Dân xóm nhỏ 4
Sông sâu khó bắt nhịp cầu
Dòng kênh Danh Tấm dài câu…mong chờ!
Xóm cũ chiều nay có người nửa dại nửa khờ. Nửa tỉnh nửa say mà ôm một trời thương nhơ…ớ…ớ…ơ…ơ…
– Thương nhơ là thương kiểu gì có vẻ ô nhiễm môi trường vậy Năm.
– Tao luyến lái chữ nhơ…ớ…ớ… theo điệu vọng cổ hiện đại. Chớ nhơ đâu mà Tám Lớ mầy vu cáo nhơ với bẫn.
– Năm mình nhớ ai, ai nhớ mà đặt thơ nghêu ngao vậy ta.
– Mấy câu nầy thằng Tí đặt ra để phá Hai Chích nhà mình, chứ tao làm gì có trình độ mần thơ hay bạo gan thương nhớ ai mà làm Trương Chi thời “a còng” hay “a rẹm”, hả Tám Lớ.
– Năm mình trưa nay vui quá. Tụi tao giao anh Năm Cua Đinh làm chủ quản cử cà phê nầy nhé.
– Còn ai nữa không?
– Hai Chích và Sáu Bờ-rô chút xíu ra tới.
– Hôm qua ăn nhậu cứng bầu dìu, còn máu thì cạn khô rồi. Bà xã o-đờ cặp vịt và cho hai trăm ngàn dằn bóp, về tới nhà vừa phọc túi.
– Sao. Đi đám giỗ vui không.
– Vui, tao mới ghé nhà đưa bọc bánh ít và đồ nhậu cho bà xã rồi dọt ra đây. Mấy thằng em con của mấy cậu tao và tụi bạn nó chờ dịp đốn tao lâu rồi. Nhưng Năm Cua Đinh nầy có chết thì cũng phải chết đứng hình như Từ Hải.
– Có chí khí của dân ấp Năm. Ủa, sao chiều hôm qua không về, mà sáng nay mới về mà còn nói không nằm một đống.
– Chuyện là Út Em con của dì Bảy, đứa em có quán cà phê ở ngã ba Hiếu Phụng.
– Sao. Cô đẹp đẹp dễ thương vẫn còn “chống ề” phải không.
– Chiều hôm qua nó nằng nặc đòi quá giang xe tao lên đây chơi.
– Sáng nay Năm mình có chở cô Út không?
Năm Cua Đinh ngó giáo giác, mắt nháy nháy về hướng bếp pha cà phê của cô Năm Cô Đơn, hắn hạ giọng thì thào:
– Nó nói lên đây ghé nhà Hai Chích cho biết.
– Vậy là sao ta, Năm mình có “bình lựng” gì không?
– Còn bình lựng gì nữa. Lần tụi mình đi xuống Trà Vinh, chuyến về ghé quán của nó uống nước dừa. Nói qua lại vụ gì đó mà em gái tao xin Hai Chích nhà mình cho địa chỉ “phây búc” để kết nối, nối kết gì đó. Tám mầy có chơi thì biết rành vụ đó hơn tao.
– Thì nhiều người có cả trăm bạn bè phây búc, thân thiết hay sơ giao thì cũng nhà ai nấy ở. Hơi đâu mà hẹn hò gặp mặt hả anh Năm mình.
– Chỗ nầy khác mấy chỗ kia nghen Tám Lớ.
– Khác chỗ nào?
– Chỗ hai người cùng độc thân, và cùng quen biết với thằng Năm nầy. Thì cơ hội xáp lại có khả năng gần 5/5.
– Ha ha, Năm mầy có muốn ăn đầu heo mai mối không?
– Năm tao biết lâu nay Hai Chích chỉ kết một bà Năm Cô Đơn nầy. Nó cắt dây chuông vào kho tính ái rồi. Vì vậy tao giả bộ say nằm ngủ tới chiều. Con Út Em chờ tới gần tối mà tao vẫn chưa dậy, nó kêu xe ôm về Hiếu Phụng. Mấy đứa em chủ nhà không cho tao đi đêm về nhà, sáng ra còn đãi ăn bữa cháo thịt bầm gừng tiêu ra mồ hôi giải nghể cái nọc rượu hôm qua.
– Hai Chích và Sáu Bờ-rô tới rồi kìa. Mầy khoan nói vụ cô Út Em tại đây nghen, về trỏng tụi mình chọc nó chơi.
Sáu Bờ-rô xoay xoay cái kết vải jean bạc màu trong tay, miệng cười ỏn ẻn:
– Năm mình đi đám giỗ ở xã Trung Hiếu có được lợi quả món gì không ta?
– Mấy đứa em gởi lòng heo phá lấu và thịt khìa. Dọc đường tao ghé mua 2 chục nem, chỗ lạ nên cũng chưa biết nem ngon dở. Lát nữa tụi mình về nhà tao lai rai. Ờ, cũng nhờ ngủ đêm rồi ở nhà thằng em, mà sáng nay Năm tao biết một chuyện rất lạ. Sáng sớm nầy người xóm đó đồn rùm. Cách nhà thằng em tao chừng nửa cây số, hồi khuya nầy có người kéo vó vô con cá mập con đúng 4 kí lô. Trước khi về, thằng em chở tao tới chỗ đó, tay tao rờ da nhám cào của con cá mập nhỏ mới chết vài tiếng còn tươi xanh. Ông chủ vó cại miệng cá thấy răng nhọn quắc chơm chởm thấy sợ. Tao rành vụ cá cua sông nước, mà hồi nào giờ chưa nghe thấy loại cá mập vô sâu vùng nước ngọt của mình. Lão làng chỗ đó cũng nói 60-70 năm trong đời, họ cũng chưa thấy ai bắt được loài cá nầy ngay cả ngoài vàm sông Cổ Chiên cách con sông nhỏ đó chừng 5-7 cây số. Tám Lớ có ý kiến ý cò gì vụ nầy không bạn.
– Từ từ để tao nhớ lại. Vàm Cái Nhum nơi sông Măng Thít nối vào nhánh sông Tiền cách cửa biển Cổ Chiên chừng 50 cây số. Vàm con sông vào xã Trung Nghĩa cách vàm Cái Nhum chừng 12 cây số về hướng trở ra phía biển. Như vậy vàm sông đó cách cửa biển Cổ Chiên chừng 38 cây số. Với khoảng cách và ngay tháng 9 nước đổ, thì không thể nào có vụ nước lợ hay nước mặn thích hợp cho loại cá mập sống ngoài biển khơi nầy.
– Ê, khoan khoan Tám Lớ. Tao nghe nói, cá mập có thể sống ở vùng nước lợ cửa sông và vào sâu vùng nước ngọt như người ta thường thấy chúng trên kinh Vĩnh Tế.
– Tám tao không biết cũng không muốn cãi. Nhưng tao đoán, kênh Vĩnh Tế do con người đào không sâu nó lấy nước từ nhánh sông Hậu tại Châu Đốc và chảy dài hơn 80 cây số ra tới biển Hà Tiên. Vì thế áp lực của nó không đủ mạnh, thì nước biển chảy ngược vô bao xa là tuỳ phía nước ngọt đủ sức bảo vệ tới đâu. Cá mập theo nước biển tràn vô sông kiếm ăn sâu xa là có thể như vậy. Và sự hiện hữu của cá mập là chứng minh cho chiều dài độ nhiễm mặn từ các cửa sông ra biển.
– Hỗm nay Sáu tao có thắc mắc mà chưa biết hỏi ai.
– Thắc mắc chuyện gì vậy Sáu Bờ-rô mình?
– Hôm trước tao coi trên mạng, phía TQ tuyên bố họ làm đập thuỷ điện rồi cũng xả nước xuống y chang, có mất mát chỗ nào mà phía hạ nguồn la um là họ chơi xấu.
– Hai Chích tao uống cà phê mà muốn mắc nghẹn. Họ nói nghe thật thà nhưng đâu phải vậy. Có nhiều đập họ xây cao đến nỗi nếu chỉ hứng nước mà không xả thì 5-7 năm chưa đầy. Nếu đập nầy chứa đầy nước mà một ngày nó bị tai nạn vỡ đê bê tông thì tụi mình ngay tại đây cũng bị nước lũ cuốn trôi ra biển. Thôi cho rằng trời thương không tai không nạn. Nhưng ngay tại đâp cuối cùng mà được kẻ ác tâm vận hành thì hạ nguồn cũng chết khô. Ai cũng biết thuỷ triều ngoài biển lên cao hay xuống thấp là do sức hút của mặt trăng nằm vị trí nào trong quỹ đạo của nó. Cũng nhờ vậy mà dòng Cữu Long bao đời đổ xuống rồi dội lại mực nước biển dâng cao tại các cửa sông. Sự dội lại nầy làm nước trên các nhánh sông Tiền và Hậu dâng cao và chảy vào các vàm sông như tại Bông-ga-lô tại chợ Vĩnh Long đổ dài vô Long Hồ rồi vào sâu trong ruộng. Khối nước nầy mang phù sa bồi bổ kênh mương vườn tược. Mực nước cao thấp tại các cửa sông phối hợp dòng chảy đều đặn của dòng Cữu Long đã hình thành một lưu vực Cữu Long vô cùng mầu mỡ. Cho dù lụt lội mùa lũ thường niên, khi qua đi, thiên nhiên cũng để lại cho con người lớp phù sa quý giá. Nhưng mình thử nhìn mặt nước sông khô kiệt vào mùa nầy, có muốn lụt về chỉ có trong mơ.
Hai Chích uống vội ngụm cà phê đá, rồi tiếp tục:
– Người muốn phá mình thì làm sao? Nước chảy qua tuộc-buyn phát điện thì dĩ nhiên không hãm được. Nhưng nước xả áp lực thành hồ mà canh giờ và tốc độ luồng chảy mà xả “van” cho đúng lúc mực nước biển xuống thấp thì lượng nước “tài nguyên thiên nhiên” đó sẽ chảy tuôn ra biển, coi như hạ nguồn húp cháo. Và ngược lại, khi mực nước biển dâng cao mà nước tại thượng nguồn siết “van”, thì nước biển tràn vô lấn sâu vào sông, cá mập không lội đến Vĩnh Long mới lạ.
Cô Năm chủ quán nảy giờ lắng nghe Hai Chích thuyết trình, không biết cô nói chơi hay thiệt:
– Lúc đó dưới sông ấp mình cá mập lớn thiếu gì, làm sao mấy nhỏ dám tắm sông.
Hai Chích phân vân nhìn cô Năm. Sáu Bờ-rô vọt miệng:
– Thì lúc đó dân ấp mình cũng ăn gạo nhập từ Thái Lan luôn. Phẻ, khỏi làm ruộng!
Một Lúa
(Phóng tác theo tin và mượn ảnh của Thanh Đức trên blog Thanh Niên. Chân th
ành cảm ơn tác giả)
H1H2
Chuyện kể hấp dẫn , lôi cuốn .Giong văn dí dỏm , khôi hài .Đọc thấy vui , thích lắm, anh Một Lúa .
Cảm ơn bạn Thu Cúc nhiều nhé.
Bản tánh cà khịa của Tám Lớ nan di. hihihi
Cá mập con. Hồi tui còn dạy học ở Rạch Giá thấy bán đầy chợ, nhưng nghe bà con mình kêu là cá nhám, tui chưa dám ăn thử bao giờ. Bi giờ nếu có vô sông Măng, dân chài bắt được, tui cũng dùng thử cho biết, còn lại phơi khô, để dành nhậu dài dài và có dịp sẽ đãi Một Lúa ăn cá mập nước ngọt.
Thịt cá mập dở òm. Nếu đem phơi, thịt khô sẽ có mùi khai như nước tiểu con nít. hihihi