THÁNG NGÀY TƯƠI ĐẸP

Ngày đăng: 2/08/2016 11:49:01 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Sau ngày nghỉ hưu, tôi có ý định sẽ viết lại một tập hồi ký bỏ túi ghi lại quãng thời gian trọ học ở Vĩnh Long ( để lâu lâu mang ra đọc một mình ). Ở đó tôi dự định sẽ ghi chép đầy đủ những buồn vui với tất cả các thầy cô tôi đã học qua…

Tiếc rằng các dữ liệu sắp xếp chưa được khoa học , mỗi ngày lại có và nhớ thêm chuyện cần phải ghi, vì vậy muốn hòan thành hồi ký chắc còn tốn thời gian nhiều. Nay xin trích những phần chuyện vui đã viết tạm ổn giới thiệu cùng bạn đọc

1-     Ngày đầu đi học và thầy cô lớp Đệ Thất .

Tôi nhớ không quên , ngày tôi bắt đầu vào trường học THBC Nguyễn Thông là ngày 2/10/1968. Để tuân thủ đúng giờ, ngày 1/

10 ba tôi đã đưa tôi lên Vĩnh Long chiều ngày hôm đó ( Đêm đó nhà nội tôi cúng Trung Thu to lắm, đây là đêm Trung Thu đầu tiên tôi xa nhà, không có mặt ở nhà để ăn nhiều bánh )

* Cô giáo dạy môn Vạn Vật

Giáo sư dạy Vạn Vật cho lớp chúng tôi tên Phạm Thị Minh Lý ( Giáo sư dạy trường Tống Phước Hiệp vào ) Cô thấp, dáng nhỏ nhắn dễ thương, hay mĩm cười , cô nói giọng miền Trung nên hơi khó nghe . Ngày đầu khi giới thiệu chương trình bộ môn, cô đọc cho chép, chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau cười. Lần đó, dạy về Bộ thú ăn thịt – Họ mèo – Đến phần đời sống và tập tính mèo, cô hỏi cả lớp: – Con mèo thích ăn gì? Anh chàng nào trong lớp cũng hào hứng và đồng thanh nói to : – Con mèo thích ăn thịt sống ! – Cô từ tốn hỏi tiếp :- Thế thịt chín nó có thích ăn không ? Cả lớp đồng thanh : – Dạ có. Rồi rũ ra cười . Cô bảo : Con mèo thích ăn thịt – rồi ghi bài trên bảng .

* Thầy dạy môn Tóan:

Môn tóan chúng tôi học thầy Tôn . Thầy năm ấy chừng 30 , người gọn gàng, nhanh nhẹn, miệng hay cười, nét mặt rất đàn ông . Nếu nói “ hơi bị  đẹp trai “ cũng không sai. Một chi tiết đặc biệt ở thầy, thầy có một tay hơi ngắn so với tay kia . Vì vậy khi mới vào lớp những ngày đầu bọn chúng tôi chép thời khóa biểu đến giờ của Thầy Tôn  (KT) có đứa đóan ẩu: – Chắc ghi chú Tôn cụt tay để phân biệt với thầy Tôn từ trường Tống Phước Hiệp vào

Nhóm khác ( trong đó có tôi ) không đồng ý, ai mà ghi chú kỳ cục vậy, xúc phạm thầy mà còn sai chánh tả ! Học vài tuần chúng tôi mới vỡ lẽ ra, Thầy Tôn dạy Tóan cho chúng tôi từ trường Kỹ thuật qua…. Thật tình, cái đám học trò lớp đệ thất bán công nầy dốt như me mà hay xaọ!

* Thầy dạy môn Công dân.

Thầy dạy môn Công dân cho chúng tôi năm nầy là giáo sư Nên, nhà ở đường Đồng Khánh. Năm nầy chắc thầy đã hơn  tuổi 60 nhiều. Thầy da trắng,ốm, cao, tóc còn rất đen chải láng mướt. Thầy dạy theo kiểu “ truyền thống ”, vào lớp gọi học sinh trả bài , cho lớp trưởng hay học sinh chữ đẹp lên chép bài mới ở bảng, học sinh ở dưới chép xong thầy giảng …

Vì hơi lớn tuổi nên có lúc thầy chậm chạp, dễ quên . Nhớ có lần thầy vào lớp nhầm giờ. Lớp tôi thầy dạy tiết 3 ( giờ thứ ba ). Hai tiết đầu  giờ của cô Phụng . Thấy thầy vào lớp , học sinh chúng tôi vô tư đứng dậy chào ( Cứ tưởng TKB đổi mà lớp chưa hay ) Thầy cũng làm những công đọan và thao tác như mọi khi. Cô Phụng vào muộn , vội vã bước vào lớp . Thầy trố mắt nhìn, chợt hiểu, không nói không rằng, đứng dậy ôm chồng bài giảng lom khom đi ra khỏi lớp. Cả lớp ôm bụng cười nghiêng ngưã…

Thật ra thì chúng tôi không phải cười thầy , chỉ cười cái tình huống xảy ra đột ngột rất mắc cười xảy ra  trước mắt.

Nhớ thì nhớ hết , thầy còn có cách chào nhau trong trường rất vui. Mỗi khi thầy bước vô văn phòng , khi bước lên thềm cao , nhìn thấy những giáo sư có tuổi, hoặc bác tùy phái, bác giám thị già thì thầy chùn người xuống ( thầy vốn ốm cao ) vỗ mông người đối diện vài cái . Đáp lại , bác tùy phái hoặc giáo sư chí cốt cũng khom thấp xuống vổ lại vào mông thầy bồm bộp vài cái, coi như chào buổi sáng .

Chúng tôi có dịp ngồi ở văn phòng ( phụ làm sổ điểm ) chứng kiến cách chào hỏi này rất thích thú và mắc cười, nói với nhau : Cách chào của bạn già…

2- Thầy cô lớp đệ Lục.

Khi chúng tôi lên học đệ lục được chừng hơn tháng thì có quyết định của Bộ Giáo  dục sửa đổi lại tên các lớp học phổ thông ( được tính từ lớp 6 đến lớp 12). Năm qua chúng tôi học lớp đệ Thất 4 ghi ở tập vở, cặp sách số 74, sửa lại kiểu nầy chúng tôi ghi 74 một lần nữa – như học sinh ở lại lớp )

* Thầy dạy môn Anh Văn.

Năm nầy chúng tôi học Anh Văn do thầy Bùi Trực Thẩm giảng dạy. Thầy là giáo sư của trường  Tống Phước Hiệp vào, có lẽ sắp nghỉ hưu . Cử chĩ của thầy khoan thai , chậm chạp nhưng không kém phần lịch lãm, đẹp lão. Nhà thầy ở con hẻm nhỏ phía sau nhà bác sĩ Thiệt ( ngã tư siêu thị ngày nay ) Hôm nào dạy ở Nguyễn Thông , sáng,  thầy đạp xe  đạp nhôm trắng ra cua chỗ ngã tư rồi quẹo về phía Cầu Lộ , đến ngã tư Quốc tế ( từ nầy thầy hay dùng ) dưới dốc  Cầu Lộ , chỗ vào rạp hát Lê Thanh , thầy dẫn bộ xe sang đường ( dưới dốc cầu có nhiều xe đổ xuống ) rồi chạy vòng qua miếu Bảy Bà  đi vào trường .

Đến giờ giảng dạy thầy hay từ văn phòng đến lớp muộn một chút . Trong lúc nầy thì ở trong lớp có vài ba anh ngân nga hát: “ Thăm thẳm chiều trôi , khuya nay anh đi rồi …” Có khi mãi mê hát , thầy đến lớp vẫn còn có anh nghêu ngao , thầy đứng sau lưng nhéo lổ tai vài cái ; nhưng mấy anh ranh ma nào đâu có chừa, thỉnh thỏang cũng bị nhéo tai.

Nhớ có lần , như qui ước khi thầy điểm danh ( thầy điểm danh theo tên trong sổ cái ) nếu có mặt thì hô lớn “ here” ( không qui ước vắng ) . Hôm ấy có một bạn vắng , anh ngồi kế bên nhanh miệng  sáng tác “ nô here ”

Thầy đỏ mặt lên, nổi quạu quát: – Ai đó, thằng nào đó! Cái đồ ba xàm…Cái đồ…Rồi như cảm thấy mình cũng có lỗi, thầy cười một mình…

Nhiều lúc dạy chúng tôi học dốt quá , thầy nổi quạu quát tháo ầm ĩ lên :

– Cái gì mà lạ đời. Đây với kia ( ý nói Trường Tống Phước Hiệp) chỉ cách nhau có mấy trăm mét mà học hành như một trời một vực !

Thật ra có gì đâu mà kỳ, học sinh TPH coi như cá đã vượt vũ môn, còn học sinh ở đây thì đủ mọi trình độ trong lớp ( chỉ ngoại trừ một số ít khá giỏi bị sơ xuất gì đó trong kỳ thi tuyển vào trường công)

  1. Thầy cô dạy lớp Tám:

Kể từ năm học nầy về sau , ngày khai giảng của trường là ngày 2/8. Hai năm trước khai trường muộn vì bị ảnh hưởng đợt nghỉ kéo dài sau tết Mậu Thân 1968.

Năm học nầy có hai thầy đã để lại trong tôi những chuyện vui.

*Môn Quốc Văn:

Thầy dạy chúng tôi môn văn là thầy Trí Đức_giáo sư từ Tống Phước Hiệp vào. Nghe nói thầy có bằng Triết Học Tây phương và cả Đông Phương. Người thầy hơi gầy, miệng móm, hớt tóc cao, đôi mắt sáng quắc. Vào học ngay buổi đầu tiên thầy bảo với chúng tôi đại ý các em học văn yếu quá. Không biết chấm câu khi làm văn .Do đó từ hôm nay chúng ta luyện tập chấm câu.. Và từ hôm ấy trở đi, đến giờ thầy, kim văn cổ văn gì cũng không kể, chúng tôi chỉ biết nghe thầy đọc, chép vào tập nháp , rồi dùng bút đỏ chấm câu lại cho đúng ( theo ý mình)

Đáng lẽ năm lớp Tám chúng tôi học tác phẩm chủ lực là Lục Vân Tiên nhưng mãi lo chấm câu Vân Tiên và Nguyệt Nga đã buồn đi mất.( Ngày nay có lẽ không ai dám”nhận lớp” kiểu này đâu!)

Nhớ một hôm, thầy đọc cho chúng tôi chép “ Anh phải sống”. Đến đoạn  người vợ sắp buông chồng  ra tìm cái chết để nhường lại sức sống cho chồng..”Rồi một tay xốc vợ, một tay bơi, vợ mĩm cừơi âu yếm nhìn chồng..”. Thầy bổng cười lên ha hả: – Chết đến nơi mà còn âu yếm cái nỗi gì! Cả lớp cùng cười theo.

Đến khi lên các lớp trên, có dịp đọc lại ” Anh phải sống” tôi thấy Nhất Linh và Khái Hưng viết thế bởi họ có cái lý lẽ riêng của mình.

Thế rồi thời khóa biểu (TKB) của lớp thay đổi, người dạy thay đổi theo. Thầy Đức chia tay với lớp. Nếu TKB không đổi chúng tôi không biết việc “ chấm câu” sẽ diễn biến đến bao giờ.

*Thầy dạy môn Vạn Vật:
Thầy Nguyễn Văn Ninh dạy chúng tôi môn Vạn Vật năm học nầy. Thầy là cựu Hiệu trưởng của trường, lớn tuổi, tóc bạc trắng, phong thái dễ gần. Đến kỳ thi đệ nhất bán niên thầy tổ chức cách làm bài khác các môn học còn lại. Thầy cho 40 câu hỏi ngắn, mỗi học sinh bắt thăm 4 câu hỏi và ngồi làm bài lần lượt mỗi bận 6 bạn, trước mặt thầy, thời gian 15 phút. Lớp đông (80 bạn) nên thầy phải cho thi trước nhiều tuần . Thấy thầy có tuổi , châm chạp các anh ranh ma trong lớp toan tính “ dở trò”. Không học hết 40 câu, chỉ học 5 – 6 câu gì thôi.

Khi bắt thăm làm bài, bất cứ được số mấy, các anh chàng nầy đều ghi số câu mà mình đã học thuộc để làm.

Qua vài đợt, thầy phát hiện, rầy cho mấy câu, hủy bài bắt làm lại. Thầy đổi cách bốc thăm, cho học sinh bốc thăm nhưng khi ghi vào giấy thi số ấy do thầy ghi. Nhưng cũng chỉ vài đợt thầy phát hiện gian lận nữa. Bọn nhóc đổi giấy thi khác.( Ngày đó giấy thi không in sẳn_ do HS kẻ trên giấy caro) Nhại nét ghi của thầy ghi số câu mình học thuộc . Thầy phát hiện khi số đó  không giống nét ghi của mình.

Bực mình vì làm mọi cách đều bị đám nhóc “ phá hoại”. Thầy dùng bút bơm mực để ghi số. Màu mực rất độc đáo, vừa có màu xanh dương pha tim tím, nghiêng nghiêng lại thấy cả màu xanh lá cây ngời ngời.. Thôi rồi, thế là hết mong dỡ mánh. Các anh còn lại đầu hàng.

Mà thầy cũng dễ, phát hiện “kẻ gian” thầy chỉ rầy rà đôi câu rồi bắt phải làm lại   “ nghiêm túc”.

IMG_3845

  1. Thầy cô dạy lớp Chín…
  2. Thầy cô dạy lớp Mười…

Năm lớp Mười chúng tôi học sinh ngữ 2 ( Pháp Văn ) với thầy Trịnh Văn Mười Hai, thầy là giáo sư của trường sư phạm Vĩnh Long dạy môn Quản Trị Học Đường. Phong cách và nhân dáng của thầy rất đẹp. Người cao lớn, da dẽ hồng hào, mũi cao mắt sáng. Những tuần lễ đầu học với thầy lớp không ngớt tiếng cười . Những lúc  thầy khôi hài thì giọng trở nên eo éo rất đặc biệt . Việc gì thầy cũng làm cho lớp vui được . Nghe nói vợ thầy bị bệnh trầm cảm nặng, và thầy chăm sóc vợ vô cùng chu đáo. Làm gì cũng pha trò để vợ vui , ổn định được tinh thần, Có lẽ vì luôn luôn khôi hài ở nhà nên riết thành quen . Lúc nào thầy cũng như chực chờ để làm vui mọi người

Có lần dạy từ chìa khóa cle ( có dấu sắc ) viết từ vựng  trên bảng xong, thầy lục giỏ xách rất nặng ( xách vào lúc đầu giờ không ai biết để gì trong đó) đem hàng chục chùm chìa khóa để kín cả bàn giáo sư, cả lớp cười ngẩn ngơ, chẳng biết thầy tìm đâu ra nhiều như vậy.

Dạy đến từ cái eo, thầy nắn nót vẽ lên bảng người phụ nữ có cái eo thon rồi giả bộ tướng đi yểu điệu  khoe cái eo của thầy. Dạy từ lông mi , thầy vẽ cái hộp lông mi giả bày  bán ngoài chợ rồi giã bộ đứng trước bàn trang điểm phết keo, nhướng mắt để dán lông mi, xong còn chớp chớp làm duyên , cả lớp cười rần thích thú.

Có một lần đến lớp , thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống cuối lớp , thấy môt dải bàn trống ngổn ngang nón lá, thầy lật đật đi xuống và nói to:

– Tôi bảo các chị  đừng có chồng mà  chẳng ai chịu nghe ! Các cô gái còn đang ngơ ngác thì thầy xuống cầm từng cái nón lá treo lên trên vách có hàng đinh đóng sẳn. Thầy phủi tay đi lên , các cô gái lè lưỡi, cả lớp cười rộ…Việc treo lại nón , đi nhiều lớp thầy đều nói và làm như vậy.

Đang giảng bài nếu nghe cuối lớp ồn ào , thầy lim dim mắt chỉ tay về phía dưới nói vừa đủ nghe : – Làm cái gì các bạn rù rì ở dưới kia ?…Khi dạy đến những câu, những  từ cần gạch dưới thì lớp hay lộn xộn, mượn thước, mượn bút , lấy hộp bút làm thước , có bạn kê tập vào mép bàn để gạch . Thầy cười nói :

– Ngộ thiệt , mỗi lần tôi cho gạch dưới , tôi để ý có chị lom khom xuống bàn , tưởng làm gì  trời ơi, lấy chiếc guốc lên kê gạch hàng!… Bị phê bình kiểu đó, mấy chị trong lớp không dám ẩu tả nửa!

Học những tuần đầu chưa quen , chúng tôi cứ liên tục cười bởi thầy nói thầy làm nhiều việc buồn cười quá . Dần dần chúng tôi bớt cười ( bớt thôi ) Qua một năm giảng dạy của thầy có biết bao nhiêu là tình huống để làm cho chúng tôi cười , đến giờ không thể nào nhớ hết … Phải nói học thầy mới thật sự “ Mỗi ngày đến trường là một niềm vui ”

Năm 1974, được phân công gác thi ở Sư phạm Qui Nhơn thầy bị tử nạn vì máy bay rơi, để lại trong lòng chúng tôi nhiều thương tiếc và kính trọng .    ( còn tiếp )

Mùa khai trường của THBC Nguyễn Thông xưa

Cầu Mới 1. 8 .2016

NGUYỄN GƯƠNG

 

 

Có 4 bình luận về THÁNG NGÀY TƯƠI ĐẸP

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Tuổi này ai cũng nhớ về ngày tháng cũ, cũng hoài niệm một thời.

    Những kỷ niệm ngày thơ của bạn Nguyễn Gương đầy ắp tiếng cười vô tư trong trẻo.

    Cũng có thoáng nỗi ngậm ngùi.

  2. Thu Cúc nói:

    Những kỷ niệm tuổi thơ ,,tuổi học trò của anh Nguyễn Gương thât hay , thât dễ thương . ” Hồi  đó” sao mà đáng nhớ quá đi .! Giọng văn của anh thật dí  dỏm ,trẻ trung & hồn nhiên .Đúng là luôn có một đứa trẻ trong tâm hồn của một người lớn . Đọc hồi ức tuổi học trò của anh , tôi cũng thấy tâm hồn mình như trẻ lai .Anh nhớ về hình ảnh thầy cô dạy từng câp lớp với đặc điểm của từng người . Trí nhớ anh thật tuyệt vời .!

  3. My Nguyen nói:

    Anh Nguyễn Gương thân mến! Bài viết của anh thật hay và thật vui với nhiều cảm xúc của tuổi học trò. Trí nhớ  anh thật tốt, từng chi tiết, đặc điểm của một số thầy cô đã được  anh ghi lại rất tỉ mỉ và dí dỏm. Đọc bài viết này, MN như sống lại thời học sinh TPH với hình ảnh quen thuộc của cô Phụng, thầy Nên, thầy Tôn…Đặc biệt là thầy Trịnh Văn Mười Hai dạy Pháp văn và Quản trị Học đường ở SPVL. Thầy có lối kể chuyện thật vui và hấp dẫn, kết hợp hình ảnh và điệu bộ. Một năm SP, câu chuyện Thằng Gù Ở Nhà Thờ Đức Bà được thầy kể để rút ra từ cần học. Câu chuyện Thằng Gù chưa xong thì thầy đã tử nạn máy bay rồi. Hồi ấy, nhóm con gái thì khóc thương Thầy, nhóm con trai thì quay đi im lặng…Sau này đi dạy, qua mấy lần cải cách giáo dục, MN mới nhớ lại thầy Mười Hai đã đổi mới phương pháp dạy học từ rất sớm…

    Cảm ơn anh Nguyễn Gương về một bài viết thật hay. Chúc anh luôn vui khỏe.

  4. Nguyễn Gương nói:

    Nhìn những người cao tuổi không còn nhớ gì cả tôi rất sợ. Sợ ngày nào đó tới mình…Vì vậy viết về  chuyện hồi đó cũng để luyện trí nhớ. Xin cảm ơn sự đồng cảm và chia sẻ của hai chị Phần hai sẽ viết tốt hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác