bà đều đã có gia đình nên chỉ còn hai ông bà trong ngôi nhà rộng mênh mông, cũng vì vậy ông bà Aitken thường nhận bảo trợ các sinh viên ngoại quốc tới tham quan Dunedin. Bà Aitken năng động, hay nói trong khi ông Aitken có vẻ trầm lặng, bà thường nấu những món ăn ngon và cũng tại đây tôi được nếm món bánh ngọt đặc trưng của Tân Tây Lan, món bánh Pavlova. Một lọai bánh ngọt mà vật liệu chính là lòng trắng trứng gà đánh nổi và các loại trái cây như trái Kiwi, cùng các loại trái khác hoặc các loại trái dâu như dâu tây (strawberry), blueberry, raspberry hoặc gooseberry… được sắp ở trên mặt bánh, thuở ấy khi được thử bánh này tôi không thích vì bánh ít ngọt lại có thêm vị chua của các loại trái cây, không hợp với khẩu vị đã quen của bánh ngọt nơi quê nhà: bánh bông lan kem, vừa ngọt vừa xốp, vừa béo…bây giờ thì khẩu vị của tôi đã theo thời gian mà thay đổi nên tôi lại thích loại bánh ngọt với trái cây hơn là loại bánh kem. Thế mới biết khi thời gian trôi qua, tất cả đều không còn như trước kể cả cách sống lẫn sở thích ẩm thực.

0-co-k-2Hình 2 : Bánh Pavlova

Chúng tôi đi thăm các trường Sư phạm và các trường trung học, tới đâu, một trong điều đầu tiên được giới thiệu là “Rest Room” (nhà vệ sinh), người hướng dẫn vừa cười, vừa nói, đây là nơi quan trọng mà quý vị cần phải biết trước tiên, có vậy mới thấy là người Tây phương quả là “tinh tế ” cũng như “thực tế”. Ngoài ra chúng tôi còn được đi thăm viện Bảo tàng, phòng trưng bày tranh cùng các thắng cảnh tại Dunedin cũng như ở các thành phố lân cận, nơi nào cũng đầy thiên nhiên và thật đẹp, không khí trong lành, không hề bị ô nhiễm.

0-co-k-3Hình 3 

– Trước trường Sư Phạm Dunedin

– Đi thăm một lớp học tại trường Sư phạm

Lần đầu tiên trong đời được thấy mưa tuyết ở Queenstown,  dù chỉ là một trận mưa rất nhẹ, lất phất những bông tuyết nhỏ bé, mềm mại, rơi xuống là tan liền, lúc bấy giờ mới đầu mùa đông, trời chưa đủ lạnh để tuyết có thể đọng lại. Tuy vậy cũng để lại trong tôi một cảm giác thật là khó quên và khó tả…bởi vì tất cả những gì của buổi ban đầu đều như “ngàn năm hầu đã dễ ai quên”. 

Hiểu tâm lý của những người đến từ vùng nhiệt đới, quanh năm chỉ thấy ánh sáng mặt trời, ao ước được có những kinh nghiệm với tuyết trắng, hai vị bảo trợ cho nhóm đã đưa chúng tôi đi cáp treo lên tận đỉnh núi cao, nơi đang có tuyết bao phủ dù không nhiều, chúng tôi ào xuống, cầm nắm tuyết trong tay để cảm nhận được cái lạnh, cái xốp của tuyết. Chúng tôi ném nhau bằng những nắm tuyết, đùa nghịch hồn nhiên như trẻ con, thật vui và hài lòng vì một trong những  ước vọng đã được thực hiện.

0-co-k-4Hình 4 :

(1) Queenstown, đàng xa là núi tuyết

(2) Lần đầu tiên trong đời tiếp xúc trực tiếp với tuyết

Thời gian trôi qua, chúng tôi trở lại Đại học Victoria để sửa soạn cho kỳ thi tốt nghiệp, tất cả mọi người đều phải vùi đầu vào việc học, ai cũng mong muốn có kết quả tốt sau một năm học tập. Kỳ thi đã qua và ngày mãn khoá cũng đến, chúng tôi gặp nhau lần cuối vào tháng mười một để làm lễ lãnh bằng, ăn mừng và cũng để từ biệt với tâm trạng khác nhau. Nhìn những bạn khác quốc tịch lo mua sắm quà cáp và mừng vui vì sắp được trở về nước, xum họp với gia đình lòng tôi lại chùng xuống khi nghĩ đến thân phận mình.

Ở thêm ít tháng tại Wellington tôi nhận được giấy tờ để sang Pháp do sự bảo lãnh của Bác tôi, chị ruột của mẹ tôi đã sống lâu năm tại thành phố Nice, miền Nam nước Pháp, nơi mà nước biển xanh như mầu trời, nơi mà hoa Mimosa nở vàng rượm vào mùa xuân, nơi mà cam chanh đầy trái mọc khắp nơi nhờ khí hậu rất ôn hoà, ấm áp, lý tưởng cho những người đã đến tuổi về hưu muốn trốn cái lạnh nghiệt ngã của mùa đông.

Đây là những điều mà sau khi đến Nice tôi mới biết, trước đó tôi chỉ muốn sang Pháp vì một lý do duy nhất là có thể liên lạc nhanh chóng và dễ dàng với gia đình còn ở tại Việt Nam. Thời điểm đó, nước Pháp là nước duy nhất trong khối tự do có liên lạc ngoại giao mật thiết với chính phủ mới tại Việt Nam.

Sau những năm tháng ở Âu Châu và với những kinh nghiệm đã thu thập được, nếu cho tôi được chọn lựa lại, tôi sẽ nhận Tân Tây Lan làm quê hương thứ hai của tôi. Một xứ sở đất rộng, người ít, thiên nhiên ngập tràn, không khí trong lành, cuộc sống an bình, không hấp tấp, vội vã. Dù không tân tiến về kỹ thuật như những nước Tây Phương khác nhưng người dân hiền hoà, thân thiện. Một nơi rất hợp với con người cũng như cách suy tư của tôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ, thấy mình trở lại Tân Tây Lan, phải chăng dù chỉ một năm nhưng đất nước này đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong tiềm thức của tôi.

Biết đâu một ngày nào đó tôi, Tâm Thạnh và Kim Lan sẽ có dịp cùng nhau trở lại Tân Tây Lan để tới thăm những nơi mà mình đã ở và đã đến. Ước mong là như vậy nhưng còn phải tuỳ vào số trời và tuỳ vào cơ duyên, càng lớn tuổi tôi lại càng tin vào thuyết định mệnh như cụ Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều “Bắt phong trần, phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Lê-Thân Hồng-Khanh (10/2015)                                               

 

                                                      ********

{"source":"editor","total_effects_time":0,"total_draw_time":0,"total_effects_actions":0,"uid":"ED8E671D-EEA0-445E-B854-18FBEA4071EF_1481060478077","tools_used":{"crop":0,"perspective":0,"shape_crop":0,"stretch":0,"free_crop":0,"resize":0,"adjust":0,"clone":0,"selection":0,"flip_rotate":0,"tilt_shift":0,"enhance":0,"curves":0,"motion":0},"layers_used":0,"effects_tried":0,"subsource":"done_button","brushes_used":0,"photos_added":0,"effects_applied":0,"total_draw_actions":0,"height":448,"total_editor_time":87,"width":640,"origin":"gallery","total_editor_actions":{"text":0,"shape_mask":0,"border":0,"square_fit":0,"lensflare":0,"clipart":0,"frame":0,"callout":0,"mask":0}}

Hình 5 : Hồng Khanh, Tâm Thạnh, Kim Lan, bé Phượng (con gái của chị Hiền)                                      

Tập hồi ký này chưa thể kết thúc được nếu không có sự đóng góp của hai người bạn của tôi, Kim Lan và Tâm Thạnh. Do cơ duyên, chúng tôi đã gặp nhau tại Wellington, New Zealand, chia sẻ với nhau một năm trời để rồi mỗi người một nơi, mỗi người một cuộc sống, đôi khi mất liên lạc vì bận mưu sinh nhưng rồi cuối cùng tìm lại được nhau, nối kết lại tình bạn ngày xưa để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn của một thời gian tuy không dài nhưng nhiều thay đổi và biến động.

Nhớ lại khi tôi lên đường sang Pháp, vài tuần sau Kim Lan cũng sang định cư tại Mỹ. Trong khoảng thời gian đầu, chúng tôi vẫn thường liên lạc với nhau nhưng rồi bận rộn vì sinh kế nên mối liên lạc cũng thưa dần. Tôi sang Đức, Kim Lan ở Mỹ cũng đổi tiểu bang nên lạc tin nhau, chỉ loáng thoáng biết Kim Lan lập gia đình và có con gái đầu lòng rồi biệt tin luôn.

Mới đây, chúng tôi tìm lại được nhau, Kim Lan hiện sống tại Florida, có hai con gái đã lập gia đình và có cháu ngoại, tiếc thay ông xã của Kim Lan đã qua đời. Năm ngoái khi biết tôi đang viết tập hồi ký về những ngày tháng ở Tân Tây Lan, Kim Lan đưa ra đề nghị là cả ba chúng tôi, Kim Lan, Tâm Thạnh và Hồng-Khanh sẽ cùng nhau viết đoạn kết, ý kiến rất hay mà nay chúng tôi đã thực hiện được trong đoạn thứ năm của tập hồi ký, trước hết với hồi ký đoạn cuối của Kim Lan.

Mùa Giáng Sinh 2016

Tampa, Florida

Thế là Hồng Khanh rời Wellington cuối 1975 hoặc đầu 1976 để sum họp với bà con ở Pháp, còn lại Kim Lan và Tâm Thạnh. Trong thời gian này mình đã liên lạc được với người em trai ở Mỹ và bắt đầu làm đơn xin đoàn tụ, trong khi đó cũng xin việc làm cho bộ Y Tế Wellington, giúp cho một bà nhân viên  cộng hoá đơn.  Ngày cuối tuần mình đến chơi với Tâm Thạnh và Linh Tân, cùng với Thạnh nấu món ăn Việt Nam ăn cho vui. Phòng  của Thạnh nhìn ra Oriental Bay tuyệt đẹp với những du thuyền trôi lững lờ. Cảnh đẹp nhưng sao quá trầm buồn.

Tháng 3/1976, mình có giấy được định cư tại Mỹ. Lại một người nữa trong nhóm ra đi làm những người còn ở lại thêm buồn lòng. Một người bạn mời bữa cơm tiễn biệt tại một nhà hàng Tàu và có mặt cả cô Heather Hills, student officer, phụ trách giúp đỡ nhóm du học mới đến (bây giờ là Dr Hills PhD).

Khung cảnh ấm cúng của buổi ăn tối vẫn không cầm giữ được người muốn đi xa nên nhóm bạn một lần nữa lại tiễn đưa ở phi trường vào một buổi sáng mưa gió……

Chuyến bay đưa mình đến thành phố New Orleans sum họp với gia đình người em. Tìm được việc làm và liên lạc với Hồng Khanh và Tâm Thạnh, nhưng rồi bận rộn vì cuộc sống mới nên việc liên lạc cũng thưa dần và mất tin nhau.

Năm 1978 mình lập gia đình, đời sống hạnh phúc và có hai con gái. Đến 1987 gia đình mình thay đổi chỗ ở, dọn về Tampa, Florida, nơi nổi tiếng vì nắng vàng, biển đẹp.

Cuộc đời đang êm xuôi thì người chồng và người cha thân yêu bất ngờ qua đời vì bị tai biến. Vượt qua buồn đau, một mình tiếp tục nuôi hai con lúc đó ở lứa tuổi 10 và 12. Sau những năm lăn lộn vất vả nhưng nhờ sự trợ giúp của Trời Phật, hai con chịu khó học hành nên cả hai đều thành công trong việc học. Cháu đầu tốt nghiệp PhD về ngành Neuroscience của University of Florida. Con gái thứ nhì xong Master về Architecture của Harvard, Massachusetts . Cả hai đều có gia đình, có con nhỏ, việc làm chuyên nghiệp .

Mình về hưu năm 2010 và vẫn sống bình yên tại Florida, thỉnh thoảng thấy vui khi đi thăm hai con và cháu ngoại, một trai bốn tuổi, một gái hai tuổi ở Washington DC; một cháu gái nữa mới ba tháng ở Jersey gần New York.

Năm ngoái mình liên lạc lại được với Hồng Khanh và Tâm Thạnh, thật mừng khi thấy gia đình các bạn đầm ấm, con cái khôn lớn, thành công. Nhất là Linh Tân, nay là một thanh niên tuấn tú, đẹp trai, có cuộc sống tốt đẹp ở Úc và thường về thăm ba mẹ.

Cũng một bất ngờ đã gặp lại anh Nguyễn văn Tam , trong hội sinh viên VN ở Wellington lúc đó. Trong một bữa ăn trưa với anh ở Washington DC có nhắc lại  chuyến du lịch đầu tiên của chúng mình vào dịp lễ Phục Sinh 1975 tại Tân Tây Lan. Mái tóc bồng bềnh lãng tử của anh ngày nào mà cả bọn vẫn gọi đùa bây giờ đã điểm sương.

Hồi tưởng lại, định mệnh nào đã đưa chúng ta rời VN mùng 7 Tết năm 1975 và bây giờ ai cũng đã thất thập cổ lai hi. Một đã quay về chốn cũ, một đang ở phương trời Âu Châu, một đang ở góc biển ấm của xứ Mỹ.

Cám ơn những vui buồn đến và đi trong cuộc đời. Và cứ thản nhiên tiếp tục cuộc hành trình còn lại của mỗi người trong chúng ta.

Nguyễn thị Kim Lan

0-co-k-6Hình 6

(1) Kim Lan và ba cháu ngoại : Grabiel, Lilyanna, Neda

(2) Hai con gái của Kim Lan: Grace, Ann và cháu ngoại Neda

Với Tâm Thạnh, tôi liên lạc mật thiết hơn vì Tâm Thạnh không thay đổi địa chỉ, nhất là sau khi đã về Việt Nam. Năm 1997 tôi về thăm Việt Nam lần đầu tiên, ra Huế gặp Thạnh và cũng có nhiều thời giờ với nhau hơn khi Thạnh ra công tác tại Hà nội. Lúc ấy, điều kiện sống của Thạnh đã sung túc và Linh Tân cũng đã sang sinh sống tại Tân Tây Lan từ năm 1992. Tôi mừng cho bạn vì cuộc sống của bạn đã dễ thở và càng ngày càng tiến triển tốt đẹp.

Ngồi lại để viết những kỷ niệm đau buồn đã trải qua thực ra không phải là chuyện dễ nên Thạnh đã chần chừ thật lâu. Cuối cùng dù đã hoàn thành tập hồi ký nhưng  một năm sau tôi mới nhận được lá thơ sau đây của Thạnh.

Huế, mùa lụt, ngày 06 tháng 11 năm 2016

Hồng Khanh thương mến,

Viết cho Khanh nhằm ngày 6 tháng 11 năm 2016. Hôm qua kỷ niệm ngày sinh của Bi, con gái thứ hai của mình. Câu chuyện buồn lâu ni cố quên rồi. Suốt cả đời mình luôn tự nhủ là chỉ nói với mọi người những điều vui thôi, buồn không nên nói vì khi nói ra mình đã buồn mà còn làm người khác buồn thêm. 

Nay nhận thư Khanh, biết Khanh trông nên mình cố gắng viết mấy dòng nầy gọi là để tri ân tình bạn Khanh dành cho mình. 

Vì chuyện đã lâu rồi Khanh ạ, nhiều chi tiết cũng quên mất nên chỗ nào nhớ thì viết còn không chắc chắn thì bỏ qua hay nói chừng chừng thôi. 

Khi quyết định đem Linh Tân về Việt nam, mục đích chính là vì hai con gái nhỏ của mình. Khi mình lên đường đi tu nghiệp, đứa lớn mới lên 4, đứa nhỏ mới lên 3,  hai con còn nhỏ quá, chỉ sợ lâu ngày không có mẹ bên cạnh, các cháu sẽ không được săn sóc và nuôi dạy chu đáo.

Sau khoá học, mình làm đơn xin trở về Việt Nam nhưng lúc đó nhà nước chưa thiết lập quan hệ quốc tế, đơn chưa được xét ngay nên phải chờ đợi thêm hai năm nữa mới được toại nguyện. Sau ba năm sống tại Tân Tây Lan, dù đã quen với cảnh cũng như người và cuộc sống của đất nước xinh đẹp, hiền hoà này, vào tháng 5/1978 mình đã ẳm Linh Tân trở về Việt Nam để đoàn tụ với gia đình.

Về đến nơi mới được tin đứa con gái thứ hai của mình đã qua đời sau cơn bệnh vào đúng ngày mình bước chân lên máy bay để trở về Việt Nam. Nói sao cho hết nỗi đau đớn tận cùng của mình khi được tin dữ và khi ôm bé Na, con gái lớn của mình vào lòng, con bé gầy gò đến tội nghiệp, nếu mình không về kịp, trong tình trạng sống thời đó, chắc Na cũng sẽ theo em mà đi luôn.

Dù đau đớn nhưng vì Na và Linh Tân, mình phải can đảm bắt đầu làm lại cuộc đời, quên đi nỗi đau mất mát để lo cho hai con trong một điều kiện rất khó khăn về cả tinh thần lẫn vật chất.

Linh Tân lúc đó mới lên hai, không quen khí hậu nên đau bệnh liên miên. Phần mình vừa phải chăm con còn nhỏ, vừa lo việc nhà, vừa phải lo kiếm sống. Dạy Anh Văn ở đại học Y khoa, rồi lại phải chạy qua dạy tại Đại học Sư Phạm. Đầu tắt, mặt tối, bận bịu suốt ngày, lao tâm, lao lực, ít ngủ nên gầy ốm tong teo, nếu Khanh trông thấy mình dạo đó chắc chắn Khanh không thể nhận ra. 

Na học lớp một, mình cũng không có thì giờ theo dõi việc học của con, đến khi nhìn lại thì gần hết niên học rồi mà con mình vẫn chưa biết đọc, biết viết gì cả. Thế là dù bận rộn cách nào đi nữa cũng phải lấy thời giờ kèm cho con, mặc dầu quần quật suốt ngày để kiếm sống, tối về sau khi lo cho con ăn uống và đi ngủ xong còn phải làm việc nhà, giặt quần áo, soạn bài, chấm bài……

Mình vẫn còn nhớ mãi câu an ủi của Khanh trong một thơ Khanh gởi cho mình “sông có khúc, người có lúc, Thạnh như vậy thì thế nào cũng có ngày khá giả…..”

Mình cũng thấy vui vui khi đọc những lời an ủi của Khanh nhưng rồi lại buồn vì có lẽ Khanh thương bạn nên nói như vậy thôi chứ tình cảnh của mình làm gì mà thoát nghèo cho được.

Thời gian trôi qua, mình vẫn âm thầm lao động, cam phận nuôi con và không có một chút hi vọng nào, bạn bè ở ngoại quốc đôi khi có giúp đỡ nhưng chẳng thấm vào đâu.

Nhưng rồi thật không ngờ, có những chuyện xảy ra đã làm cho cuộc sống của mình được thay đổi theo chiều hướng tốt. Một ngày nọ có phái đoàn Úc sang tổ chức hội thảo về Giảng dạy Anh Ngữ. Nhớ lại hồi mình ở Tân Tây Lan, nhiều gia đình người Tân Tây Lan cũng hay mời mình về nhà ăn cơm, nay mình cũng muốn bắt chước, mời phái đoàn Úc về nhà. Trong bữa ăn, khi trò chuyện, biết được tình trạng của Linh Tân, sinh tại Tân Tây Lan nên họ hứa sẽ hỏi thông tin và giúp đỡ Linh Tân xin quốc tịch Tân Tây Lan. Sau khi họ liên hệ và làm việc với nhiều nơi trong một thời gian dài, Linh Tân đã nhận được hộ chiếu của Tân Tây Lan. Năm 1992 Linh Tân lên máy bay sang Tân Tây Lan, lúc đó cháu mới 16 tuổi.

Với sự trợ giúp của bà chị cùng tất cả số tiền dành dụm để mua vé máy bay cho Linh Tân xong thì vợ chồng mình trong túi không còn một xu, tuy thế mình cũng yên tâm vì ông chồng mình mở Trung tâm Ngoại ngữ nên mình có dạy thêm ban đêm và có thêm thu nhập, hơn nữa ông chồng mình làm trong Ban Điều hành Trung tâm nên cũng có thêm đồng ra đồng vào. 

Mình nhớ là ông chồng mình có bắt một cái điện thoại, lúc đó ở Việt nam rất ít người có điện thoại, mình cho đó là một sự phí phạm vì mình cũng chẳng có ai để nói chuyện và cũng chẳng có chuyện gì mà nói. Nhưng không ngờ, nhờ cái điện thoại đó mà mình được gọi đi làm thông dịch cho EC (European Community). Mình có cô học trò làm việc tại đó, em nói, em mời cô đến làm việc vì cô có điện thoại, em khỏi mất công đạp xe đi mấy cây số để gọi người đến làm. Hồi đó ai cũng đi lại bằng xe đạp, hóa ra nguyên nhân khởi nghiệp của mình là như thế. 

Mình nhớ đi làm một ngày được 20 đô la Mỹ (tương đương gần cả một tháng lương của mình ở Đại học Sư phạm). Mình suy nghĩ và viết đơn xin nghỉ dạy để đi làm thông dịch cho EC. Đó là một quyết định liều lĩnh vì mình lúc đó là 46 tuổi, cũng già rồi, chỉ còn chín năm nữa là nghỉ hưu. Ai cũng muốn giữ công việc để chờ ngày lĩnh lương hưu nhưng mình suy nghĩ lại, thấy mình làm bên EC một năm bằng hai mươi năm công việc hiện tại nên mình quyết định nghỉ dạy luôn, không nuối tiếc.

Nhớ lại lời Hồng Khanh nói hóa ra thành sự thật. Mình cứ nghĩ không biết sao mà mình lại thoát nghèo. Hai vợ chồng làm ăn mỗi ngày một khá và cuối cùng mình đã mua được một ngôi nhà khang trang cùng một chiếc ô tô nhỏ. Hiện nay hai vợ chồng mình mở một văn phòng Dịch thuật và Hướng dẫn các thủ tục để đi nước ngoài. Cũng nhờ những kinh nghiệm trong khi đi làm với nước ngoài mà mình có được các kỹ năng và kiến thức giúp triển khai tốt đẹp các hoạt động tại văn phòng do vợ chồng mình làm chủ. Thôi từ đây lại được chấm dứt cuộc đời đi làm công cho kẻ khác. Khỏi phải bị sai bảo bởi những kẻ đôi khi kém thông minh làm mình tức bực. 

Na kết hôn năm 1998, có hai con và định cư ở Mỹ năm 2008. Linh Tân tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin ở Tân Tây Lan và chuyển sang sinh sống tại Úc. Bây giờ gia đình mình bốn người mà ở ba nước.

Mặc dù còn nhiều điều bất như ý trong cuộc sống hiện nay nhưng trên hết mình thấy rất hạnh phúc vì hai con mình đã được định cư tại nước ngoài. Mình cũng không trông giàu sang, chỉ mong hai con và các thế hệ sau nầy được sống trong một môi trường sạch, hưởng một nền giáo dục và y tế tốt. Mình chỉ mong hai con và các cháu được hạnh phúc. Mình luôn cám ơn Chúa đã gìn giữ gia đình mình bình an cho đến ngày hôm nay. Cũng chưa quên được những mất mát, đau khổ lớn lao nhưng rồi khi nghĩ lại là ai cũng có thập giá để mang đi theo Chúa nên cũng đành.

Thăm Hồng Khanh, gia đình và luôn thương mến.

Nguyễn thị Tâm Thạnh

0-co-k-7Hình 7 : Tâm Thạnh và Linh Tân : 

(1) Wellington 1975

(2) Huế 2015

Thật cảm động khi đọc thơ của hai bạn, nhân đây cũng xin cám ơn Kim Lan và Tâm Thạnh đã tham gia vào tập hồi ký và cho phép tôi nêu tên thật của hai bạn, được đăng những thơ cũng như hình ảnh có sự hiện diện của hai bạn và gia đình. Sự góp phần của hai bạn qua hai lá thơ đã làm cho tập hồi ký “Tân Tây Lan – Những Ngày Tháng Tha Phương” thêm ý nghĩa, chứng tỏ rằng tình bạn của chúng ta dù qua bao nhiêu thăng trầm, bao lần xa cách nhưng đến nay vẫn không hề thay đổi.

Lê-Thân Hồng-Khanh (12/2016)

Có 22 bình luận về TÂN TÂY LAN – Những Ngày Tha Phương (kỳ 5)

  1. Phạm thị Trí nói:

    Khanh thương

    Theo dỏi từng bước chân của bạn qua những dòng hồi ký, từ khi rời TPH về Đà lạt từ Đà lạt đi Tân Tây Lan…Khoảng thời gian dài bọn  mình bặt tin nhau ..Định mệnh đưa đẩy mỗi người mỗi nẻo…Cho đến một ngày nghe tiếng bạn qua phone từ Đức..vui mừng,ngỡ ngàng ..kỷ niệm xưa nhắc nhớ..
    Khanh có biết, qua một chặng đường dài  CỦA ĐỜI…đối với mình điễm đáng trân trọng của bạn là gì không ? Đó là cái Tình trong Tim bạn.Tình gia đình ,tình bạn, tình thầy trò..nhiều lắm…Mình thật may mắn có được H.K một người bạn học  trong đời , mỗi khi hình dung về bạn, mình nhớ nhất đôi mắt trong veo , nụ cười hoà ái, và là một học sinh giỏi của lớp …Những trải nghiệm cuộc sống,  cách đối nhân xử thế với mọi người …Mình ngưởng mộ bạn, quí mến bạn nhiều hơn.
    Bài hồi ký rất xúc tích, đưa người đọc theo từng thời gian, đời sống , những ngày đầu tha hương, lồng trong một tình bạn gắn bó,thật chân tình và thật tuyệt vời..

    • Cuộc đời của mỗi người với những nỗi vui, nỗi buồn có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết. Chúng mình phải tha phương, phải quay cuồng với cuộc sống, phải nuôi con cho khôn lớn. Đến khi con cái đã thành nhân, lúc đó mới có thì giờ cho mình nên đi tìm lại bạn bè thân quen ngày cũ. Rất vui mừng khi gặp lại các bạn ban C Gia Long, trong đó có Trí, cô bạn nhỏ nhưng vui tính và dễ dãi của ngày nào…và quả thật Trí cũng vẫn như xưa, không thay đổi, chỉ có điều, càng lớn tuổi càng xinh đẹp ra, ai cũng phải công nhận.

  2. PhươngNga nói:

    Cô Khanh kính mến.

    Hồi ức của cô thật quý giá, thấm đậm tình bằng hửu tuyệt vời. Tất cả các bạn của cô và cả cô, em rất thán phục. Tính cương nghị, lòng hiếu học, và trên hết thảy là sự bền chí vượt qua gian khổ.

    • Em cũng như cô, những người phải tha phương ” ngoài ý muốn” đều phải phấn đấu thật nhiều trong giai đoạn đầu để mà có được kết quả của ngày nay.  Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa những tình cảm  giữa người thân, giữa bạn bè  là những niềm an ủi quý giá và đáng trân quý

  3. Chào Cô,

    Em đã hồi hộp theo dõi từng bước chân của Cô, và những người bạn, trong 5 tập “Những Ngày Tha Phương New Zealand”. Cụ Nguyễn Du có viết: Bắt phong trần phải phong trần

    Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

    Cùng với sự lạc quan vốn có, “Sông có khúc, người có lúc,…” của Cô, nên em nghĩ, một happy ending như hiện nay là tất yếu. Rất ngưỡng mộ Cô và những người bạn của Cô vì đã chia sẻ kinh nghiệm sống cho chúng em. Chúc Cô never-end happiness.

    • Cám ơn lời chúc của em, như em đã nhận thấy qua tập hồi ký ngắn của cô, cô chấp nhận để đương đầu với định mệnh với ý nghĩ lạc quan, thực ra thì bi quan nhiều hơn, vì vậy mà ngày nay cô không phải băn khoăn vì ” the road not taken”. Ông trời đã sắp đặt nên có chọn đường nào thì cũng thế thôi, không thay đổi gì được cả.

  4. My Nguyen nói:

    Cô thương kính! Qua loạt bài viết “Tân Tây Lan-Những ngày tha phương” của Cô, em nghe thật nhiều cảm xúc, nổi bật nhất là lòng nể phục, những đứa học trò như em cần phải học tập ở Cô rất nhiều. Một ý chí kiên cường vượt qua gian khó, một sự hụt hẩng lớn lao mà một cô gái trẻ phải một thân chịu đựng nơi xứ người. Vậy mà Cô đã hoàn thành khóa học với loại giỏi, quả là một cố gắng phi thường. Cuộc chia tay gia đình tưởng chỉ một năm, ai ngờ  lại đến mười năm…

    Bài viết cũng cho thấy một đất nước Tân Tây Lan với nhiều điều thú vị về cảnh sắc cũng như con người. Thảo nào Cô đã muốn nhận nơi đây làm quê hương thứ hai! Hình ảnh Cô lưu giữ được thật là giá trị, minh họa cho bài viết và lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối, mà vẫn còn muốn được đọc tiếp…

    Em kính chúc Cô luôn khỏe để hưởng phúc lộc về già Cô nhé!

    • Cám ơn My Nguyễn đã đồng cảm với cô, Tân Tây Lan là một quốc gia đã để lại nơi cô những kỷ niệm cũng như những tình cảm đẹp về con người, cuộc sống cũng như thiên nhiên tuyệt vời, khó tìm thấy ở một quốc gia nào khác. Những ai thích một cuộc sống bình dị, nhiều tình người trong khung  cảnh thiên nhiên êm đềm thì Tân Tây Lan là nơi lý tưởng nhất.

  5. Hoành Châu nói:

    Cô Hồng Khanh kính quý ,
    Đã theo dõi tường tận trọn bộ 5 tập ,”,Tân Tây Lan ~Những Ngày Tha Phương ” và lạị thêm hai bài viết vô cùng ý nghĩa  của hai  người  bạn thân thiết  Kim Lan và Tâm Thạnh , em thật  tâm đắc và cảm động  những gì các  cô  quan tâm , ưu tư  như  gia đình  bạn hữu , Thày Cô , trường lớp , những  trăn trở  trong  mối quan hệ XH . DẤT NƯỚC CON NGƯỜI ,,thật khôn ngoan  biết chọn lựa môi trường sạch để sống  nơi có  nền giáo dục   đáng tin cậy    và nền   y  tế lý tưởng ,, Bài viết của  các cô  không những  trí tuệ  mà  còn bộc bạch  rõ  tình cảm  của  những  Phụ nữ châu Á  biết  TIẾN THỦ  ,,, đó là điều  mà chúng em nên học tập noi theo  và luôn rắp  tâm ngưỡng mộ .Chúc các Cô luôn gặp mọi sự  an lành , hưởng phước tuổi về chiều    bên con giỏi  cháu  ngoan   !     Em  Hoành Châu ( Gia đình C  )

      1. Em đã đọc đoạn kết và em đã thấy cuộc đời của ba cô đã trải qua ba con đường khác nhau, vui buồn đều có đủ. Em nói đúng, phụ nữ Việt Nam chúng ta dù trong hoàn cảnh nào đi nữa cũng vẫn đủ ý chí để phấn đấu, để nuôi con cho đến ngày khôn lớn, đó là thiên chức mà chúng ta đặt lên hàng đầu. Các bà mẹ Việt Nam không quản đến thân mình, hy sinh tất cả cho chồng con. Đây là điểm son cần phải được đề cao.
  6. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đọc xong mỗi tập, em đều có những ý loé lên để viết phản hồi.

    Mà nhớ lại, tác giả đã dặn không được ” nói gì” cho đến tập cuối, nên em im re.

    Nay, đến khi được cho phép ” nói” thì cảm xúc từng tập đã qua đi, chỉ còn đọng lại :

    CÔ VIẾT HỒI KÝ QUÁ TUYỆT VỜI

    CÔ VẼ TRANH TỪNG CHẶNG CUỘC ĐỜI

    ĐỦ SẮC THÁI VUI BUỒN SƯỚNG KHỔ

    HẾT MÂY MÙ , NẮNG HỬNG LÊN THÔI !

    • Tội nghiệp em Hạnh bị cô cản trở giòng cảm xúc của mình nhưng những dòng thơ ngắn của em đã chuyên chở được mọi ý tình mà em muốn đề cập khi đọc tập hồi ký nhỏ của cô.

      Cám ơn em đã đọc và đã đồng cảm với cô.

  7. VõThịLài nói:

    Cô kính yêu, theo chân ” Những Ngày Tha Phương ”của Cô em rất là xúc động,hoàn cảnh đưa đẩy Cô phiêu bạc ở xứ người ngần ấy năm.Đọc qua bài viết mới thấy Cô,một cô gái rất nhiều nghị lực và can đảm, chúng emvô cùng ngưỡng mộ .Sau năm 75 ý là ở tại quê hương mà chúng em còn bị hụt hẩn chới với huống hồ Cô ở nơi xa xứ. Cô thật giỏi,mấy mơi năm mà Cô còn nhớ rất tỷ mỉ nhiều việc. Những hình Cô chụp trông đep hơn lúc Cô ở VL nhiều chắc là tại Cô ở xứ lạnh .Không có tập hồi ký nầy,chúng em không thể hiểu hết những ngày tháng lận đận lao đao của quí cô ở xứ người .Hai bạn của Cô Kim Lan, Tâm Thạnh cũng rất giỏi như Cô và cuối cùng cũng đươc sống đầm ấm hạnh phúc đúng như câu Cô đã nói ”sông có khúc,người có lúc”.Em rất cảm ơn Cô cho em thưởng thức một hồi ký rất hay,rất xúc động ,,,cũng như đất New ZeaLand xinh đẹp .Chúng em kính chúc Cô cùng gia đình nhiều sức khỏe, an lành,đầm ấm và hạnh phúc.

    • Lài ơi, mọi người khi ở nước ngoài, trong giai đoạn đầu đều phải phấn đấu thật nhiều chứ không phải chỉ riêng cô. Ở xứ mà thời tiết mát mẻ, dinh dưỡng tốt ( sữa tươi chỉ có vài xu một lít và giao tận nhà) nên cô lên ký so với thời kỳ cô ở Vĩnh Long là chuyện thường tình. Cám ơn em đã khen, cô gởi lời thăm vợ chồng em cùng cháu nội.

  8. Bửu Tùng nói:

    Thưa cô Hồng Khanh,

    Cám ơn cô đã chia sẻ những trang hồi ký thật hay và hấp dẫn. Bửu Tùng xin mạn phép góp ý cùng cô 2 điều.

    1. Trong phần 2 cô viết “Tại khách sạn, lần đầu tiên tôi được xem TV màu, một kỷ niệm khó quên vì từ trước đến nay tại Việt Nam chỉ được xem TV đen trắng mà thôi, nhìn thấy hình ảnh, màu sắc đẹp tôi thật ngưỡng mộ trước sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật. Lúc đó tôi đâu biết là sau này con người đã đi lên đến mặt trăng và hiện tại cũng sẽ lên chinh phục được hoả tinh.” Em thấy cô viết câu cuối trong trích đoạn này không được rõ ý vì vào ngày 20/7/1969 phi hành gia Mỹ, Neil Armstrong, đã đặt những bước chân đầu tiên của con người từ trái đất trên mặt trăng.

    2. Trong phần 5 chắc cô quên nhắc đến người xứ Cam Bốt. Em tin rằng họ cũng đã xin tỵ nạn vì Khơ Me đỏ đã nắm quyền, và những gì đã xảy ra ở xứ chùa tháp, như chúng ta đã biết.

    Chúc cô vui khỏe.

    • Cám ơn Bửu Tùng đã có phản hồi và nêu ra hai khiếm khuyết trong tập hồi ký nhỏ của cô. Cô rất vui vì điều này chứng tỏ:
      1- Bửu Tùng đã theo dõi và đã đọc rất kỹ tập hồi ký.
      2-Đây cũng là cơ hội cho thấy là các thành viên của trang nhà không phải lúc nào cũng chỉ biết “khen” để xã giao, để làm vừa lòng nhau mà vẫn biết “phê bình” và nêu ra “khuyết điểm” khi cần thiết, nếu những việc này đặt trên căn bản “xây dựng” và không có “ẩn ý” thì đó là điều tốt và cần được đón nhận.
      Bây giờ tôi xin được trả lời vào hai điểm mà Bửu Tùng đưa ra:
      1-Đến Tân Tây Lan vào đầu năm 1975 mà việc con người chinh phục được mặt trăng đã xảy ra vào năm 1968 nên tôi đã lầm lẫn khi viết ” lúc đó tôi đâu biết là SAU NÀY con người đã đi lên đến mặt trăng”, tôi thành thật xin lỗi quý vị bạn đọc và xin được bỏ hai chữ SAU NÀY trong câu.
      2- Tôi không nghĩ là tôi quên khi không nhắc đến bạn cùng khoá người Cambodia mặc dù họ cũng cùng chung số phận như tôi. Đây là một hồi ký riêng của tôi nói về tâm tư của một người trong những ngày tháng tha phương đầu tiên trong cuộc đời chứ đây không phải là một ” tài liệu biên khảo về lịch sử” và cũng không bắt buộc phải đề cập tới bất cứ một ai, trọng tâm là tôi và thêm hai người bạn Kim Lan và Tâm Thạnh, những người đã đồng hành và chia sẻ với tôi bao nỗi vui buồn trong suốt một năm trời.
      Tôi hy vọng, Bửu Tùng hài lòng với phản hồi của tôi.
      Nhân đây cũng xin được nói thêm là tôi :
      – Chấp nhận để sửa đổi nếu lời phê bình đúng và đứng đắn.
      – Không vì “tự ái” mà cố công “cãi cối, cãi chày” (xin lỗi phải dùng những chữ này) để biện luận cho những lầm lỗi cũng như việc sai trái của mình mặc dù trong thâm tâm đã biết mình sai hoàn toàn. Nhờ ý thức được như vậy nên mặc dù nay đã ở trong lứa tuổi ” thất thập cổ lai hy ” tôi vẫn có thể sửa đổi chính bản thân của tôi mỗi ngày.

      • Bửu Tùng nói:

        Thưa cô Hồng Khanh,

        Bửu Tùng thật tình góp ý chứ không có ẩn ý gì như cô đã đặt nghi vấn. Hơn nữa BT không có ý phê bình.

        Trong phần 5, ở đoạn “Kỳ thi đã qua và ngày mãn khoá cũng đến, chúng tôi gặp nhau lần cuối vào tháng mười một để làm lễ lãnh bằng, ăn mừng và cũng để từ biệt với tâm trạng khác nhau. Nhìn những bạn khác quốc tịch lo mua sắm quà cáp và mừng vui vì sắp được trở về nước, xum họp với gia đình lòng tôi lại chùng xuống khi nghĩ đến thân phận mình.” Cho thấy cô đã đề cập đến nhóm bạn làm cho BT có ý nghĩ cô giáo người Khơ Me mà cô nói đến trong phần 1 cũng đã hăm hở chuẩn bị về nước trong một tình huống bất khả thi. Cô viết hồi ký riêng nhưng có liên quan đến một khúc quanh lịch sử ảnh hưởng đến nhiều triệu người nên BT mới góp ý vậy thôi.

        Giả sử, BT là cô giáo người Khơ Me đó cùng viết hồi ký đăng trên trang này và có đoạn “Nhìn những bạn khác quốc tịch (hàm ý có cô) lo mua sắm quà cáp và mừng vui vì sắp được trở về nước, xum họp với gia đình lòng tôi lại chùng xuống khi nghĩ đến thân phận mình.” Thì xin hỏi cô rằng BT có viết đúng với tâm trạng và hoàn cảnh của cô lúc đó không?

        Nếu lối suy nghĩ của BT dị biệt hay có lời gì làm cô không vui thì BT thành thật xin lỗi cô.

        Chúc cô vui khỏe.

        •  

          Đọc phản hồi trả lời của tôi chắc Bửu Tùng cũng nhận ra, ngoài việc trả lời cho Bửu Tùng, tôi còn muốn nhân cơ hội để nhắn nhủ các em cựu học sinh của tôi cũng như muốn đề ra vấn đề tổng quát trong việc có phản hồi góp ý, phê bình hoặc nêu ra khiếm khuyến của bất cứ tác giả nào trên trang nhà vì vậy đã có lời khuyên là các phản hồi nên đặt trên căn bản “xây dựng” và không  nên có “ẩn ý”.
          -Tôi không phật ý về phản hồi góp ý của Bửu Tùng, thực ra góp ý, phê bình hay nêu ra khiếm khuyết cũng chỉ là một cách nói nói mà thôi, mà rất vui khi nhận được phản hồi của Bửu Tùng vì những lý do tôi đã nêu ra trong phản hồi trước.
          -Những gì sai, tôi công nhận để sửa đổi, nếu không sai tôi sẽ giải thích rõ ràng là tại sao lại không sai, như tôi đã làm.
          Tôi cám ơn Bửu Tùng đã đặt trọng tâm của tập hồi ký nhỏ của tôi “quá cao” khi cho nó ” có liên quan đến một khúc quanh lịch sử ảnh hưởng đến nhiều triệu người” ( thực sự tôi không dám có tham vọng như vậy), khiến cho việc không đề cập đến người bạn Cambodia trở thành một vấn đề quan trọng.

          Tiếc là cô bạn Cambodia đồng khoá của tôi không đọc được tập hồi ký nhỏ này để có phản hồi nên tôi không thể biết là cô ta nghĩ gì nên tôi không thể có phán đoán như Bửu Tùng được. 

          Riêng về việc, nếu “tôi” là “cô ta”thì tôi xin được trả lời như sau:

          – Khi đọc tập hồi ký này tôi thấy đây là việc bình thường khi trong hồi ký không nhắc đến hoàn cảnh của tôi vì đây là quyền tự do của người viết.

           – Hơn nữa khi người viết đề cập ” nhìn những bạn khác quốc tịch lo mua sắm quà cáp và vui mừng vì sắp được trở về nước, lòng tôi lại chùng xuống khi nghĩ đến thân phận mình…” Tôi sẽ đồng cảm với người viết và tôi cùng hoàn cảnh với người viết và hiểu là người viết đề cập đến những bạn khác quốc tịch có điều kiện để trở về quê hương của mình, tôi tuy cũng là người khác quốc tịch nhưng không có điều kiện đó thì tại sao tôi lại nghĩ là người viết ám chỉ cả tôi như Bửu Tùng   đã đặt trong dấu ngoặc (hàm ý có cô). 

          Tôi nghĩ đây chỉ là việc nhỏ, không đáng đem ra bàn luận. Những gì  muốn nói, tôi đã nói hết và nói rất thật vì đó là bản tính của tôi. Bửu Tùng cũng không cần phải xin lỗi, trái lại tôi phải cám ơn vì nhờ có phản hồi của Bửu Tùng, tôi mới biết được sự nhầm lẫn của mình để mà xin lỗi đọc giả, để mà sửa đổi và để nói ra ý kiến của mình.  

          Hãy chấm dứt ở đây và để cho quí vị  bạn đọc phán đoán.

  9. Như Thuỳ nói:

    Thưa cô Hồng Khanh ! Hồi ký của cô giúp bọn em biết thêm một mảng về những người VN, do ngẫu nhiên đã trở thành những lưu dân bất đắc dĩ trên đất khách. Và rồi số phận của ba người phụ nữ ( Hồng Khanh – Kim Lan – Tâm Thạnh ), đã gần như trở thành đại diện cho số phận của phụ nữ VN tạm gọi là thuộc thành phần trí thức sau 30/4/1975 . Ở lại hay ra đi, trong nước hay ngoài nước,       mỗi người đều phải hết sức nỗ lực bản thân để vươn lên, không chấp nhận bị xô dạt hay nhấn chìm … . Hơn 40 năm đã trôi qua, giờ đây tóc ai cũng đã phai màu … Cô trò, bè bạn còn có cơ hội gặp lại nhau, kể cho nhau nghe về những ngày đã qua là đã diễm phúc vô cùng . Cám ơn cô đã tạo thêm cơ hội cho bọn em cùng nhìn và nhớ về quá khứ …

    Thương kính !

    • Như Thuỳ nói đúng, cô Tâm Thạnh, cô Kim Lan và cô mỗi người một phận và cũng như tất cả phụ nữ VN trong thời ấy còn ở trong nước hoặc đã ra ngoại quốc đều cố gánh tranh đấu, vượt qua bao nhiêu khó khăn về tinh thần cũng như vật chất để ngày nay có thể ngồi để nhìn lại chặng đường chông gai mà mình đã trải qua.

      Không hiểu Như Thuỳ và ông xã hồi ở Huế có biết cô Tâm Thạnh hay không, Tô Châu thì thân với Tâm Thạnh vì cùng dạy tại Đại học Sư Phạm Huế.

      Gởi lời thăm vợ chồng em, nhân đây cũng chúc hai em một Giáng Sinh thật vui và một năm mới Dương lịch nhiều sức khoẻ và may mắn.

      • Như Thuỳ nói:

        Thưa cô, em cũng đã định nói với cô, em và ông xã cũng có biết cô Tâm Thạnh do thời gian học và ở lại trường ĐHSP Huế cũng khá dài ( 6 năm ). Em nhìn hình chồng cô Tâm Thạnh cũng thấy quen lắm nhưng không nhớ ra tên . Huế “xưa” nhỏ  lắm cô ạ , phố chính chỉ hai đường Phan Bội Châu và Trần Hưng Đạo, nên hình như đó là một “nơi mà ai cũng quen nhau” … ( Hi!hi! )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác