Thờ Chồng (6)
Tháng 8 năm 1983. Hai năm rưỡi trôi qua trên gia đình bà Mười sau ngày Hai Hậu mất.
Một buổi chiều nắng ngã bóng trên sân nhà Hai Trà Nóc. Dưới tán cây mận, bà Mười trải manh đệm cho hai đứa cháu nội ngồi chơi trò mua bán ‘nhà chòi’. Năm đó Bé Như Thuỷ được 8 tuổi, tháng Chín sắp đến là nó lên học lớp ba. Cô chị rành rẽ đóng vai người bán hàng với các vật dụng chuyên dùng được thay thế và thu nhỏ. Vai khách quen thường lệ là thằng bé Hậu Thành vừa mừng sinh nhật 2 tuổi hôm tháng Năm. Hậu Thành càng lớn càng có thêm nét giống Hai Hậu, người cha mà nó chưa từng biết mặt. Ngồi trên chiếc võng dưới hiên nhà, bà Mười trông chừng hai cháu chơi trong vuông rào tre, vừa nghe cổ nhạc từ chiếc radio nhỏ. Sau bếp, Như Ngọc nấu sắp xong bữa cơm chiều. Cô ấy đang ngồi trên cái sàn lãng rửa mớ cải cho nồi canh nấu với mớ tép bạc tươi soi sói lúc mới mua từ ghe trải đáy gần khúc sông trước nhà.
Con bé Như Thuỷ ngồi chơi chăm chỉ với đứa em trai nhỏ. Mỗi lần nghe tiếng máy tàu từ xa vọng đến, nó nhìn xuống dòng sông và chỉ quay lại gian hàng của nó khi rõ ra không phải chiếc tàu mà nó đang mong đợi.
Bà Mười thấy thái độ của đứa cháu nội, bà an ủi:
– Chắc chú Thuận của con ghé Trà Ôn đậu nghỉ chờ nước lớn để về xuôi nước. Nội biết chú ấy không xách ghe chạy nước ngược làm chi cho hao dầu. Nội thấy nước ròng mới yếu chảy chỗ sông mình, giờ nầy nước ngoài vàm Trà Ôn bắt đầu chảy vô. Lát nữa chú về tới chớ gì, con lóng nhóng làm gì. Con dọn dẹp đồ chơi để chuẩn bị vô ăn cơm.
Lúc đó thì “mẹ con Thuỷ”, theo như thói quen bà Mười gọi con dâu sau ngày Hai Hậu mất, cô ấy bước ra thưa bà vào ăn cơm và dẫn hai đứa nhỏ đi vòng ra sau rửa tay rửa mặt. Người goá phụ 28 tuổi không thể dấu nét đẹp mặn mà hơn những ngày mới lớn trong vòng tay cha mẹ. Dù theo chồng về sống nơi quê mùa nầy, nắng táp mưa sa cũng không thể nhạt phai nét diễm kiều thiên phú. Giữa bữa cơm thì có tiếng máy tàu ngừng dưới bến, con bé Như Thuỷ buông đũa chạy ra sân đứng vịn nan tre hàng rào, nó quay vô reo vui:
– Chú Thuận về mẹ ơi!
Đã quen những câu tương tự như vậy từ miệng đứa con gái nhỏ, Như Ngọc cũng cảm thấy thẹn thùng trước mặt má chồng, dù bà Mười chưa bao giờ rầy rà hay khó chịu về những bộc lộ tình cảm vô tư như thế.
– Con trở vô ăn cơm cho xong, hay bé Thuỷ muốn mẹ con cho vài roi.
Bà Mười miệng rầy cháu cho có chuyện nói vậy thôi. Chứ tâm tư không thể buông ra nỗi ám ảnh ghê gớm hơn cả hai điều tử biệt trong đời bà. Là điều mà những người thương nhau như bà và ba mẹ con nó, bỗng nhiên một ngày phải chấp nhận cảnh chia ly.
xox
Bà Mười không thể quên cái đêm mà hai bác Bảy Đâu gõ cửa nói rằng Hai Hậu xảy ra chuyện. Ngay lúc đó và những ngày kế tiếp, bà Mười muốn đi theo chồng con để không còn biết gì là đau khổ. Nhưng một bữa tĩnh trí dịu lòng, bà nhìn con dâu chân yếu tay mềm đang có mang 6 tháng, nhìn đứa cháu nội gái kháu khỉnh mà cả xóm đều khen. Bà nghĩ đến đứa con trai hiếu thảo đâu muốn lìa xa bà và vợ con của nó. Nếu bà không thể chấp nhận khổ đau, ích kỷ chọn con đường phủi chuyện trần gian. Rồi ai sẽ lo cho tụi nó. Bà Mười hiểu ra trách nhiệm và nhất quyết không được nằm vùi cho dù sau nầy bà có ốm đau bệnh hoạn. Niềm hy vọng của bà là sống đến cuối đời trong tình thương của con dâu và cháu nội.
Mỗi ngày nhìn con sông Trà Ngoa chảy vô ra hai buổi lớn ròng. Bà Mười chạnh nghĩ thiên nhiên xoay dần chuyển đổi, thì liệu lòng người có giữ mãi sắt son. Người ta thường ví mỗi lần sanh con như vượt cạn. Nhưng vuợt qua khó khăn thì người sản phụ có chồng hay không, vẫn còn núm ruột thương yêu để làm nguồn sống. Còn bà goá phụ đau khổ tận cùng và cô đơn nầy đâu còn con ruột. Bà chỉ nắm một đầu dây tình thương, luôn lo âu cho cái gạch nối mong manh ấy. Điều de doạ hạnh phúc của bà Mười không chỉ đến từ một phía.
Sau đám tang chồng khoảng non tháng. Như Ngọc gởi thơ về gia đình cô ở ngoài Quảng Trị báo hung tin. Chừng 2 tháng sau, má và em trai của Như Ngọc theo lời thơ mà tìm đến tận nhà và xin phép bà Mười được ở lại giúp con sinh nở. Một buổi trưa có chuyện cần lên xóm trên, bà Mười đi tắt đường vườn về nhà từ phía sau. Lúc đi ngang hông nhà để vòng ra cửa trước, bà tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của ba mẹ con Như Ngọc có liên quan đến niềm hạnh phúc cuối cùng của bà:
– Ngọc à, chồng con chẳng may vắn số, má và các em hay tin khóc ròng suốt mấy ngày. Tội nghiệp cho con rể hiền lương chưa biết quê cha mẹ vợ ở đâu. Nơi vườn quê nầy làm sao con sống nổi mà nuôi hai đứa con thơ. Không phải bây giờ thấy cảnh quê nầy mà mẹ chê nghèo khó. Trước khi vô đây, mẹ và các em con tính toán an bày xong chỗ nơi ngoài đó. Em gái và em rể của con nhờ chiếc vòng tay 2 chỉ vàng con tặng ở Cần Thơ mà làm ăn khắm khá. Tụi nó đang mở quán ăn ngay ga Đông Hà, thu nhập hàng ngày coi như cả gia đình mình tạm sống. Trong lá thơ gởi riêng con, em gái thiết tha kêu chị Như Ngọc về nhà ngồi chơi trông con để nó đi làm nuôi chị. Cậu Út nầy bây giờ là công nhân xây dựng, chắc không để cháu mình chết đói. Con về ngoài đó phụ giúp hai em buôn bán bận bịu mà quên rầu buồn, má ở nhà trông cháu. Má muốn hỏi ý con và chờ con sinh xong chừng mươi bữa, để ngỏ lời xin chị Mười cho phép rước con và hai cháu ngoại về ngoài đó, dù sao cũng là phố huyện chợ búa tiện lợi đông vui.
– Má và cậu Út cũng biết rồi. Trước khi con ưng anh Hậu, bao nhiêu ông sĩ quan ngắm nghé ngỏ ý muốn cưới con, có ông tự giới thiệu là con chủ tiệm vàng ở bến Ninh Kiều. Lúc đó cậu Út nầy được người ta đưa đón đi chơi bằng xe du lịch, chắc hiểu chị mình không dễ gì mua chuộc. Con cảm ơn bố mẹ đã chiều ý cho con lấy anh Hậu. Nay anh Hậu vắn số mất đi, con cũng không hối hận đã làm vợ anh ấy. Con mong mẹ tiếp tục rộng lượng cho phép con ở lại nơi đây, để hai người goá bụa nương nhau sống qua ngày. Gia đình mình ngoài ấy có con có rể, mai mốt sẽ có dâu. Còn nơi đây, con ra đi thì nhà nầy còn lại gì. Ngay lúc nầy con không thể bỏ bà mẹ chồng luôn yêu thương con hơn con ruột. Khi nào con không còn chịu nổi, lúc đó mới cần các em giúp. Con mong mẹ và các em dấu kín ý định đó trong lòng, xem như gia đình mình đã làm xong đại phước.
Bà Mười ngồi sụm người trên đất, nín thở bên ngoài vách lá. Nghe đến đây, bà gượng đứng lên bước nhẹ ra sau vườn để trở ra con đường mòn phía trước nhà cho giống đi xóm mới về. Nỗi lo sợ của bà được những lời chân tình của đứa con dâu giải toả. Lòng bà mừng vui có thể ví như con trai bà được phép tiên sống lại.
(Còn tiếp)
Một Lúa
H
Thật là tình cảm, thật thủy chung, nhân nghĩa đề huề, lời văn hay, câu chuyện cũng hấp dẫn. Phải chi đây là một quyển tiểu thuyết là tui chém vội một hồi . Đừng nầy lâu lâu đọc một đoạn, tức gần chết.
Bà Mười cũng còn phần phước lớn , con dâu này trước sau như một ,, tốt quá ,,,CHỜ TIẾP TẬP SAU NHÉ Hoành Châu (Gia đình C )
Anh Một Lúa ơi, sức viết của anh thiệt là đáng nể . Lâu nay NT bận nhiều việc, mỗi khi vô trang nhà chỉ dám liếc nhanh . Chưa kịp đọc Thờ chồng 1 vì để dành đọc khi thư thả đã thấy xuất hiện Thờ chồng 2, rồi 3, 4, 5 và tiếp liền là 6 . Nhưng cũng nhờ vậy mà trưa nay có dịp đọc luôn một mạch, dứt không ra vì chuyện được kể quá cảm động, quá hấp dẫn … !
Mong sao có cái kết thiệt có hậu cho hai người phụ nữ đáng thương đáng quý của anh Hai Trà Nóc …
Bà Mười thật phúc đức có được người con dâu nhân hậu, thủy chung. Chờ xem phần tiếp theo về một cái kết có hậu. Nhưng trong chuyện này, thế nào là có hậu? Chúng ta có mong chờ một góa phụ 28 tuổi ở vậy thờ chồng? Thôi, để anh Một Lúa giải quyết vậy!
Bà Mười vốn đảm đang và chung thủy .Góa chồng tuổi mới hai mấy mà ở vậy ,tần tảo nuôi anh Hai Hậu đến thành gia ,lập thất.Bà luôn là tấm gướng sáng cho con dâu
Vì vậy vợ Hai Hậu đã ko làm Bà Mười thất vọng , chí thú làm ăn
Hy vọng cuộc đời sẽ đãi ngộ hai người phụ nữ này luôn gặp điều may mắn
Vì trang nhà có chút trục trặc, không thể trả lời cho mỗi cmt.
@Chị Hoa, hôm trước chị kêu mỗi tháng đăng 1 tập mà. hihi
@Hoành Hà, không đoán tình tiết cho dzui sao.
@Như Thuỳ, có thể có hậu, có thể không. hihi
@My Nguyen, đóng góp ý kiến xem sao.
@Phan Lương, bà Mười và Như Ngọc giống nhau cảnh ngộ nhưng khác thời đại