Ông Địa của tôi

Ngày đăng: 24/05/2016 01:00:20 Chiều/ ý kiến phản hồi (9)

Tôi vốn sinh trưởng trong một gia đình Nho Giáo lấy Đạo Khổng làm căn bản, rất kính trọng Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, không mê tín dị đoan, nhưng oái oăm thay từ khi tuổi đã cao  tôi lại tin có một vị “Thần hộ mạng” luôn luôn ở bên cạnh để che chở tôi. Vị thần hộ mạng này không ai khác hơn là “Ông Địa”, một vị thần rất quen thuộc mà không người dân miền Nam nào mà không biết đến. Ông Địa mà người miền Bắc thường gọi là Phật Di Lặc đã nằm sâu trong tâm trí của người Việt Nam, nét mặt tươi vui, mập mạp, bụng phệ, ai có việc gì khó khăn cũng cầu khẩn đến sự trợ giúp của ông Địa, “vái ông Địa ” để rồi khi mọi việc hanh thông thường trả ơn bằng hoa quả được đặt trên bàn thờ của ông.Tôi cũng vậy, lần nào cầu khẩn tôi cũng được ông phù hộ nên nhiều lúc tôi có cảm tưởng là ông Địa đã thiên vị tôi, vì vậy tôi tin tưởng tuyệt đối vào ông, có thể tôi đã già, hơi lẩm cẩm nên có ý tưởng vậy chăng. Tôi thường cầu xin ông cho tất cả con, cháu, chắt của đại gia đình được mạnh khoẻ, an bình. Riêng tôi xin ông giúp cho trí óc được minh mẫn đến cuối đời. Đặc biệt rất nhiều lần van vái ông khi tôi và các con, các cháu bị mất mát các vật dụng mà tìm mãi không ra chẳng hạn như chìa khoá, kính đeo mắt, giấy tờ tuỳ thân v.v…, lần nào cũng nhờ ông mà kiếm được một cách dễ dàng, nhiều lúc dường như “hoang tưởng”, nhưng lại là sự thật, không tin không được.

Screenshot

                                               Hình 1 : Ông Địa

Các cháu nội, ngoại của tôi đều sinh ra tại Úc và hấp thụ văn hoá Tây Phương nhưng trước những kết quả mà các cháu đã chứng kiến tận mắt đã tin vào ông Địa không khác gì bà của các cháu. Các cháu thường thủ thỉ, bà ơi, bà cầu dùm “cái ông gì của bà cho cháu….”  mỗi khi cháu đi thi hoặc đi xin việc, hoặc có chuyện gì khó khăn. Mọi việc của các cháu hạnh thông nhưng bà lỗ vốn vì bà phải mua hoa quả để tạ ơn ông Địa.

Thính thị của tôi càng ngày càng giảm đi nhiều, có máy trợ thính nhưng tôi ngại đeo nên khoảng thời gian sau này tôi ít tham dự vào các cuộc chuyện trò của các con, các con phải nói thật to thì tôi mới nghe chữ được, chữ không.

Con rể tôi là H, làm việc trong một công ty sản xuất máy điếc của Thuỵ Sỹ rất nổi tiếng, thường năn nỉ tôi chịu khó dùng máy. Dù rằng trước đó tôi đã phản đối đến cùng vì tôi không còn muốn đeo máy nhưng cách đây mấy hôm H đã đem về tặng tôi một cặp máy mới, tân tiến nhất, hình dạng rất nhỏ để dễ gắn vào tai, chiều dài khoảng 6cm, bề ngang khoảng 2cm và khi đeo người ngoài không thể thấy được.

image2 (1)Hình 2  (theo chiều kim đồng hồ) :  Hộp đựng máy mới – Cặp máy mới trong hộp – Hộp trống – Pin dùng cho máy – Máy nhỏ một bên tai

Thương cảm tấm lòng của rể quý, tôi miễn cưỡng đeo thử vào và huyền diệu thay, tôi nghe rõ được từng chữ, từng âm thanh một, rất trong vì không có những âm thanh phụ rè rè như những máy trước.

Tôi vui mà con rể cũng như con ruột đều vui, theo H thì tôi chỉ cần đeo một tai cũng đủ để nghe rõ. Sáng hôm sau tôi đeo máy, ra ngồi ăn sáng và nói chuyện vui vẻ với các con suốt ngày như thuở xưa. Tối đến, trước khi đi ngủ, tôi cẩn thận cất máy vào hộp đặc biệt dành cho máy và bỏ trong ngăn kéo của bàn ngủ để cạnh giường.

Sáng hôm sau thức dậy, việc đầu tiên của tôi là mở hộp ra để lấy máy đeo vào tai nhưng ô hay, hai cái máy để đeo vào hai tai mà tối hôm trước tôi cẩn thận cất vào đã biến đi đâu mất. Làm sao có thể thế được, hay là tối qua tôi đã làm rơi mà tôi không biết. Tôi phải kiếm cho được, lục ngăn kéo bàn ngủ, rũ giường, rũ drap, quét thật kỹ cả phòng nhưng cũng không thấy tăm hơi của chiếc máy điếc mà tối qua tôi đã cất cẩn thận trong hộp. Vừa buồn, vừa lo vì để mất món quà con rể tặng với bao thương yêu.

Miệng lầm thầm khấn ông Địa trong khi tay thì mở hộp máy điếc ra xem lại, loay hoay lật đi, lật lại nhiều lần, thình lình lật ngược được miếng nhựa trong hộp thì thấy chiếc máy điếc của tôi nằm ngay ở đáy hộp. Vui mừng khôn xiết, tôi cám ơn ông Địa thật nhiều đã giúp cho “châu về hiệp phố”.

Niềm vui của tôi tưởng đã trọn vẹn, nào ngờ ông Địa còn muốn trêu tôi. Vì đã có cặp máy mới nên tôi đem cặp máy cũ ra lau chùi cẩn thận, dự định sẽ đưa lại để con rể giữ dùm, phòng khi sau này trong nhà có người cần đến. Bỏ vào túi nylon nhỏ và cất cùng với cặp máy mới.

image3 (1)                     Hình 3 :   Cặp máy cũ đựng trong túi nylon

Cả buổi sáng loay hoay, sau khi tìm được cặp máy mới, ngó lại cặp máy cũ thì trong túi nylon chỉ còn có một chiếc, chiếc kia không cánh mà bay!!! Lại lục lọi, quét dọn, rũ giường, rũ drap một lần nữa nhưng vẫn không thấy, nhớ sực lại là sau khi kiếm bộ máy mới có quét phòng và đã đổ rác vào thùng, không hiểu chiếc máy cũ có lẫn vào rác hay không. Tội nghiệp cho Hồng-Khanh và Ninh phải đem thùng rác đổ ngoài sân và bơi kiếm từng chút mà không tìm thấy. Mệt mỏi và chán nản nên tôi định bụng sẽ không tìm kiếm nữa.

Một ngày trôi qua, sáng thức dậy lại nhớ đến chuyện mất máy điếc, vừa gấp mền vừa khấn ông Địa, bỗng nhiên mắt tôi sáng rỡ khi nhìn thấy chiếc máy nằm cheo leo ở cuối giường phía bên phải. Mừng quá tôi chộp nhanh chiếc máy và đem ra khoe với Hồng-Khanh. Cả hai mẹ con đều vui ! Chuyện quả là khó tin nhưng có thật, trí óc tôi còn rất minh mẫn, nhớ nằm lòng số phone cũng như số nhà của các con, cất đặt gì cũng nhớ chỗ để lấy nên việc mất máy điếc mới cũng như máy cũ thật là một chuyện hi hữu, không biết vì duyên cớ gì chứ nhất quyết không phải vì sự lú lẫn của tuổi già: bỏ chỗ này, nhớ chỗ kia.

Hôm nay trong người thấy thư thái nên viết bài này để mọi người đọc cho vui và mừng cho bà già trên chín chục còn minh mẫn, kể chuyện vui cho con cháu đọc. Cám ơn H đã tặng mẹ món quà với tấm lòng thành và tình thương mến của con dành cho mẹ.

 Bà Thân Thị Khánh

( tháng 05/ 2016 )

IMG_1861Hôm qua mất máy sau khi vái ông Địa đả tìm lại được và đả giử lời hứa nên mua trái cây về tạ ơn Ông .

 

Có 9 bình luận về Ông Địa của tôi

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Thưa bà ! Mấy hôm nay, lu bu việc công, tư, trong người không được khỏe, đi khám ở bệnh viện gần nhà. Uống thuốc theo toa, chiều nay, thấy khỏe lại. Mở trang nhà, đọc được bài viết của bà, con càng vui hơn. Con thì chưa đến tuổi phải đặt máy trợ thính, vì đang ở tuổi ngấp nghé 70 thôi, nhưng mắt thì lúc con còn đi dạy là 3,75 độ. Nhưng lạ thay, từ hôm nghỉ hưu đến nay, con bỏ kính ra lúc nào không nhớ, giờ thì mắt bình thường, đọc trang nhà, không phải đeo kính. Trở lại trang nhà của tụi con, thưa bà ! trang nhà cũng có 1 ông địa ( hội đủ điều kiện như bà mô tả ), nhưng ông nầy chỉ ăn đồ mặn, ít khi ăn hoa, quả. Nhưng đồ mặn thì tụi con mời chứ không phải cúng, mà ông địa nầy, không thiêng như bà trình bày trong bài viết đâu. Đó là Lương Minh !

     

     

  2. Phan Lương nói:

    Hi hi

    Bà ơi Ông Địa của Bà thật là linh hiển.Con vhúc mừng Bà đã tìm được máy nghe nhanh nhờ sự linh ứng của ông Địa

    Bà ơi con Phương Lan rất ngưỡng mộ sự minh mẫn của Bà .Con kính chúc Bà luôn sống vui ,sống khỏe bên con cháu Bà nhé

    Con cũng giống Bà lắm. Mỗi khi bị lạc mất đồ con thường vái ông Địa tìm giúp con ,con cúng ông Địa nải chuối.Vậy là chỉ lát sau tìm gặp ngay .Ông Địa linh lắm Bà nhỉ?

    Cách đây 3năm con bị mất cặp kính đeo mắt ,tìm ko gặp con vái ông Địa quá trời.Cuối cùng ông vũng chỉ giúp con.Tình cờ con qua nhà hàng xóm chơi,thấy cô bạn láng giềng đeo cặp kính ,con đã nhận ra ngay cặp kính mình bị mất ,vì đó là cặp kính con mang hằng ngày lúc đi dạy nên chỉ nhìn thoáng cũng đủ nhận ra cặp kính của mình.Nhưng cũng hỉa vờ khen  cặp kính đẹp và mượn ướm thửv quả ko sai mà ! Nhưng ko thể đòi lại được vì mịnh ko bắt gặp họ lấy nên xù luôn.

    Ông Địa linh quá bà nhỉ

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thưa Bà,

    Con ngưỡng mộ Bà quá chừng.

    Bà viết hay, dí dỏm lắm Bà ạ!

    Con kính chúc Bà luôn vui khoẻ,

    viết đều tay.

    Cháu NT Hạnh ( học trò cô Hồng)

  4. Trương phú nói:

    Kính thưa bà, sau hai lần bà khấn ông Địa, là hai lần tìm lại được, còn riêng phần con có thờ  ông Địa nhưng không bao giờ khấn cả. Con mất đủ thứ mà chẳng bao giờ khấn vì thờ thì có mà gặp chuyện lại không nhớ ông Địa, mà nếu có nhớ chắc là con cũng không dám khấn tìm lại, vì nếu tìm được, do ông Địa độ chắc là con khổ lắm ạ! Kính sức khỏe bà.

  5. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay , vui ,,Con Hoành Châu kính   chúc Bà mãi  hạnh phúc bên đàn con , cháu , chắt .          Hoành Châu (Gia đình C  )

  6. My Nguyen nói:

    Bà ơi! Câu chuyện của Bà hay lắm. Ngoài chín mươi mà Bà vẫn còn minh mẫn để viết thế này, quả thật là tài, con vô cùng ngưỡng mộ. Con thì khác anh Trương Phú, không thờ ông Địa nhưng luôn khấn ông Địa khi bị lạc mất đồ, thiêng lắm Bà ạ! Vậy thì ông Địa ở khắp mọi nơi phải không Bà? Con kính chúc Bà luôn minh mẫn và vui khỏe.

  7. Thân Thi Khánh nói:

    Cám ơn tất cả các cháu đả đọc bài viết của bà và dành cho bà bao nhiêu ưu ái,củng nhờ có Trang Nhà mà bà cháu mình tuy chưa được gặp nhau nhưng được giao lưu với nhau qua nhửng phản hồi thật dể thương làm bà xúc động không ít.Bà không thờ ông Địa ,mổi khi có chuyện cần nhờ Ông giúp mới van vái kêu gọi sự giúp đở của Ông và hình dung hình ảnh của Ông trong trí óc tưởng tượng của bà,rồi thì không biết có sự hiển linh của Ông không mà bao giờ bà củng được toại nguyện ,có khi rất mau chỉ trong nháy mắt,khi nào chậm bà lại làm mặt giận lẩm bẩm trách Ông,lần nào sau khi được Ông phù hộ bà củng mua hoa quả trái cây như một nải chuối xiêm đen thật to và đẹp thứ nầy ở Úc rất hiếm và rất đắt  và các cây trái đặc biệt xếp vào một cái khay tròn thật lớn  đặt giửa bàn và thắp nhang lạy tạ .Lại sắp đến ngày Các cháu tổ chức ăn mừng năm thứ tư ngày thành lập Trang nhà ,tiện đây bà mến chúc ngày hội họp đầy đủ các cháu học trò củ của cô HK cùng các thân hửu bạn bè , các vị tác giả củng như độc giả của Trang Nhà một ngày hội ngộ vô cùng đặc biệt,thưởng thức nhửng món ăn rất ngon  chụp nhiều hình kỷ niệm để lúc chia tay còn nhớ mải khó quên.Một lần nửa chúc Trang Nhà càng ngày càng phát triển mạnh,nhiều bài viết hay để hàng ngày bà được truy cập vài ba lần,bà rất cám ơn.

    Bà Thân thị Khánh (sydney)

  8. vothilai nói:

    Đúng lắm Bà ơi ! con cũng từng  như bà mất đồ lặt vặt vái ông Địa là tìm được ngay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác